Hơn 90 năm từ
khi thành lập, cùng với việc tập trung xây dựng, thực hiện đường lối và quyết
sách chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh phê phán các
quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng và xem đây là nhiệm vụ
quan trọng, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Hiện nay các thế lực thù địch
cùng những phần tử cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống
phá Đảng và Nhà nước Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xuyên tạc sự thật
về cách mạng Việt Nam và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ
đổi mới. Việc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc cần được chú trọng hơn bao giờ
hết.
1. Luận
cứ phản bác quan điểm phủ nhận thành tựu của hơn 35 năm Đổi mới đất nước dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đổi
trắng thay đen, hạ thấp hay phủ nhận thành tựu cách mạng Việt Nam là một trong
những thủ đoạn và luận điệu thường thấy của các thế lực thù địch, phản động.
Chúng tập trung phủ nhận thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước của Việt Nam.
Các thế lực phản động, thù địch thường đưa ra quan điểm rằng “thành tựu của đổi
mới là do Đảng, Nhà nước Việt Nam “tự vẽ lên”, “tự mình khen mình”, chứ thực chất
là “không có thật”, hay Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không hề đổi mới chính
trị, vẫn giữ nguyên bộ máy lãnh đạo chuyên quyền; hoặc chúng cho rằng, Việt Nam
thiếu dân chủ, nhân quyền... đây là những luận điệu hoàn toàn mang tính suy diễn,
vô căn cứ.
Một là, phản bác
quan điểm phủ nhận thành tựu của sự nghiệp Đổi mới, phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam
Sự
nghiệp Đổi mới đất nước được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại
hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh
giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, nhằm mục tiêu đưa Việt Nam thoát khỏi khủng
hoảng kinh tế - xã hội, tạo nên bước ngoặt trọng đại trong tiến trình lịch sử
phát triển của cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
đã khẳng định: “Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những
thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới.
Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày
nay”[5, tr.103-104]. Điều này được minh chứng
thông qua các số liệu về phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Việt Nam do
các tổ chức quốc tế công bố, nhất là giai đoạn 2016-2020: (1) Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 bình
quân đạt 6%, giai đoạn 2011-2020 là 5,95%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt
271,2 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD/người/năm (tăng 3,1 lần
so với năm 2010)[5, tr.61]. (2) Dự trữ ngoại hối quốc gia tăng kỷ lục: 100 tỉ
USD vào năm 2020. (3) Năng lực cạnh tranh quốc
gia do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố năm 2019, Việt Nam xếp 67/141 quốc
gia, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 6,0%/năm
giai đoạn 2016 - 2020; chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng vượt bậc, xếp
41/131 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá
thương hiệu quốc tế, năm 2020, giá trị thương hiệu Việt Nam đạt 319 tỉ USD,
tăng 29% so với 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới. (4)
Các chỉ số xã hội, an sinh, Việt Nam đang cho thấy là hình mẫu của sự phát triển
toàn diện, bền vững chỉ số phát triển con người HDI năm 2021 Việt Nam được xếp
vào nhóm cao của thế giới với 0,703 điểm, hạng quốc gia, vùng lãnh thổ[8, tr.274]; là điểm sáng của thế giới về thực hiện
Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; chỉ
số hạnh phúc quốc gia liên tục được cải thiện tích cực (năm 2022 Việt Nam xếp
thứ 77/146 quốc gia, năm 2021 xếp thứ 77/146)[10];
(5). Các chỉ số và thành tựu khác như: chỉ số
chính phủ điện tử năm 2022 Việt Nam đạt 0,67 xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh
thổ, tăng 02 bậc so với năm 2018[9], đặc biệt,
chỉ số quyền lực châu Á (Asian Power Index) năm 2021 do Viện Lowy công bố, Việt
Nam xếp thứ 7/26 quốc gia, vùng lãnh thổ[11].
Việt Nam bảo đảm tốt ổn định chính trị - xã hội; quốc phòng - an ninh được giữ
vững, củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu
quả; thế và lực đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín đất nước được nâng
cao. Đây là những thành tựu to lớn, vượt bậc, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế
và lực mới, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống
chính trị, đồng thời cũng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sự vận hành hiệu quả
của cả hệ thống chính trị Việt Nam trong bối cảnh thế giới nhiều biến đổi phức
tạp như hiện nay. Những thành tựu trên là hiện thực và đã được cộng đồng quốc tế
thừa nhận, đánh giá cao; không phải là câu chuyện Việt Nam tự vẽ lên, tự khen
mình, hay tự “tô hồng” như các thế lực phản động đã tuyên truyền.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19,
nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu
vực và trên thế giới_ Nguồn ảnh: https://dangcongsan.vn/
Hai là, khẳng định
công cuộc đổi mới ở Việt Nam là toàn diện, được thực hiện đồng bộ, có nguyên tắc
Với luận điệu
cho rằng, “Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không hề đổi mới chính trị”, là hoàn
toàn chưa hiểu, đánh giá thiếu khách quan về công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Đảng Cộng sản
Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đảng xác định rõ trong đường
lối đổi mới từ Đại hội lần thứ VI (1986): phải đổi mới từ kinh tế đến chính trị
và các lĩnh vực khác. Trong đó, về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và chính trị,
Hội nghị Trung ương 6 khóa VI nhấn mạnh: “chúng ta tập trung làm tốt đổi mới
kinh tế; đồng thời, từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các
tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội
vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ
thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây
thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới”[2, tr.745].
Đại hội lần
thứ VII, Đảng tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước
đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị “kết hợp chặt
chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm
trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”[1,
tr.14], “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức
và cách làm phù hợp…”[3, tr.70]. Đại hội lần
thứ XI của Đảng nhấn mạnh, “đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế
theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với
tăng cường kỷ luật, kỷ cương”[4, tr.99-100].
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đảng đã ban hành nhiều quyết sách chính trị, nghị
quyết nhằm hoàn thiện đổi mới thể chế chính trị trên nhiều phương diện như công
tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy, kiểm soát quyền lực, phương thức lãnh đạo của
Đảng. Đặc biệt, trong Đại hội lần thứ XIII, nội hàm về đổi mới kinh tế và chính
trị được nhận thức và làm rõ thêm, và định hướng phát triển đất nước giai đoạn
2021-2030 là: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể
chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường… tạo
động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”[5, tr.114].
Như vậy, rõ
ràng luận điệu cho rằng Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị
là hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ.
Ba là, phản bác luận
điệu của các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam là một quốc gia thiếu dân chủ,
nhân quyền
Nguyên tắc bất
di bất dịch và là bản chất của chế độ chính trị của Việt Nam là nước dân chủ, tất
cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng
và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện các quan điểm về dân chủ, nhân quyền
và coi việc thể chế hóa, luật hóa quan điểm về dân chủ, nhân quyền là yêu cầu bức
thiết của phát triển quốc gia.
Năm 1998, Bộ
Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ
ở cơ sở, khẳng định “phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; tiếp đó, Chính
phủ ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP (năm 2003 thay thế bằng Nghị định
79/2003/NĐ- CP) về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã; năm 2007, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường,
thị trấn. Bên cạnh đó, phát huy dân chủ xã hội còn được thể hiện ở nguyên tắc
“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trong
mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện
nghiêm túc quan điểm: “dân là gốc”[5, tr.96].
Dân chủ không chỉ là khát vọng mà còn là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tất cả luận cứ trên đều
cho thấy sự thống nhất, đồng bộ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
về phát huy cao độ dân chủ, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực
thù địch cho rằng thành tựu đổi mới của Việt Nam không đi kèm dân chủ.
Về nhân quyền,
Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư ngày 12/7/1992 về vấn đề quyền con người và
quan điểm, chủ trương của Đảng đều khẳng định: Quyền con người là giá trị chung
của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các
dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột và giải phóng con người; chỉ
khi gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện
được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ và trọn vẹn nhất. Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày
11/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ
thị 44-CT/ TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình
hình mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
(bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng đều
nhất quán nhấn mạnh đến quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt
Nam đã ký kết. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã dành trọn Chương II
để hiến định “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với 36 điều.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày
05/9/2017 về phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình
giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Bên cạnh đó, việc bảo đảm quyền con
người của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, Việt Nam
đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm
kỳ 2014 - 2016 với 184/193 quốc gia thành viên ủng hộ, tuyên bố tham gia ứng cử
vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025; năm 2019,
Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về áp dụng những
nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, tham gia Cam kết Tự nguyện
Toàn cầu về quyền trẻ em và Tuyên bố Trường học An toàn,... Liên hợp quốc xác
nhận Việt Nam là quốc gia đứng thứ 02 khối châu Á - Thái Bình Dương và thứ
09/135 quốc gia về tỉ lệ phụ nữ làm việc trong Chính phủ, là nước đầu tiên ở
châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em,
tham gia ký kết, gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Đặc
biệt, trong việc thực hiện quyền con người theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát
(UPR) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo của mình tại cả
hai chu kỳ (I và II) năm 2009 và 2014, chu kỳ III năm 2019 đồng thời tiếp thu
các ý kiến đóng góp xây dựng của các nước khác, cũng như tích cực đóng góp ý kiến
cho các quốc gia khác về tình hình thực hiện quyền con người tại các chu kỳ
này. Những thành quả đạt được trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh chống
đại dịch COVID-19, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và nỗ lực trong thực hiện dân
chủ, nhân quyền suốt thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận là minh chứng
sống động để bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc, phiến diện, cực đoan về tình
hình nhân quyền của Việt Nam.
