Thứ Ba, ngày 19/03/2024, 08:57

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Nguyễn Vĩnh Thanh
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tọa đàm bàn tròn “Giới thiệu lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam” tại Italy

(ảnh minh họa từ Thông tấn xã Việt Nam news.vnanet.vn)


Đặt vấn đề

Vấn đề xây dựng Đảng được Hồ Chí Minh quan tâm và giành dung lượng nhiều nhất với 14/50 bài viết trong tác phẩm “Thường thức chính trị”. Đến nay, giá trị, ý nghĩa của nội dung xây dựng Đảng trong tác phầm vẫn còn nguyên tính thời sự đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, việc nghiên cứu và vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống 70 năm hình thành và phát triển có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong tác phẩm “Thường thức chính trị”

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, trong thời gian từ tháng 1-1953 đến tháng 9-1953, với bút danh Đ.X, Hồ Chí Minh đã viết 50 bài báo, đǎng ở nhiều số trên tờ Cứu quốc. Đến nǎm 1954, Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp các bài viết này và in thành sách với tên gọi “Thường thức chính trị”. Tác phẩm trình bày ngắn gọn, cụ thể, toàn diện những quan điểm cơ bản về chính trị, như: giai cấp, nhà nước, cách mạng, các chế độ xã hội, kinh tế, Đảng, thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình thế giới, trong nước... Trong đó, nội dung về xây dựng Đảng được trình bày chiếm dung lượng nhiều nhất với 14/50 bài viết, tập trung vào những điểm chính sau:

Về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng: Đây là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” năm 1927, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy...”[4, tr.324]. Bàn về vấn đề này, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[6, tr.273]. Và Người cũng giải thích rõ lý do phải coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng là vì: “Kinh nghiệm thế giới và trong nước chứng tỏ rằng: Những cuộc đấu tranh “tự phát” của nhân dân, thường không có mục đích rõ ràng, kế hoạch đầy đủ, tổ chức chắc chắn. Vì vậy mà lực lượng rời rạc nơi này lên thì nơi khác xẹp. Kết quả là thất bại”[6, tr.273-274]. Do vậy, Người khẳng định: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh”[6, tr.274]. Đây là luận điểm đúng đắn đã được minh chứng từ thực tiễn lịch sử Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam từng bước giành được những thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới.

Về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng: Từ thực tiễn cách mạng, để Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo, Hồ Chí Minh khẳng định: xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài của Đảng. Đặc biệt, khi Đảng từ vai trò là đảng lãnh đạo trở thành đảng cầm quyền, Người nhiều lần khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác xây dựng Đảng: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”[5, tr.415]. Trong nội dung tác phẩm “Thường thức chính trị”, khi Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, Người chỉ rõ: “Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”[6, tr.279]. Quan điểm này của Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng Đảng đối với sự nghiệp cách mạng.

Về nội dung công tác xây dựng Đảng, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhằm bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng phải thật mạnh mẽ, trong sạch, sáng suốt, thống nhất”[6, tr.274]. Để thực hiện nhiệm vụ này, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người chỉ rõ: “Xây dựng Đảng, có ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức”[6, tr.279]. Tuy nhiên, khi bàn về xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức và cán bộ.

Đối với xây dựng Đảng về chính trị, Người yêu cầu: “Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu””[6, tr.280]. Nghĩa là, đường lối chính trị phải đáp ứng được yêu cầu khách quan của tình hình thực tiễn cách mạng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, Người nhấn mạnh, sau khi đã có đường lối chính trị đúng đắn, phải làm cho đường lối chính trị của Đảng thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho mọi người nắm vững cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, tạo ra sự nhất trí cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, trở thành những hành động cách mạng cụ thể để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Đối với xây dựng Đảng về tư tưởng, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin”[6, tr.279]. Để giải thích lý do vì sao phải coi trọng việc học tập lý luận Mác - Lênin, Người dẫn lời của V.I.Lênin: “chỉ có lý luận tiên tiến, Đảng mới có thể thực hiện vai trò chiến sĩ tiên tiến”[6, tr.279], từ đó, khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”[6, tr.279]. Cùng với giáo dục tư tưởng, “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản””[6, tr.280]. Bên cạnh đó, “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”[6, tr.280].

