
Hội thảo quốc tế “Các giá
trị của chủ nghĩa xã hội” (nguồn: vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh cụ thể, việc lựa chọn xu hướng chính trị hoặc chiến lược
phát triển của một quốc gia, dân tộc, các chính đảng cầm quyền đều tính đến sự
phù hợp của xu thế của thời đại, đặc biệt là phải tính đến đặc điểm, yêu cầu và
nhiệm vụ mà lịch sử của quốc gia, dân tộc đó đặt ra. Quá trình lựa chọn đường
lối chiến lược có ý nghĩa quyết định tới việc chính đảng cầm quyền đó có khơi
dậy và phát huy được nguồn nội lực của đất nước và nguồn sức mạnh của thời đại
hay không trong thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Đối với cách mạng Việt Nam,
việc lựa chọn và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc (ĐLDT) và chủ nghĩa xã hội
(CNXH) của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến nay là sự lựa chọn đúng đắn,
phù hợp với xu thế của nhân loại và không thể coi là “lỗi thời” về tư tưởng.
1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
là những giá trị phổ quát mà nhân loại đã và đang phấn đấu tiệm cận, hiện thực
hoá
Trước tiên cần
tìm hiểu nội hàm khái niệm “độc lập dân tộc” và “chủ nghĩa xã hội”.
“Độc lập dân tộc”: Đối với mỗi quốc gia dân tộc, độc lập có
nghĩa là độc lập thực sự về chính trị, kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Theo nghĩa chung nhất,
ĐLDT là quyền tự chủ, tự quyết của dân tộc - quốc gia đối với vận mệnh của dân
tộc mình.
ĐLDT của một dân
tộc - quốc gia còn bao hàm cả quyền bình đẳng giữa các dân tộc - quốc gia trên
thế giới trong các mối quan hệ quốc tế.
Mặc dù ĐLDT là
một phạm trù, là các giá trị được định hình trong quá trình phát triển của lịch
sử. Ở mỗi chế độ chính trị, mỗi thời đại, mỗi quốc gia dân tộc và mỗi giai cấp
có quan niệm khác nhau về ĐLDT. Nhưng tựu trung lại, giá trị căn bản của ĐLDT
là đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, bình đẳng trong các mối quan hệ quốc tế.
“Chủ nghĩa xã hội”: Bản chất
của CNXH là một xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản
xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; đời sống của nhân dân ngày
càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, giàu có, ấm no, hạnh phúc. Về chính trị, trong xã hội xã hội chủ
nghĩa, mọi quyền lực thuộc về
nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; về
xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; về văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc dân
tộc và tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ, phù hợp của nhân loại; về quan hệ quốc tế, xây dựng các mối quan
hệ hợp tác, hữu nghị, đấu tranh vì hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội.
Khi xây dựng học thuyết về CNXH, C.Mác, Ph.Ăngghen, VI.Lênin đã luôn đề cao
vấn đề dân tộc, ủng hộ các dân tộc bị áp bức giành ĐLDT, hướng tới xây dựng một
chế độ xã hội tốt đẹp. Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin đã kết hợp ba cuộc cách
mạng trong một chỉnh thể: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng
con người. Nhờ đó mà sức mạnh dân tộc được nhân lên gấp bội. Trong tác phẩm
“Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Lênin lên án chủ
nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc đã bóc lột thậm tệ các nước thuộc địa; đồng
thời, ủng hộ các nước bị xâm lược quyền được tự do, độc lập. Tương tự như vậy,
trong tác phẩm “Về quyền dân tộc tự quyết”,
Lênin chỉ rõ: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, được quyền tự quyết vận mệnh của
dân tộc mình và quyền lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, lựa chọn chế
độ chính trị…; đồng thời, phải thủ tiêu tình trạng giai cấp này áp bức, bóc lột
giai cấp khác để trên cơ sở đó xóa bỏ tình trạng dân tộc này nô dịch dân tộc
khác; tiến tới xây dựng hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa mang lại
đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nhất là nhân dân lao động.
