Thứ Ba, ngày 19/04/2022, 10:40

Tiên đề xây dựng học thuyết triết học của C.Mác và sự phù hợp của tiên đề đó trong phân tích những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hiện đại

PHẠM ANH HÙNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(GDLL) - Đối với một lý thuyết khoa học, tiên đề xuất phát có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến tính đúng đắn, tính khoa học của học thuyết. Bài viết đề xuất một phương pháp tiếp cận với yếu tố được xem là tiên đề của triết học C.Mác, qua đó khẳng định giá trị đúng đắn của triết học C.Mác trong phân tích những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Từ khóa: Chủ nghĩa tư bản hiện đại; tiên đề; tính khoa học của triết học; triết học C.Mác.

C.Mác (1818 - 1883) - lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. 

(Ảnh: https://dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Triết học và khoa học là hai bộ phận của ý thức xã hội, đều là sản phẩm của tư duy khái quát, trừu tượng của con người về thế giới, xã hội, về tinh thần, có vai trò định hướng cho hoạt động của con người. Học thuyết triết học của C.Mác được xây dựng dựa trên hệ thống các tiên đề xuất phát. Tiên đề xuất phát khẳng định tính đúng đắn, tính khoa học của học thuyết triết học của C.Mác và nó thể hiện sự phù hợp và tính bền vững của tiên đề trong phân tích những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

1. Tiên đề xuất phát của triết học C.Mác

Tiên đề là điều kiện cần thiết để xây dựng bất cứ một lý thuyết nào, có nghĩa gốc tiếng Latin là axíom (ἀξίωμα) với ý nghĩa “điều đó được cho là xứng đáng hoặc phù hợp” hoặc “tự coi mình là hiển nhiên”. Có sự khác biệt nhỏ về khái niệm tiên đề trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau nhưng về cơ bản, tiên đề được hiểu thống nhất: tiên đề là một tuyên bố hiển nhiên hoặc có cơ sở rõ ràng, đến mức nó được chấp nhận mà không cần tranh cãi hay thắc mắc, nó là điểm khởi đầu để thực hiện các thao tác tư duy, các suy lý trong xây dựng các khái niệm, các mối liên hệ giữa các khái niệm thành các định luật, định lý.

Học thuyết triết học của C.Mác được xây dựng dựa trên hệ thống các tiên đề xuất phát. Hệ thống lý thuyết triết học của C.Mác được hình thành trên cơ sở khái quát hóa những kinh nghiệm thực tiễn, những tri thức khoa học mà loài người đã đạt được. Lý thuyết triết học ấy là một hệ thống các tiên đề xuất phát, các nguyên lý, các khái niệm, phạm trù, quy luật được khái quát từ thành tựu của các khoa học và thực tiễn để phản ánh mối liên hệ mang tính bản chất, tìm ra các quy luật vận động nội tại tiềm ẩn trong khách thể nhận thức của con người.

Phương thức khái quát tư duy triết học của C.Mác là phản ánh những mối liên hệ, sự vận động và biến đổi chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy thông qua hệ thống những tiên đề xuất phát, những nguyên lý, những phạm trù, những quy luật.

2. Tính bền vững của tiên đề triết học của C.Mác trong chủ nghĩa tư bản hiện đại

Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác đã có ý tưởng xây dựng lý luận khoa học của mình dựa trên cơ sở tính bền vững của tiên đề xuất phát ở mọi nấc thang phát triển của lịch sử từ chủ nghĩa cộng sản (CNCS) nguyên thủy cho đến CNCS tương lai và kể cả sau CNCS tương lai nếu còn tồn tại xã hội con người. C.Mác viết: “Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống... Mọi khoa ghi chép lịch sử đều phải xuất phát từ những cơ sở tự nhiên ấy và những thay đổi của chúng do hoạt động của con người gây ra trong quá trình lịch sử”[1; tr 29]. Ông giải thích rõ ràng hơn về tiên đề xuất phát là cơ sở để xây dựng toàn bộ học thuyết triết học trong nhận định sau: “Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra. Như vậy, những tiền đề ấy là có thể kiểm nghiệm được bằng con đường kinh nghiệm thuần túy”[1; tr 28-29]. Hai đoạn trích trên đây được trích dẫn nhiều trong các nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế khi đề cập đến xuất phát điểm để phân tích lịch sử và xã hội của C.Mác. Tiên đề này của C.Mác đúng với mọi nấc thang tồn tại xã hội của con người trong lịch sử.