2. Một
số đề xuất, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác luận điệu
xuyên tạc, thù địch trong tình hình mới hiện nay
Để công tác
đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng có hiệu quả, các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên cần tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, chủ động
nhận diện tình hình, phát hiện kịp thời các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc,
chống phá của các thế lực thù địch, phản động để đấu tranh làm thất bại âm mưu,
thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Vận dụng các quy định
của pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ internet, các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ quy
định của pháp luật Việt Nam; hợp tác trong xử lý thông tin xuyên tạc, thu thập
chứng cứ để xử lý các đối tượng chống phá Nhà nước; gỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn
chặn những thông tin sai sự thật được phát tán trên hệ thống của các doanh nghiệp
này.
Hai là, thường
xuyên lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu
cơ quan, đơn vị, cơ quan chuyên trách thực hiện Nghị quyết 35-NQ/ TW về tăng cường
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch trong tình hình mới, trong xây dựng lực lượng đấu tranh nòng cốt
chuyên sâu, nhất là cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí, các học viện, nhà trường,
đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, đấu tranh thông qua luận cứ thuyết phục có
tính chuyên môn cao, tính chuyên sâu và tính chuyên nghiệp của lực lượng nòng cốt,
nhất là đấu tranh ở tầm lý luận, quan điểm, buộc đối phương phải “tâm phục khẩu
phục”.
Ba là, duy trì, tổ
chức thực hiện tốt việc đấu tranh trên các phương tiện thông tin đại chúng, lấy
các cơ quan báo chí, tuyên truyền vào khung “giờ vàng” làm nòng cốt để vạch trần
bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, định
hướng dư luận xã hội. Đồng thời, thiết lập các trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội
nhằm tiếp cận, chia sẻ thông tin chính thống, đấu tranh phản bác trên môi trường
mạng với hình thức, phương pháp linh hoạt; chú trọng chia sẻ thông tin tích cực,
bài viết chuyên sâu của các cơ quan báo chí, học viện, nhà trường tạo “dòng chủ
lưu” thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực
đẩy lùi thông tin tiêu cực”.
Bốn là, thường
xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu và hiệu quả của
công tác tuyên truyền về tư tưởng, lý luận; làm cho cán bộ, đảng viên và người
dân, đặc biệt là giới trẻ nhận thức rõ bản chất của thông tin phản động, xuyên
tạc; có tinh thần cảnh giác, khả năng nhận diện và “miễn dịch” trước các thông
tin xuyên tạc, thù địch.
Năm là, tiếp tục đẩy
mạnh thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường củng cố quốc
phòng, an ninh, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; không ngừng
nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó củng cố niềm tin và thế
trận lòng dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Chú ý giải quyết kịp thời, dứt điểm
các mâu thuẫn phức tạp, kéo dài ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”;
không để kẻ địch lợi dụng chống phá.
Sáu là, cán bộ, đảng
viên tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được
làm, chủ động học tập, nghiên cứu chuyên sâu lý luận chính trị; nêu cao tinh thần
tự học, tự nghiên cứu, kiên quyết tránh bệnh “lười học lý luận chính trị”; luôn
biết phản biện, bảo vệ và phát triển lý luận chính trị của Đảng trong tình hình
mới.
Kết
luận
Những
thành tựu của hơn 35 năm đổi mới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam đã được khu vực và thế giới công nhận. Đấu tranh phản bác các luận điệu
sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị
đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc cung cấp luận
cứ, lập luận trên nền tảng khoa học lý luận và thực tiễn để bảo vệ chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thành tựu của quá trình đổi đất nước là cần
thiết và quan trọng.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 49, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà
Nội.
[5] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội.
[6] Hội
đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê phán
các quan điểm sai trái, xuyên tạc: Cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng,
chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về chính trị trong
Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[7] Vũ
Văn Hiền (2020), Một số luận cứ phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập 1,
Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.