
Giai cấp công nhân Việt Nam đổi mới, sáng tạo, đóng góp vào sự
nghiệp CNH, HĐH đất nước (ảnh: news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Nhận thức và luận giải đầy
đủ, đúng đắn những điểm tương đồng về điểm mới của giai cấp công nhân hiện nay
so với giai cấp công nhân trong thế kỷ XIX không chỉ có giá trị về mặt lý luận
mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn trong Thời đại ngày nay. Như V.I.Lênin đã từng
khẳng định: "Chúng ta không hề coi lý luận của
Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta
tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ
nghĩa cần
phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ
không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[4, tr.232].
1. Quan điểm của Chủ
nghĩa Mác - Lênin về nguồn gốc của giai cấp công nhân và những điểm mới về
nhận thức hiện nay
C.Mác
và Ph.Ăngghen dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ giai cấp công nhân như:
giai cấp vô sản công nghiệp, giai cấp vô sản nhà máy, giai cấp vô sản công xưởng…
Tất cả những thuật ngữ đó đều dùng để chỉ giai cấp công nhân với tư cách là sản
phẩm, là con đẻ của nền văn minh công nghiệp ở các nước tư bản chủ nghĩa. Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã xem xét sự ra đời của giai cấp công nhân trên hai phương
diện: kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội.
Ở
phương diện kinh tế - xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin
chỉ làm rõ: sự xuất hiện của nền đại công nghiệp cơ khí đã ra đời một lực lượng
xã hội mới là lao động làm thuê cho giai cấp tư sản trong các cơ sở sản xuất
công nghiệp. Trong thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen gọi đó là giai cấp vô sản.
Giai cấp vô sản là giai cấp gồm những người không có tư liệu sản xuất, phải sống
chủ yếu bằng việc bán sức lao động cho nhà tư bản nên còn được gọi là vô sản
công nghiệp. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền sản xuất đại công nghiệp
là điều kiện để giai cấp công nhân ngày càng đông đảo: “Các giai cấp khác đều
suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp
vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[2, tr.610].
C.Mác
và Ph.Ăngghen nhấn mạnh, công nhân chỉ có thể sống được bằng việc là bán sức
lao động, nhưng công nhân chỉ bán được sức lao động của mình khi nó phải sinh lời
cho nhà tư bản: “Giai cấp công nhân hiện đại...
Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng
hóa, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác”[2, tr.605]. Đồng
thời, không ai khác ngoài nhà tư bản có thể mua sức lao động của công nhân.
Chính trong quá trình lao động, công nhân bị bóc lột sức lao động và tạo ra giá
trị thặng dư cho nhà tư bản.
Ngày nay, gọi công nhân ở
các nước tư bản là giai cấp vô sản thì không hoàn toàn chính xác. Thực tiễn đã
chứng minh rằng, quá trình cổ phần hóa và trung lưu hóa ở các nước tư bản đã
làm cho mức sống của giai cấp công nhân được nâng lên. Quá trình này chỉ làm
thay đổi về hình thức sở hữu trong chủ nghĩa tư bản: công nhân có tư liệu sản
xuất; tuy nhiên, lượng tư liệu sản xuất đó không đủ làm thay đổi địa vị kinh tế
- xã hội của giai cấp công nhân, họ vẫn là những người không có hoặc về cơ bản
không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê cho giai cấp tư sản và bị bóc lột giá
trị thặng dư.
Ở
phương diện chính trị - xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin
đã làm rõ: do bị bóc lột trong lao động nên
mâu thuẫn về lợi ích kinh tế tất yếu nảy sinh và dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích
chính trị, biểu hiện thành cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp
tư sản. Cuộc đấu tranh này diễn ra ngày càng gay gắt và không ngừng chuyển biến
về trình độ, từ đấu tranh tự phát chuyển lên đấu tranh tự giác. Chủ nghĩa Mác -
Lênin đã dự báo rằng, trong cuộc đấu tranh ấy, thắng lợi của giai cấp công nhân
và thất bại của giai cấp tư sản là tất yếu.
Ngày nay, mâu thuẫn giữa
giai cấp công nhân và giai cấp tư sản vẫn tồn tại, mặc dù chủ nghĩa tư bản đã
có những biện pháp nhằm điều hòa mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp
tư sản nhưng cũng chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể thủ tiêu hoàn toàn
mâu thuẫn đó. Do đó, những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp
tư sản vẫn tiếp diễn và có sắc thái biểu hiện phong phú, đa dạng hơn.
