Thứ Năm, ngày 23/01/2025, 16:30

Tư tưởng về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa trong thời đại ngày nay

Trương Văn Viên
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) Cách đây gần 200 năm, tháng 2 năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, đánh dấu bước ngoặt căn bản của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đưa giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng chính trị độc lập, đấu tranh giải phóng mình, đồng thời giải phóng toàn thể nhân loại, đó chính là sứ mệnh cao cả của giai cấp công nhân. Bài viết làm rõ những luận chứng của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và ý nghĩa của nó trong thời đại ngày nay.

 

Giai cấp công nhân Việt Nam đổi mới, sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước (ảnh news.vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới vào tháng 2 năm 1848. Đây là cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản C.Mác và Ph.Ăngghen tập trung luận giải sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đã gần 200 năm trôi qua, kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời cho đến nay, nhưng những tư tưởng trong Tuyên ngôn vẫn tiếp tục soi đường cho nhân loại tiến về tương lai ngày càng tốt đẹp hơn.

1. C.Mác và Ph.Ăngghen luận chứng sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Thứ nhất, C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra quan điểm, nguồn gốc, đặc điểm của giai cấp công nhân.

Một là, C.Mác và Ph.Ăngghen dùng những thuật ngữ khác nhau để chỉ giai cấp công nhân hiện đại.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen dùng thuật ngữ giai cấp vô sản đồng nghĩa với thuật ngữ giai cấp công nhân hiện đại để chỉ một bộ phận lao động gắn liền với đại công nghiệp cơ khí: “Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống”[3, tr.596], giai cấp công nhân hiện đại là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau.

Hai là, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ giai cấp công nhân được hình thành gắn liền với đại công nghiệp.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ giai cấp công nhân ra đời gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền đại công nghiệp: “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[3, tr.610]. Công nghiệp hiện đại đã biến xưởng thợ nhỏ của người thợ cả gia trưởng thành công xưởng lớn của nhà tư bản công nghiệp. Những khối đông đảo công nhân, chen chúc nhau trong công xưởng, được tổ chức theo lối quân sự. Là những người lính trơn của công nghiệp, họ bị đặt dưới quyền giám sát của cả một hệ thống cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan. Họ không những là nô lệ của giai cấp tư sản, của nhà nước tư sản, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là nô lệ của máy móc, của người đốc công và trước hết là của chính nhà tư sản chủ công xưởng. Những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương nghiệp và người thực lợi nhỏ, thợ thủ công và nông dân là những tầng lớp dưới của tầng lớp trung đẳng xưa kia, đều rơi xuống hàng ngũ giai cấp vô sản, một phần vì số vốn ít ỏi của họ không đủ cho phép họ quản lý những xí nghiệp đại công nghiệp, nên họ bị sự cạnh tranh của bọn tư bản lớn hơn đánh bại, một phần vì sự khéo léo nhà nghề của họ bị những phương pháp sản xuất mới làm giảm giá trị đi. Thành thử giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư.

Ba là, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ các đặc điểm của giai cấp công nhân. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ các đặc điểm của giai cấp công nhân: 1) Giai cấp công nhân là sản phẩm của nền đại công nghiệp, đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến: “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[3, tr.610]. 2) Giai cấp công nhân là giai cấp có tinh thần triệt để cách mạng, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng”[3, tr.610]. Các tầng lớp trung đẳng là những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công và nông dân, tất cả đều đấu tránh chống giai cấp tư sản để cứu lấy sự sống còn của họ với tính cách là những tầng lớp trung đẳng. Cho nên họ không cách mạng mà bảo thủ. Thậm chí, hơn thế nữa, họ lại là phản động: họ tìm cách làm cho bánh xe lịch sử quay ngược trở lại. Nếu họ có thái độ cách mạng thì cũng chỉ trong chừng mực là họ thấy họ sẽ phải rơi vào hàng ngũ giai cấp vô sản: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích tương lai của họ, chứ không phải lợi ích hiện tại của họ, họ từ bỏ quan điểm của chính họ để đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản. 3) Giai cấp công nhân có tính tổ chức kỷ luật cao, tinh thần đoàn kết, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ, chính sự phát triển của công nghiệp không những đã làm tăng thêm số lượng giai cấp công nhân, mà còn tập hợp họ lại thành những khối quần chúng lớn hơn. Việc tăng thêm phương tiện giao thông do đại công nghiệp tạo ra, giúp cho công nhân các địa phương tiếp xúc với nhau, đã làm cho sự đoàn kết được dễ dàng, “và sự đoàn kết mà những thị dân thời trung cổ đã phải mất hàng thế kỷ mới xây dựng được bằng những con đường làng nhỏ hẹp của họ, thì những người vô sản hiện đại chỉ xây dựng trong vòng vài năm, nhờ có đường sắt”[3, tr.608-609].

