
Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9
(1945 - 2024): Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam (ảnh
news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra
đời chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc. Từ đó,
cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã liên tiếp giành từ thắng lợi
vang dội này đến thắng lợi vang dội khác. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra
kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, dân chủ, đến chiến thắng Điện Biên Phủ chấn
động địa cầu, chiến thắng Mùa xuân 1975 thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi
mới từ 1986 đến nay, mặc dù, hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) lâm vào khủng
hoảng, đất nước bị cấm vận, có lúc vô cùng khó khăn, nhưng cách mạng Việt Nam
vẫn không ngừng lớn mạnh để có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.
Vậy tại sao cách mạng
Việt Nam có sức mạnh thần kỳ đến vậy? Chỉ có thể lý giải bằng đường lối cách
mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và khát vọng chung của cả dân tộc,
trong đó, cốt lõi là đường lối giương cao ngọn cờ “Độc lập dân tộc gắn với Chủ
nghĩa xã hội”, đó là cội nguồn để hiệu triệu tinh thần đại đoàn kết toàn dân
tộc, tạo nên sức mạnh vô song của cách mạng Việt Nam.
1. Độc lập dân tộc là ý
chí, khát vọng của toàn dân
Độc lập
dân tộc hiểu theo nghĩa chung nhất là quyền tự chủ, tự quyết của các quốc gia –
dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình, đối với việc tổ chức các hoạt động
kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội….trong phạm vi không gian lãnh thổ của
mình; chủ động thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của quốc gia, không chịu
sự can thiệp, chi phối mang tính áp đặt từ bên ngoài. Đối với mỗi quốc gia dân
tộc, độc lập có nghĩa là độc lập thực sự về chính trị, kinh tế, giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hoá của dân tộc, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ[3].
Một quốc
gia hoặc dân tộc tự chủ trong việc quản lý và quyết định vận mệnh của mình,
không bị chi phối hoặc kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài như thực dân, đế quốc
hoặc các quốc gia khác. Độc lập dân tộc bao gồm các yếu tố:
Mỗi dân
tộc có quyền quyết định về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của mình,
không phụ thuộc vào sự can thiệp của bên ngoài. Độc lập dân tộc liên quan đến
việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Độc lập cũng cho phép một dân tộc phát triển bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục
tập quán của mình mà không bị đồng hóa hay áp đặt từ các nền văn hóa khác. Độc
lập tạo điều kiện cho một quốc gia tự định hình con đường phát triển kinh tế,
chính trị và xã hội phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân.
Độc lập
dân tộc thường đi đôi với sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ dân tộc, góp
phần củng cố sức mạnh và sự phát triển của quốc gia. Độc lập dân tộc là một giá
trị cốt lõi trong tư tưởng chính trị và lịch sử của nhiều dân tộc, đặc biệt là
trong bối cảnh đấu tranh giành quyền tự do và công bằng.
Đối với
dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước không chỉ là một tình cảm tự nhiên, mà nó còn
là sản phẩm của lịch sử được hun đúc từ chính lịch sử đau thương mà hào hùng của
dân tộc Việt Nam. Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu
tranh để giành lại và bảo vệ nền độc lập từ tay kẻ thù xâm lược (thời gian chống
giặc ngoại xâm cộng lại lên tới trên 12 thế kỷ). Chính vì vậy, tinh thần yêu nước
đã ngấm sâu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam qua tất cả
các thời đại, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp cho dân tộc ta đánh thắng hết
kẻ thù này đến kẻ thù khác cho dù chúng có hùng mạnh đến đâu. Điều này đã được
Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó
là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng
thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn,
nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ
cướp nước”[6].
Từ khi
cha ông lập nước đến nay, dân tộc Việt Nam đã trải qua quá trình đấu tranh gian
khổ hàng nghìn năm để dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó, lòng yêu nước ở
mỗi người dân Việt Nam đã được thể hiện ở tinh thần dám xả thân vì nước, sẵn
sàng đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích riêng tư của bản thân
mình, đấu tranh không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giành lại
độc lập tự do cho Tổ quốc. Biết bao người con của dân tộc đã tự nguyện hiến
dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước và đã anh dũng hy sinh. Biết bao
nhiêu người mẹ, người vợ đã tiễn chồng, tiễn con ra mặt trận mà không bao giờ
còn được đón họ trở về. Đây là sự hy sinh to lớn được thúc đẩy bởi tinh thần
yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Điều đó có thể thấy rằng, tư tưởng yêu nước
là kim chỉ nam cho hành động, đem lại một sức mạnh to lớn, thúc đẩy dân tộc ta
tiến lên.
2. Chủ nghĩa xã hội là
con đường tất yếu khách quan của lịch sử, phù hợp với ý chí, khát vọng của toàn
thể nhân dân Việt Nam.