Từ việc
phân tích hai phương diện như trên về nguồn gốc giai cấp công nhân, cùng với đó
là sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh thời đại mới, có
thể khái quát lại một số nội dung về giai cấp công nhân như sau: Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội,
hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện
đại; họ lao động bằng phương thức công nghiệp ngày càng hiện đại và gắn liền với
quá trình sản xuất vật chất hiện đại, là đại biểu cho phương thức sản xuất mang
tính xã hội hóa ngày càng cao. Họ là người làm thuê do không có tư liệu sản xuất,
buộc phải bán sức lao động để sống và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng
dư; vì vậy lợi ích cơ bản của họ đối lập với lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản.
Đó là giai cấp có sứ mệnh phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
2. Quan điểm của Chủ
nghĩa Mác - Lênin về đặc điểm của giai cấp công nhân và những điểm mới về nhận thức hiện
nay
Trong thời đại của C.Mác
và Ph.Ăngghen (thế kỷ XIX), từ việc nghiên cứu giai cấp công nhân trên phương
diện kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội, các ông đã chỉ ra ba đặc điểm của
giai cấp công nhân là:
Thứ nhất, lao
động bằng phương thức công nghiệp với đặc trưng công cụ lao động là máy móc, tạo
ra năng suất lao động cao, quá trình lao động mang tính xã hội hóa. Mỗi lực lượng
lao động xã hội đều có phương thức lao động của mình. Công nhân không phải là lực
lượng xã hội duy nhất tạo ra của cải vật chất nhưng họ tạo ra lượng của cải chủ
yếu nhất cho chủ nghĩa tư bản vì gắn với phương thức lao động tiên tiến nhất,
hiện đại nhất. Ngày nay, giai cấp công nhân vẫn là lực lượng lao động gắn với
phương thức công nghiệp để tạo ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội, dù là ở
các nước tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn chứng minh rằng, lao
động công nghiệp vẫn là phương thức lao động hiện đại nhất cho đến hiện nay.
Thứ
hai, là đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến,
phương thức sản xuất tiên tiến, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội
hiện đại. Gắn với phương thức lao động tiên tiến nhất trong việc tạo ra của cải
vật chất cho xã hội nên giai cấp công nhân là đại biểu cho lực lượng sản xuất
tiên tiến và phương thức sản xuất tiên tiến, quyết định sự tồn tại và phát triển
của xã hội.
Thứ ba,
là giai cấp có những phẩm chất đặc biệt, tính
tiên phong cách mạng; tính tổ chức, tính kỷ luật; tính cách mạng triệt để, mang
bản chất quốc tế.
Giai cấp công nhân có
tính tiên phong cách mạng hay còn gọi là giai cấp tiên tiến nhất vì: gắn với
phương thức lao động hiện đại nhất, tiên tiến nhất; tiếp thu những thành tựu
khoa học tiên tiến của thời đại; có hệ tư tưởng khoa học và cách mạng nhất thời
đại.
Tính tổ chức kỷ luật cao
của giai cấp công nhân bắt nguồn từ điều kiện làm việc và điều kiện sống của
giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, việc thành lập chính đảng của mình là Đảng Cộng
sản đã giúp giai cấp công nhân có sự quản lý, giáo dục, rèn luyện của tổ chức.
Tất cả các yếu tố này đã làm hình thành tính tổ chức, kỷ luật cao của giai cấp
công nhân.
Tính cách mạng triệt để của
giai cấp công nhân thể hiện ở chỗ, công nhân không chỉ giải phóng giai cấp mình
mà còn giải phóng tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội khác; không chỉ giải
phóng dân tộc mình mà còn giải phóng tất cả các dân tộc thoát khỏi chế độ áp bức,
bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Thủ tiêu áp bức giai cấp thì sẽ thủ tiêu được
tình trạng áp bức dân tộc.
Giai cấp công nhân có bản
chất quốc tế tức là công nhân thực hiện liên hiệp với nhau trên phạm vi toàn thế
giới. Chỉ khi liên hiệp giai cấp công nhân và các dân tộc thì mới đủ thực lực
cách mạng để chiến thắng chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. V.I.Lênin từng
nói: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị
áp bức, đoàn kết lại!”[6,
tr.198-199]. Những phẩm chất đặc biệt của giai cấp công nhân cho thấy:
đây là giai cấp ưu tú nhất trong các lực lượng cách mạng. Do đó, giai cấp công
nhân không chỉ tham gia vào cuộc cách mạng với tư cách là thành viên mà còn trở
thành giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Ngày nay, những đặc điểm
này của giai cấp công nhân vẫn được giữ nguyên, đã khẳng định những giá trị lịch
sử bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, trước những biến đổi của điều
kiện lịch sử mới thì giai cấp công nhân cũng có những đặc điểm mới cần được nhận
thức một cách thấu đáo. Trong đó là:
Một là, xu hướng “trí tuệ hóa”
tăng nhanh.