Bốn là, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân.

Nguồn gốc kinh tế của sự đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân là sự mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa cao và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ chủ nghĩa về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản, mà yếu tố quyết định là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Giai cấp tư sản ngày càng xóa bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất, về tài sản và về dân cư. Nó tụ tập dân cư, tập trung các tư liệu sản xuất, và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về chính trị. Những địa phương độc lập, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan khác nhau, thì đã được tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất[3, tr.602-603]. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao và quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa dẫn đến những cuộc khủng hoảng sản xuất thừa theo chu kỳ. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao và quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa được biểu hiện ở mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản dẫn đến cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản bắt đầu ngay từ lúc họ mới ra đời, và C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra sự khác nhau của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các phong trào đấu tranh trong lịch sử: “Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số”[3, tr.611].

Thứ hai, C.Mác và Ph.Ăngghen luận chứng sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.

Từ địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân đã thúc đẩy họ hành động cách mạng kiên quyết và triệt để lật đổ chế độ lao động làm thuê của chủ nghĩa tư bản. Giai cấp công nhân đấu tranh chống giai cấp tư sản ngay từ khi nó mới ra đời. Cuộc đấu tranh đó đã trải qua một quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ tự phát đến tự giác. Chính cuộc đấu tranh đó đã giúp cho giai cấp công nhân ý thức được rằng, chỉ có xóa bỏ chế độ tư bản, xóa bỏ chế độ tư hữu, thì mới có thể giải phóng bản thân mình, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công: “Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu. Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số. Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội quan phương”[3, tr.611].

Sau khi thuật lại một cách khái quát lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra con đường cơ bản cách mạng của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân cần triệt để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Giai cấp công nhân chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những cái gì mà từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu, từng bước tạo dựng một xã hội không có tư hữu, không có giai cấp, bảo đảm cho mọi người được phát triển tự do toàn diện – xã hội cộng sản chủ nghĩa: “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”[3, tr.646]. Địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản không những thúc đẩy họ phải tiến hành cách mạng triệt để lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, tự giải phóng mình, đồng thời giải phóng toàn nhân loại vĩnh viễn thoát khỏi tình trạng áp bức, bóc lột người, mà còn tạo ra cho bản thân họ những khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc cách mạng ấy. Đó là khả năng đoàn kết thống nhất lực lượng toàn thể giai cấp vô sản không chỉ trong phạm vi dân tộc mà cả phạm vi quốc tế, đạt tới sự giác ngộ cách mạng – nhận thức được sự vận động lịch sử và sứ mệnh lịch sử của mình; khả năng liên minh với các tầng lớp lao động khác. Từ những phân tích trên, C.Mác và Ph.Ăngghen kết luận: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[3, tr.613].

2. Ý nghĩa trong thời đại ngày nay

Mặc dù Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã ra đời cách đây gần 200 năm, nhưng những tư tưởng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đặc biệt là những tư tưởng về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai, thù địch phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân hiện nay.

Trong thời gian qua, có quan điểm cho rằng hiện nay chủ nghĩa tư bản hiện đại đang “tự điều chỉnh”, “tự thích nghi”, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn. Đây là quan điểm sai trái hòng phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân cần phải bác bỏ.

Thứ nhất, không thể phủ nhận trong những năm qua, chủ nghĩa tư bản đã điều chỉnh, thích ứng, tận dụng được các thành tựu khoa học công nghệ để tồn tại, tiếp tục phát triển, có những yếu tố mới, đặc điểm mới; trong đó, có những yếu tố có thể xem là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội hình thành trong lòng xã hội tư bản. Nhưng có thể khẳng định rằng những điều chỉnh, những đặc điểm mới, yếu tố mới đó vẫn chưa phá vỡ được khuôn khổ, nền tảng của chế độ tư bản chủ nghĩa, vẫn chỉ là những điều chỉnh, những sự chuyển biến trong khuôn khổ của chế độ tư bản.

