Thứ Ba, ngày 15/08/2023, 21:49

Nhận diện, đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Vũ Trường Giang - Nguyễn Gia Hùng
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Trong những năm qua, các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bài viết nhận diện âm mưu và thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch; phân tích các luận cứ phản bác và đề xuất giải pháp phòng, chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giữ vững quốc phòng, an ninh trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay.

Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, các thế lực thù địch thường lợi dụng sự khác nhau về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số (DTTS) để xuyên tạc chủ trương của Đảng, kích động các DTTS ly khai, chống đối Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng và Nhà nước để vận dụng và thực hiện hiệu quả; đồng thời nhận diện âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trong đồng bào DTTS để chống phá cách mạng Việt Nam, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và chủ quyền quốc gia.

1. Nhận diện, đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch

1.1. Về vấn đề dân tộc

Thứ nhất, đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết của dân tộc quốc gia” với quyền của “dân tộc tộc người”.

Các thế lực thù địch thường đánh tráo khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của các “dân tộc quốc gia” (nation-states) với quyền của “dân tộc tộc người” (ethnic groups) nhằm kích động, tuyên truyền tư tưởng ly khai tự trị trong đồng bào các DTTS, thành lập “nhà nước Mông” tự trị ở vùng Tây Bắc; “nhà nước Đề ga” ở Tây Nguyên; “nhà nước Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ.

Trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Hiến chương khẳng định: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”[7].

Ngày 14/12/1960, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ban hành Nghị quyết số 1514 (XV) thông qua Tuyên bố về Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa; tại Điều 2, Nghị quyết chỉ rõ: “Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa[8].

Công ước quốc tế về “Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc), Điều 2 quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá[9].

Có thể thấy, trên bình diện quốc tế, quyền dân tộc tự quyết là việc một quốc gia - dân tộc có quyền tự chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền quyết định về thể chế chính trị, con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận tại Điều 27 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR 1966): “Ở những Quốc gia tồn tại các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, những người thuộc các nhóm thiểu số đó sẽ không bị từ chối quyền, trong cộng đồng với các thành viên khác trong nhóm của họ, được hưởng nền văn hóa của họ, tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ, hoặc sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”. Còn chủ thể quyền dân tộc tự quyết là quốc gia - dân tộc chứ không phải là một DTTS trong quốc gia - dân tộc đó. Pháp luật quốc tế không cho phép một DTTS ở một quốc gia được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó[1].

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc (ethnic groups), với người Kinh là đa số (chiếm 85,3% dân số). Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển...”[6, tr.170].

Hiến pháp năm 2013 quy định: “1) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3) Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4) Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”[12].

Thứ hai, các thế lực thù địch thường lợi dụng sự khác biệt và phát triển không đều giữa các dân tộc nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam không quan tâm tới đồng bào các DTTS để kích động tư tưởng ly khai, tự trị.

Ở Việt Nam, các DTTS mặc dù nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán khác nhau, hình thành ở những thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng các tộc người đều chịu sự tác động của các điều kiện lịch sử nên đã sớm có ý thức chung về một quốc gia - dân tộc. Các DTTS ở Việt Nam cư trú phân tán, xen kẽ cho nên các dân tộc ở Việt Nam không có lãnh thổ tộc người riêng.

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều giữa các vùng và các tộc người. Do vậy, khắc phục sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các tộc người là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “... Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[6, tr.170-171]. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, quy định: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”[12].

1.2. Về vấn đề tôn giáo

Thứ nhất, một số tổ chức, cơ quan nước ngoài như Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS) (2020)[13, tr.1], Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF)[14, tr.52], Bộ Ngoại giao và Thương Mại Úc (DFAT)[2, tr.20-21], Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)[10, tr.638], đưa ra các quan điểm cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam có chính sách hạn chế tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm, chủ trương và chính sách nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, được thể hiện cụ thể trong các Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội, đặc biệt là các Nghị quyết chuyên đề về tôn giáo: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16 tháng 10 năm 1990 về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW ngày 12/3/2003 về “Công tác tôn giáo”...

Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật"[12]. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016); Luật này tiếp tục được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bằng Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (ngày 30 tháng 12 năm 2017).

Quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều ghi nhận, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cụ thể, tại Điều 18 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự, Chính trị (ICCPR) 1966 và Điều 18 của Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người 1948. Các văn kiện quốc tế không chỉ quy định các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn quy định cụ thể giới hạn của quyền; Khoản 3, Điều 18, ICCPR quy định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”[1].

Thứ hai, một số tổ chức thường lấy các trường hợp cá nhân công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị xét xử theo quy định của pháp luật để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, hạn chế, phân biệt đối xử với người có tôn giáo.

Một số trường hợp trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2020 Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ[13, tr.12], Báo cáo hàng năm 2021 của Ủy ban về tự do tôn giáo quốc tế Mỹ[14, tr.53], Báo cáo thế giới 2020 của tổ chức Theo dõi nhân quyền[11, tr.638-639], đều là những cá nhân vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Những cá nhân này bị xử lý không phải vì lý do liên quan đến quyền tự do tôn giáo, thể hiện niềm tin tôn giáo như chứng dẫn của các bản báo cáo trên.

Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Việt Nam có 16 tôn giáo chính thức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, với 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước[3]. Thuộc các tôn giáo chính thức hoạt động có 43 tổ chức/pháp môn tôn giáo đã được công nhận hoặc được cấp giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động tôn giáo[5]. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được đầu tư ngày càng tăng từ sự đóng góp từ cộng đồng tín đồ, người hảo tâm, các thủ tục hành chính về sử dụng đất đai tôn giáo, in, phát hành kinh sách, đào tạo chức sắc, xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các tổ chức tôn giáo, nhu cầu về tôn giáo của một bộ phận quần chúng nhân dân.

2. Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch

2.1. Nhóm giải pháp trên bình diện quốc tế

Thứ nhất, chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao trong các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Chủ động lồng ghép các biện pháp và nội dung vận động đấu tranh về dân tộc, tôn giáo trong công tác đối ngoại, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại giao quy mô lớn và trong lộ trình thúc đẩy quan hệ ổn định, lâu dài với Mỹ và phương Tây; tăng cường thông tin, tuyên truyền đối ngoại đề cao chính sách, luật pháp và thành tựu của Việt Nam, vừa kiên quyết đấu tranh, vừa bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác về dân tộc, tôn giáo với các nước này trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của mỗi nước; chủ động hơn đối với việc đưa nội dung dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vào nội dung làm việc của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi đi thăm các nước hoặc trong dịp đón lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, qua đó quảng bá về các thành tựu bảo đảm quyền con người và chủ động đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo[8].

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, trước hết cần tiếp tục thúc đẩy cải cách tư pháp, củng cố thể chế, chính sách, pháp luật về quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thông qua việc cụ thể hóa các quyền này trong quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường tham gia các hoạt động quốc tế, thể hiện vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và các Công ước quốc tế, nhất là về lĩnh vực quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.

Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế, có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN... Trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”; thực hiện nhất quán chính sách về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, coi trọng Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền (HRC) và các khuyến nghị của Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát mà Việt Nam đã chấp thuận[4, tr.5], qua đó góp phần thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

2.2. Nhóm giải pháp trong nước

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân tôc, tôn giáo. Mỗi cấp ủy đảng, theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và cấp ủy cấp dưới thực hiện tốt các nội dung công tác dân tộc, tôn giáo. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Đối với cấp xã, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cần linh hoạt các phương thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với đặc điểm về ngôn ngữ, phong tục, tập quán và điều kiện tự nhiên của địa phương, của cộng đồng các DTTS.

Thứ hai, quan tâm đầu tư, thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và từng DTTS. Kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ DTTS đối với các chức danh chủ chốt ở cơ sở; phát huy vai trò của Bí thư Chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, già làng, người có uy tín; phân công cán bộ hiểu biết phong tục tập quán của đồng bào về công tác ở vùng dân tộc DTTS.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về tôn giáo, đặc biệt là xử lý vi phạm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Sở Nội vụ triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Sở Nội vụ các tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các điểm, nhóm tôn giáo tổ chức các lễ trọng của tôn giáo…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ tư, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Qua tổng kết thực tiễn, những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách theo điều kiện thực tiễn của địa phương được phát hiện, từ đó giúp có những đề xuất trong điều chỉnh, bổ sung các chính sách. Để có thể đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo một cách có hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo nói riêng, toàn hệ thống chính trị nói chung, cần tăng cường công tác nắm tình hình từ đó đề ra các phương thức đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo vì mục đích chính trị, kích động gây mất đoàn kết dân tộc và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kết luận

Trong những năm qua, vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng các DTTS luôn là điểm nóng để các thế lực thù địch lợi dụng, nhằm xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn, bằng nhiều cách thức như thành lập các tổ chức phản động của người DTTS ở cả trong và ngoài nước; tận dụng tối đa các phương tiện thông tin truyền thông để phát tán tài liệu, tin tức xuyên tạc; lợi dụng, lôi kéo đồng bào theo tôn giáo trái pháp luật nhằm gieo rắc tư tưởng ly khai, tạo mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo; chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong xây dựng Đảng. Việc làm có ý nghĩa quyết định là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết; tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và kiện toàn đội ngũ cán bộ dân tộc DTTS; sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc, giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

[1] Quốc An (2018), Không thể đánh đồng quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số, https://www.qdnd.vn

[2] Australian Government Department of Foreign Affairs and Trade (2019), Country Information Report Vietnam, https://www.dfat.gov.au

[3] Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội.

[4] Bộ Ngoại giao (2018), Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, https://issuu.com/mofavietnam

[5] Bộ Nội vụ (2020), Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28 tháng 12 năm 2020, Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020, Hà Nội.

[6] Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[7] Liên Hợp Quốc (1945), Hiến chương Liên Hợp Quốc, https://thuvienphapluat.vn

[8] Liên Hợp Quốc (1960), Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, https://thuvienphapluat.vn

[9] Liên Hợp Quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, https://thuvienphapluat.vn

[10] Hoàng Nam (2020), Tăng cường công tác đối ngoại, đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, góp phần bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta, https://www.tapchicongsan.org.vn

[11] Human Rights Watch (2021), World Report 2020, https://www.hrw.org

[12] Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, https://datafiles.chinhphu.vn

[13] United States Department of State (2020), Vietnam 2020 International Religious Freedom Report.

[14] United States Commission on International Religious Freedom (2022), Annual Report 2021, https://www.uscirf.gov

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.