Gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn và biểu dương
cán bộ nữ công tiêu biểu lần thứ 3, năm 2024
(nguồn news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Phát triển cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng,
Nhà nước, các cấp, các ngành. Với chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của
Đảng, Nhà nước cùng khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và phù hợp với yêu cầu
quốc tế, với sự nỗ lực vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, phụ nữ Việt Nam đã và
đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,
góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và phát triển bền vững của
đất nước. Học viện Chính trị khu vực I là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý,
cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước... Học viện có đội ngũ
viên chức, người lao động có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững
vàng, có trình độ cao, trong đó có đội ngũ viên chức, người lao động nữ chiếm tỷ
lệ cao. Đội ngũ cán bộ nữ này đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và
phát triển Học viện hơn 70 năm qua. Vì vậy, phát huy nội lực, khơi dậy sự sáng
tạo, ý chí tự cường của mỗi viên chức nữ nhằm phát triển đội ngũ, xây dựng đội
ngũ cán bộ, viên chức nữ chuyên nghiệp, có năng lực, bản lĩnh chính trị vững
vàng tại Học viện Chính trị khu vực 1 (sau đây gọi tắt là HV) giai đoạn hiện
nay để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế là
nhiệm vụ cấp bách.
1. Quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ trong thời kỳ đổi mới
Từ khi
ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn
khẳng định vị trí, vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính
trị - xã hội, quan tâm đến công tác cán bộ nữ, tạo mọi điều kiện và giải quyết
tốt các quyền lợi chính đáng, thiết thực của phụ nữ, phát huy tối đa lực lượng,
khả năng của phụ nữ trong mọi nhiệm vụ của đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới,
Đảng tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, Bộ Chính trị
ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW ngày
12/7/1993 về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”;
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư “Về một số vấn đề công tác
cán bộ nữ trong tình hình mới”.
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, Bộ Chính trị khoá X ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác
phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đề ra mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được
nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng
yêu câu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; có
việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham
gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực;
đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một
trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực"[1].
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011),
đưa ra yêu cầu “Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và
sự tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và
nguy cơ bất bình đẳng cao… Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng,
nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ”[2, tr.231]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XII (2016), tiếp tục đặt ra nhiệm vụ: “Nâng cao trình độ mọi mặt
và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo
điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện luật
pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt
vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội”[2, tr.163].
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số
11-NQ/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 “về tiếp tục đẩy mạnh công
tác phụ nữ trong tình hình mới”, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt
trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm
vụ trong thời gian tới. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ
bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán
bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ đưa ra các chỉ tiêu về công tác nữ cần đạt được đến năm 2030. Chỉ thị
35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra các chỉ tiêu liên quan đến
công tác nữ và yêu cầu: Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và
có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng,
bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức
danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn
bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.
Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ: “Phát huy truyền thống,
tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp
phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các
chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kĩ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh
khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt
luật pháp, chính sách liện quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Kiên quyết
xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán,
xâm hại phụ nữ, trẻ em”[3,
tr.169]. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh: “Đặc biệt coi trọng việc đào
tạo nghề nghiệp, giúp đỡ chị em có việc làm phát triển kinh tế gia đình, cải
thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em… Giảm dần khoảng cách giới
trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”[3]. Đây chính là sự
tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phát triển phụ nữ và công tác phụ nữ
trong các kỳ đại hội trước, thể hiện rõ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với
phụ nữ và sự đóng góp của tầng lớp phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng đội ngũ cán bộ, viên chức nữ Học viện Chính trị khu vực I
2.1. Phẩm chất, năng lực và chất lượng
cán bộ, viên chức nữ tại Học viện
* Về phẩm chất chính trị của đội ngũ
viên chức người lao động nữ
Viên chức, lao động nữ của Học viện có phẩm chất chính trị
vững vàng, luôn kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chấp
hành tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật
của Nhà nước; nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận của cấp trên. Có đạo đức
cách mạng, phẩm chất của người đảng viên, có lối sống lành mạnh, không vi phạm
những điều đảng viên không được làm. Luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ, thực hiện
nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, có ý thức chấp hành tốt tổ chức kỷ luật,
thực hiện tốt các nội quy, quy chế của tổ chức Đảng, phục tùng sự phân công điều
động, luân chuyển của tổ chức.
