Thứ Hai, ngày 16/01/2023, 18:28

Kinh nghiệm của Vương Quốc Anh về hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp - bài học cho Việt Nam

THÂN THỊ HẠNH - DƯƠNG THỊ THU PHƯƠNG
Trường Đại học Ngoại thương

(GDLL) - Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đang mang lại nhiều tác động tích cực đối với trường đại học, doanh nghiệp và xã hội. Bài viết phân tích những kinh nghiệm của Vương Quốc Anh về nội dung này, từ đó đưa ra bài học nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Bài học cho Việt Nam; hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp; Vương Quốc Anh.

Ngày 15/12/2022, Hội thảo Hợp tác về công nghệ giáo dục giữa Anh Quốc và Việt Nam

(Ảnh: https://vneconomy.vn)

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, mục tiêu hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đang chuyển trọng tâm sang hợp tác về nghiên cứu và đổi mới. Sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo đại học với doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhân sự cho doanh nghiệp mà còn mở ra những cơ hội hợp tác thương mại khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến lợi ích cho các bên tham gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nội dung hợp tác này còn nhiều hạn chế, chưa có sự thay đổi. Với những thành công đã đạt được, kinh nghiệm của Vương Quốc Anh sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

1. Kinh nghiệm hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ở Vương Quốc Anh

Vương Quốc Anh là một trong những nền giáo dục lâu đời, tự chủ và linh hoạt nhất thế giới. Cơ sở giáo dục đại học ở Vương Quốc Anh sớm đã nhận ra được tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ bền chặt với doanh nghiệp, từ đó xây dựng nhiều chính sách, đa dạng hóa hình thức hợp tác nhằm nâng cao sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp để thích nghi với những biến động về cuộc sống, kinh tế, công nghệ. Sự liên kết này được thực hiện theo hai hình thức: Một là, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp giúp trường đại học xây dựng chương trình học bám sát yêu cầu công việc, mở rộng trải nghiệm thực tế giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kinh nghiệm; Hai là, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới với mục tiêu quan trọng là tạo điều kiện phát triển thương mại hóa nghiên cứu, giúp những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tế, mang lại lợi ích cho nhà trường và doanh nghiệp.

 Hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đã giúp Vương Quốc Anh giải quyết hai vấn đề quan trọng: Một mặt, nâng cao chất lượng chương trình học, giúp sinh viên đạt được cả kiến thức cơ bản, kinh nghiệm thực tế cũng như các kỹ năng cơ bản cho công việc sau này; Mặt khác, thúc đẩy và chuyển giao những nghiên cứu có giá trị phục vụ doanh nghiệp, phát triển xã hội. 

Liên kết trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đang được quan tâm hơn cả. Sau đây là một số nội dung hợp tác cụ thể:

1.1. Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu

Các cơ sở giáo dục đại học ở Vương Quốc Anh đang không ngừng đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như: công nghệ, sinh học, con người, kinh doanh. Sự hợp tác này đã tạo ra lợi ích cho cả nhà trường và doanh nghiệp. Thứ nhất, hợp tác nghiên cứu giúp nâng cao khả năng triển khai ứng dụng của sản phẩm khoa học, tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị thực tế cao. Thứ hai, khi những sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng sẽ khuyến khích năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường, từ đó tác động tích cực đến khả năng sáng tạo trong nghiên cứu của họ. Thứ ba, hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp sẽ mang lại nguồn thu tài chính cho nhà trường và người thực hiện. Thứ tư, nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một doanh nghiệp trong khi đó nhiều nghiên cứu được thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế về kiến thức cũng như cơ sở vật chất, vì vậy hợp tác nghiên cứu với chuyên gia trong trường đại học có thể giúp đạt được kết quả như mong muốn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. 

Để phát triển hoạt động nghiên cứu, tại các cơ sở giáo dục đại học, nhiều trung tâm nghiên cứu đã được thành lập với sự đầu tư lớn về trang thiết bị, phòng nghiên cứu nhằm khuyến khích chuyên gia trong trường thực hiện những nghiên cứu có quy mô ngày càng lớn. Đây cũng là một cách thức sử dụng hiệu quả lợi thế so sánh của mỗi bên, một bên có lực lượng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hùng hậu nhưng khó khăn về nguồn vốn và cơ sở vật chất; một bên hiểu nhu cầu thị trường và có nguồn lực kinh tế nhưng lại thiếu nhân lực nghiên cứu.

