
Hội nghị quán triệt, triển khai chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy ý chí tự lực, tự cường nhằm
tiếp tục tăng cường công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh” cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trên địa bàn thành phố Cần Thơ (ảnh news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề độc lập cho dân tộc,
tự do cho nhân dân, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là
xuất phát điểm và là nguồn gốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nuôi dưỡng bằng những
giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cùng với sự kết tinh, thâu thái tinh
hoa văn hoá nhân loại, tạo thành nét đặc sức trong tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh - vị
lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt
Nam.
Ý chí, khát vọng độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho
nhân dân, sự phát triển hùng cường cho một dân tộc thông thái và tấm gương mẫu
mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn
là động lực, tư tưởng dẫn đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy
tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1. Một số nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,
khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tự lực, tự cường là có
quan điểm độc lập trong giành và giữ, bảo vệ độc lập dân tộc cũng như xây dựng
phát triển đất nước, không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc
lập trong quan hệ quốc tế. Tự lực, tự cường trên cơ sở nhận thức rõ sức mạnh
dân tộc, sức mạnh quốc tế để phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời
đại. Trong tự lực, tự cường luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ mọi mặt các yếu tố nội
lực, chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân.
Trong bối cảnh quốc tế đầu thế kỷ XX, khi bàn về
cách mạng vô sản, các đảng cộng sản ở châu Âu cho rằng, cách mạng ở các nước
thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc và cách mạng ở thuộc địa không
thể giành được thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa giành được thắng
lợi. Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của thuộc địa, Hồ Chí
Minh lại khẳng định: Cách mạng ở thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản
ở chính quốc mà còn có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc. Điều đó đã được thực tiễn cách mạng Việt
Nam kiểm nghiệm đúng.
Quan điểm trở thành nguyên tắc về độc lập, tự do với ý chí tự
lực, tự cường, không lệ thuộc vào bên ngoài đã được Hồ Chí Minh tuyên bố ngay trong Bản Tuyên
ngôn độc lập năm 1945 và ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời,
Người đã nêu rõ: “Bất kỳ nước nào thật thà muốn đưa tư bản đến kinh doanh ở Việt
Nam, với mục đích làm lợi cho cả hai bên, thì Việt Nam sẽ rất hoan nghênh. Bất
kỳ nước nào mong đưa tư bản đến để ràng buộc áp chế Việt Nam thì Việt Nam sẽ
cương quyết cự tuyệt”[5, T.6, tr.145]. Do vậy, đối với nước Pháp - nước đang
tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Việt
Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay
công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam
thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn. Song nhân dân
Việt Nam kiên quyết cự tuyệt những người Pháp quân phiệt... kiên quyết cự tuyệt
quân đội Pháp đóng ở Việt Nam”[5, T.6,
tr.56-57].
Muốn khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng
phát triển đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải có đường lối đúng đắn, phát
huy độc lập tự chủ, kết hợp chăt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập, thống nhất
của dân tộc với mục tiêu của thời đại: Hoà
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chủ nghĩa yêu nước
với chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tích cực thực hiện
nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình: Phải
coi cuộc đấu tranh của bạn cũng như cuộc đấu tranh của ta... “giúp nhân dân nước bạn tức là
mình là tự giúp mình”[5, T.8, tr.105].
Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường,
khát vọng phát triển đất nước cần coi trọng sức mạnh nội lực, phải “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Theo Hồ Chí Minh, ngay cả khi muốn
tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại cũng rất
cần có tinh thần chủ động, không thụ động trông chờ, đồng thời không quên thực
hiện nghĩa vụ quốc tế. Trong đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh nêu cao khẩu hiệu:
“Vận dụng công thức của C.Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải
phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[5, T.2, tr.138]. Coi trọng việc đấu tranh, tự giải
phóng, phải “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”; “Phải
trông ở thực lực... Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng
có to tiếng mới lớn”[5, T.4, tr.147]. Sức mạnh nội lực của dân tộc là điểm mấu chốt để bảo đảm tiếp nhận sự
giúp đỡ từ bên ngoài đạt hiệu quả: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải
tự giúp lấy mình đã”; Người nhấn mạnh: “Một dân tộc không tự lực cánh
sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[5, T.7, tr.445]. Hồ
Chí Minh cũng đã chỉ ravề việc muốn thực hiện khát vọng phát triển
đất nước rất cần coi trọng xây dựng quan hệ hữu nghị, chân thành hợp tác với
các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó thể hiện
rõ ngaysau khi đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động
viết và gửi nhiều thư, điện văn đến Liên Hợp quốc, chính phủ các nước trên thế
giới nêu rõ quan điểm của Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hoà bình và muốn lập
quan hệ ngoại giao với các nước. Mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, sẵn sàng làm
bạn với tất cả các nước dân chủ. Người tuyên bố nguyên tắc và phương châm ngoại
giao Việt Nam “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một
ai”[5, T.5, tr.256]; “Chính sách ngoại giao của Chính phủ
thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới
để giữ gìn hoà bình”[5, T.5, tr.39].