Thứ hai, chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng không xóa bỏ được tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội, mà sự phân hóa còn tiếp tục gia tăng, vẫn là chế độ bất công. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, một bộ phận công nhân có cổ phiếu, cổ phần ở các công ty tư bản. Số lượng công nhân có cổ phiếu có thể đông, nhưng số lượng cổ phiếu mỗi người có đều rất nhỏ, nên thực tế tổng số cổ phiếu mà người công nhân có chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số cổ phiếu của các công ty tư bản.

Thứ ba, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không ngăn chặn, tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế gắn liền với bản chất của chủ nghĩa tư bản, với mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Sự can thiệp, điều tiết của nhà nước đã giúp chủ nghĩa tư bản hiện đại tránh được các cuộc khủng hoảng sản xuất thừa, khủng hoảng chu kỳ của các giai đoạn trước, nhưng lại làm xuất hiện những hình thức khủng hoảng mới, khủng hoảng cơ cấu xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực, mà điển hình nhất là hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ các năm 1973, 1979 đã đẩy các nước tư bản phát triển và kinh tế thế giới vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình đốn, suy thoái đến đầu những năm 1980. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á những năm 1997-1998 làm sụp đổ thị trường chứng khoán, giảm giá trị đồng tiền, phá sản hàng loạt doanh nghiệp của các nước Châu Á. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, làm sụp đổ hàng loạt ngân hàng lớn ở các nước tư bản phát triển, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, buộc chính phủ các nước trên thế giới phải có những biện pháp khẩn cấp, bơm hàng trăm tỷ USD để cứu vãn các ngân hàng, thị trường chứng khoán, phục hồi kinh tế.

Thứ tư, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, những mâu thuẫn gắn liền với bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại, dù có những hình thức biểu hiện mới. Đó là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động làm thuê, giữa tư bản với tư bản, giữa các cường quốc tư bản với các nước nghèo, kém phát triển, đang phát triển. Để có lợi nhuận tối đa, thì đối với nhà tư bản, thời gian lao động của công nhân càng dài càng tốt, cường độ lao động càng cao càng tốt, chi phí tiền lương, tiền công, trang bị bảo hộ lao động, phúc lợi cho người lao động càng ít càng tốt, do đó, luôn tìm mọi cách, kể cả “lách luật” để làm điều này một cách tinh vi. Sự hình thành đội ngũ công nhân “cổ trắng” trong thời đại cách mạng công nghệ và các chính sách điều tiết của nhà nước có góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận công nhân ở các “trung tâm” phát triển, nhưng tư bản lại chuyển đầu tư sang các vùng “ngoại vi” kém phát triển để tận dụng lao động giá rẻ, tạo nên tình trạng thất nghiệp ở khu vực trung tâm. Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân cực xã hội ngày càng tăng cả ở khu vực “trung tâm” và “ngoại vi” và việc bổ sung vào đội ngũ những người lao động làm thuê cả những người có trình độ cao làm cho mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong chủ nghĩa tư bản hiện đại sẽ ngày càng phát triển. Chủ nghĩa tư bản hiện đại chưa phải là xã hội công bằng, bình đẳng mà con người hướng tới.

Thứ năm, thay thế chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản ra đời, phát triển là một bước tiến lớn trong lịch sử của nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra khối lượng của cải vật chất to lớn, vượt xa tất cả các chế độ xã hội trước đó cộng lại. Chủ nghĩa tư bản trong hơn 400 năm từ khi ra đời đến nay đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi để vượt qua khó khăn, thách thức, tồn tại và phát triển, từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh tới chủ nghĩa tư bản độc quyền, độc quyền nhà nước, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, toàn cầu hóa, nhưng vẫn mang trong mình những mâu thuẫn không thể giải quyết nếu không phủ định, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản không phải, không thể là chế độ xã hội tồn tại vĩnh viễn, cuối cùng của loài người. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nhận định: “Chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản”[1, tr.68-69]

Kết luận

Cho đến nay, quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị. Nó không chỉ là vũ khí lý luận sắc bén cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản để giải phóng giai cấp mình và toàn xã hội, mà hiện nay, nó còn là cơ sở lý luận quan trọng để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhìn lại những quan điểm của các nhà kinh điển để chúng ta càng thêm vững tin vào con đường đã chọn, tin tưởng vào giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] V.I. Lênin (2006), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3]C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.