Ngoài ra, để thúc đẩy hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp thì hệ thống đánh giá chất lượng nghiên cứu (Research Excellence Framework -REF) đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014 bởi bốn cơ quan tài trợ cho giáo dục đại học của Vương quốc Anh: Hội đồng nghiên cứu ở Anh, Hội đồng tài trợ của Scôtlen (SFC), Hội đồng Tài trợ Giáo dục Đại học cho Wales (HEFCW), và Bộ Kinh tế của Bắc Ireland (DFE). Hệ thống này giúp đánh giá chất lượng những bài nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, đánh giá điểm từ 1 đến 4 và xếp hạng giá trị của bài nghiên cứu, từ đó đưa ra quyết định tài trợ nghiên cứu. Đây là một kênh thông tin giá trị cho doanh nghiệp để tìm hiểu về chủ đề nghiên cứu của các trường trên cả nước, cũng như xem đánh giá tác động của những bài nghiên cứu mang lại cho xã hội để quyết định hợp tác.

Trường hợp hợp tác Đại học Nottingham và tập đoàn Unilever

Đối tác: Unilever là một doanh nghiệp toàn cầu có mặt trên hơn 190 quốc gia với hơn 400 nhãn hàng quen thuộc với mọi gia đình. Một số nhãn hàng được yêu thích của Unilever như: Dove, Close up, P/S, Sunsilk... Unilever là một trong những nhà cung ứng hàng đầu thế giới về thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, đạt 2,5 tỷ người sử dụng sản phẩm mỗi ngày, 51 tỷ euro doanh thu trong năm 2020 với 58% đến từ các thị trường mới nổi, 25 triệu nhà bán lẻ tạo nên mạng lưới toàn cầu của Unilever. 

Vấn đề: Trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, ngay từ sớm, Unilever đặc biệt coi trọng hoạt động R&D nhằm tạo ra những đổi mới để đạt được sự phát triển bền vững. Unilever đã hợp tác với nhiều trường đại học trong nghiên cứu như: hợp tác đại học Liverpool, đại học Oxford và đại học Nottingham. Hình thành các mối quan hệ đối tác bên ngoài trong R&D ngày càng trở nên quan trọng trong những năm qua để Unilever đạt được các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của mình.

Dự án: Đại học Nottingham là một đối tác quan trọng trong nghiên cứu khoa học thực phẩm, trọng tâm là nghiên cứu cách thức mà thức ăn và đồ uống tương tác với các giác quan trong quá trình tiêu thụ để tạo ra các kích thích được tích hợp từ đó xây dựng nhận thức và phản ứng cảm xúc của con người. Điều này đòi hỏi sự kết hợp của thiết bị hiện đại như phương pháp phối khổ (in-vivo Mass Spectrometry) và chụp cộng hưởng (Magnetic Resonance) cũng như phương pháp cảm quan (sensory methodologies) để đem lại những hiểu biết sâu sắc về tâm lý của người tiêu dùng. Ngoài ra, trong nghiên cứu liên quan đến phân tích phản ứng của người tiêu dùng, chuyên gia nghiên cứu của trường đại học Nottingham còn sử dụng các phương pháp đo lường tiên tiến và những phép đo về sự kích thích của các giác quan đối với cấu trúc vi mô của thực phẩm đã mang lại sự hiểu biết rõ ràng về những cảm giác được tích hợp trong bộ não của con người dẫn đến sự khác biệt của cá nhân. 

Kết quả: Kết quả của nghiên cứu này giúp công ty xây dựng chiến lược để nâng cao chất lượng của sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời xây dựng chiến lược tạo ra sản phẩm mới kích thích nhu cầu sử dụng của khách hàng. Nghiên cứu đã tạo ra những thông tin mới giúp Unilever có thể xác định sự khả quan của sản phẩm khi tung ra thị trường. Hợp tác nghiên cứu với trường đại học Nottingham đã giúp Unilever tăng tốc độ tiếp cận thị trường thông qua tích hợp nghiên cứu ngoài doanh nghiệp điều mà trung tâm R&D của Unilever chưa thể đạt được.

Để thực hiện quan hệ đối tác, Unilever sẽ có một khung thỏa thuận bao gồm cách thức hoạt động của quan hệ đối tác: các dự án, thời gian, quản trị... Trong đó Unilever chỉ định một người quản lý nhằm giám sát tiến trình của dự án đảm bảo thực hiện đúng chiến lược và hướng đi đã đề ra. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng từ hai phía trong quan hệ đối tác được coi là chìa khóa thành công. Cả hai tổ chức đều hưởng lợi từ sự hợp tác và cần chia sẻ tầm nhìn rõ ràng về những gì mà mối quan hệ đối tác có thể mang lại, từ đó tạo ra sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau đưa đến một sự phối kết hợp hài hòa trong quá trình hợp tác.

1.2. Chuyển giao kiến thức và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp

Trường hợp hợp tác giữa đại học Sheffield Hallam và công ty nước ngọt Britvic

Đối tác: Britvic là công ty nước giải khát hàng đầu có hoạt động tại Anh Quốc, Ireland, Pháp và Brazil. Họ sản xuất một danh mục lớn các thương hiệu hàng đầu như Robinsons, Fruit Shoot, J20 và Drench. 