Xu hướng “trí tuệ hóa” ở
giai cấp công nhân đã xuất hiện từ khi có cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần
thứ nhất (giữa thế kỷ XVIII). Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học
- kỹ thuật, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (đầu
thế kỷ XXI), làm cho xu hướng “trí tuệ hóa” ở giai cấp công nhân diễn ra nhanh
hơn. Nguyên nhân của xu hướng này là do tốc độ phát triển của khoa học - kỹ thuật
trong giai đoạn hiện nay diễn ra nhanh hơn so với thế kỷ XIX.
Xu hướng “trí tuệ hóa” ở
giai cấp công nhân đã làm xuất hiện những thuật ngữ mới dùng để chỉ giai cấp
công nhân như: công nhân tri thức, công nhân cổ cồn, công nhân áo trắng,… Xu hướng
“trí tuệ hóa” giúp người công nhân được đào tạo chuẩn mực và thường xuyên được
đào tạo lại.
Hai là, xu hướng “trung lưu
hóa” gia tăng.
Xu hướng này biểu thị ở
thu nhập, mức sống của công nhân ngày càng tốt hơn. Nguyên nhân của xu hướng
này là do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản làm nâng cao mức sống chung của
toàn xã hội trong đó có giai cấp công nhân; do thực hiện quá trình cổ phần hóa ở
các nước tư bản làm cho công nhân ít nhiều có tư liệu sản xuất (đó là lượng cổ
phần mà công nhân sở hữu); đồng thời một bộ phận công nhân có trình độ chuyên
môn giỏi được các nhà tư bản có chính sách trọng dụng, đãi ngộ để gắn bó lâu
dài với doanh nghiệp nên thu nhập của họ ở mức khá so với mặt bằng chung của xã
hội.
Ba là, công nhân trở thành nguồn lực cơ bản, nguồn vốn xã
hội quan trọng nhất trong các nguồn vốn của xã hội hiện đại.
Ở các quốc gia đang tiến
hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai cấp công nhân là lực lượng lao động
công nghiệp, là nguồn lực cơ bản trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội,
có nhiều tiềm năng phát triển cùng với sự phát triển của đại công nghiệp.
Bốn là, xuất hiện những hình thức liên kết mới, mô hình
lao động mới.
Sự
phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ công nghiệp đang làm xuất hiện
nhiều hình thức liên kết mới giữa công nhân với các lực lượng lao động khác và
nhiều mô hình lao động mới của công nhân như: liên kết năm nhà, xuất khẩu lao động
tại chỗ, làm việc tại nhà, nhóm chuyên gia quốc tế, quốc tế hóa các tiêu chuẩn
trong sản xuất công nghiệp...
Trong đó: liên kết năm
nhà là mô hình liên kết về kinh tế giữa công nhân với nhà doanh nghiệp, nhà nước,
nhà nông, nhà khoa học và nhà bank (ngân hàng); xuất khẩu lao động tại chỗ là
hình thức liên kết kinh tế giữa công nhân ở quốc gia sở tại với doanh nghiệp nước
ngoài vào đầu tư; làm việc tại nhà là một hình thức lao động của công nhân rất
linh hoạt, đặc biệt phù hợp trong trường hợp xảy ra đại dịch. Hình thức lao động
này không bắt buộc phải diễn ra ở xưởng sản xuất hay nhà máy lại vừa đảm bảo hiệu
quả lao động; chuyên gia quốc tế là mô hình liên kết, hợp tác trong việc chuyển
giao công nghệ, đào tạo người lao động giữa công nhân giỏi về chuyên môn và có
kinh nghiệm làm việc (gọi là các chuyên gia) là người nước ngoài với công nhân ở
các nước sở tại. quốc tế hóa các tiêu chuẩn trong sản xuất công nghiệp là một
mô hình kinh tế mà trong đó công nhân phải tuân theo quy trình đạt chuẩn quốc tế
(ISO) về quản lý chất lượng, quản lý môi trường, quản lý an toàn thực phẩm, quản
lý an toàn sức khỏe, quản lý an toàn thông tin...
Năm là, giai cấp giữ vai trò lãnh đạo (thông qua chính Đảng
Cộng sản) trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước.
Từ đầu thế kỷ XX, chủ
nghĩa xã hội đã xuất hiện trên thế giới và xuất hiện đầu tiên ở nước Nga sau thắng
lợi của Cách mạng tháng Mười năm 1917. Sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc
(năm 1945), chủ nghĩa xã hội từ một nước trở thành một hệ thống trên thế giới.
Đối với những quốc gia xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân đã trở thành giai cấp
lãnh đạo (thông qua Đảng Cộng sản) trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở
các quốc gia này, giai cấp công nhân đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất và đang từng
bước thực hiện giai đoạn hai trong tiến trình sứ mệnh lịch sử của mình.
Sáu là, có sự biến đổi lớn về cơ cấu xã hội - giai cấp.
