Thứ Năm, ngày 23/01/2025, 16:04

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế

Ngô Quang Trung
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người về độc lập dân tộc là ngọn đuốc soi sáng cho quá trình lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước. Bài viết khái quát nội dung và ý nghĩa, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

 

Việt Nam tham gia Diễn đàn quốc tế về chủ nghĩa xã hội lần thứ 11 (ảnh news.vnanet.vn)

 

Đặt vấn đề

Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tư tưởng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường cho nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ nước nhà, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do. Hiện nay, hội nhập quốc tế đang là xu thế, vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định phải xử lý hài hòa “mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế” và đây là một trong tám mối quan hệ lớn được Đảng xác định cần phải chú trọng giải quyết cùng hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc

1.1. Độc lập là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm

Qua khảo sát thực tế cuộc sống của nhân dân Việt Nam và Đông Dương trong xã hội thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu. Người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác để bảo vệ những lợi ích không phải của chính họ” [3, tr. 34- 35].

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy, và giành hết cả quyền kinh tế và chính trị. Dân nước ấy đã mất cả tự do độc lập, lại làm ra được bao nhiêu thì bị cường quyền vơ vét bấy nhiêu” [2, tr. 286]. Người kêu gọi các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, thà chết được tự do còn hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình, giành lấy độc lập tự do.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 tại Hà Nội, Bản tuyên ngôn đã khẳng định những nguyên tắc về độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, gắn liền quyền dân tộc và quyền cơ bản của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, mà còn khẳng định sự quyết tâm trong thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam với các quyền dân tộc thiêng liêng đó, khẳng định ý chí giành và giữ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, Người viết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” [4, tr.3]. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [4, tr.3]. Với Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” [8, tr. 131].

1.2. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một cống hiến lý luận quan trọng của Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau, cuộc vận động trước thành công làm tiền đề cho cuộc vận động sau thắng lợi. Đó là cuộc vận động giải phóng dân tộc về mặt chính trị và cuộc vận động giải phóng dân tộc về mặt kinh tế. Tiến hành kết hợp chặt chẽ hai cuộc vận động cách mạng ấy chính là sự kết hợp giữa giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và giải phóng con người trong xã hội Việt Nam.

Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển cùng với toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Đó là tư tưởng đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, thể hiện quan điểm giải phóng dân tộc và phát triển đất nước của Hồ Chí Minh mang tính toàn diện và triệt để. Độc lập dân tộc để đi tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.

1.3 Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước

Độc lập dân tộc gắn liền thống nhất đất nước là một quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, là con đường sống của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Đối với Người: “Nước Việt Nam thành lập đã hơn hai nghìn năm. Việt Nam là một dân tộc có chung một lịch sử, một thứ tiếng, một nền kinh tế và văn hóa. Dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết nhất trí trong lao động xây dựng và trong chiến đấu chống ngoại xâm. Nước Việt Nam là một khối thống nhất” [7, tr. 268]. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước giương cao mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc với khát vọng độc lập - tự do - hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam thể hiện sự sáng tạo, mang tinh thần cách mạng và khoa học, được kiểm chứng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Những tư tưởng đó của Người đã bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Leenin, mãi mãi là niềm tự hào, ánh sáng soi đường, dẫn dắt dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc đối với việc giải quyết các mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế hiện nay

Thứ nhất, độc lập tự chủ là cơ sở điều kiện quyết định hội nhập quốc tế

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường và tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Người phân tích rằng: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” [6, tr. 445].

Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa, việc giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh bên trong là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Song, độc lập, tự chủ không có nghĩa là “biệt lập”, “đóng cửa” với thế giới vì điều đó không phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, sẽ không thể phát triển và tất yếu làm suy yếu độc lập, tự chủ. Giữ vững độc lập, tự chủ phải đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Có giữ vững được độc lập, tự chủ thì mới có thể đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vì không giữ vững được độc lập, tự chủ thì quá trình hội nhập sẽ chuyển hóa thành “hòa tan”, mục tiêu phát triển và an ninh đều không đạt được.

Đối với các nước lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, các lực lượng chống đối chủ nghĩa xã hội thường xuyên tìm cách ngăn cản và chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếu không xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì dễ bị lệ thuộc, bị các thế lực xấu lợi dụng, lôi kéo hoặc khống chế, ép buộc thay đổi chế độ chính trị, đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, có xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì mới tạo được cơ sở kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật của chế độ chính trị độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ về kinh tế là nền tảng vật chất để đảm bảo cho sự độc lập, tự chủ về chính trị, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng...

Giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống của đất nước cũng là nhân tố để vừa khẳng định nền độc lập, tự chủ vừa mở rộng được hội nhập quốc tế mà không bị “hòa tan”. Trong quá trình hội nhập quốc tế, các quốc gia, dân tộc sẽ đánh mất sự tồn tại của mình nếu để mất đi bản sắc truyền thống, văn hóa của mình. Giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là tạo nên một dòng chảy liên tục nhằm khẳng định sức mạnh nội lực và bản lĩnh văn hóa của chính dân tộc đó, văn hóa còn là dân tộc còn. Đồng thời những nét đẹp văn hóa, những đặc trưng truyền thống sẽ là những nhân tố giúp cho các quốc gia, dân tộc có cơ hội thuận lợi để mở rộng hội nhập quốc tế.