Vấn đề: Một cuộc khảo sát người tiêu dùng đã được thực hiện để xem xét thái độ của người sử dụng với bao bì. Kết quả cho thấy cứ 5 người tiêu dùng thì có 1 người gặp khó khăn để mở bao bì sản phẩm và điều này ảnh hưởng đến khả năng mua lại sản phẩm. Các vấn đề phổ biến của bao bì là bao bì chống trẻ em, bao bì bị co lại, đóng nắp xoắn, hộp thiếc và chai đựng đồ uống bằng nhựa.

Công ty Britvic đã nhận thấy rằng bao bì đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng và là một trong những động lực quan trọng để phát triển thương hiệu. Britvic cần phải đổi mới và tạo ra một giải pháp về bao bì toàn diện.

Dự án: Quan hệ đối tác chuyển giao tri thức (KTP) đã được thành lập giữa công ty Britvic và trường đại học Sheffield Hallam nhằm khắc phục các vấn đề bao bì của doanh nghiệp. Các thử nghiệm ban đầu đã được tiến hành về khả năng và sự hiểu biết của người dùng về việc mở đồ uống. Các thí nghiệm bao gồm đoạn video ghi lại quá trình mở đồ uống của một người lớn và một trẻ em, cũng như phân tích thêm chuyển động của tay. 

Kết quả: Dự án đã giúp Britvic giải quyết lỗ hổng kiến ​​thức để giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức trong ngành đồ uống. Nó đã cung cấp cho doanh nghiệp hiểu biết rộng hơn về những vấn đề của bao bì mà người tiêu dùng phải đối mặt và tầm quan trọng của thiết kế toàn diện. Nếu không có sự hợp tác, tiến độ sẽ chậm hơn vì các kỹ năng và chuyên môn về đóng gói tiêu dùng và khoa học nghiên cứu không tồn tại trong nội bộ của doanh nghiệp.

Thông qua KTP, chuyên gia ở trường đại học Sheffield Hallam đã hỗ trợ công ty Britvic: (i) Tạo sổ tay nhân viên, hướng dẫn và tài liệu đã ghi lại những kiến ​​thức thu được từ các thử nghiệm để nâng cao trình độ cho nhân viên của Britvic; (ii) Hiểu được tầm quan trọng của tính bền vững xã hội và thiết kế toàn diện thông qua các bài giảng của hợp tác chuyển giao tri thức. Nhân viên sáng tạo trong thiết kế bao bì và nhân viên R&D của doanh nghiệp cũng đã được triển khai các giao thức và phương pháp mới để tối ưu hóa trong thiết kế của họ.

Trường hợp mô hình liên kết của Midlands Innovation

Midlands Innovation là sự hợp tác giữa tám trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu ở Midlands bao gồm: trường đại học Aston, Birmingham, Cranfield, Keele, Leicester, Loughborough, Nottingham và Warwick.

Midlands Innovation là mối quan hệ đối tác tiên phong nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Midlands thông qua việc hợp nhất các trường đại học và ngành công nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới và phát triển kỹ năng tiên tiến. Midlands Innovation đã tạo ra số lượng phát minh và bằng sáng chế nhiều nhất trong các nhóm trường đại học hàng đầu của Vương Quốc Anh.

Midlands Innovation tạo ra những phát minh có sẵn làm cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các đơn vị chuyển giao công nghệ của các trường đại học đã cùng nhau cung cấp một điểm tiếp cận tài sản sở hữu trí tuệ. Điều này giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các cơ hội và tăng cường hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp đang phát triển.

1.3. Thành lập doanh nghiệp (spin out)

Thành lập doanh nghiệp trong trường đại học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại hóa tri thức, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa đại học và doanh nghiệp. Đây là một hình thức để thương mại hóa các sáng chế do cơ sở giáo dục tạo ra bởi vì trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lo ngại đầu tư nghiên cứu nhưng lại không đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên khi thành lập doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm cho khánh hàng, họ sẽ dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Hiện nay, ở Vương Quốc Anh, theo Govgrant, số lượng doanh nghiệp của trường đại học là rất lớn với hơn 1000 doanh nghiệp trong đó trường đại học Oxford, Cambridge là hai trường thành lập nhiều doanh nghiệp nhất. Từ năm 1987 trường đại học Oxford đã thành lập công ty trực thuộc nhà trường và trong những năm gần đây, mỗi năm nhà trường sẽ thành lập từ 15 -20 công ty. Một số công ty của trường đại học Oxford như: OxONN, OxDx, Human Centric DD, Alethiomics, OxCarbon. 