Ý chí tự lực, tự cường để hiện thực hoá khát vọng phát triển
đất nước đặc biệt phải coi trọng nhân tố khoa học kỹ thuật. Bởi cách mạng khoa học kỹ thuật ngày
càng phát triển mạnh và trở thành một nhân tố của sức mạnh thời đại, Hồ Chí
Minh cho rằng, một trong những nhân tố quan trọng có tác dụng thúc đẩy sự phát
triển của nhân loại chính là khoa học kỹ thuật. Nắm bắt và đánh giá về sức mạnh
của khoa học kỹ thuật, Người khẳng định: “Thế giới ngày nay đang tiến những bước
khổng lồ về mặt kiến thức của con người. Khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã
hội không ngừng mở rộng ra những chân trời mới, con người ngày càng làm chủ được
thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội cũng như của bản thân
mình”[5, T.12, tr.104]. Hồ Chí Minh nhận thấy rõ vai trò của
khoa học và kỹ thuật đối với sự phát triển của đất nước, nhất là xây dựng chủ nghĩa
xã hội. Khoa học kỹ thuật không những là lực lượng sản xuất trực tiếp mà còn là
động lực của tiến bộ xã hội. Phát huy sức mạnh thời đại, tận dụng thành quả của
cách mạng khoa học kỹ thuật của thế giới để khắc phục những hạn chế, yếu kém của
Việt Nam như trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật, lề lối sản xuất, cách làm
việc thủ công. Phải đưa khoa học kỹ thuật gắn với nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Muốn
có tiến bộ, ấm no, hạnh phúc thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển
khoa học kỹ thuật: Chủ nghĩa xã hội cộng với
khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận. Trong
“Bài nói tại Hội nghị Tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp” ngày 22/1/1960, Hồ
Chí Minh đã nhấn mạnh một trong những cách thức khơi dậy ý chí tự lực, tự cường
để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân chính là học tập, nâng
cao trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật: “Cán bộ và công nhân ta phải tranh thủ
học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia. Phải chăm lo học
tập văn hoá, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo.
Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng
người, từng đơn vị cần được đúc kết và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng
cao năng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản”[5, T.12,
tr.447].
Ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động,
chuẩn bị mọi mặt các điều kiện và quyết tâm thực hiện mục tiêu của cách mạng;
coi trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh
mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
2. Một số giải pháp khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và phát triển đất nước
theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Một là, tăng cường
vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc khơi dậy,
phát huy ý chí tự lực, tự cường thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,
trước hết phải xây dựng chế độ dân chủ, tiến bộ; phát huy vai trò, sức mạnh của
nhân dân; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực. Có tổ chức chặt chẽ, có
phương pháp cách mạng đúng đắn do Đảng lãnh đạo. Cần xây dựng nền tảng kinh tế
- xã hội vững chắc và giữ vững quốc phòng, an ninh. Luôn lấy thực tế Việt Nam
và điều kiện hoàn cảnh thực tiễn làm điểm xuất phát, lấy cải tạo hiện thực làm
mục tiêu, không máy móc, giáo điều khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh.
Thực tiễn cho thấy, ý chí, khát vọng phát triển đất
nước chỉ có thể được khơi dậy, phát huy trên cơ sở thực hiện tốt vai trò, trách
nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp; thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng Nhà nước,
hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ
phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó chặt chẽ với nhân
dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy có hiệu quả ý
chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình. Phát huy vai
trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, địa phương,
cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng ý chí, khát vọng phát triển bản thân và cơ
quan, địa phương. Không ngừng nêu cao thực hành tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo
đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên
là một tấm gương sáng, mỗi đơn vị, địa phương là một tổ chức trong sạch, vững mạnh,
gắn bó với nhân dân. Đây là những điều kiện tiên quyết để khơi dậy ý chí phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, đẩy mạnh
tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức
sâu sắc giá trị, ý nghĩa to lớn về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thấy rõ trách nhiệm, sứ mệnh của mình
đối với sự phát triển của xã hội.