Thứ hai, hội nhập quốc tế là điều kiện quan trọng để giữ vững độc lập, tự chủ

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Người viết: “Không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được” [5, tr.480]. Tuy nhiên Người cũng nhấn mạnh vừa phải tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài, vừa phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, Người viết: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác” [6, tr. 445].

Trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay, mở cửa hội nhập quốc tế là nhu cầu khách quan để phát triển nền kinh tế mỗi nước. Mở cửa là xu thế tất yếu, chỉ có tiếp thu và nắm vững thành quả văn minh mới nhất của thế giới mới có thể phát triển và hội nhập. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, trong mở cửa hội nhập quốc tế phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, phải giữ vững và phát huy được cốt cách và truyền thống Việt Nam. Nâng cao uy tín của Việt Nam đối với quốc tế, đồng thời phải bảo đảm các nguyên tắc: kết hợp lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế, bình đẳng cùng có lợi, bảo đảm độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không dùng vũ lực và đe dọa bằng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua con đường thương lượng, hòa bình.

Thứ ba, hội nhập quốc tế phải gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia

Về kinh tế: trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia vào các vào các thiết chế kinh tế chủ quyền quốc gia sẽ được củng cố. Tham gia hội nhập khu vực và quốc tế cho phép Việt Nam sử dụng những cơ sở pháp lý để đấu tranh chống bị phân biệt đối xử, chèn ép trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong các quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ và khai thác những quy chế, điều kiện ưu đãi mà phần lớn các thể chế quốc tế dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển để vừa đảm bảo hội nhập có hiệu quả, vừa bảo hộ hợp lý và phát triển vững chắc các ngành sản xuất, việc gia nhập vào các thể chế kinh tế quốc tế sẽ có cơ sở khẳng định và bảo đảm chủ quyền quốc gia. Đồng thời, vào các tổ chức kinh tế quốc tế mà cụ thể là gia nhập WTO, Việt Nam có được vị trí và tiếng nói trong đàm phán đa phương về các vấn đề thương mại và những vấn đề liên quan khác như có thể vay tiền từ các tổ chức tín dụng quốc tế, dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận nguồn vốn ODA, tức là Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia bình đẳng vào quá trình hình thành luật pháp quốc tế sao cho đảm bảo được quyền lợi của nước mình. Đồng thời qua đó nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về chính trị: trong quá trình hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được thể hiện ở việc củng cố sức mạnh của nhà nước. Trong quá trình xây dựng Nhà nước, Đảng đã quán triệt nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy tính sáng tạo của nhân dân, vận dụng có chọn lọc lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân loại phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Vì vậy, tăng cường nội lực, nâng cao đời sống nhân dân, tuyên truyền giáo dục về mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa là những việc làm cần thiết mà chúng ta đang thực hiện nhằm bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Hơn thế nữa, chúng còn sử dụng âm mưu “diễn biến hòa bình” qua đó, tiến công vào nền tảng tư tưởng và thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Vì vậy, tăng cường nội lực, nâng cao đời sống nhân dân, tuyên truyền giáo dục về mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa là những việc làm cần thiết mà chúng ta đang thực hiện nhằm bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia góp phần đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đe dọa nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về văn hóa: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang đến những cơ hội cho sự phát triển văn hóa dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng giao lưu văn hóa, tạo cơ hội để phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn lực con người, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, tạo cơ hội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa về công nghệ thông tin toàn cầu, kích thích năng lực sáng tạo của nền văn hóa dân tộc. Từ đó, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nền văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống có nguy cơ bị “xói mòn”. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước chủ trương kết hợp hài hòa văn hóa truyền thống với hiện đại trên cơ sở bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát triển tinh hoa của văn hóa dân tộc, loại trừ dần các yếu tố lỗi thời, tăng cường giao lưu văn hóa với bên ngoài, tiếp thu những gì là tinh hoa của văn hóa thế giới, đồng thời tiến hành bản địa hóa, dân tộc hóa chúng để làm giàu cho văn hóa dân tộc, lấy văn hóa làm động lực cho sự phát triển của dân tộc như chủ trương của Đảng: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” [1, tr.262].

Kết luận

Hành trình tìm đường cứu nước để dành lại độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân của Hồ Chí Minh là một biểu tượng sinh động cho ý chí, khát vọng cứu nước, giải phóng và phát triển cho dân tộc Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quôc tế hiện nay, Việt Nam đang có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thử thách trên con đường phát triển. Chính vì vậy, giữ vững độc lập, tự chủ trong điều kiện đặc thù ở Việt Nam hiện nay không tách rời việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... và đồng thời phải dựa trên nền tảng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng một Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phuc với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (1927), Đường Kách mệnh, Nxb Thanh niên, Trung Quốc.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.