Đối với xây dựng Đảng về tổ chức, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm, Người xác định vai trò quan trọng của chi bộ khi khẳng định “chi bộ là gốc rễ của Đảng”[6, tr.288]. Đồng thời, Người chỉ ra yêu cầu về công tác cán bộ, đó là: “Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”[6, tr.280] nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Từ đó, Người coi trọng việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng: Một là, nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc cơ bản, thường được Người nhắc đến trước tiên khi bàn về các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Theo Người, việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ có ý nghĩa quyết định đối với công tác tổ chức và chế độ hoạt động, lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người giải thích rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”[6, tr.275.]. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng”[6, tr.280]. Hai là, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình là thang thuốc hay nhất, là vũ khí sắc bén nhất, giúp cho Đảng ngày càng thêm mạnh, đây chính là quy luật phát triển của Đảng. Do vậy, trong tác phẩm, Người yêu cầu: “Cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình”[6, tr.280], “hoan nghênh quần chúng phê bình mình và thành khẩn phê bình anh em - để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”[6, tr.283]. Ba là, kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Nguyên tắc này yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật, Điều lệ Đảng. Người nêu rõ: “Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức”[6, tr.280]. Bởi theo Người, sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên. Đồng thời, tinh thần kỷ luật nghiêm minh, tự giác cũng thể hiện đạo đức của một Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Bốn là, nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, đây là một nguyên tắc bảo đảm sức mạnh của Đảng. Nhưng để thực hiện đoàn kết, Người yêu cầu: “mỗi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật của Đảng. Có như vậy mới thành một Đảng đoàn kết chặt chẽ, ý chí thống nhất, hành động nhất trí”[6, tr.282]. Năm là, nguyên tắc gắn bó mật thiết với nhân dân, Người chỉ rõ, Đảng phải: “hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân”[6, tr.281].

2. Vận dụng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển (1953-2023), các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I luôn tận tâm, cống hiến, cùng đoàn kết, sáng tạo, viết nên những trang sử đầy tự hào. Từ những nhà trường ra đời trong điều kiện kháng chiến gian khổ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn khá “mỏng”, tính đến tháng 6-2023, Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I có 275 đảng viên thuộc 20 chi bộ, trong đó 173 đảng viên nữ; 102 đảng viên nam; 269 đảng viên chính thức, 06 đảng viên dự bị[2, tr.2]. Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I trực thuộc Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, lập trường, tư tưởng vững vàng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nên việc triển khai các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị cũng như chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thuận lợi, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề và nền tảng để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

70 năm kể từ khi ra đời, tác phẩm “Thường thức chính trị” vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Với nhận thức đúng đắn đó, cán bộ, đảng viên Học viện Chính trị khu vực I đã tổ chức hội thảo nghiên cứu, trao đổi, học tập và vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Thường thức chính trị” vào công tác xây dựng Đảng; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nói chung và ở Học viện Chính trị khu vực I nói riêng. Trong đó, việc vận dụng những chỉ dẫn của Người về công tác xây dựng Đảng vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I là một trong những nội dung được Đảng bộ quan tâm và luôn nỗ lực, tích cực thực hiện, nhằm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống 70 năm hình thành và phát triển. Nội dung vận dụng thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, vận dụng vào nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng ở Học viện Chính trị khu vực I. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Thường thức chính trị” đã xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng xác định là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự tồn vong của Đảng và chế độ, sự phát triển bền vững của đất nước. Quán triệt và vận dụng vào Học viện Chính trị khu vực I, để xây dựng Đảng bộ Học viện ngày càng trong sạch, vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị thì yêu cầu nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ về vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Bởi, chỉ khi thống nhất được nhận thức sẽ tạo nên sức mạnh để tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn cho thấy, Đảng ủy, Ban Giám đốc, toàn thể cán bộ, đảng viên Học viện Chính trị khu vực I luôn quán triệt thực hiện công tác xây dựng Đảng với tinh thần của chủ đề Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ IX đó là: Kiên định, lý tưởng, rèn luyện tính Đảng, đoàn kết sâu rộng, tự phê bình và phê bình, thật thà, không ngừng sáng tạo và phát triển. Đây là nội dung cần tiếp tục quán triệt nhằm đáp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện trong tình hình mới hiện nay.

