Từ khi ra
đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu quan điểm xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quá trình đổi mới tư duy, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận cũng như thực tiễn
về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta được xác định ngày
càng rõ hơn.Văn kiện Đại hội XIII
khẳng định: “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do
nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới
hệ thống chính trị”[2; tr.
174]. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 27 - NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam trong giai đoạn mới ra đời. Nội dung Nghị quyết là sự tập
trung các quan điểm chỉ đạo về tình hình, mục tiêu, trọng tâm và các nhiệm vụ,
giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
(XHCN) trong giai đoạn mới. Bài viết tập trung phân tích một số quan điểm chỉ đạo
sau:
1. Kiên
định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Quan điểm này thể hiện sự
nhất quán về cơ sở lý luận trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; về
mục tiêu của cuộc Cách mạng XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là cuộc cách mạng vì con người và giải phóng con người.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải là sản phẩm của sự vận dụng và phát
triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện xã hội mới. Theo
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “điều hết sức quan trọng là
phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ
nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và
quần chúng lao động”, “chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên
tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học
để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp
thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ,
lạc hậu so với cuộc sống”[4].
Qua đó, có thể khẳng định Nhà nước pháp quyền XHCN không phải là một kiểu Nhà
nước mới trong lịch sử, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN không làm thay
đổi bản chất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm
chỉ đạo của Nghị quyết, các nội dung của Nghị quyết đều quán triệt quan điểm
này, nhất là trong việc giải quyết mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý và nhân dân làm chủ.
Đồng thời, việc xây dựng và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân
dân phải kiên định
đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nghị quyết số 27- NQ/TW là nghị quyết
đầu tiên
khẳng định các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, sự ghi nhận
này có ý nghĩa rất quan trọng trong chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận và thực
tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn
mới. Tám đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là sự kế thừa và
phát triển các quan điểm của Đảng trong suốt thời kỳ đổi mới, qua đó thể hiện
sự kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời, Nghị quyết cũng khẳng định:
“Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là đặc trưng thứ nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN
Việt Nam. Để thực hiện, Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
Toàn bộ nội dung Nghị quyết
là sự kế thừa và phát triển các quan điểm và đường lối đổi mới đã được Đảng xác
định trong các Văn kiện, như xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do
Nhân dân, vì Nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước: tiếp tục
cải cách hành chính; cải cách tư pháp... Nhưng từng nội dung đã thể hiện sự
phát triển trong nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thể hiện trong
những yêu cầu cụ thể, chẳng hạn như: trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà
nước, phải “phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả” thay vì
cơ chế trong các văn kiện trước đây là “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong
thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hay “bảo đảm tính độc lập của
tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân
theo pháp luật” thay cho nguyên tắc “thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc
lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong các văn kiện trước đây...
Việc khẳng định quan điểm
này hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong chỉ đạo thực tiễn. Một mặt, thống
nhất định hướng trong công tác nghiên cứu lý luận, tránh dao động về nhận thức.
Mặt khác, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
2. Phát
huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả
trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nghị quyết số 27 - NQ/TW
xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được “những
thành tựu rất quan trọng”, nhưng Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra “những hạn
chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất
nước trong tình hình mới”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất
cập là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “vấn đề
lớn, phức tạp, lâu dài”, nhưng quyết tâm chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo
của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền “chưa tương xứng với yêu cầu đặt
ra”. Trong bối cảnh đó, Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết số 27 - NQ/TW đã
xác định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là “nhiệm vụ trọng
tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Toàn bộ nội dung của Nghị
quyết số 27 - NQ/TW đã thể hiện rất sâu sắc quan điểm này, nhất là các nhiệm
vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn
mới. Trong đó, “tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Việt Nam” được xác định là một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp. Nhiều yêu cầu đã
được xác định trong Nghị quyết, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng như:
đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của
Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng tổ chức bộ máy và xây dựng
đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất
là người đứng đầu; cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng bằng các quy định
công khai để nhân dân giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa,
thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng...
“Thể
chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền
lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ
sở”, hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng
và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiên trì thực hiện phương châm
"dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng"[2; tr. 27].
Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải vì
lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.
