Thứ Ba, ngày 31/01/2023, 13:42

Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

VŨ VĂN HẬU
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, đảng viên, là yếu tố chủ yếu tạo nên chất lượng độ ngũ. Với yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, bài viết tập trung phân tích các nội dung: Đạo đức, đạo đức cách mạng, những yêu cầu cần thiết cho việc bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất việc bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Từ khóa: Cán bộ, đảng viên; Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đạo đức cách mạng.

Hội nghị Trung ương 4 Khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Bởi vì, thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức được xác định ở nhiều công việc, trong đó có nội dung nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới; cụ thể hóa chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng để là căn cứ điều chỉnh nhận thức, hành vi, đồng thời, làm cơ sở cho việc tự soi, tự sửa đối với cán bộ, đảng viên hiện nay.

1. Đạo đức, đạo đức cách mạng

Có nhiều cách tiếp cận, diễn đạt khác nhau về đạo đức, song, tựu chung lại có thể hiểu đạo đức là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, bao gồm hệ thống quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với môi trường xung quanh; là tiêu chí đánh giá sự ứng xử của con người trên các mối quan hệ (cá nhân, cộng đồng, xã hội, tự nhiên).

Như vậy, sự định hình về đạo đức đã chỉ ra một số nội dung cơ bản sau:

- Phẩm chất cao đẹp, nét đẹp của con người, của cộng đồng xã hội;

- Những chuẩn mực, quy tắc, điều chỉnh hành vi con người, cộng đồng tuân theo: Lẽ sống ở đời và làm người, điều tốt- xấu, thiện- ác, lương tâm, danh dự nhân phẩm...;

- Quy luật vận hành của đạo đức với tư cách là hình thái ý thức xã hội.

Đạo đức mới - đạo đức xã hội chủ nghĩa là kết quả sự khái quát hiện thực của cuộc đấu tranh lật đổ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên cơ sở liên minh giai cấp, tầng lớp công nhân - nông dân - trí thức dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Để lãnh đạo cách mạng thành công, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tuân thủ nghiêm ngặt chuẩn mực đạo đức cách mạng. Trong các tác phẩm, bài nói, phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, nội dung về đạo đức cách mạng, là cơ sở cho Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, tiếp thu xây dựng nền đạo đức xã hội, đặc biệt xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên - lực lượng nòng cốt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ qua mỗi thời kỳ, nhằm thực hiện thành công xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua bước đầu nghiên cứu di sản của Người, xin khái quát đạo đức cách mạng với những nguyên tắc, chuẩn mực sau:

- Trung thành với Đảng và Nhân dân; suốt đời phấn đấu vì mục tiêu của Đảng, của cách mạng, của Nhân dân. Nội dung này yêu cầu người cán bộ cách mạng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân không chỉ trong lời nói mà được thể hiện trong hành động thực tiễn công tác, ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng.

- Đặt lợi ích của Đảng và Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng. Người còn nhấn mạnh: Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

- Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ. Người giải thích rõ: Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình. Nội dung này chỉ ra rằng, sự trung thành với lý tưởng và ra sức làm việc đạt tới mức nêu gương không phải là trung thành, hay ra sức thực hiện nhiệm vụ một cách mù quáng mà phải dựa trên sự giác ngộ lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, trên cơ sở nhận thức khoa học, cách mạng đó mới có thể tự phê bình và phê bình, không ngừng sáng tạo, cải tiến công tác.

- Chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là hệ giá trị, chuẩn mực cốt lõi, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên; là tiêu chí đánh giá cán bộ đảng viên thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

2. Bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong bối cảnh mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đạo đức là hình thái ý thức xã hội, vận hành trên cơ sở tồn tại xã hội và logic nội tại của nó trong mối quan hệ “cái phản ánh” với “cái được phản ánh”. Đạo đức cách mạng (những nguyên tắc, chuẩn mực mà chúng ta xây dựng, điều chỉnh nhận thức, hành vi của cán bộ, đảng viên) không nằm ngoài sự vận động theo quy luật, logic trên. Điều đó có nghĩa, trong bối cảnh, yêu cầu mới, những chuẩn mực, giá trị của đạo đức cách mạng cần được bổ sung để phù hợp với thời đại, tồn tại xã hội mới. Nguyên lý này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”[3, tr. 237].

Để thực hiện tinh thần Đại hội XIII yêu cầu cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng trong bối cảnh hiện nay. Vậy, bối cảnh hiện nay có những điểm nào nổi trội và việc bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng như thế nào?

