Học viện Chính trị khu vực I (ảnh: Phạm Bình Dũng)
Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người
sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là người mở đầu sự
nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng. Tháng 9 năm 1949, nhân dịp khai giảng lớp lý luận dài hạn khoá II
Trường Ðảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc tại Định Hóa - Thái Nguyên, Người đã ghi
vào cuốn sổ vàng của nhà trường lời huấn thị bất hủ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể,
giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần,
kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”[3; tr.9]. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu trong suốt 75 năm qua đã góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận của Đảng,
phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về học
tập, học để đạt được tri thức đúng đắn phụng sự công cuộc đấu tranh cách mạng,
vì sự vẻ vang của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm
đường cứu nước từ buổi nhân dân, đất nước còn đắm chìm trong đêm đen nô lệ,
Người không có điều kiện để được học hành trong các trường lớp chính thống.
Người sớm dấn thân vào lao động và tranh đấu, nhưng bản thân đã có ý thức học
tập từ rất sớm. Người đã từng kể lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên
tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người
da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất
muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những
chữ ấy”[2, tr.461].
Đó cũng là nguyên nhân Người đi về phía trời Tây để học hỏi, tìm con đường khả
dĩ cứu nước, cứu dân.
Trong hoàn cảnh lao động gian
khổ, thiếu thốn, có những lúc bị tù đày, Người luôn có ý thức tự học, tự bồi
dưỡng, từ ngoại ngữ, đến các tri thức văn hóa, khoa học. Đi đến đâu, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đều học và sử dụng được ngoại ngữ, thông hiểu văn hóa để hòa nhập
và hoạt động cách mạng. Không được đào tạo một cách bài bản, chính thống qua
trường lớp, cấp học, nhưng những tri thức Người có được hết sức sâu sắc và toàn
diện. Người còn căn dặn cán bộ phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau
và học ở nhân dân. Chính nhờ học qua sách báo, qua bè bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là vào năm 1920, ở Pháp, Nguyễn Ái
Quốc, đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và
vấn đề thuộc địa" của Lênin Người đã giác ngộ: “Đây là cái cần thiết cho
chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[5 tr.562]. Từ đó, Người tin theo Lênin,
tin theo Quốc tế III, vì đã chỉ ra cho Người con đường tranh đấu cho độc lập tự
do của dân tộc mình.
Tinh hoa sự học của Chủ tịch
Hồ Chí Minh được thẩm thấu và tỏa ra ở cốt
cách văn hóa thanh cao, lịch thiệp, trong trí thông minh xuất chúng, ở lối ứng
xử tinh tế, hấp dẫn. Tất cả nhờ Người luôn ý thức tự học và hành. Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn tâm đắc câu nói của Lênin: Học, học nữa, học mãi và chính Người
cho rằng, học để tiến bộ mãi!
Từ việc coi trọng tầm quan trọng của sự học đối với
tiền đồ quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến coi mục đích của sự học
là để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Trong lịch sử, mỗi một chế độ xã hội khác
nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển và nhận
thức, con người đề cao sự học không giống nhau. Dân tộc Việt Nam trong thời đại
phong kiến đã từng bị ảnh hưởng bởi quan niệm “học nhi ưu tắc sĩ” (học để làm
quan), cái học đó đã đào tạo ra một tầng lớp quan lại bằng con đường khoa bảng;
xã hội nông nghiệp đề cao cái học để “vinh thân phì gia”, một người làm quan cả
họ được nhờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh
nhận thức được lợi ích của việc học lớn hơn nhiều. Học để “phụng sự Tổ quốc,
phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ
người chủ của nước nhà"[6;
tr.179] Đó là ý nghĩa đích thực của sự học theo quan điểm khoa
học và cách mạng, tiến bộ và nhân văn. Ở cương vị Chủ tịch nước, đi nhiều, hễ
có dịp là Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói với nhân dân về lợi ích của sự học mới,
về ý nghĩa của sự học cao cả ấy.