* Về số lượng, chất lượng đội ngũ viên
chức, người lao động nữ
Tổng số cán bộ, viên chức nữ Học viện hiện nay là 189/300
(63%), cụ thể: PGS,TS 3/7 (42.8%); TS: 45/82 (54.9%); Thạc sĩ: 100/139 (72%); Cử nhân:
35/57(61%); trình độ khác 6/16 (37.5%)[4].
Viên chức nữ khối nghiên cứu, giảng dạy: giảng viên nữ có
99/157 giảng viên (63%), phân chia theo ngạch GVCC: 11/22 (50%); GVC: 36/65
(55.4%); GV: 52/71(73.2%)[4].
Đội ngũ nữ giảng viên được đào tạo cơ bản, đúng chuyên ngành có học vị ngày
càng cao, tâm huyết với nghề nghiệp, có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, chịu
khó tìm tòi, phát hiện vấn đề từ thực tiễn để đóng góp cho công tác lý luận của
Đảng. Từ năm 2021 đến 2024, nữ viên chức tham gia làm chủ nhiệm đề tài khoa học
chiếm số lượng khá cao, cụ thể 61viên chức nữ là chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở (cơ
sở tự chủ và phân cấp), 08 viên chức nữ là chủ nhiệm đề tài cấp bộ[5].
Đội ngũ cán bộ nữ khối phòng ban chức
năng tham mưu, hành chính - hậu cần: về cơ bản
được đào tạo bài bản, có chuyên môn, nghiệp vụ, chịu khó học tập nâng cao trình
độ, có khả năng tham mưu trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, về cơ cấu khối chức
năng hiện nay số lượng còn khá cao, tính chuyên nghiệp chưa cao; năng lực, hiệu
quả công tác còn hạn chế, một bộ phận thiếu chuyên môn nghiệp vụ.
2.2. Một số chủ trương chính sách nâng
cao năng lực cán bộ, viên chức nữ tại Học viện
* Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
nữ
Đội ngũ viên chức nữ có trình độ cao, được đào tạo cơ bản,
đúng chuyên ngành, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ giảng
dạy, nghiên cứu trong hệ thống trường Đảng. Đảng ủy, Ban Giám đốc luôn luôn chú
trọng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức nữ, đặc biệt là đội ngũ giảng dạy
và nghiên cứu. Học viện đã cử nhiều nữ viên chức tham gia các khoá đào tạo nâng
cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị và các
khóa bồi dưỡng ngắn hạn.
Bên cạnh đó, để phục vụ công tác giảng dạy bám sát thực
tiễn, gắn với đối tượng người học, Học viện đã thực hiện chủ trương của Học viện
Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh về việc đưa giảng viên đi thực tế dài hạn địa phương. Từ năm 2021 đến nay, Học viện
đã cử 24 nữ giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn tại các địa phương[4]. Ngoài việc cử giảng
viên đi thực tế địa phương, để đào tạo bồi dưỡng giảng viên về mọi mặt, Học
viên thực hiện luân chuyển thực tế nội bộ, thực tế hàng năm theo ngạch bậc,
trong đó có sự tham gia tích cực của viên chức nữ.
* Về bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, viên
chức nữ
Học viện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch,
bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng công chức lãnh đạo, quản lý là nữ
phù hợp năng lực, sở trường, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng hoàn thành tốt
nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ
phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Đội ngũ
nữ viên chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý năm 2024 của Học viện gồm 17/54 người
(31,5%), trong đó có 01 người giữ chức vụ Phó giám đốc Học viện trong tổng số
04 thành viên Ban Giám đốc (25%); 06 người là cấp trưởng các khoa/ban của Học
viện (30%); 10 người là phó trưởng khoa/ban (33,3%). Số viên chức nữ lãnh đạo,
quản lý là UVTVĐU 02/06 người (33,3%), UVBCHĐU
03/16 người (18,7%): UVTVCĐ 01/03 người (33,3%), UVBCHCĐ 03/10 người
(30%)[4]. Cơ cấu
trình độ, số viên chức nữ lãnh đạo, quản lý có học hàm, học vị PGS, TS là 01
người (20%); học vị tiến sĩ là 12 người (33,3%); 04/13 viên chức lãnh đạo, quản
lý có học vị thạc sĩ (30,8%), trong đó có 15/17 viên chức nữ lãnh đạo, quản lý
ngạch GVC trở lên và có 02 CVC. Trong số 17 viên chức nữ lãnh đạo quản lý, có
05 người trong độ tuổi từ 35- dưới 50 (29,4%) và 12 người trên 50 tuổi (70,6%)[4].