Như vậy, học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết luôn đề cao các
giá trị dân tộc, phát huy các giá trị độc lập dân tộc, thực hiện bình đẳng dân
tộc, hướng tới những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại. Đây là học
thuyết mang tính thời đại. Kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên
suốt, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng
định rõ trong Cương lĩnh đầu
tiên năm 1930, các văn kiện của Đảng và Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm
1991 và bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 2011. Đây vừa là bài học lớn, xuyên
suốt, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đến nay,
mục tiêu tổng quát của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Đảng ta
khẳng định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân
dân ta xây dựng là một xã hội: Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là những giá trị
đáp ứng đúng và phù hợp với khát vọng của nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là
những giá trị phổ quát mà nhân loại đã, đang và sẽ phấn đấu hướng tới.
2. Lựa chọn gắn độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa khách quan của lịch sử Việt Nam, phù
hợp với giá trị phổ quát của nhân loại chứ không thể coi đó là “sai lầm”, “lỗi
thời” về tư tưởng
Cuối thế kỷ XIX đầu
XX, phong trào yêu nước, đấu tranh giành ĐLDT của nhân dân Việt Nam diễn ra
mạnh mẽ, với nhiều xu hướng nhưng đều thất bại. Tìm lối thoát cho cuộc khủng
hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách
mạng là yêu cầu khách quan của lịch sử. Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu
nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với cách tiếp cận và phương thức
mới. Người trực tiếp chứng kiến cảnh sống cơ cực của nhân dân các nước thuộc
địa và người lao động ở các nước tư bản cũng không khác gì nhân dân Việt Nam,
Nguyễn Ái Quốc đã sớm khẳng định con đường cách mạng tư sản là cách mạng “không
đến nơi”, không thể đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân lao động,
cũng không thể là con đường giải phóng dân tộc, giành lại tự do, hạnh phúc cho
nhân dân Việt Nam.
Cũng tại thời điểm này, Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi năm
1917. Tư tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng sâu sắc đến lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân
tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Bản Bản Luận cương đã đáp
ứng đúng nguyện vọng của dân tộc Việt Nam: “Luận cương của Lênin làm cho tôi
rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát
khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần
chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho
chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo
Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[5,
tr.562]. Tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua
(Tours), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia
thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định
trong tư duy chính trị và cuộc đời hoạt động của Người. Từ chủ nghĩa yêu nước
chân chính, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con
đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[5, tr.30]. Đây là “sự khẳng định một hướng
đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác về
căn bản so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đó ở Việt Nam; đưa
cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp
cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của
chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng”[1, tr.110].
Từ thực tiễn lịch sử cho thấy, việc lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn,
chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã
hội cộng sản”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với dân tộc ta
đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt
Nam đã kéo dài 2/3 thế kỷ. Như Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Lịch sử dường
như đã chuẩn bị sẵn cho dân tộc Việt Nam đi vào thời kỳ hiện đại bằng miếng đất
sẵn sàng được gieo trồng, và bằng những nông phu sẵn hạt giống trong tay. Miếng
đất ấy là nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất; giống đó là chủ nghĩa
Mác - Lênin; người thứ nhất gieo giống đó là Nguyễn Ái Quốc”[4, tr.39].
Từ đây ĐLDT và CNXH là chiến lược cách mạng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta được xác lập trong
chính sự nghiệp đấu tranh giảnh ĐLDT và xây dựng CNXH qua hơn chín thập niên
qua.
Trên bình diện
thế giới, sau sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các quốc gia còn lại
đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu
Ba... đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách, đổi mới. Quá trình đó đã tạo ra
nhiều thành tựu to lớn, vĩ đại để CNXH vượt qua khủng hoảng và phát triển rất
đặc sắc trong bối cảnh mới của thời đại. Cải cách chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc
(từ năm 1978), đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986) và các quá trình tương tự ở các
nước xã hội chủ nghĩa khác được triển khai với các nguyên tắc đúng đắn. Vừa cải
cách, đổi mới toàn diện, đồng bộ, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình,
giải pháp phù hợp; kiên định và sáng tạo, kế thừa và phát triển, gắn lý luận
với thực tiễn, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... đã tạo ra những sự
phát triển đột phá của các quốc gia kiên định con đường đi lên CNXH. Đây là quá
trình cải cách, đổi mới thành công cả về tư duy lý luận và tầm nhìn thực tiễn.
Phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới ngày càng có nhiều chương trình, hình
thức, bước đi sáng tạo, đem lại sức sống mới cho lý luận và thực tiễn xã hội
chủ nghĩa.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ, đáng khâm phục của những quốc gia kiên định CNXH là
minh chứng lịch sử thuyết phục cho sự trường tồn của học thuyết về CNXH khoa
học của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý do cơ bản của sự trường tồn này không có gì
khác chính là các mục tiêu của mô hình CNXH phù hợp với những giá trị phổ quát,
tốt đẹp mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới. Đây là chính là mục tiêu, động
lực để các quốc gia kiên định con đường CNXH vượt qua mọi thử thách, kiên trì
hiện thức hoá những khát vọng tốt đẹp: giữ gìn nền độc lập cho dân tộc, mang
lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
3. Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của Đảng và dân tộc Việt Nam
Ngày 3-2-1930,
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, bản Cương lĩnh Chính trị đầu tiên vạch
rõ chiến lược, sách lược, lực lượng của cách mạng Việt Nam... Đây là những yếu tố hội tụ, tạo ra “lõi” của phong trào
cách mạng vô sản ở nước ta. Giai cấp công nhân Việt Nam chính thức bước lên vũ
đài chính trị. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành hạt nhân lãnh đạo cách
mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, của cách mạng vô sản,
với đường lối kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy được truyền thống yêu nước, sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần “Mang sức ta để giải phóng cho ta”, “Không
có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành mệnh lệnh của lịch sử, là nguồn cội
tạo ra những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua các chặng đường lịch
sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước vì mục tiêu CNXH.
Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân đang xây dựng là quá trình nhân dân hiện thực
hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ và mọi quyền lực
đều thuộc về nhân dân, là xã hội luôn chăm lo đến lợi ích vật chất và lợi ích
tinh thần của mỗi người dân. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VII (1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Đối với nước ta, không còn
con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân
dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã
dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu
nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo
nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”[2, tr.109].
Trong bài viết
"Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập
CNXH với tư cách là "chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác -
Lênin trong thời đại ngày nay"[7, tr.18] Trên cơ sở đặt ra "Vì sao
Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa"[7, tr.17], Tổng Bí thư đã làm rõ tính tất
yếu, khách quan của ĐLDT gắn liền với CNXH ở Việt Nam. Khẳng định tính đúng
đắn, sáng tạo của sự lựa chọn này, trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh:
"Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách
mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu
sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải
quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm
no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc"[7, tr.22].
Trên thực tế,
những thành tựu trong hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định rõ tính đúng đắn của mục
tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH ở Việt Nam. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng
kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao
và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát
triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối
ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên
trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng được thế giới đánh giá
cao về hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tại Đại hội XIII, Đảng
Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của
nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[3, tr.104]. Do vậy,
“kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối
đổi mới của Đảng”[3, tr.41]
là vấn đề nguyên tắc của cách mạng Việt Nam.
Kết luận
Như vậy, kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH là sự lựa chọn tất yếu, khách quan
của lịch sử Việt Nam. Đây chính là mạch nguồn tạo ra những thắng lợi vĩ đại của
dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước
theo con đường CNXH. Trong cả lịch sử, hiện tại và tương lai, sự lựa chọn này
là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Bởi ĐLDT gắn liền với
CNXH xét cho đến cùng là hướng tới những giá trị tốt đẹp, phổ quát mà các quốc
gia, dân tộc trên thế giới luôn hướng tới. Hiện thực lịch sử này là cơ sở quan
trọng để phủ nhận quan điểm sai trái cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì
mục tiêu ĐLDT và CNXH là “sai lầm”, là “lỗi thời” về tư tưởng. Các luận điệu
này cần phải bị vạch trần và đấu tranh, loại bỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ban Tuyên giáo
Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan
điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản
Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội.
[4] Trần Văn Giàu (1993) Thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, tập 3, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
[5] Hồ Chí Minh
(2011) Toàn tập, tập 12, Nxb.
Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[6] Lê Hữu Nghĩa
(2010), “Kiên định con đường đã chọn”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 1.
[7] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn
đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.