Trong lời ghi ở trang đầu
Quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Người viết: “Học để làm
việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và
nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại...”[3; tr.208] Trong đó toát lên hai vấn đề cơ
bản của một người cán bộ cách mạng mà Hồ Chí Minh quan tâm là đạo đức và tài
năng. Người từng khẳng định muốn có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”
thì Đảng phải quan tâm giáo dục, đào tạo cho họ cả hai mặt, không thiên về mặt
nào. Nhưng bao giờ đức cũng là gốc, là trước hết.
“Học để làm việc” là một mệnh đề bao trùm, khẳng
định. Vì rằng, con người muốn tồn tại và cao hơn là muốn làm việc có hiệu quả
thì phải học, dù là làm việc gì, kể từ việc đơn giản nhất. Và cũng còn vì con
người phải trải qua việc làm thực tế để rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Qua đó,
tổ chức Đảng phát hiện ra những người làm việc tốt có thể đào tạo tiếp, cao
hơn, để trở thành cán bộ.
Sau “học để làm việc”, Bác đã giải thích và chỉ rõ
phải đặt cái gì trước cái gì sau. Để làm được những công việc hay là nhiệm vụ
của người cán bộ một cách xuất sắc, có ích cho Đảng, cho nước và cho Nhân dân,
thì trước hết phải học để “làm người” đã! Như vậy, Người yêu cầu phải rèn
luyện, tu dưỡng đạo đức trước tiên. Vì chỉ người thật sự có đạo đức cách mạng
mới đủ ý chí, bản lĩnh chấp nhận gian khổ hy sinh để cùng Đảng phấn đấu cho mục
tiêu, lý tưởng cách mạng.
Sau học “làm người”, thì mới có thể “làm cán bộ”.
Vì cán bộ là ai? Như Bác đã từng dạy: cán bộ là công bộc của dân, là người đầy
tớ trung thành của Nhân dân, gánh vác việc chung cho Nhân dân. Do đó, nếu không
phải là người có đạo đức cách mạng thì không thể làm và không xứng đáng làm cán
bộ của Nhân dân được. Bác nói: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh
tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được
gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”[4, tr.399]. Vì Đảng và dân không thể trao
quyền hành Nhà nước cho những kẻ vô đạo đức để họ tác oai, tác quái được!
Vì thế, chỉ sau khi đã thật sự xứng đáng “làm cán
bộ” thì mới có thể nói là “phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và
nhân loại”. Người kết luận “Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư”. Người chỉ rõ nội hàm của từng đức trong "tứ đức":
Cần "là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai"; kiệm "là tiết
kiệm, không xa xỉ, không hoang phí"; "liêm là trong sạch không tham
lam"; chính "nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn". Người
còn khẳng định bốn đức tính ấy không thể thiếu đức tính nào, nếu "thiếu
một đức thì không thành người".
Nhờ học thấu đáo, năng lực tự học xuất chúng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh hội tụ được những văn hóa phương Đông, Tây, đem hết tài học,
lực học, kiến thức phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân. Khi
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên
Hợp Quốc đã tôn vinh Người là: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế
giới. Người là biểu tượng đỉnh cao của đạo đức và trí tuệ Việt Nam ngời
sáng.
2. Thực hiện lời huấn thị của Người vào xây dựng Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh
đạo, quản lý hiện nay
Tự hào 75 năm qua, mái trường Ðảng mang tên Bác Hồ
kính yêu, mỗi bước trưởng thành và dấu mốc phát triển của Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh luôn gắn liền với tiến trình cách mạng Việt Nam. Ðó là: Trường
Ðảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (năm 1949) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công
cuộc kháng chiến, kiến quốc; Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (năm 1962)
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và
sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Trường Ðảng cao
cấp Nguyễn Ái Quốc (năm 1977) tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu
cầu của thời kỳ đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Học viện Khoa học Xã
hội mang tên Nguyễn Ái Quốc (năm 1986) mang trọng trách chính trị lớn lao trong
những năm đầu thời kỳ đổi mới; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (năm
1993) và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2007) với
những bước phát triển mới mang tính hệ thống và có trọng trách phục vụ sự
nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Từ
năm 2014 đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một hệ thống bao
gồm trung tâm Học viện và năm học viện trực thuộc (bốn học viện khu vực ở Hà
Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ và Học viện Báo chí và Tuyên truyền),
với những đổi mới toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ công
cuộc Đổi mới; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa[7].
Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Ðảng và
hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh
và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến
lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ. Ðến nay, đã có hàng trăm nghìn
cán bộ trung, cao cấp được học tập và rèn luyện tại Học viện, trở thành nguồn
cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ
vang của cách mạng Việt Nam.
Học viện đã có những đóng góp
to lớn vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định
vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách
cho Ðảng, Nhà nước. Ðội ngũ các nhà khoa học của Học viện là lực lượng chủ lực
giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin; đi đầu trong việc nghiên cứu làm rõ
nội dung, khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những
luận chứng thuyết phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền tảng tư
tưởng, lý luận của Ðảng. Trong những năm đổi mới, kết quả nghiên cứu khoa học
của Học viện đã góp phần làm rõ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; góp phần phân tích, đánh giá thời đại
ngày nay và thế giới đương đại; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; bổ sung, hoàn thiện lý luận và
chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, về tôn giáo, quyền con người
và bình đẳng giới... Ðặc biệt, trong nhiều nhiệm kỳ qua, cán bộ Học viện đã
trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng các nghị quyết của Trung ương và các
văn kiện Ðại hội Ðảng.
Trong những năm qua, triển khai thực hiện tốt các
nghị quyết của Ðảng, tổ chức, bộ máy của Học viện ngày càng được kiện toàn theo
hướng hệ thống, đồng bộ, bảo đảm dân chủ, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu
quả. Học viện tăng cường phân công, phân cấp, phát huy tính chủ động sáng tạo
và những lợi thế của các học viện trực thuộc. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong
hệ thống Học viện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Công tác hướng dẫn chuyên
môn, nghiệp vụ các trường chính trị tỉnh, thành phố có bước phát triển rõ rệt,
khẳng định vai trò là hình mẫu và hạt nhân của
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong hệ thống các cơ sở đào tạo
lý luận chính trị của cả nước. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, phục vụ
có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao
vị thế và uy tín của Học viện. Công tác báo
chí và xuất bản được quan tâm, đầu tư phát triển, giữ vững bản chất của báo chí
cách mạng và ngày càng đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại. Công tác nghiên
cứu, biên soạn lịch sử Ðảng được tổ chức chặt chẽ, đồng bộ từ Trung ương tới
địa phương, giúp nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị và tăng cường lòng yêu
nước, trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc trong cán bộ, đảng viên và toàn xã
hội. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật được chú trọng, trong đó việc
ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học
viện được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách, góp phần hiện đại hóa
Học viện.
Phát huy truyền thống quý báu của trường Ðảng, học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thể cán
bộ, giảng viên, công chức, viên chức và người lao động của Học viện luôn đoàn
kết một lòng, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, xây dựng và giữ gìn
môi trường sư phạm thân thiện, sáng tạo và mẫu mực. Các thế hệ cán bộ của Học
viện luôn để lại hình ảnh trong sáng về người đảng viên, cán bộ, người thầy
giáo, cô giáo trường Ðảng. Nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Với những đóng
góp liên tục, to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, Học
viện đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ
Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác. Ðây là
sự ghi nhận và tuyên dương của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đối với những thành
tựu to lớn và đóng góp xứng đáng của Học viện vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng
và dân tộc; là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ đã từng học tập, công tác tại
trường Ðảng mang tên Bác.