* Công tác nữ tại Học viện
Bên cạnh
các chính sách của Học viện, các hoạt động nữ được Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ
và Ban Nữ công, trực thuộc Công đoàn Học viện tổ chức thực hiện góp phần thúc đẩy
sự phát triển của viên chức, người lao động nữ tại Học viện trong thời gian vừa
qua. Trong năm 2024, hai ban đã làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện có
hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những
chính sách có liên quan đến lao động nữ, tổ chức các hoạt động để gắn bó chị em
nữ các đơn vị với nhau, nhằm nâng cao tinh thần, động lực phục vụ nhiệm vụ
chính trị. Phối hợp tổ chức các hoạt động báo cáo, tọa đàm với các chủ đề về phụ
nữ, công tác nữ, gia đình nhân các ngày 8/3, 20/10, tháng hành động vì bình đẳng
giới với mục đích tạo sự hiểu biết hơn về hoạt động và công tác nữ. Kịp thời động
viên đội ngũ viên chức nữ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tham
gia tốt phong trào thi đua “Giỏi việc trường,
đảm việc nhà”, giúp đỡ, bồi dưỡng nữ đoàn viên ưu tú, giới thiệu xem
xét, kết nạp vào tổ chức Đảng.
2.3. Tồn tại, hạn chế
Cơ chế,
chính sách, pháp luật nhà nước về công tác nữ và bình đẳng giới chưa hoàn thiện,
thiếu đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; nguyên tắc Bình đẳng
giới chưa được cụ thể hoá toàn diện và triệt để trong các văn bản quy phạm pháp
luật hiện hành, một số quy định được ban hành nhưng thiếu chế tài, biện pháp,
nguồn lực thực hiện. Đặc biệt là khung chính sách, quy định tuổi đào tạo, tuổi
nghỉ hưu, tuổi quy hoạch và bổ nhiệm còn hạn chế đối với cán bộ nữ... có ảnh hưởng
ít nhiều đến công tác nữ tại Học viện.
Còn một bộ phận nữ cán bộ, viên chức, người lao động chưa
chú ý đúng mức đến việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quan
niệm về thiên chức của nữ giới gắn với làm mẹ, làm vợ gắn với công việc nội trợ,
chăm sóc các thành viên trong gia đình khiến cán bộ nữ khó tiếp cận cơ hội, điều
kiện trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin để phát triển bản thân.
Một bộ
phận nhỏ viên chức, người lao động nữ Học viện chưa thực sự yêu nghề, thiếu kiến
thức thực tiễn, kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu, giảng dạy còn hạn chế, trình
độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cơ cấu đội ngũ cán bộ khoa học nữ
chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ nữ có học hàm học vị còn thấp, ảnh hưởng và uy tín
khoa chưa cao...
Hầu hết
cán bộ nữ hoạt động trong ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, ban Nữ công làm công
tác kiêm nhiệm, tổ chức hoạt động còn hạn chế về thời gian, kinh nghiệm, chưa
thực sự sáng tạo trong tổ chức các hoạt động, chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu,
nguyện vọng của nữ viên chức, người lao động.