3. Việc
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải kết hợp hài hòa giữa
kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm minh,
nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc
Sau
hơn 35 năm đổi mới, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được những thành
tựu quan trọng. Trong đó có thành tựu về nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp
quyền XHCN Việt Nam “thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn”; thành tựu về tổ chức
và hoạt động của bộ máy nhà nước, như hệ thống pháp luật, vai trò của pháp luật
trong đời sống xã hội; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát trong thực hiện
quyền lực nhà nước; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong
việc bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân... các điều kiện về kinh tế - xã hội
đã thay đổi, như: trình độ dân trí, năng lực làm chủ của nhân dân; mức sống,
thu nhập của nhân dân; lối sống, sinh hoạt của nhân dân ở nhiều nơi đang thay
đổi để thích ứng với quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp...
Tất cả những thành tựu về
xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và những thay đổi của xã hội đang tác động
rất mạnh mẽ đến quá trình nhận thức, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn
mới, đòi hỏi chúng ta phải nhất quán “kết
hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn
trương, nghiêm minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi
vững chắc”. Quan điểm này
đã thể hiện xuyên suốt trong nội dung Nghị quyết, thông qua việc tiếp tục khẳng
định những định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã được triển khai
trong thực tiễn, nhưng có sự kế thừa và phát triển như thực hiện nhất quán
nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nguyên tắc tổ chức thực
hiện quyền lực nhà nước: “dưới sự giám sát của nhân dân”; Nhà nước tổ chức và
hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật,
nhưng bảo đảm thượng tôn pháp luật; Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa
đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp...
Trên
cơ sở đó, Nghị quyết số 27 - NQ/TW đã xác định những mục tiêu tổng quát, mục
tiêu cụ thể đến năm 2030 và ba trọng tâm, qua đó thể hiện tinh thần “tiến hành khẩn trương, nghiêm minh, nhất
quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc”.
4. Việc
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải bám sát thực tiễn đất
nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp
thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam
Lý
luận về nhà nước pháp quyền là giá trị chung của lịch sử nhân loại. Việc xây
dựng Nhà nước pháp quyền là xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới, có
thể coi đó là xu hướng phát triển của thời đại. Nhà nước pháp quyền được nghiên
cứu và tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng dưới góc độ chung nhất thì
đó là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực hướng tới các giá trị chung
như: bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm sự phân công rành mạch và
kiểm soát hiệu quả việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; tôn
trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Cách
thức thực hiện và mô hình nhà nước pháp quyền ở các quốc gia thì không thể
giống nhau, mà phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội, thể chế chính trị,
truyền thống lịch sử, văn hóa... Tuy nhiên, hiện nay, có những lực lượng đã lợi
dụng vấn đề Nhà nước pháp quyền như một công cụ can thiệp làm thay đổi thể chế
chính trị ở các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Nhiều luận điểm sai trái phủ
nhận thành quả xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hạ thấp vai trò, uy
tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Đảng
Cộng sản Việt Nam chủ trương “bám sát
thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu
đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều
kiện kinh tế, xã hội Việt Nam. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong
điều kiện nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu về dân chủ,
nhân quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước... trong xây dựng nhà nước pháp quyền,
việc “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức
mạnh quốc tế” là rất cần thiết giúp Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu” nhanh
chóng rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trên thế giới về các vấn
đề trên. Nhưng Đảng chủ trương phải “bảo
đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1].
Với những quan điểm chỉ
đạo đúng đắn của Đảng, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
thời gian qua, đã có được những thành công đáng kể, vừa giữ vững được ổn định
chính trị, vừa tiếp cận đến
nhiều giá trị chung phổ biến về nhà nước pháp quyền của thế giới nguyên tắc
pháp quyền, thượng tôn pháp luật...
Kết luận
Xây dựng và hoàn
thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là “vấn đề lớn, phức tạp và lâu dài”,
trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến “nhanh chóng, phức tạp”[2; tr. 22] hiện nay,
những quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện của Đảng trong Nghị quyết số 27 -
NQ/TW, Hội nghị trung ương 6, khóa XIII đã được nhất quán trong nội dung các
quan điểm cụ thể về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới.
Việc nâng cao nhận thức về các quan điểm chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, tạo sự
thống nhất trong nghiên cứu lý luận và hành động thực tiễn, kịp thời phản bác,
đấu tranh mạnh mẽ với các luận điểm sai trái, xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền
XHCN, sớm thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 27 - NQ/TW.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 27 – NQ/TW, Hội nghị
Trung ương lần thứ VI, Khóa XIII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam
(2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII,
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,
https://www.tapchicongsan.org.vn