Từ khóa: Thế lực thù
địch; thủ đoạn lợi dụng, Việt Nam; xuyên tạc vấn đề dân tộc.
Một số người theo đạo lạ đang được
cán bộ Công an tỉnh Lai Châu
phân tích về những âm mưu và luận điệu sai
trái
(Ảnh: https://cand.com.vn)
Đặt vấn
đề
Việt Nam là quốc gia đa tộc người. Bước vào
công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống vật chất, tinh thần của
đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên,
trong những năm qua do ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế và đặc điểm các dân tộc
thiểu số ở Việt Nam, thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc ở Việt Nam
để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài viết nhận diện những thủ đoạn
lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng
thời làm nổi bật cơ sở lý luận và thực tiễn khách quan để đấu tranh chống những
luận điệu xuyên tạc này, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng
Việt Nam.
1. Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn
đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch
Thứ nhất, trong những năm qua,
thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc khái niệm "quyền dân tộc tự
quyết" trong Cương lĩnh dân tộc
của V.I.LêNin để đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là
quyền của quốc gia - dân tộc, đồng thời là quyền của các dân tộc thiểu số.
Những thủ đoạn của chúng được thể hiện dưới một số điểm chủ yếu sau:
Các thế lực thù địch tuyên truyền luận điệu
cho rằng các dân tộc thiểu số trong một quốc gia - dân tộc có quyền tự do phân
lập, tách ra thành lập một quốc gia dân tộc độc lập. Chúng ra sức truyền bá,
kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cố tình gọi một số dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc như “Người Thượng”, Chăm, Khmer, Mông... là “dân
tộc bản địa”. Mục đích nhằm đánh tráo khái niệm ghi tại Điều 1 đến Điều 5
của Tuyên ngôn Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa: “Các dân tộc bản
địa có quyền tự quyết. Trên tinh thần đó họ có quyền tự do quyết định tình
trạng chính trị và tự do mưu cầu phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa”, để
từ đó thúc đẩy hoạt động chống phá, bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân, gây
mất an ninh trật tự để đòi “li khai”, thành lập các “nhà nước”, “vương quốc”
riêng.
Bên cạnh đó, chúng còn vận động các tổ chức
quốc tế vào các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nắm tình hình rồi xuyên
tạc thực tế, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số, vi phạm
dân chủ, nhân quyền, qua đó, hòng gây sức ép yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải
trao quyền “dân tộc tự quyết” cho người dân tộc thiểu số.
Thứ hai, các thế lực thù địch
tìm cách mua chuộc, lôi kéo đồng bào các dân tộc vượt biên trái phép; lợi dụng
mối quan hệ đồng tộc, thân tộc để kích động một bộ phận đồng bào người Mông di
cư sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo điều
kiện cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào. Cụ thể, trong những năm qua, các
thế lực thù địch đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu
số thành lập các tổ chức như “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương
quốc Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, "Vương quốc Mông" ở Tây Bắc. Từ năm
2006 đến nay, hoạt động ly khai thành lập "Vương quốc Mông" hoạt động
rất phức tạp. Cùng với việc kích động, lôi kéo người dân di cư trái pháp luật,
các đối tượng còn lập các trung tâm huấn luyện tại Myanmar, Trung Quốc để đào
tạo lực lượng cho "Nhà nước Mông" tiến hành các hoạt động tác động
vào trong nước. Ở khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các đối tượng cũng tích cực
lợi dụng quan hệ đồng tộc ở Campuchia để tạo chỗ đứng, tiến hành các hoạt động
móc nối với các phần tử cực đoan ở Campuchia để tiến hành các hoạt động chống
phá, ly khai từ bên trong[1, tr.140 - 141].
Bên cạnh đó, các tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài như: "Hội người
Mông thế giới", "Hội người Thượng Đề-ga"... tích cực tài trợ,
chỉ đạo một số đối tượng trong nước thu hút, tập hợp lực lượng, phản động nhằm
mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam; kích động một bộ
phận đồng bào các dân tộc chống lại chủ trương, đường lối của Đảng và chính
sách dân tộc của Nhà nước; gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhất là vùng sâu,
vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, các thế lực thù địch
lợi dụng kênh ngoại giao song phương, đa phương, hợp tác quốc tế với Việt Nam
để lồng ghép vấn đề “cải thiện dân chủ, nhân quyền” trong các nội dung hợp tác
với nước ta; gây sức ép về vấn đề quyền của người dân tộc thiểu số, đòi “quyền
dân tộc tự quyết” cho các nhóm dân tộc thiểu số trong quan hệ với Việt Nam; lợi
dụng quyền dân tộc tự quyết làm điều kiện trong quan hệ ngoại giao với Việt
Nam; gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với việc đòi Nhà nước Việt Nam trao
“quyền tự quyết, tự quản” cho các dân tộc thiểu số ở trong nước, qua đó can
thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Có thể nói, những luận điệu, thủ đoạn trên là
hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với
người dân, người dân tộc thiểu số. Chúng xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam,
vu cáo Đảng và Nhà nước đàn áp người dân tộc thiểu số, tạo ra những nhận thức
sai lệch để các chính phủ, các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép, tạo điều
kiện cho các đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền,
tăng cường hoạt động chống phá, phá hoại khối đại đoàn kết, với mục tiêu là lật
đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thể chế chính trị ở Việt Nam.
2. Cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý và thực
tiễn để đấu tranh chống thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam
của các thế lực thù địch
Cương lĩnh dân tộc của Chủ nghĩa Mác - Lê nin
được V.I. Lê nin thể hiện trong tác phẩm Về
quyền dân tộc tự quyết (1914),V.I. Lênin chỉ ra rằng: “Quyền dân tộc tự quyết
hoàn toàn chỉ có nghĩa là các dân tộc có quyền độc lập về chính trị, có quyền
tự do phân lập, về mặt chính trị, khỏi dân tộc áp bức họ... Yêu sách đó hoàn
toàn không đồng nghĩa với yêu sách đòi phân lập, phân tán thành lập những quốc
gia nhỏ. Nó chỉ là biểu hiện triệt để của cuộc đấu tranh chống mọi áp bức dân
tộc”[8, tr.624]. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết mà Chủ
nghĩa Mác - Lênin nêu lên là quyền tự quyết của dân tộc - quốc gia chứ không
phải quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số trong một quốc gia đa dân tộc.
Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính
thức ghi nhận trong hai văn bản: (1) Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc
(UDHR) năm 1948, Điều 2 nêu rõ: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các
quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu
da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội”. (2) Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966, Điều 3 ghi: “Tại
những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung
sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số
đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ
quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng
tiếng nói riêng của họ”. Như vậy, về mặt lý luận và pháp luật quốc tế,cả tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và
luật pháp quốc tế đều khẳng định quyền dân tộc tự quyết thì dân tộc ở đây với
tư cách là quyền của dân tộc - quốc gia.
Thống nhất và thể chế hóa các quy định pháp
luật quốc tế về vấn đề dân tộc, Điều 5, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc
gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân
tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi
hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”; “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã
hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”
(Điều 14 - Hiến pháp 2013, tr.17). Các dân tộc ở Việt Nam đều bình đẳng về
chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, bình đẳng về quyền
và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa. Các dân tộc ở Việt Nam luôn tôn trọng lẫn nhau về lợi ích, truyền thống,
văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc.
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, quan điểm
của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân tộc nhất quán theo nguyên tắc: Các
dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Đây vừa là nguyên
tắc, vừa là mục tiêu chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Bình đẳng giữa
các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của chính
sách dân tộc về quyền của các dân tộc thiểu số. Quyền bình đẳng giữa các dân
tộc, trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, chống mọi biểu hiện chia rẽ kỳ
thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti dân tộc... Quyền bình
đẳng về kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng trong quan hệ lợi ích giữa các dân tộc.
Bình đẳng về văn hoá, xã hội bảo đảm cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn
hoá của các dân tộc, làm phong phú và đa dạng nền văn hoá Việt Nam thống nhất.
Thông qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt
Nam luôn xác định quan điểm nhất quán trong vấn đề dân tộc và chính sách dân
tộc, trong đó đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; thực hiện
bình đẳng giữa các dân tộc trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh. Do phần lớn các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có trình độ
phát triển chưa đồng đều, vì vậy bên cạnh việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn
diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cần phải tạo mọi điều kiện thuận
lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển bình đẳng với các dân
tộc khác. Sự quan tâm tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, đó chính là biểu
hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc đặc trưng nhất ở Việt Nam.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Bảo
đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy
động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển,
tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân
tộc thiểu số... Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại
đoàn kết toàn dân tộc”[4, tr.170 - 171].
Có thể nói, việc thực hiện chính sách dân tộc
ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã đem lại những hiệu quả tích cực. Trong quá
trình xây dựng đất nước, các dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc thiểu
số, vùng sâu, vùng xa đều được ưu tiên phát triển toàn diện. Cho đến nay, hệ
thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh
vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo
bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân
lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tính đến tháng 10-2020,
có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân
tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên
cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp
đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có
nội dung gián tiếp tác động đến vùng này[7]. Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thực hiện với 10 dự án, tiểu dự án nhằm
mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền
núi
Dự án 1 giải quyết tình trạng
thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2 quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những
nơi cần thiết; Dự án 3 phát triển
sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để
sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Dự án 4
đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào
dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5 phát triển giáo dục đào tạo nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng
cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ
em; Dự án 8 thực hiện bình đẳng
giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9 đầu tư tạo sinh kế, phát triển
kinh tế nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10 truyền thông, tuyên truyền, vận
động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực tiễn sinh động là minh chứng rõ ràng để
đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động về vấn đề dân tộc ở Việt
Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm
nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào
vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Thông qua các chương trình
phát triển kinh tế - xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc thiểu
số để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn
lên trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ở khu dân
cư, xây dựng bản làng văn hoá, các dân tộc đều coi nhau như anh em một nhà, quý
trọng thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam.
Kết luận
Từ
quan điểm, chủ trương nhất quán, pháp lý về vấn đề dân tộc được thực tiễn chứng
minh, cho thấy những thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc về vấn đề dân tộc, về đường
lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam rõ ràng là
một sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của các phần tử phản động, nhằm phá hoại khối
đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cán bộ, đảng viên,
đồng bào các dân tộc Việt Nam cần nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác và tăng
cường đấu tranh, phản bác với luận điệu và hoạt động chống phá nêu trên của các
thế lực thù địch.
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Xuân Dung (2014), Phòng ngừa, ứng phó chủ
nghĩa ly khai dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học
"Phòng ngừa và ứng phó với các thách thức, đe dọa an ninh phi truyền thống
theo chức năng của lực lượng công an nhân dân", Hà Nội.
[2] Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (1966), Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), thông qua ngày 16 tháng
12 năm 1966.
[3] Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (1948), Tuyên ngôn
toàn thế giới về quyền con người (UDHR).
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà
Nội.
[5] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông
qua ngày 28 tháng 11 năm 2013.
[6] Nguyễn Đức Quỳnh, Nhận diện thủ đoạn lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số để chống
phá chế độ, http://cand.com.vn,
ngày 05/08/2019.
[7] Nguyễn Thị Thu Thanh, Chính sách dân tộc của Việt Nam qua 35 năm đổi mới, https://www.tapchicongsan.org.vn
[8] V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập
24, Nxb. Tiến bộ, Matxcova.