Tiếp bước các thế hệ đi trước
và xứng danh là Trường Đảng cao cấp Trung ương mang tên Bác, Học viện đã đổi
mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học,
tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tăng cường cơ sở vật
chất - kỹ thuật để ngang tầm với đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu trong tình
hình hiện nay, Học viện tiếp tục có những đổi mới toàn diện:
i) Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển
của thế giới hiện đại vào nội dung giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học
viện trong giai đoạn mới.
ii) Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
gắn với bám sát mục tiêu, yêu cầu định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết
chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Coi trọng chất lượng đào tạo. Phân định
rõ giữa đào tạo cơ bản với bồi dưỡng theo chức danh. Rút ngắn hợp lý thời gian
đào tạo. Chú trọng đào tạo tập trung.
iii) Tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và
thực tiễn cơ bản, nhằm làm sáng tỏ những giá trị, sức sống và ý nghĩa của chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; về xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, trọng tâm là vấn đề Đảng cầm
quyền; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về vấn đề
toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế...
iv) Đổi mới, hoàn thiện chương trình các hệ đào
tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát hợp với đối tượng và mục
tiêu đào tạo, biên soạn lại các loại chương trình sau: chương trình đào tạo cao
cấp lý luận chính trị; chương trình bồi dưỡng, chương trình nâng cao, cập nhật
kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; chương trình đào tạo lý luận chính
trị cho cán bộ để chuẩn hoá chức danh công chức; chương trình đào tạo thạc sĩ,
tiến sĩ các chuyên ngành lý luận chính trị và một số chuyên ngành khoa học - xã
hội và nhân văn khác; Đổi mới chương trình, nội dung phương pháp đào tạo quán
triệt yêu cầu vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản và hệ thống, vừa bảo đảm tính
hiện đại, thực tiễn và chuyên môn nghiệp vụ;
v) Thực
hiện đào tạo toàn diện, chú trọng nâng cao trình độ kiến thức, rèn luyện năng
lực tư duy khoa học, khả năng xử lý tình huống, trau dồi đạo đức, lối sống; gắn
bồi dưỡng lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Áp dụng phương pháp giảng
dạy hiện đại và học tập theo phong cách nghiên cứu nhằm phát huy cao độ tính
chủ động, tích cực, khả năng độc lập suy nghĩ của người học;
vi) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm
đóng góp kịp thời và thiết thực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước; tham gia tích cực vào công tác lý luận, tư tưởng của Đảng và
nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Gắn tổng kết thực tiễn với phát
triển lý luận; tổ chức thảo luận, làm sáng tỏ những vấn đề nảy sinh từ thực
tiễn đang có ý kiến khác nhau, đấu tranh chống các quan điểm lệch lạc và luận
điệu sai trái, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng của Đảng;
vii) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch từng bước hiện
đại hoá cơ sở vật chất - kỹ thuật của Học viện để tương xứng một trung tâm đào
tạo và nghiên cứu lớn của quốc gia và khu vực[1] .
Kết luận
Học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí
Minh, chúng ta có thể học tập rất nhiều điều, tuy nhiên trong bối cảnh, vận hội
mới của đất nước hiện nay, cần phải học và thực hành tinh thần “Học để làm
việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ
quốc và nhân loại”; đồng thời phải rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, thực
hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Chỉ với một thái độ học tập, rèn
luyện tích cực, đúng đắn và nhân văn như vậy, mỗi người chúng ta mới có thể góp
sức học và sức làm việc của mình để dân tộc Việt Nam có thể sánh vai các quốc
gia, dân tộc khác, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước và hội nhập quốc tế.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Thùy
linh (2019), Xứng đáng là Trường đảng trung ương mang tên
của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, https://www.tạpchicongsan.org.vn
[2] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[3] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[4] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[5] Hồ
Chí Minh (2011), Toàn tập, tập
12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[7] Nguyễn Xuân Thắng (2019), 70 năm truyền
thống vẻ vang của trường Đảng mang tên Bác, https://nhandan.vn