Phân tích xã hội, phân tích lịch sử ở bất cứ nấc thang nào cũng phải xuất phát từ chính xã hội đó, ở chính thời điểm lịch sử đó. Xã hội là một hình thức của các cộng đồng người và do vậy, tồn tại xã hội phải xuất phát từ sự tồn tại của con người, từ chính những hoạt động bình thường của con người, của cộng đồng xã hội và mạng lưới xã hội của xã hội đó. Trong hoạt động, con người có mối liên hệ với chính mình, với người khác và với thế giới xung quanh. Trong mối liên hệ với bên ngoài mình, con người nhận ra mình trong từng mối liên hệ. Vì vậy, con người là sản phẩm của tổng số những hoạt động sống của con người, là tổng hợp những thuộc tính, những nhân tố cấu thành con người thông qua những mối liên hệ với người khác và với thế giới hợp thành. C.Mác kết luận: “Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[1; tr.11]. Hoạt động của con người tác động vào thế giới khách quan đến đâu thì biến đổi thế giới đến đấy. Thế giới bao quanh con người đang tồn tại là thế giới đã qua bàn tay nhào nặn của con người, là hình ảnh chủ quan của con người. Con người tác động vào thế giới, biến đổi nó thông qua việc sử dụng trực tiếp các cơ quan cảm giác để nhào nặn và sáng tạo, biến đổi thế giới và biến đổi chính mình: “Phoi-ơ-bắc không hài lòng với tư duy trừu tượng, đã nhờ đến trực quan của cảm giác; nhưng ông không coi tính cảm giác là hoạt động thực tiễn của cảm giác con người”[1; tr. 11]. Giới tự nhiên thứ hai xung quanh con người nó là "thân thể vô cơ" gắn liền với tồn tại người, tham gia cùng con người trong các mối liên hệ xã hội với người khác. Trong Bản thảo kinh tế - triết học 1844, C.Mác đã thể hiện điều này trong phân tích sở hữu ruộng đất của lãnh chúa phong kiến: “Khoảnh đất hình như là thân thể vô cơ của chủ nó. Cho nên tục ngữ có câu: nulle terre sans maftre1*, câu này biểu hiện sự khăng khít giữa tầm lớn của người chủ với sở hữu ruộng đất”[2; tr.119]. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn giữa C.Mác với những nhà triết học, kinh tế học tiền bối trước ông khi vận dụng nhãn quan triết học, phân tích các vấn đề của lịch sử, xã hội theo tinh thần của khoa học tự nhiên. Như vậy, bản chất của con người thể hiện ra qua chính thế giới bên ngoài con người đã tác động và biến đổi nó cũng như chính những quan hệ xã hội gắn với con người trong quá trình con người hoạt động. Cải biến chính mình, cải biến công cụ lao động, cải biến xã hội chính là những tất yếu khách quan mà con người sẽ thực hiện ở bất cứ nấc thang phát triển nào trong lịch sử. Và chính từ tiên đề này, C.Mác đã xây dựng thành công quan điểm duy vật lịch sử (DVLS), phân tích thấu đáo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (PTSX TBCN) theo đúng như những gì khoa học tự nhiên, khoa học vật lý học phân tích về thế giới các sự vật vật lý.

3. Chủ nghĩa tư bản đương đại trong tiên đề của C.Mác

Trong thế giới đương đại hiện nay, những tiên đề xuất phát của C.Mác đối với thực tiễn xã hội tư bản hiện đại vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ nhất, xã hội ở bất cứ nấc thang nào cũng là kết quả, là sản phẩm của hoạt động hiện thực hóa của con người ở nấc thang đó tạo nên, chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện nay cũng vậy. Hoạt động hiện thực hóa của con người trong sản xuất của cải vật chất có tính chất như là một tiên đề vì trong thực tiễn của CNTB đương đại, kinh tế vẫn là nhân tố nổi trội, hình thức thống trị trong xã hội công nghiệp hiện đại. Không nhà triết học nào (kể cả các nhà triết học sau C.Mác) cung cấp cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về “chất xã hội” được kết tinh trong quá trình lịch sử về cấu trúc kinh tế của xã hội hiện đại. Quan điểm DVLS cho phép ông xây dựng hệ thống lý luận chung về xã hội cả trong lịch sử và cả tương lai của xã hội hiện đại[3]. Đây chính là sự khác biệt của cái mà các học giải phương Tây quan niệm “là nhà triết học quan tâm đến các vấn đề kinh tế và chính trị”[6]. Những phân tích của các nhà kinh tế tập trung vào những vấn đề tạo nên sức mạnh của một hệ thống kinh tế đang thịnh hành và đề xuất những cách thức để làm cho nó tốt hơn và không thấy được cái ẩn đằng sau những nhân tố đó chính là xã hội - là tính chủ thể của từng cá nhân con người, cái mà con người mang ra để gia nhập vào các cộng đồng người ở các cấp độ khác nhau. Đứng từ góc độ phương pháp luận, những khái quát về triết học, về xã hội công nghiệp hiện đại ngày nay đều không tránh khỏi những mối liên hệ với phương pháp luận tiếp cận của C.Mác. Sự tiếp cận xã hội công nghiệp hiện đại từ những nhân tố phi kinh tế như của Max Weber trong tác phẩm: “Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản”, hay quan điểm của Heidegger cho rằng cái hiện đại là kết quả của việc quay lưng lại với con người (rời xa con người), hay là cuộc tranh luận của các nhà hậu hiện đại Pháp về tính hiện đại (Jean - Francois Lyotard, Gilles Deleuze, Derrida, André Glucksmann) và các nhà hiện đại (Jurgen Habermas) ...C.Mác đã xây dựng hệ thống lý luận triết học để khái quát thực tiễn dưới hình thức rộng rãi nhất về sự vận động của CNTB dưới hình thức tích lũy giá trị thặng dư trong PTSX TBCN. Với phương pháp luận ông đã đề xuất, C.Mác không có sự cạnh tranh thực sự nào, kể cả sự thách thức của Max Weber.