Trường hợp “nền tảng Nozzle.ai”

Người sáng lập: Victor Malachard

Năm thành lập: 2018

Được tách ra từ đại học College London, Nozzle.ai là nền tảng thương mại điện tử và tối ưu hóa quảng cáo trên Amazon. Nền tảng này được thiết kế bởi các nhà khoa học dữ liệu và các chuyên gia của Amazon để giúp các thương hiệu tối đa hóa doanh số bán hàng và chia sẻ danh mục và hiệu suất quảng cáo trên nền tảng thương mại điện tử.

Sử dụng các tập dữ liệu có sẵn thông qua hệ sinh thái API của Amazon, Nozzle.ai cung cấp cho các công ty thông tin chi tiết chuyên sâu, phương tiện để tối ưu hóa chi tiêu và hiệu suất bán hàng trên toàn bộ hệ thống của Amazon. Điều này giúp người bán hàng và nhà bán lẻ tăng thị phần và lợi nhuận trên sàn thương mại điện tử.

2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 

Liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu và đổi mới tại Vương Quốc Anh đã đạt được những thành tựu nhất định. Số lượng hợp đồng hợp tác đang tăng lên qua từng năm bao gồm: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kiến thức và thành lập doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của Vương Quốc Anh, có thể rút ra một số bài học cho các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, về động lực, mục tiêu liên kết: Để đạt được hiệu quả trong hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp thì nhà trường và doanh nghiệp cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ lâu dài với mục tiêu coi hợp tác giữa hai bên là động lực, giải pháp để thực hiện chiến lược của mỗi bên.

Thứ hai, về bộ máy tổ chức: Các cơ sở giáo dục đại học nên thành lập một bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp, cần tích cực tìm kiếm, phát triển các mối quan hệ với doanh nghiệp. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có những chính sách, chủ trương để thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi.

Thứ ba, nhà trường cần cung cấp thông tin nghiên cứu cho doanh nghiệp, thực hiện nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. 

Thứ tư, nhà trường cần có những chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu. Để nâng cao hiệu quả, tính sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, thì cần có những cơ chế để đảm bảo cho cán bộ khoa học và công nghệ được phát huy khả năng, chủ động, say mê. Cần xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, chế độ tiền lương, thưởng hợp lý. 

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tài trợ và tạo không gian ứng dụng sản phẩm nghiên cứu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đối tác giáo dục để hợp tác nghiên cứu để khai thác triệt để những nguồn tài liệu nghiên cứu đa dạng, hữu ích của trường đại học.

Cuối cùng, cơ sở giáo dục nên hướng đến và nhân rộng việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Trường đại học nên tận dụng các chuyên gia trong các lĩnh vực để tạo ra sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như mang lại nguồn thu cho nhà trường. Một số mô hình kinh doanh trong trường đại học được đề xuất như: trung tâm tư vấn, trung tâm chuyển giao kiến thức và công nghệ, sản xuất và kinh doanh thương mại. Ví dụ như đại học Ngoại thương thành lập trung tâm sáng tạo và vườn ươm (FIIS), hay trường đại học Y Hà Nội đã thành lập bệnh viện trực thuộc đại học. 

Kết luận

Nhìn chung, các mô hình hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ở Vương Quốc Anh khá đa dạng và hiệu quả. Những kinh nghiệm này sẽ là những bài học hữu ích để thực hiện liên kết có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đáp ứng lợi ích của cả nhà trường, doanh nghiệp và xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] Tài, T. A., & Thạch, T. N. (2013), Mô hình đại học doanh nghiệp–Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.

[2] Lambert, R. (2003), Lambert review of business-university collaboration, University of Illinois at Urbana-Champaign's Academy for Entrepreneurial Leadership Historical Research Reference in Entrepreneurship.

[3] Whiteley, A., Haigh, K., & Wake, D. (2020), Universities and Colleges and the Industrial Strategy: Exploring data on knowledge exchange, research and skills.

[4] Institute of innovation and knowledge exchange (2018), Are university-industry collaborations in the UK really working to deliver innovation impact?, https://ikeinstitute.org

[5] The consultancy report (2020), University industry collaboration: the vital role of tech companies’ support for higher education research, https://www.timeshighereducation.com

[6] The home of UK tech (2021), Top newly founded UK university spinouts you should know about in 2021, https://www.uktech.news

Đọc thêm

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay

Tác giả: NGUYỄN VĂN KIỀU

(GDLL) - Từ khung lý thuyết về niềm tin của người dân đối với dịch vụ công, qua kết quả khảo sát người dân và tổ chức trong sử dụng dịch vụ công ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, bài viết đã phân tích, đánh giá thực trạng niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực này, chỉ ra những biểu hiện tích cực và những biểu hiện làm suy giảm niềm tin của người dân đối với dịch vụ công. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thúc đẩy những yếu tố tích cực góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay.