Chủ nhật, ngày 30/04/2023, 18:06

Tiềm năng du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hiện nay

VŨ TRƯỜNG GIANG
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân địa phương. Bài viết phân tích khái quát tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát huy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Bắc Yên là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Sơn La. Vị trí địa lý đã tạo cho huyện Bắc Yên có nhiều cảnh quan thiên nhiên vừa hoang sơ, thơ mộng nhưng không kém phần hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Tài nguyên du lịch ở Bắc Yên không chỉ hấp dẫn vì đa dạng của cảnh quan và sinh thái, mà còn hấp dẫn bởi tính nguyên khai của thiên nhiên. Các tộc người thiểu số ở Bắc Yên còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc tộc người. Chính vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chính là tiềm năng du lịch rất lớn để phát triển bền vững trong thời gian tới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

1. Du lịch bền vững

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO - World Tourism Organization định nghĩa Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) như sau: “Du lịch có tính đến các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết các nhu cầu của du khách, ngành công nghiệp, môi trường và cộng đồng chủ nhà”.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) khuyến nghị du lịch bền vững nên:

(1) Tận dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường tạo thành yếu tố chính trong phát triển du lịch, duy trì các quá trình sinh thái thiết yếu và giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

(2) Tôn trọng tính xác thực văn hóa - xã hội của các cộng đồng chủ nhà, bảo tồn di sản văn hóa được xây dựng và các giá trị truyền thống của họ, và đóng góp vào sự hiểu biết và khoan dung liên văn hóa.

(3) Bảo đảm các hoạt động kinh tế lâu dài, khả thi, mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho tất cả các bên liên quan được phân phối công bằng, bao gồm cơ hội việc làm, thu nhập ổn định và các dịch vụ xã hội cho cộng đồng chủ nhà và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia có hiểu biết của tất cả các bên liên quan, cũng như sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ để bảo đảm sự tham gia và xây dựng sự đồng thuận rộng rãi. Đạt được du lịch bền vững là một quá trình liên tục và nó đòi hỏi phải theo dõi liên tục các tác động, đưa ra các biện pháp phòng ngừa và/hoặc khắc phục cần thiết bất cứ khi nào cần thiết [4].

Luật Du lịch Việt Nam (Luật số: 09/2017/QH14), Điều 3, khoản 14 quy định: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Từ những khái niệm nêu trên, ta có thể hiểu du lịch bền vững là du lịch có sự quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị của tài nguyên du lịch, đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại xấu đến môi trường, kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm phục vụ nhu cầu hiện tại của du khách và điểm du lịch mà không làm phương hại đến nhu cầu của tương lai.

Du lịch bền vững có ba hợp phần chính: Một là, thân thiện với môi trường: giảm thiểu tác động đến môi trường (động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm…) và cố gắng có lợi cho môi trường. Hai là, gần gũi về xã hội và văn hóa: Du lịch bền vững không hại đến cấu trúc xã hội và văn hóa của cộng đồng nơi nó thực hiện, ngược lại, du lịch bền vững tôn trọng văn hóa và truyền thống địa phương. Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, nhà quản lý du lịch, chính quyền địa phương). Trong các quy hoạch đều được lập kế hoạch, giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ. Ba là, sự đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng, ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như các bên có liên quan[7, tr.23- 24].

2. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Khung cảnh thiên nhiên xã Tà Xùa Nguồn ảnh: https://bacyen.sonla.gov.vn/

Huyện Bắc Yên được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh hữu tình, núi non hùng vỹ. Nơi đây không chỉ có những giá trị về mặt lịch sử, mà còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các tộc người thiểu số ở vùng cao, là những điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Các xã vùng cao như Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng... có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 15 - 20oC, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau thường có mây mù, mùa đông thường xuất hiện băng giá. Vùng cao Bắc Yên có thảm thực vật hết sức phong phú, nhiều rừng già, đồi núi, những triền dốc có độ dốc cao; có nhiều loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm. Khai thác những tiềm năng đó, nơi đây đang phát triển các loại hình du lịch phượt trên những cung đường vùng cao Bắc Yên, săn mây ở Tà Xùa và các xã lân cận, tham quan “Sống lưng khủng long”, những nương chè cổ thụ, rừng cây táo Sơn Tra...

Các xã vùng thấp ven sông Đà như: Phiêng Ban, Song Pe, Chiềng Sại, Tạ Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà... có khí hậu ấm áp, mưa nhiều, có sông Đà chảy qua rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ven sông Đà có nhiều bản làng thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với giao thông đường thủy như bản Ngậm, xã Song Pe; bản Cải B, xã Chim Vàn...

Không chỉ có “Thiên đường mây Tà Xùa”, “Sống lưng khủng long” (xã Háng Đồng), đồi Pu Nhi (xã Phiêng Ban), huyện Bắc Yên còn có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua như ruộng bậc thang (xã Xím Vàng), bãi đá khắc cổ Khe Hổ (xã Hang Chú), hồ sen (xã Hua Nhàn), hang A Phủ (xã Hồng Ngài)… Các danh lam, thắng cảnh này đang tạo nên bức tranh đầy màu sắc cho du lịch vùng cao Bắc Yên.

Huyện Bắc Yên có các tộc người thiểu số như Mông, Thái, Mường, Dao, Tày, Khơ Mú... cư trú. Mỗi tộc người có nền văn hóa truyền thống đặc sắc và phong phú, con người hiền hòa, mến khách.