Thứ hai, từ tiên đề con người hoạt động hiện thực hóa trong nền sản xuất xã hội của chủ nghĩa tư bản vẫn là cơ sở để chúng ta bổ sung, phát triển hệ thống những phạm trù, những nguyên lý và quy luật để phân tích thành công CNTB hiện nay. Trong tư tưởng của C.Mác, sự tự hiện thực hoá của con người là quá trình được thôi thúc bởi lý tính. Các thể chế xã hội và không gian xã hội tạo nên một áp lực rất lớn đối với con người. Không gian xã hội nơi con người tồn tại được tạo bởi nhiều hình thức của các mối liên hệ xã hội: có những mối liên hệ xã hội có thể trực quan và thực chứng được nhưng có những mối liên hệ xã hội buộc con người phải nhận thức về nó thông qua sự trừu tượng, khái quát của tư duy trong lý tính. Chẳng hạn, các mối liên hệ lợi ích, văn hóa, niềm tin... cần đến động lực từ lý tính để nhận thức về mối liên hệ này. Theo C.Mác, lao động là hoạt động có tính loài, luôn song hành với sự tồn tại của xã hội con người, còn xã hội thì con người còn lao động. Thông qua sản phẩm lao động, con người đã khách quan hoá bản thân mình và nhìn thấy mình qua sản phẩm mình đã sáng tạo ra và nhìn vào sản phẩm, con người nhìn thấy mục đích và ý nghĩa của mình. Quá trình sản xuất ra sản phẩm là quá trình con người sản xuất ra chính mình và sản phẩm mà con người sản xuất ra là vật trung gian mà qua vật trung gian này, con người tự nhiên biến thành con người có tính xã hội, thành tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Những phân tích của C.Mác sau này về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng, sự vận động của hình thái kinh tế - xã hội, hàng hóa, về tư bản đều là sự mở rộng và sâu sắc hơn từ tiên đề con người hoạt động hiện thực hóa này. C.Mác đã chọn hàng hóa làm chìa khóa để mở toang bí mật của CNTB vì hàng hóa là sản phẩm của hoạt động hiện thực hóa của con người trong nền sản xuất xã hội của CNTB, nó khác căn bản về bản chất với hình thái kinh tế - xã hội trước đây là sản xuất ra để bán.

Các suy lý triết học của C.Mác từ hàng hóa để nhận thức bản chất của xã hội TBCN hiện đại vì vậy mà vẫn giữ nguyên giá trị. Khi mà nền sản xuất ra của cải vật chất vẫn là cơ sở, nền tảng cho sự tồn tại của mọi xã hội thì những nét phác thảo của C.Mác về những khớp nối hoàn chỉnh và tuyệt vời giữa kinh tế với các nhân tố khác của đời sống xã hội vẫn hoàn toàn đúng đắn. Chủ nghĩa tư bản hiện đại càng phát triển càng cho thấy khả năng mở rộng cả chiều rộng và chiều sâu của thực tiễn xã hội con người. Chính vì vậy, những khớp nối giữa sản phẩm của nền sản xuất xã hội, giữa kinh tế với những vấn đề được nảy sinh từ nó cần phải có đánh giá bằng phương thức tổng thể các nhân tố trong kết cấu của các hình thái kinh tế - xã hội. Trong các khái quát về mặt triết học, C.Mác đã xây dựng một hệ thống phương pháp luận đủ mạnh để bao quát được việc mở rộng hoạt động của con người trong xã hội tương lai ra ngoài khu vực kinh tế.

