Thứ Sáu, ngày 15/11/2024, 14:09

Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Sơn La của Việt Nam với các tỉnh bắc Lào hiện nay - thực trạng và giải pháp

Nguyễn Thị Phương Nam
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Tỉnh Sơn La của Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào cùng có những điểm chung về địa lý, lịch sử, văn hoá, cùng góp sức xây dựng cuộc sống, bảo vệ đường biên giới hữu nghị và xây đắp mối quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Bên cạnh những thuận lợi để hợp tác thúc đẩy sự phát triển chung, hai bên còn có những khó khăn, hạn chế như hợp tác kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mỗi bên. Trên cơ sở phân tích thực trạng hợp tác gữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác gữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nhất là thương mại, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch, văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tại khu vực cặp cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) diễn ra các hoạt động Giao lưu sĩ quan trẻ lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào năm 2024. (nguồn news.vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Sơn La là tỉnh miền núi thuộc Tây Bắc Việt Nam, giáp với 2 tỉnh Luông Pha Băng, Hủa Phăn của Lào. Sơn La có quan hệ hợp tác toàn diện với 9/18 tỉnh của Lào (Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, U Đôm Xay, Phong Sa Lỳ, Luông Nậm Thà, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng, Xay Xổm Bun). Cùng với quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, các hình thức hợp tác giữa các địa phương trên các lĩnh vực, trong đó có tỉnh Sơn La với các tỉnh phía Bắc của Lào cũng không ngừng mở rộng, được coi là phương thức ngoại giao hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng, củng cố quan hệ của hai nước.

1. Thực trạng hợp tác giữa tỉnh Sơn La của Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào

Về hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và công tác biên giới: Trên cơ sở kế thừa nền tảng quan hệ đã được xây đắp, tiếp nối truyền thống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lịch sử, cùng với dân tộc hai nước, Sơn La và Bắc Lào đã thiết lập quan hệ lâu dài, sâu sắc, bền chặt. Trước và thời kỳ đầu đổi mới của hai nước, Sơn La phối hợp giúp Bò Kẹo giải quyết tốt an ninh - quốc phòng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, quản lý xã hội. Giai đoạn 2005 - 2010, Sơn La tăng cường hợp tác với Bắc Lào, nhất là Hủa Phăn, Luông Pha Băng, chủ động phòng ngừa chống mọi hoạt động phá hoại, chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2011 đến nay, hai bên nỗ lực đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu. 

Quan hệ giữa hai Đảng của hai nước là quan hệ đồng chí, anh em, gắn bó chặt chẽ, cùng chung lý tưởng, luôn có sự tin cậy cao. Quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác. Trên cơ sở thoả thuận và ký kết giữa hai nước, các địa phương đã ký kết, triển khai thoả thuận hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Hai bên phối hợp tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng, qua đó tuyên truyền, ghi nhận và tôn vinh sự đóng góp cho hoạt động hữu nghị, hợp tác: trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Tự do, Huân chương Hữu nghị và Huân chương Lao động. 

Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại là trụ cột trong quan hệ hai nước. Sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước, cùng thực hiện Nghị định thư hợp tác và kế hoạch hợp tác hàng năm giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước, phối hợp tìm kiếm, quy tập liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Lào; giải quyết di cư tự do, phòng chống dịch, kết hôn không giá thú; tăng cường tuần tra chung; tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra giám sát cửa khẩu; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, vận chuyển ma tuý; trao đổi phương pháp nâng cao hiệu quả công tác Đảng, chính trị trong lực lượng vũ trang, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch chống phá hai nước và chia rẽ tình đoàn kết. Giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, nhất là Hủa Phăn, Luông Pha Băng thường xuyên duy trì trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định, phát triển toàn diện, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào dùng lãnh thổ của nước này để chống nước kia. Hoàn thành cắm 125/125 cột mốc quốc giới và 12 cọc dấu thuộc tiếp giáp giữa Sơn La với Hủa Phăn và Luông Pha Băng. Sơn La phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Có 10 huyện, thành phố kết nghĩa với 11 huyện của một số tỉnh của Lào[5]. Có 10 đồn biên phòng thuộc tỉnh Sơn La kết nghĩa với 5 Đại đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Luông Pha Băng. Có 7 cặp bản hai bên biên giới giữa Sơn La và Hủa Phăn kết nghĩa bản - bản[5], giúp nhau trang bị cơ sở vật chất cho lớp học, giống nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hoá, mô hình trao đổi cung cấp tin tức, tố giác kẻ xấu, kết hợp chiếu phim, giao lưu văn nghệ; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, giao lưu, học hỏi và phối hợp giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến 2 bên, góp phần cụ thể hoá đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, quân đội. Từ năm 2000, Hội nghị giao ban 8 tỉnh gồm Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An phối hợp phòng chống ma tuý qua biên giới được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh (1 lần/năm). Năm 2007, Văn phòng Liên lạc phòng, chống ma tuý qua biên giới (Văn phòng BLO) Sơn La - Hủa Phăn thành lập để trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống ma tuý qua biên giới góp phần triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma tuý. Sơn La giúp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ quân đội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng tác phong chỉ huy, quản lý điều hành để vận dụng vào thực tiễn; viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị vật tư kỹ thuật giúp các tỉnh, các đơn vị quân đội thuộc Bắc Lào. Biên phòng Sơn La thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” tiếp sức giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn bên phía nước bạn. Phía Việt Nam luôn chủ động đảm nhiệm công việc khó khăn với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”, giúp nhau củng cố và xây dựng lực lượng an ninh, đáp ứng yêu cầu mới. Hàng năm, Công an tỉnh Sơn La và 3 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo ký kết biên bản ghi nhớ, thực hiện hợp tác bảo đảm an ninh trật tự. Từ năm 2020 đến nay, Sơn La đã mở 8 lớp với hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ công an Bắc Lào tham gia tập huấn nghiệp vụ. Từ năm 2007 đến 2023, tổ chức trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, xử lý hơn 160 vụ việc với hơn 1.500 đối tượng liên quan đến trật tự, xuất nhập cảnh, di cư trái phép, vi phạm quy chế biên giới, hoạt động kích động thành lập “Nhà nước Mông”[3].

Về hợp tác kinh tế, thực hiện theo ký kết, coi trọng hợp tác thương mại - dịch vụ, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, hợp tác trong công nghiệp, giao thông, xây dựng. Từ sau năm 2000, các hoạt động hợp tác: Tập huấn, tham quan, trao đổi mô hình kinh tế nông nghiệp, kinh nghiệm phát triển nông - lâm nghiệp, phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ cây và con giống, hỗ trợ vật tư, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi được thúc đẩy. Từ năm 2020 - 2025, hợp tác về nông nghiệp hướng tới chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm đến siêu thị. 

Năm 2007-2008, thực hiện cung ứng điện cho một số địa phương của Lào từ Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, xây dựng đường lưới điện hạ thế từ Lao Khô đến 3 bản của Phiêng Sa (Lào) trị giá 1,7 tỷ đồng, bằng ngân sách của Sơn La. Từ năm 1996, xây dựng đường dây 35 KV cấp điện các huyện giáp biên, ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trao đổi kỹ thuật, quản lý, đào tạo Tiếng Việt cho 10 cán bộ, công nhân Điện lực Hủa Phăn[9].

Trong hợp tác văn hoá, giáo dục: Sơn La giúp Hủa Phăn xây dựng một số dự án trị giá 141.920.000.000 đồng: Nhà Văn hoá tỉnh, Trung tâm sản xuất giống nấm, Bến phà Mường Ét (2004-2012)[6]; giúp Phong Sa Lỳ xây dựng Trường Dân tộc nội trú của huyện Bun Nưa; hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hoá cụm bản Đán huyện Xiềng Khọ, nhà làm việc cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng, tỉnh Hủa Phăn; hỗ trợ Luông Pha Băng, U Đôm Xay xây dựng trụ sở, lớp học, thiết bị văn phòng; thực hiện dự án của Chính phủ giao: Bệnh viện Tôn Phậng (Bò Kẹo), dự án Trường dạy nghề tỉnh Bò Kẹo giai đoạn 2. Kinh phí 2 dự án khoảng 20 tỷ đồng. Từ năm 2011-2024, Sơn La hỗ trợ xây dựng hơn 20 công trình trường, lớp học, sửa chữa trụ sở làm việc, hội trường; Công viên Hữu nghị Xay Sổm Bun - Sơn La (5 tỷ Kíp)[8]