Đó là
sự xuất hiện những đối tượng công nhân mới bên cạnh công nhân truyền thống.
Công nhân truyền thống là lực lượng công nhân trực tiếp đứng máy, vận hành dây chuyền
sản xuất công nghiệp để tạo ra các sản phẩm công nghiệp. Ngày nay, do sự phát
triển của phân công lao động xã hội làm xuất hiện ngày càng nhiều các ngành,
nghề mới, làm cho giai cấp công nhân cũng ngày càng đa dạng. Bên cạnh đội ngũ
công nhân truyền thống còn xuất hiện đội ngũ công nhân mới như: công nhân kỹ
thuật, những người làm công ăn lương giúp việc cho bộ máy quản lý trong các
doanh nghiệp, những người làm công ăn lương trong các ngành sản xuất năng lượng
và giao thông vận tải, những người làm công ăn lương trong một số khâu của
ngành thương nghiệp, những người làm công ăn lương trong những ngành đang được
công nghiệp hóa trở thành dịch vụ công nghiệp.
Công nhân kỹ thuật là đội
ngũ công nhân chuyên đảm nhận vai trò bảo trì, bảo dưỡng máy móc và dây chuyền
sản xuất công nghiệp nhằm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn, hiệu quả trong quá
trình lao động của công nhân truyền thống.
Những
người làm công ăn lương giúp việc cho bộ máy quản lý trong các doanh nghiệp là
những công nhân đảm nhận vị trí trợ lý, giúp việc, giải quyết những công việc
hành chính, sự vụ giúp cho các ông chủ doanh nghiệp.
Những người làm công ăn
lương trong các ngành sản xuất năng lượng và giao thông vận tải là những lao động
làm thuê trong các ngành sản xuất, chế biến than, khí đốt, ngành điện (nhiệt điện,
thủy điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), ngành giao thông vận tải.
Những ngành này rất quan trọng, đóng vai trò phục vụ trực tiếp cho sản xuất
công nghiệp, không có những ngành này thì sản xuất công nghiệp không thể tồn tại
được.
Những người làm công ăn
lương trong một số khâu của ngành thương nghiệp là những người thực hiện công
việc tiếp thị, giao dịch, bán hàng, marketing. Đây là một số khâu của thương
nghiệp và phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh sản xuất ngày càng
nhiều hàng hóa công nghiệp, thị trường rộng lớn, hình thức mua sắm có nhiều
thay đổi thì một số khâu của thương nghiệp giúp đẩy mạnh quá trình đưa hàng hóa
đến với người tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm nhanh. Sản xuất và tiêu thụ hàng hóa
không thể tách rời nhau. Tiêu thụ hàng hóa tốt giúp thúc đẩy sản xuất phát triển
mạnh mẽ.
Những người làm công ăn
lương trong những ngành đang được công nghiệp hóa trở thành dịch vụ công nghiệp
là những lao động làm thuê trong lĩnh vực du lịch, ngân hàng, tài chính, bưu
chính viễn thông. Đây là những ngành phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Những
ngành này đang được công nghiệp hóa trở thành các ngành dịch vụ công nghiệp.
Bảy là,
gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp công nhân hiện đại tăng nhanh cả về số lượng
và chất lượng.
Sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp trước
tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nhiều cơ hội cho giai
cấp công nhân có thể tận dụng để phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Đây là xu hướng biến đổi tất yếu của giai cấp công nhân.
Kết luận
Những biến đổi của giai cấp
công nhân trong giai đoạn hiện nay cho thấy lý luận và thực tiễn về giai cấp
công nhân vẫn luôn có những vấn đề mới đặt ra, yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu
để đổi mới chính sách cho phù hớp với sự phát triển của giai cấp công nhân, đáp
ứng nhiệm vụ đặt ra và tương xứng với vị thế của giai cấp lãnh đạo trong giai
đoạn lịch sử mới.
Nhận thức đúng đắn những
điểm tương đồng và những nét khác biệt của
giai cấp công nhân hiện nay so với giai cấp công nhân
trong thế kỷ XIX không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn về có giá trị về mặt
thực tiễn. Sự biến đổi của thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải luôn đổi mới về lý
luận. Đó cũng là thông điệp mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã gửi đến và luôn mong muốn
giai cấp công nhân và các Đảng Cộng sản trên thế giới ghi nhớ, thực hiện.
Ph.Ăngghen đã từng nói: “Lý luận của chúng tôi
là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải
học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[3, tr.796].
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2] C.Mác,
Ph.Ăngghen (2002), Toàn
tập, tập 4,
Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
[3] C.Mác, Ph.Ăngghen (2002), Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] V. I. Lênin (2005), Toàn tập,
Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] V.I.Lênin (2005), Toàn tập,
Tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6] V.I.Lênin (2005), Toàn tập,
Tập 41, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.