Lễ trao Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị" lần
thứ nhất (nguồn news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Giảng viên
trường Đảng có nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản
lý của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiệm vụ này yêu cầu
giảng viên ngoài tiêu chuẩn, điều kiện về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống,
trình độ chuyên môn, thì nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là nhiệm
vụ bắt buộc. Bởi vì, chỉ có thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu
lý luận, giảng viên mới có thể giảng dạy thuyết phục và tạo niềm tin cho người
học về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với ý nghĩa, tầm quan trọng như vậy,
bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý
luận lại được tiếp tục đẩy mạnh và xác định là nhiệm vụ quan trọng: “Đẩy mạnh tổng
kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp
kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổng kết 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển
lý luận của Đảng”[5, tr.234-235].
1. Cơ sở lý luận và định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện tổng
kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận
1.1. Cơ sở lý luận của tổng kết thực
tiễn, nghiên cứu lý luận
V.I.Lênin
khẳng định: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng
đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận
thức thực tại khách quan”[10,
tr.179]. Con người từ trực quan những vấn đề thực tiễn sinh động
mà tổng kết, rút ra những kết luận, kinh nghiệm, bài học để ứng xử, hành động
phù hợp với thực tiễn đang diễn ra, nhằm cải tạo thực tiễn theo mục tiêu xác định.
Đó là con đường hình thành của lý luận.
Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người,
là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch
sử”[8, tr.96],
“là đem Thực tế trong lịch sử
trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ
ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận
chân chính”[6, tr.273].
Người khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng
ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[6, tr.273-274]. Vì vậy,
yêu cầu: “từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại chúng ta cần phải
nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là
cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”[6, tr.283].
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực
hành phải nhằm làm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái
đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý
luận cốt để áp dụng vào thực tế”[6,
tr.275]. Người chỉ rõ: “Thực tế là các vấn đề mình phải giải quyết,
là mâu thuẫn của sự vật. Chúng ta là những người cán bộ cách mạng, thực tế của
chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta phải giải quyết”[8, tr.97]. Người khẳng
định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ
nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù
quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông... lý luận luôn
luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động.
Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp
với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”[8, tr.95]. Như “Đảng ta nhờ kết hợp được
chủ nghĩa Mác - Lênin với tình hình thực tế của nước ta, cho nên đã thu được
nhiều thắng lợi trong công tác”[8,
tr.97]. Người đặc biệt căn dặn cán bộ học lý luận ở trường Đảng:
“Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành
những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt
hơn”[8, tr.95].
Để sự
nghiệp cách mạng của Đảng ngày càng đạt nhiều thành tựu, “chúng ta phải học chủ
nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước
ta, cho hợp với điều kiện kiện lịch sử cụ thể. Khi vận dụng thì bổ sung, làm
phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng
của ta”[8, tr.95].
Người cho rằng, học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là học từng câu, từng chữ,
vận dụng một cách máy móc mà là: “học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin;
học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà
giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”[8, tr.95]. Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Muốn thay đổi xã hội thì không thể xa lìa thực tế hiện
tại, không thể không nhìn vào thực tế hiện tại, càng không thể trốn tránh thực
tế hiện tại, mà cũng không thể đầu hàng thực tế hiện tại”[7, tr.289].
Từ quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về sự thống nhất lý luận với thực tiễn,
chúng ta hiểu rằng, không có một thứ lý luận chân chính nào mà không xuất phát
từ thực tế, tách rời lý luận với thực tế sẽ rơi vào kinh nghiệm, giáo điều, sách vở đi đến quan liêu và
kiêu ngạo. Ngược lại, nếu chỉ hành động theo kinh nghiệm, thói quen mà không
nâng cao nhận thức thực tế bằng lý luận thì dễ rơi vào thực dụng, thiển cận,
coi thường lý luận, khinh lý luận. Do sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
nên đặt ra yêu cầu thường xuyên phải tổng kết thực tiễn, gắn lý luận với thực
tiễn. Đối với người giảng viên trường Đảng, nhiệm vụ đó đặt ra cả trong nghiên
cứu và giảng dạy. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận,
giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn để giúp cán bộ của Đảng giải quyết tốt những
yêu cầu đặt ra trong thực tiễn công tác.
1.2. Định hướng
của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận
Nhận thức
rõ về vị trí, vai trò của lý luận, mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực
tiễn, trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng và trong thời kỳ Đổi mới, Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát
triển lý luận. Đại hội VII của Đảng nêu yêu cầu: “nâng cao trình độ và năng lực
vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, góp phần xây dựng
chủ trương, chính sách của Đảng, lý giải những vấn đề mới mà cuộc sống đặt ra”[1, tr.95].