Lịch sử vận động của CNTB hiện đại ngày nay lấy động lực mạnh mẽ từ sự phát triển của khoa học và công nghệ nhưng nó vẫn là chế độ bóc lột, bất công, bất bình đẳng song hành với sự sáng tạo, sự phát triển đầy ngoạn mục về LLSX, sự biến đổi lớn lao về QHSX, quan hệ xã hội, cơ cấu giai cấp, kiến trúc thượng tầng...trong chính các nước tư bản hiện đại. Những hiện tượng điển hình, mang tính đặc trưng của CNTB thời C.Mác cho đến hiện nay về cơ bản vẫn diễn tiến như trên[4]. Trong khuôn khổ của chế độ chính trị TBCN đã được hình thành, không một nhà triết học nào quan tâm đến những hậu quả xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp như C.Mác. Phương thức sản xuất, cách thức sản xuất ra của cả vật chất theo kiểu CNTB hiện đại hiện nay đang là những nhân tố chi phối, thống soái trên toàn cầu. Kinh tế trong CNTB hiện đại vẫn là cơ sở, nền tảng, trụ cột căn bản để CNTB xây dựng các chính sách phát triển, xây dựng và vận hành hệ thống thể chế chính trị của mình. Nhiều lĩnh vực mới xuất hiện trong PTSX TBCN hiện đại mặc dù hoàn toàn mới đòi hỏi cách thức nghiên cứu kinh tế, cách thức các nhà triết học hậu bối phải kế thừa phương pháp luận chuyên ngành của C.Mác để thực hiện những khái quát về mặt triết học sâu sắc hơn.

Thứ ba, cần phải sâu sắc hơn và mở rộng hơn tiên đề chủ thể hoạt động hiện thực hóa của C.Mác để phân tích chủ nghĩa tư bản hiện đại đặc biệt là hoạt động hiện thực hóa bằng khoa học và ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Tiếp cận chủ thể tính của C.Mác khi ông nhận thấy con người luôn là một phần của một cộng đồng nào đấy, họ có “chủ thể tính” thuộc về cộng đồng xã hội mà họ gia nhập. Trong những hướng nghiên cứu bổ sung và phát triển triết học C.Mác,

Chúng ta đã lãng quên một khía cạnh khá quan trọng trong lập luận triết học của C.Mác về vai trò của khoa học và công nghệ với phát triển xã hội. Nguyên lý triết học mà C.Mác đề xuất cho phép thâu tóm tất cả các khoa học vào một thực tế rằng, dù là khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học nhân văn... đều là khoa học về con người với tư cách là các chủ thể đích thực của các khoa học. Những nỗ lực để phát triển khoa học đồng thời là những nỗ lực để con người hiện thực hóa chính mình một cách chủ động, tích cực và sáng tạo. Qua đó, con người phát triển chính mình và phát triển xã hội. CNTB hiện đại đã hiểu được vai trò của hệ thống thể chế kinh tế và chính trị trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo của con người thông qua phát triển và sử dụng khoa học. Như vậy, muốn khơi dậy khát vọng của cả xã hội vào phát triển xã hội, thước đo quan trọng nhất chúng ta chỉ có thể thấy thông qua khát vọng khoa học của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam.

Kết luận

Lịch sử vận động của chủ nghĩa tư bản cho đến hiện nay mặc dù nó đã có những bước tiến rất dài so với CNTB thời Mác đang sống. Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trong phương thức sản xuất và những thay đổi quan trọng trong quan hệ sản xuất mà giai cấp tư sản đã tiến hành. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống các thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hiện nay vẫn lấy sản xuất của cải vật chất làm nền tảng, là cơ sở. Điều đó càng khẳng định tính đúng đắn, tính khoa học và cách mạng từ tiên đề của Mác về chủ thể hoạt động hiện thực hóa trong lĩnh vực sản xuất ra của cải vật chất để phân tích toàn bộ hình hài của hình thái kinh tế-xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại.

Tài liệu tham khảo:

[1] C.Mác- Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] J. Habermas (1985), Vấn đề cơ bản của Hegel là vấn đề của tính chất hiện đại, (De philosophische Diskurs der Moderne), Franfurt am Main, Suhrkamp Verlag.

[4] Phạm Anh Hùng, Từ lý luận triết học của C.Mác về tư bản, phê phán những quan điểm không đúng về phạm trù tư bản, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 7-2020.

[5] Tom Rockmore (2002): Marx after Marxism: Introduction philosophy of Karx Marx, Blackwell Publisher, First Published in 2002* Viện Triết học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.