Hai là, vận dụng vào xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực I xác định, cần “tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”[1, tr.16]. Từ chủ trương trên, nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng cần tập trung trên những vấn đề cụ thể như: Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cấp trên. Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ, các chi bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của Đảng bộ và từng chi bộ. Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong Học viện; chỉ đạo biên soạn sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đặc biệt là việc tổ chức chào cờ và phổ biến nghị quyết đầu tháng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, phát huy truyền thống, niềm tự hào về “trường Đảng mang tên Bác"; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ phải luôn kiên định, vững vàng về tư tưởng, lập trường chính trị; giảng dạy đảm bảo bản chất trường Đảng, chủ động, tích cực vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ.

Ba là, vận dụng vào xây dựng Đảng về tổ chức. Đối với nội dung này, Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực I cần tiếp tục chỉ đạo làm tốt việc kiện toàn các chi bộ phù hợp quá trình điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức biên chế của Học viện. Chú trọng củng cố, kiện toàn cấp ủy các cấp trên cơ sở bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo Điều lệ Đảng, quy chế, quy định của Trung ương. Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về vai trò của chi bộ trong xây dựng Đảng về tổ chức, Đảng ủy cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nội dung này trong thời gian tới nhằm “cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”[1, tr.16]. Đồng thời, chú ý thực hiện các nguyên tắc tổ chức trong sinh hoạt Đảng theo hướng “phát huy dân chủ trong mọi hoạt động; thường xuyên tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng, tình thương yêu đồng chí, giúp nhau cùng tiến bộ. Phân công nhiệm vụ đảng viên cụ thể và sát thực, phù hợp với năng lực, sở trường của từng đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ”[1, tr.16]. Trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về mục tiêu, phương pháp, nguyên tắc, cách thức tự phê bình và phê bình đối với đảng viên, chi bộ, Đảng bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sạch, có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Về thực hiện nguyên tắc đoàn kết thống nhất, cấp ủy chi bộ cũng như lãnh đạo các đơn vị trong Học viện phải là trung tâm của khối đoàn kết; xây dựng tốt các mối quan hệ đoàn kết, thống nhất với các đơn vị trong Học viện; phải kiên quyết đấu tranh loại trừ những người có tư tưởng cơ hội, hẹp hòi gây mất đoàn kết nội bộ. Mỗi cá nhân phải luôn vì lợi ích chung của tập thể, của đơn vị, của Học viện.

Bốn là, vận dụng vào công tác xây dựng Đảng về cán bộ. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa tới sự phát triển của Học viện. Bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu thực hiện sứ mệnh của Học viện Chính trị khu vực I trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và xây dựng môi trường nghiên cứu lý luận, tư vấn chính sách địa phương, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải không ngừng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, hoàn thiện về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ. Vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Thường thức chính trị” về công tác cán bộ, nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường tính Đảng của đội ngũ đảng viên”[1, tr.17], Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực I cần tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng trong công tác cán bộ; bảo đảm đúng quy trình, quy định, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ; tích cực, chủ động làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng; thực hiện sâu rộng, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với vị trí việc làm; phải đặc biệt coi trọng và thực hiện có hiệu quả trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện hoạt động đi thực tế của giảng viên với nhiều hình thức linh hoạt nhằm tổng kết thực tiễn để gia tăng năng lực, phẩm chất của giảng viên, đẩy mạnh việc đi thực tế dài hạn, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ bằng hoạt động thực tế nội bộ ở các đơn vị chức năng.

Kết luận

Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống 70 năm hình thành và phát triển. Đây là nhân tố quyết định để xây dựng Học viện “trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và tư vấn chính sách có uy tín của Đảng”[3]. Nhiệm vụ này là trách nhiệm chính trị của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ để lan tỏa và phát huy những Giá trị cốt lõi của “trường Đảng mang tên Bác”, thực sự “Kiên định - Thực tế - Sáng tạo - Kết nối - Phụng sự”[3].

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện khóa VIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 8-5-2020.

[2] Đảng ủy Học viện Chính trị khu vực I, Báo cáo sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, số 126-BC/ĐU, ngày 21-6-2023.

[3] Học viện Chính trị khu vực I, Quyết định ban hành sứ mệnh - Tầm nhìn - Giá trị cốt lõi Học viện Chính trị khu vực I, số 1687-QĐ/HVCTKVI, ngày 10-10-2023.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.