Khát vọng phát triển dân tộc khi được khơi dậy, nhân
lên, phát huy phù hợp trở thành nguồn nội lực phát triển của đất nước. Thông
qua những thành tựu đạt được cho thấy, đó là kết quả của sự phát huy có hiệu quả
ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc. Từ đó, tiếp tục tuyên truyền khẳng
định sự đúng đắn, tất yếu của con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội mà Hồ Chí Minh và Đảng ta cùng nhân dân đã lựa chọn. Gắn việc phát huy ý
chí tự lực, tự cường thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc với việc quán triệt văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường
dân tộc của mỗi người dân hướng tới thực hiện mục tiêu nêu trong Cương lĩnh,
văn kiện xây dựng đất nước của Đảng. Tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường
của dân tộc là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và được thể hiện
thông qua việc bổ sung những nội dung mới đáp ứng yêu cầu và thực tiễn đòi hỏi
của thời đại.
Chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân
tộc, đề cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục ý chí, nghị lực, tinh thần
độc lập, tự chủ cho đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là đối với cán bộ, đảng
viên, thế hệ trẻ trong xây dựng, phát triển đất nước. Thúc đẩy giáo dục và phát
triển con người, tạo môi trường thuận lợi cho việc khuyến khích học tập, phát
triển cá nhân tạo cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực và tài năng cho đất
nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh.
Ba là, đẩy mạnh
học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thông qua hành động việc làm cụ thể, thiết
thực, gắn với phong trào thi đua yêu nước.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
về nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,
khát vọng phát triển đất nước từ đó chuyển hoá thành hành động thiết thực, cụ
thể gắn với vai trò, trọng trách, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi
công dân trước yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ
Chí Minh một cách thường xuyên, liên tục trở thành động lực, nguồn sức mạnh to
lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy nội lực, vượt qua khó khăn,
thách thức thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng. Thực hiện đồng bộ giữa
xây đi đôi với chống, trong đó, “xây” đóng vai trò chủ chốt, cơ bản, chiến lược,
lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tổ chức phong trào thi đua
yêu nước, động viên cán bộ, nhân dân thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ
gìn an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng.
Bốn là, chú trọng
xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, dân chủ, nhân văn và sáng tạo, tạo điều
kiện cho mỗi người phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc.
Tăng nguồn lực đầu tư xây dựng con người, nhất là
giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và phát triển văn hoá, xây dựng môi
trường văn hoá lành mạnh, xây dựng nền tảng tinh thần cho quá trình phát triển
bền vững. Xây dựng môi trường theo các cấp độ, phạm vi từ gia đình đến cộng đồng
xã hội, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với những giá trị văn hoá tốt
đẹp, lý tưởng, mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc được đề cao và làm điểm tựa
tinh thần cho nhân dân phấn đấu, thực hiện. Kết hợp phong trào thi đua yêu nước
với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới
kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh; đẩy mạnh giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí
tự lực, tự cường dân tộc gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện
cho người dân tham gia đóng góp mọi mặt, tham gia quản lý nhà nước và xã hội,
tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa
phương và cả nước; tăng cường lòng tự tôn, tự hào dân tộc và trách nhiệm đối với
đất nước.
Cùng với xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, dân
chủ, nhân văn và sáng tạo là trọng tâm, cần đẩy mạnh và quyết liệt đấu tranh
phòng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hoá” trong nội bộ, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các tệ nạn xã hội
để xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, củng cố niềm tin vững chắc của nhân
dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Năm là, có cơ
chế khuyến khích, động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung, có giải pháp đột phá để thực hiện khát vọng phát
triển đất nước, mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
Tích cực tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế quản lý
trên các lĩnh vực: Kinh tế, đối ngoại, quân sự, văn hoá - xã hội, con người...
tạo điều kiện cho mỗi thành phần kinh tế, mỗi giai cấp, tầng lớp, mỗi tổ chức,
mỗi gia đình, cá nhân, địa phương đều có cơ hội phát triển, phát huy tiềm năng
lợi thế của mình đóng góp cho xã hội.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tư tưởng Hồ Chí
Minh - nền tảng lý luận của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ; Bảo vệ thành
quả của Nhân dân, của cách mạng; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch
nhằm bảo đảm thống nhất về tư tưởng và tổ chức hành động ở tất cả các cấp, các
ngành, tạo nên sự đồng tâm nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
quyết tâm hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kết luận
Hiện
nay, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường,
để Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế thành công cần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, hiện thực hoá khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, là sự phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm,
tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đổi mới
đất nước một cách toàn diện, đồng bộ, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá
cũng như xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn
định; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, phấn đấu trở thành nước
phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
tập I, tập II Nxb. Chính trị
Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
[2] Phạm Duy Đức (2024), Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc để phát triển
đất nước, https://tapchicongsan.org.vn.
[3] Khúc Văn Hưởng (2021), Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh,
https://snvbacgiang.gov.vn.
[4] Học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (2021),
https://congdoanvienchucvn.org.vn.
[5] Hồ Chí Minh(2011), Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.