Hai bên giao lưu văn hoá, xúc tiến thương mại du lịch khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nhằm phát huy tiềm năng mỗi bên. Riêng về kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu giữa Sơn La và Hủa Phăn, từ năm 1996 đến 2013 có sự chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Sơn La với Bắc Lào giai đoạn 2006 - 2009 đạt 6,786 triệu USD (xuất khẩu 3,990 triệu USD; nhập khẩu 2,796 tr USD, tăng 30% so với giai đoạn 2002 - 2005. Năm 2010 đạt 2,5 triệu USD, năm 2015 tăng lên 5 triệu USD (xuất khẩu 3,5 triệu USD, nhập khẩu 1,5 triệu USD)[10, tr.4]. Giai đoạn 2015- 2019 đạt 9 triệu USD, giá trị hàng hoá cư dân biên giới mua bán, trao đổi trung bình 1,5 triệu USD/năm[8, tr.1-2]; Năm 2023, đạt hơn 882.000 USD[2, tr.2]. Hàng xuất sang Lào: hàng công nghiệp, thiết bị, xi măng, điện thương phẩm, tấm lợp, thép các loại, máy móc thiết bị, thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, muối, dầu và hàng thiết yếu khác. Hàng phía Lào xuất sang Sơn La gồm: Ngô, đậu tương, gỗ thành phẩm, gia súc, gia cầm; hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Thái Lan. Doanh nghiệp hai bên tham gia đầu tư, tham dự khu chợ vùng biên, hội chợ tổ chức tại các huyện, thành phố của các tỉnh giáp biên. Hợp tác khảo sát đánh giá sản phẩm du lịch, xây dựng Tour du lịch Hà Nội - Sơn La - Hủa Phăn; cử đoàn công tác tham gia các sự kiện lễ hội, ngày lễ lớn của hai nước.

Hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực đạt kết quả tốt, được đánh giá cao. Sơn La giúp đào tạo cán bộ lý luận chính trị sơ, trung cấp, bồi dưỡng kiến thức hành chính nhà nước cho cán bộ cấp huyện, bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản theo khả năng, thế mạnh và nhu cầu của từng địa phương. Từ năm 2001 đến 2010, Sơn La ký kết hợp tác đào tạo cán bộ với 8 tỉnh Bắc Lào, đào tạo 60 đến 80 cán bộ/năm ở các bậc học và các lĩnh vực. Từ năm 2008, đào tạo được nâng lên ở đại học, sau đại học. Giai đoạn 2006-2009, Sơn La đào tạo, bồi dưỡng giúp các tỉnh Bắc Lào 251 cán bộ và học sinh. Kinh phí là 10 tỷ Việt Nam đồng, trung bình 2,540 tỷ đồng/năm (ngân sách của Trung ương và địa phương). Từ năm 2011 đến 2020, Sơn La đón nhận, tổ chức đào tạo tiếng Việt cho 2.671 cán bộ, lưu học sinh cho 9 tỉnh Bắc Lào. Bắc Lào cũng đào tạo một số học viên trung học phổ thông và đại học cho Sơn La, dành 50 suất học bổng cho Sơn La học ngôn ngữ và chuyên ngành tại Đại học Quốc gia Lào, Đại học Suphanuvông. Hiện nay, Sơn La có hơn 800 học sinh Lào đang được đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học. 

Năm 2005, Sơn La xây dựng cho Hủa Phăn 6 phòng học tại Trường Trung học phổ thông Phăn La (1,1 tỷ đ); hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học bản Mi Xúc - Sầm Nưa (300.000.000 đ); Năm 2012, hỗ trợ xây dựng lớp học cho huyện Hua Mường (500.000.000 đ), xây dựng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hủa Phăn (60 tỷ đồng), xây dựng Trường Trung học phổ thông Hủa Phăn (56 tỷ đ); xây dựng Trạm y tế tại bản Phiêng Sa (1.964.848.000 đ)[7].