3. Một số khuyến nghị phát huy nội lực, khơi dậy sự sáng tạo, ý chí tự
cường của cán bộ nữ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ tại Học viện Chính trị
khu vực I giai đoạn hiện nay
Một là, luôn
bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn để tổ chức, triển khai
các hoạt động công tác của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ và Ban nữ công hội và
phong trào phụ nữ phù hợp với đặc điểm tình hình chung. Thường xuyên đổi mới nội
dung hoạt động, hình thức vận động sao cho phù hợp với đặc điểm của Học viện
làm động lực, thu hút, lôi cuốn viên chức, người lao động nữ tham gia. Tiếp tục
đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn phụ nữ
phát huy truyền thống, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức,
chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hai là, Học viện tiếp tục quán triệt sâu
sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời
kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước”; Thực hiện hiệu quả “Chiến
lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030” nhằm tiếp tục thu hẹp
khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong
tham gia, thụ hưởng thành quả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ba là, phát huy vai trò của ban Vì sự
tiến bộ của phụ nữ trong tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới;
Tích cực, chủ động, tranh thủ sự chỉ đạo Đảng ủy, sự ủng hộ của Ban Giám đốc Học
viện để công tác phụ nữ, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Học viện phát triển
đúng hướng, đạt kết quả tốt. Coi trọng sơ kết, tổng kết đánh giá và trao đổi
kinh nghiệm tổ chức hoạt động giữa các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong cùng
hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để hạn chế tồn tại, phát huy
ưu điểm. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi
về bình đẳng giới, các hoạt động tăng cường sức khỏe, kết nối của các chị em nữ
nhằm động viên, hỗ trợ trong công việc chuyên môn.
Bốn là, Công
đoàn Học viện tổ chức phong trào thi đua phải thiết thực, cụ thể, phát huy được
lợi thế, tinh thần tự học, tự rèn, tích cực gương mẫu trong học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh với những nhận thức sai lệch,
những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện, tạo môi trường
thuận lợi để viên chức, người lao động nữ công tác, học tập, rèn luyện và phát
triển toàn diện. Phong trào thi đua của phụ nữ cần phải bám sát đặc điểm tình
hình và công tác chuyên môn của Học viên. Quan tâm xây dựng và nhân rộng điển
hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành
tích xuất sắc.
Năm là,Ban Nữ
công tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, chủ động tham mưu cho
Công đoàn Học viện, đề xuất với Đảng ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng
công tác nữ và phát triển viên chức nữ Học viện. Chú trọng xây dựng, kiện toàn,
bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các đơn vị, công đoàn bộ phận tổ nữ công; động viên chị
em tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, tích lũy kinh nghiệm
và kỹ năng công tác. Chủ động, tích cực, tự giác rèn luyện để đạt được 4 phẩm
chất tốt đẹp “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của người phụ nữ trong
thời đại mới.
Sáu là, xây dựng
đội ngũ cán bộ nữ có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, mạnh dạn, dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Mỗi viên
chức, người lao động nữ trong Học viện tự giác học tập, rèn luyện, phấn đấu
vươn lên về mọi mặt để khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trên từng cương
vị công tác. Mỗi cán bộ, viên chức,
người lao động nữ cần xác định rõ trách nhiệm của mình đối với công việc được
giao, không tự thỏa mãn, thiếu tự tin; yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau nhiều
hơn trong công tác, tôn trọng, công nhận nhau, thi đua cùng tiến bộ. Nắm vững
quy chế, quy định của Học viện về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học để vận
dụng vào giảng dạy và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Xóa bỏ mọi rào cản,
định kiến của chính giới nữ, Chủ động rèn luyện nâng cao kỹ năng, năng lực theo
các tiêu chí người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, gắn với rèn luyện 4 phẩm
chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Kết luận
Trong những
năm qua, trên cơ sở thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các
quy định của Chính phủ đối với cán bộ nữ, Học viện I luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo mang tính đồng bộ các hoạt động trong công tác nữ, tạo điều kiện thuận lợi
cho cán bộ nữ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm để
cán bộ nữ có điều kiện, cơ hội, môi trường phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, với nhiệm vụ chính trị của Học
viện đòi hỏi cần tiếp tục phát huy vai trò, nội lực, khơi dậy sự sáng tạo, ý
chí tự cường, khát vọng phấn đấu vươn lên của mỗi cán bộ nữ nhằm phát triển đội
ngũ cán bộ nữ tại Học viện Chính trị khu vực I đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn
hiện nay.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Ban
Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính
trị khoá X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa.
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Tập I, Hà Nội.
[4] Số
liệu thống kê của Ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Chính trị khu vực I, 6/2024.
[5] Số liệu tổng hợp của Ban Quản lý khoa học và Hợp
tác quốc tế (6/2024), Học viện Chính trị khu vực I.