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhận diện, chỉ rõ bối cảnh thế giới và trong nước tác động tới việc thực hiện mục tiêu của Đảng, đất nước. Trong khuôn khổ bài viết xin nêu 4 xu hướng có sự tác động không nhỏ tới yêu cầu bổ sung giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên hiện nay như sau:

Một là, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với chúng ta. Theo phương pháp luận Macxít, bản chất của các cuộc cách mạng công nghiệp là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, trong đó công cụ lao động luôn có sự biến đổi, phát triển không ngừng (cơ khí hóa - điện khí hóa - tự động hóa, trí tuệ hóa). Sự vận động biến đổi sâu sắc công cụ lao động, lực lượng sản xuất kéo theo biến đổi về quan hệ sản xuất, tạo bước đột phá trong sự phát triển xã hội nói chung. Như thế, với tư cách là lực lượng lãnh đạo, đội ngũ cán bộ đảng viên không thể thiếu phẩm chất, năng lực về đổi mới, sáng tạo để có cách nghĩ mới, cách làm mới, tiếp nhận thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng đạt mục tiêu, yêu cầu đã được xác định.

Hai là, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, song, cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Đây là những mâu thuẫn/nan đề của sự vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc; mặt khác, thế giới hiện nay có nơi, có lúc xuất hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cản trở tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa. Để nhận diện, giải quyết các vấn đề nêu trên khi Việt Nam hội nhập đầy đủ với các định chế của thế giới và khu vực thì đội ngũ cán bộ, đảng viên không thể không có trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách để có quyết sách, hành động đạt mục tiêu của tổ chức, của Đảng và của dân tộc.

Ba là, tác động của sự biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã, đang đặt thế giới vào trạng thái bất định, khủng hoảng, chưa có tiền lệ. Để giải quyết tình trạng bất định này chắc hẳn chúng ta cần đội ngũ cán bộ bên cạnh có năng lực, phẩm chất trung thành, dấn thân, phục sự thì cần có tư duy, tầm nhìn, sự linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ mà chưa có trong tiền lệ, song lại phải phù hợp với bối cảnh, thực tiễn Việt Nam.

Bốn là, sau hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay, song, các nguy cơ, thách thức gây trở ngại cho sự phát triển mà Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế sơ với các nước trong khu vực và thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn là vấn để phức tạp, cần loại bỏ để trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Căn cứ tính quy luật vận hành của hình thái ý thức đạo đức và những yêu cầu bối cảnh, theo chúng tôi việc tiếp cận bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng ở một số nội dung sau:

Một là, để thực hiện nhiệm vụ theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, người cán bộ, đảng viên cần đầy đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực/phẩm chất chuyên môn. Ba loại phẩm chất này hòa quyện, thống nhất tạo nên năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Nếu thiếu 3 phẩm chất này, người cán bộ sẽ không thực hiện được đầy đủ bổn phận, nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn xây dựng đội ngũ cán bộ phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, hay là sự thống nhất đức và tài để lựa chọn cán bộ. Vì thế, việc xây dựng, bổ sung chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong bối cảnh mới cần tạo sự thống nhất của 3 phẩm chất nêu trên.

Hai là, kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, gần đây, Đảng đã có nhiều văn bản, nghị quyết, kết luận nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa tư tưởng của Người trong việc quy định phẩm chất, giá trị về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên như: Quy định Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... Các quy định đó làm căn cứ cho việc thể chế hóa thành yêu cầu, tiêu chí về đạo đức mà cán bộ công chức, viên chức phải tuân theo. Tuy nhiên, trên tinh thần Đại hội lần thứ XIII về xây dựng Đảng về đạo đức, theo chúng tôi cần tiếp tục tiêu chí hóa chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên làm cơ sở cho tự điều chỉnh, tự soi, tự sửa hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Bộ tiêu chí nên chăng tiếp cận hệ chuẩn mực giá trị như: Phẩm chất phụng sự (phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra); phẩm chất liêm chính (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...); phẩm chất trí tuệ, văn minh (trí, dũng...).

Ba là, cần bổ sung thêm các chuẩn mực, giá trị mới gắn bối cảnh hiện nay như các giá trị: Đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách... Bởi vì, có đổi mới thì mới tiến bộ, mới khắc phục tình trạng lạc hậu, trì trệ và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Có sáng tạo thì mới có ý tưởng mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để đạt được giá trị mới, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể.

Kết luận

Để có được đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới thực hiện khát vọng phát tiển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nhất thiết đội ngũ đó phải có được đạo đức cách mạng. Song, trong bối cảnh mới, đạo đức cách mạng của đội ngũ này cần được bổ sung giá trị chuẩn mực mới, hoặc bổ sung nội tiêu chí trong chuẩn mực đạo đạo đức cách mạng. Khi tiếp cận về giá trị đổi mới, sáng tạo xin khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của giá trị ấy. Những nội dung về đổi mới, sáng tạo là bộ phận cơ bản cấu thành tư tưởng của Người. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người chỉ ra rằng, cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Khi đề cập về công cuộc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước thắng lợi, Người căn dặn trong Di chúc: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[7, tr. 617]. Đây chính là tinh thần, phương pháp, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo mà chúng ta tiếp thu, bổ sung gắn thực tiễn bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Học viện Chính trị khu vực I (2020), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng vào phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Trần Hậu Kiêm (chủ biên - 2017), Giáo trình đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.