Về chăm sóc sức khoẻ, Sơn La luôn tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Lào được khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám khu vực, trạm y tế khu vực biên giới. Năm 2021, Sơn La trao tặng 18 máy thở Vsmart model VFS-410, 135.000 khẩu trang y tế, 45.000 khẩu trang vải và 9.000 chai dung dịch sát khuẩn tay, tổng giá trị gần 2,8 tỷ đồng cho 9 tỉnh của Lào. Phía Bắc Lào cũng hỗ trợ Sơn La trong phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 1,1 tỷ đồng[4, tr.5]

Hai bên nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ và thực hiện có hiệu quả trong quan hệ hợp tác. Đây là yếu tố quan trọng tạo cơ sở chính trị - xã hội cho phát triển hợp tác, liên kết và giao lưu kinh tế - xã hội. Bên cạnh thuận lợi,hợp tác giữa các tỉnh cũng có những khó khăn thách thứccần khắc phục. Bởi đều là các tỉnh nghèo của miền núi, có vị trí xung yếu về quốc phòng, an ninh. Địa hình chia cắt, dốc cao, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa, phân bố không đều, chủ yếu là các dân tộc thiểu số, văn hoá đa sắc tộc, tập quán dựa vào canh tác nông nghiệp, khai thác lâm sản tự nhiên, phương thức sản xuất lạc hậu, vẫn còn du canh, du cư; đói nghèo, tái nghèo; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; tệ nạn xã hội; giao thông đến các bản, xã, huyện vùng biên giới còn trở ngại; cơ sở hạ tầng về thương mại còn thiếu đã gây khó khăn cho tuần tra biên giới, lưu thông hàng hoá, giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế, du lịch. Đồng thời là địa bàn nhạy cảm, ẩn chứa những yếu tố gây bất ổn về chính trị và an toàn xã hội khu vực biên giới. Các thế lực thù địch thường xuyên truyền đạo trái, phép lôi kéo chống phá chính quyền, gây chia rẽ mất đoàn kết; buôn bán, tiếp tay cho ma tuý, vượt biên trái phép đang là vấn đề nhức nhối. Chương trình thăm viếng, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm đôi khi nặng về đối ngoại, thăm quan, du lịch nên hợp tác còn dừng ở mức độ hình thức, hiệu quả chưa cao. Nhu cầu hợp tác ngày càng tăng trong khi ngân sách hạn hẹp, phụ thuộc nhiều vào Trung ương. Hạn chế về vốn, trình độ công nghệ, mâu thuẫn giữa yêu cầu quá lớn và khả năng hạn chế của nhau nên sự hợp tác chưa được như mong muốn. Giữa các địa phương còn chưa khai thác và phát huy tốt tiềm năng, nguồn lực, thiếu kinh nghiệm quản lý là những trở ngại tới hợp tác.

Quan hệ giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào vốn là hữu nghị, truyền thống và được tiếp nối trở thành quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị và hợp tác toàn diện ngày càng gắn kết bền chặt, sâu đậm bởi có những yếu tố tương đồng và nhiều điểm chung trong đoàn kết, hợp tác phát triển. Để khắc phục khó khăn, hạn chế; thúc đẩy sự hợp tác thành công hơn nữa cần có những giải pháp thiết thực mang tính đột phá nâng cao hiệu quả hợp tác. 

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác. Đổi mới tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; chủ động, linh hoạt giải quyết những nảy sinh. Nâng cao chất lượng cán bộ, đội ngũ làm công tác đối ngoại, tham gia hoạt động hợp tác. Coi trọng thực chất chất lượng, hiệu quả hợp tác; tăng cường thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hoá, quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế của hai bên, thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, hội nhập. Đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa các địa phương, coi trọng giáo dục thế hệ trẻ của hai nước trân trọng và nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ ngày càng phát triển bền vững, vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. 

Hai là, tăng cường phối hợp, hợp tác an ninh biên giới; bảo vệ và xây dựng đường biên hoà bình, hữu nghị; xây dựng quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế; tôn trọng bảo vệ độc lập chủ quyền, không cho thế lực thù địch có cớ can thiệp. Hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống “Diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; chủ động, sẵn sàng ngăn chặn đối phó với mọi tình huống xảy ra; chủ động phòng chống tội phạm, nhất là ma tuý.

Ba là, thực hiện tốt tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên để phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao cuộc sống. Tiếp tục đầu tư đồng bộ phát triển giao thông. Nâng cấp cửa khẩu, hệ thống giao thông giữa Sơn La với Bắc Lào, đầu tư cải tạo như quốc lộ 4G chạy qua Chiềng Khương, quốc lộ 43 ra cửa khẩu Lóng Sập, từ trung tâm huyện Sốp Cộp đến trạm tiểu ngạch Lạnh Bánh. Ưu tiên chương trình, dự án đầu tư, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, giao thông biên giới, đường tuần tra để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, xuất và nhập khẩu bảo đảm an ninh biên giới, an ninh quốc gia.

Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để Sơn La thực sự trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và thực hiện hỗ trợ bổ sung cho nhau trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng, lãng phí tránh thất thoát trong hợp tác đầu tư. Có cơ chế khuyến khích, động viên hợp lý, kịp thời cho hợp tác giữa các địa phương, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. 

Kết luận

Đến nay, hợp tác giữa Sơn La với Bắc Lào đạt được những thành công quan trọng, nổi bật là tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng; giáo dục; kinh tế thương mại, xây dựng mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp ở các cụm bản dọc biên giới theo hướng sản xuất hàng hoá, là sự hợp tác thiết thực, hiệu quả mang tính bền vững. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các thoả thuận hợp tác, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ giữa các cấp, các ngành, các huyện, các xã để thúc đẩy hợp tác giữa Sơn La với Bắc Lào ngày càng phát triển tốt đẹp, củng cố vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Minh Hảo (2023), Phát huy truyền thống đoàn kết Sơn La (Việt Nam) - Hủa Phăn (Lào), https://baosonla.org.vn

[2] Quàng Hưởng (2023), Vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh nước bạn Lào. https://baosonla.org.vn

[3] Vững Nguyễn (2024), Công an Sơn La gặp mặt cán bộ, chiến sĩ công an các tỉnh Bắc Lào, https://polo.vn

[4] Quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Sơn La và các địa phương của Lào: Kế thừa và phát triển, https://vccinews.vn

[5] Hữu Quyết (2022), 60 năm quan hệ Việt Nam – Lào: Sơn La hợp tác toàn diện với nhiều tỉnh của Lào, https://baotintuc.vn

[6] Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La, Tổng hợp giá trị tài trợ của tỉnh Sơn La dành cho Hủa Phăn và nguồn tài trợ của Chính phủ Việt Nam giao cho tỉnh Sơn La thực hiện (giai đoạn từ năm 2001-2012).

[7] Trần Sơn (2023), Khánh thành công trình trạm y tế cụm trạm y tế cụ bản Phiêng Sa, Huyện Xiềng Khọ, Tỉnh Hủa Phăn, https://baosonla.org.vn

[8] Sơn La đẩy mạnh hợp tác hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào. https://tapchilaoviet.org

[9] Thu Thảo (2022), Đảm bảo cấp điện cho nhân dân vùng biên giới Việt – Lào, https://baosonla.org.vn

[10] Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La (2007), Quyết định về việc phê duyệt đề án phát triển thương mại cửa khẩu và buôn bán qua biên giới giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2006-2015, số 09/2007/QĐ-UBND, 19/3/2007.

Tin liên quan

Đọc thêm

Hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY DUNG

(GDLL) - Hoàn thiện thể chế về kinh tế số là một nội dung rất cấp thiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trên cơ sở khái quát khung lý thuyết thể chế về kinh tế số, bài viết phân tích thực trạng nội dung này ở Việt Nam thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - TRẦN HOÀI THU

(GDLL) - Việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, nắm rõ được điều đó, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Nam Định quan tâm, chỉ đạo, tổ chức và triển khai hiệu quả. Bài viết trình bày nội dung, thành tựu và hạn chế của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định từ đó đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở văn hóa tộc người nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Tác giả: TRỊNH VƯƠNG CƯỜNG

(GDLL) - Với lợi thế có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành và sự phong phú, đa dạng, độc đáo của bản sắc văn hóa các tộc người, Tây Bắc đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều làng, bản du lịch cộng đồng thu hút được nhiều du khách, đem lại sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết phân tích tiềm năng văn hóa tộc người và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc, từ đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào các tộc người nơi đây.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với vấn đề xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay

Tác giả: GIANG THỊ HUYỀN

(GDLL) - Ra đời năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố được coi là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Trong suốt 80 năm qua, Đề cương như ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nhiều tư tưởng trong bản Đề cương đến nay còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Tác giả: VƯƠNG HỒNG HÀ - NGUYỄN HÙNG LINH NGA

(GDLL) - Trong thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã phát huy vai trò phối hợp trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tái cơ cấu kinh tế toàn huyện.