Đại hội VIII của Đảng nhấn mạnh mục tiêu nghiên cứu lý luận,
tổng kết thực tiễn là: “Trước hết hướng vào những vấn đề mới do cuộc sống đặt
ra, làm rõ căn cứ khoa học của các giải pháp, dự báo các xu hướng phát triển,
góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng, làm cho ngày càng sáng tỏ con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[2, tr.140]. Triển khai quan điểm nêu tại Đại
hội, Bộ Chính trị (Khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày
28/3/1992, về công tác lý luận trong giai đoạn
hiện nay. Nghị quyết yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy, đi sâu tổng kết
thực tiễn và phát triển lý luận một cách sáng tạo. Phương châm và quan điểm chỉ
đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phải quán triệt bản chất cách mạng,
khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, cần phát
huy tính độc lập, sáng tạo, kế thừa những tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân
loại; gắn với những tiến bộ, thành tựu khoa học của thế giới.
Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW,
ngày 09/10/2014, về công tác lý luận và định
hướng nghiên cứu đến năm 2030, trên cơ sở chỉ ra việc thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận
còn có những điểm hạn chế; đồng thời, Nghị quyết đã chỉ ra đề ra phương châm,
nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác lý luận đến năm 2030.
Tiếp tục,
Đại hội XII của Đảng nêu nhiệm vụ: “Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn,
nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định,
phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[3, tr.201]. Đại hội
XIII, mặc dù đánh giá cao công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đã
làm cho: “Tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường
lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu
lý luận được đẩy mạnh, góp phần cung cấp các
luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng”[5, tr.169-170],
nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là những vấn đề mới, khó, phức tạp: “Công
tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa
đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, phức tạp thực tiễn đặt ra chưa được làm
sáng tỏ”[5, tr.172-173].
Quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng nêu
qua các kỳ Đại hội đã đặt yêu cầu, nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy
trong hệ thống trường Đảng về thực hiện tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận
và tổ chức giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn.
2. Giảng viên trường Đảng với nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu
lý luận, đáp ứng yêu cầu giảng dạy hiện nay
Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được hiểu là quá
trình chủ thể sử dụng tư duy khoa học, phương pháp biện chứng duy vật làm cơ sở
để phân tích, đánh giá, khái quát hóa quá trình hoạt động sản xuất vật chất, hoạt
động chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học, nhằm kiểm nghiệm chân
lý, kiểm tra sự đúng sai của lý luận để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận
và rút ra bài học kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận
tiếp theo[9, tr.18-19].
Tổng kết thực tiễn có nhiều hình thức phong phú, đa dạng,
nhưng để đạt được kết quả mong muốn thì chủ thể cần sử dụng công cụ, thao tác,
các phương pháp, kỹ năng để xác định được: Vấn đề cần tổng kết; xây dựng kế hoạch
tổng kết, xây dựng khung phân tích; lựa chọn chiến lược, cách thức tổng kết,
phân tích; lựa chọn công cụ, hình thức thu thập thông tin; phân tích các thông
tin, kiểm chứng thông tin để rút ra kết luận của quá trình tổng kết thực tiễn.
Kết quả đó nâng cao nhận thức, trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn.
Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về
Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, trên cơ sở đó Hướng dẫn
số 02-HD/TW ngày 08 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Hướng dẫn
tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, giảng viên trường Đảng cần thực hiện
các định hướng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận sau:
“(1)
Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt
Nam; chỉ rõ vấn đề cần bổ sung, phát triển sáng tạo. Tập trung đi sâu nghiên cứu
giá trị văn hóa truyền thống, những bài học kinh nghiệm lịch sử xây dựng và bảo
vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.
(2) Tiếp tục đi sâu nghiên cứu về bản chất, đặc điểm của chủ
nghĩa tư bản hiện đại, làm rõ tính chất, đặc điểm mới của thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản
lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Nghiên cứu tình hình thế giới
và khu vực, cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng và tương
quan các lực lượng trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, an
ninh, quốc phòng trong khu vực và thế giới; an ninh hàng hải trên thế giới và
khu vực tầm nhìn đến năm 2030; các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo...
(3) Đối với những trào lưu tư tưởng,
học thuyết, lý thuyết mới, tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm
khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ. Kiên quyết đấu tranh
chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng
thù địch dưới mọi màu sắc.
(4) Nghiên cứu, phát triển và hoàn
chỉnh những luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định đường lối, chính sách của Đảng:
- Đi sâu
nghiên cứu hệ thống quan điểm về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; về phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công nghiệp hóa, hiện đại
hóa; về phát triển kinh tế tri thức; về hội nhập quốc tế; về phát triển kinh tế
nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội.