Nhiều bản làng dân tộc đã bước đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng sinh thái như bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với hang vợ chồng A Phủ), bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa (du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với du lịch săn mây Tà Xùa); bản Ngậm, xã Song Pe (du lịch cộng đồng dân tộc Mường gắn với du lịch đường thủy trên sông Đà)...

Trên địa bàn huyện Bắc Yên có các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng như Bãi đá khắc cổ Khe Hổ - Hang Chú (di tích cấp quốc gia), Hang A Phủ thuộc Khu căn cứ kháng chiến 99 (di tích cấp tỉnh).

Đến Bắc Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn của các tộc người Mông, Thái, Mường, Dao...; trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, làm khèn (người Mông), đan lát gùi(người Thái)...; hòa mình vào các lễ hội truyền thống; Tết Độc lập 02/9; chơi các trò chơi dân gian: ném còn, ném pao, kéo co, đẩy gậy, dự các lễ hội Xên mường, Xên bản...

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp về phát triển du lịch, trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, tuyên truyền, quảng bá và thu hút đầu tư để phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội, đúng thuần phong mỹ tục, phát huy được những giá trị văn hóa vốn có. Nhờ vậy, du lịch của huyện đã có những bước phát triển mạnh, khách du lịch tăng qua các năm; giai đoạn 2015-2020 ước đạt 167.000 lượt người: trong đó, khách quốc tế 1.500 lượt người; tổng doanh thu ước đạt 82,9 tỷ đồng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của huyện[1]. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã tiếp đón được khoảng 135.004 lượt khách (trong đó có 76 lượt khách quốc tế) bằng 209,9% kế hoạch giao, tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch ước đạt 87,6 tỷ đồng, bằng 185,6% kế hoạch giao [2].

3. Một số khuyến nghị về tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Cẩm nang số giới thiệu du lịch huyện Bắc Yên_ Nguồn ảnh: https://bacyen.sonla.gov.vn/

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về Kế hoạch bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành lập quy hoạch và cắm mốc giới bảo vệ, xây dựng hạ tầng giao thông; đề nghị đầu tư trùng tu tôn tạo đối với 2 di tích đã được xếp hạng: Hang A Phủ (xã Hồng Ngài) và bãi đá cổ Khe hổ (xã Hang Chú); lập hồ sơ khoa học 3 di tích cấp tỉnh là Khu tranh đấu Tạ Khoa, Khu kháng chiến Chiềng Sại, bàn thờ đá Mùa Chống Lầu, xã Hang Chú và 2 di tích cấp quốc gia Bến phà Tạ Khoa và đèo Chẹn. Đồng thời, phối hợp với Bảo tàng tỉnh điều tra, khảo sát trang phục dân tộc, nghề thủ công truyền thống, công cụ sản xuất sinh hoạt của đồng bào Mông các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng; lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và triển khai thí điểm mô hình bản văn hóa du lịch tại xã Tà Xùa gắn với văn hóa dân tộc Mông nhằm bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch. Các nghề truyền thống đang được chú trọng phát triển như nghề rèn, làm khèn bè, nấu rượu Hang Chú (của người Mông); mây tre đan (của người Mường, người Thái)... Chú trọng bảo tồn và phát triển những điệu múa, nhạc cụ dân tộc; phục dựng và duy trì Lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội Xên bản của dân tộc Thái... Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch tại một số điểm, phát triển mô hình du lịch cộng đồng đi kèm các dịch vụ như cung cấp nhà nghỉ cộng đồng homestay...

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, cần thực hiện các tiêu chí sau:

Bảng 1: Một số tiêu chí để phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên - Sơn La

 

      

Kết luận

Tài nguyên du lịch của huyện Bắc Yên không chỉ hấp dẫn vì đa dạng của cảnh quan và sinh thái, mà còn hấp dẫn bởi tính nguyên khai của thiên nhiên. Nhân dân các tộc người thiểu số ở Bắc Yên còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc tộc người. Việc khai thác tiềm năng và phát triển du lịch bền vững về văn hóa - lịch sử không những giúp huyện Bắc Yên quảng bá hình ảnh một mảnh đất vùng cao đa dạng về địa hình và sinh thái, mà còn góp phần bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội dựa trên những tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Tài liệu tham khảo:

[1] Lê Văn Kỳ (2021), “Huyện Bắc Yên: Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015- 202”, https://consosukien.vn

[2] Phạm Phượng (2022), “Bắc Yên phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững”, https://bacyen.sonla.gov.vn

[3] Bùi Thị Tám - Mai Lệ Quyên (2012), “Đánh giá khả năng thu hút du khách của điểm đến Huế”, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế.

[4] UNWTO: “Definition”, https://sdt.unwto.org

[5] Ủy ban nhân dân huyện Bắc Yên (2019), Cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân huyện Bắc Yên - Sơn La, số 362/KH-UBND, http://bacyen.sonla.gov.vn

[6] Vengesayi, S (2003), “A Conceprual Model of Tourism Destiantion Competitiveness and Attractiveness”, https://www.researchgate.net

[7] Phan Huy Xu - Võ Văn Thành (2017), “Một số vấn đề phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học, Đại học Văn Lang.

[8] http://www.academi.edu

Đọc thêm

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.