- Xây dựng
văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển đất
nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Phát triển văn hóa để
xây dựng con người phát triển toàn diện; thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, thực sự coi trọng giáo dục và đào tạo cùng với khoa học,
công nghệ là quốc sách hàng đầu; làm rõ sự biến đổi cơ cấu, giai tầng xã hội,
xây dựng cộng đồng xã hội văn minh, bảo đảm quyền con người.
- Làm rõ
mối quan hệ, kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa; kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng nền
quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân; giữa độc lập dân tộc với
hội nhập quốc tế; các vấn đề về an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống.
Dự báo những xu thế lớn của khu vực và thế giới, thời cơ, thuận lợi cũng như
thách thức tác động tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Vấn đề
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì
dân; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, chống quan liêu, tham
nhũng, lãng phí, giữ nghiêm kỷ cương xã hội. Vấn đề dân chủ, phát huy quyền làm
chủ của người dân đi đôi với hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò của
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong điều kiện mới; về xã
hội dân sự trên thế giới.
- Tiếp tục làm rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nâng
cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng
với Nhân dân; nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực cầm
quyền và phát huy dân chủ xã hội; về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà
nước và xã hội; về tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh,
chống suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”[4].
3. Một số giải pháp tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận,
đáp ứng yêu cầu giảng dạy hiện nay
Một là, tiếp tục bồi dưỡng giúp cho đội
ngũ cán bộ giảng viên trường Đảng nắm vững các nguyên lý, quy luật, phương pháp
luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm cơ sở nền tảng để nghiên cứu
tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Đồng thời, thúc đẩy tiếp thu các thành
tựu lý luận mới của nhân loại để nhận thức rõ hơn về những vấn đề mới cả về lý
luận và thực tiễn, cả những vấn đề lý luận trước đây là đúng, nhưng nay cần bổ
sung, phát triển.
Hai là, cần thiết xây dựng các chương
trình, nội dung, mục tiêu, lộ trình tổng kết các vấn đề thực tiễn gắn với việc
triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách lớn của Đảng và Nhà
nước làm định hướng cho các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học lựa chọn nội
dung, tổ chức nghiên cứu.
Ba là, tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong hoạt động
nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với thực hiện nhiệm vụ
chính trị của mỗi cơ sở đào tạo, mỗi cán bộ giảng viên. Khuyến khích các trường
Đảng khu vực chủ động đề xuất nội dung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn những vấn
đề mới phát sinh gắn với vùng, địa bàn được phân công đào tạo, bồi dưỡng.
Bốn là, tiếp tục xây dựng nội dung, kế hoạch bồi dưỡng cán bộ giảng viên kỹ
năng về nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng báo cáo kiến
nghị. Định kỳ hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giảng viên,
nhất là cán bộ giảng viên, cán bộ nghiên cứu trẻ. Chú trọng xây dựng các cuộc tọa
đàm chia sẻ của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, có sản
phẩm nghiên cứu điển hình.
Năm là, chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học thực hiện đúng các cam kết, thuyết
minh khoa học, trong đó lưu ý đến công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ
nghiên cứu. Xây dựng cơ chế khuyến khích hình thành các nhóm nghiên cứu, trong
đó lưu ý đến cơ cấu độ tuổi, trình độ của nhóm, tiếp tục tạo điều kiện cho cán
bộ nghiên cứu trẻ tham gia các nhiệm vụ khoa học.
Kết luận
Lý luận và thực tiễn có mối
quan hệ biện chứng, lý luận dẫn dắt thực tiễn, thực tiễn phát triển làm sáng rõ
những nội dung lý luận. Trường Đảng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối
tượng người học là cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà
nước, các tổ chức chính trị - xã hội,... là những người tổ chức thực tiễn, có
kiến thức thực tiễn phong phú. Vì vậy, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát
triển lý luận của người cán bộ, giảng viên trường Đảng không chỉ có ý nghĩa
trong công tác lý luận của Đảng mà còn có ý nghĩa, giá trị đặc biệt trong tổ chức
giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong
công tác của học viên; đồng thời, qua học viên để phát hiện những vấn đề thực
tiễn mới cần được tổng kết. Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu
phát triển lý luận cho đội ngũ giảng viên là giải pháp, là yêu cầu để thể hiện
rõ vai trò, vị trí, bản chất của trường Đảng, góp phần vào phát triển lý luận,
cải tạo thực tiễn để đất nước tiến tới phồn vinh, hạnh phúc.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam (1991),
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[4] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 37-NQ/TW,
ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến
năm 2030.
[5] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II,
Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[6] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[7] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[8] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
11, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự
thật, Hà Nội.
[9] Trần
Văn Phòng (2010), Tổng kết thực tiễn với việc
phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội.
[10] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 29, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.