Theo chủ
nghĩa Mác - Lênin, lịch sử tiến hóa của xã hội loài người là một quá trình phát
triển tự nhiên của sự thay thế lần lượt các phương thức sản xuất,
đây là sự phát triển tất yếu, có tính quy luật được quyết định bởi sự vận động
và phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội (CNXH) với
tư cách là một hình thái kinh tế xã hội, là phủ định khách quan của chủ nghĩa tư bản.
Đến
nay, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội hiện thực, một mô hình, kiểu tổ chức
xã hội theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học[4] .
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, CNXH là
một xã hội tốt đẹp, công bằng hợp lý, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột; một xã hội có
nền sản xuất phát triển gắn với sự phát triển khoa học - kỹ thuật và không ngừng
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động; một xã hội có kỷ
cương, đạo đức, văn minh, trong đó người với người là bạn bè, đồng chí, anh em,
mọi người được phát triển hết khả năng của mình; một xã hội do Nhân dân làm chủ
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng CNXH chính là xây dựng tiềm
lực phát triển của dân tộc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, Đảng ta đã luôn nhận thức
rõ đường lối độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội. Văn kiện của Đảng qua các kỳ
đại hội đều khẳng định nhất quán
mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội:
Văn kiện Đại hội IV(1976) xác định: đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN là nhiệm
vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên CNXH; xây dựng chế
độ làm chủ tập thể XHCN, xây dựng nền sản xuất lớn XHCN, xây dựng nền văn hóa mới,
con người mới XHCN; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu…[5]
Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước
năm 2011 khẳng định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội
(CNXH) ở Việt Nam là: Xây dựng một xã hội
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là mục tiêu cao nhất, nhằm nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, với sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội. Thực
hiện các cải cách về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội để nâng cao hiệu quả
và chất lượng đời sống. Tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận các dịch
vụ cơ bản như giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội. Khuyến khích sự tham gia của
nhân dân vào quản lý nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công
dân. Đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình
phát triển kinh tế.
Đại hội lần thứ XIII của
Đảng (2021) đã khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng;
kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có
ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng, không cho
phép ai được ngả nghiêng, dao động” [1,
tr.25].
Như vậy, CNXH là con đường đưa đất nước trở nên giàu về kinh tế, tốt
đẹp về văn hoá, mạnh về quân sự, ổn định về chính trị, sâu rộng về ngoại giao.
Xây dựng một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, tất cả mọi hoạt động của Nhà
nước, Nhân dân đều được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và
hưởng thụ; con người được phát triển về mọi mặt.
Tất cả những
mục tiêu, đường hướng để xây dựng CNXH là tập hợp ý chí, nguyện vọng chính đáng
của mỗi một người dân. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường không
ngừng đáp ứng khát vọng chân chính của nhân dân. Vì thế, là động lực vô cùng to
lớn để đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản để phát huy sức mạnh
tổng hợp của cách mạng.
Tóm lại, độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nội dung cơ bản, xuyên suốt trong tư tưởng
Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự kết tinh khát vọng của dân tộc và chân lý của thời đại: ”Không có gì quý hơn
độc lập tự do”, đồng thời với tư duy biện chứng sâu sắc, xuất phát từ thực tế
của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định trong điều kiện mới của dân tộc
và thời đại, độc lập dân tộc chỉ có thể đạt đến giá trị hoàn toàn và được đảm
bảo bền vững khi gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với nội dung cốt lõi là “Độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Thực tế lịch sử đã chứng minh và
kiểm chứng thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã định hướng, dẫn
đường cho mọi thắng lợi của Việt Nam trong thế kỷ XX và tiếp tục dẫn đường cho
cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.
3. Kiên định mục tiêu
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc sức mạnh của cách
mạng Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và
cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh[2].
Độc lập dân tộc và CNXH có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với
nhau. Độc lập dân tộc là sự không lệ thuộc, không phụ thuộc, không chịu sự chi
phối, hướng lái từ bên ngoài; là việc bất khả xâm phạm của quốc gia trên tất cả
các lĩnh vực; là quyền tự quyết định tương lai, vận mệnh của chính dân tộc
mình. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH, là yếu tố đầu
tiên bảo đảm cho quyền tự quyết của dân tộc được hiện thực hoá, một dân tộc
không có nền độc lập thật sự thì dân tộc đó không thể tự quyết định sứ mệnh
lịch sử của mình. Chỉ có độc lập thật sự mới có quyền tự do lựa chọn con đường
phát triển cho đất nước mình từ kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá- xã hội,
khoa học công nghệ và định hình tương lai cho mình. Lịch sử mấy ngàn năm dựng
nước và giữ nước của Việt Nam đã minh chứng cho những luận cứ nói trên. Muốn
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trước tiên đất nước phải được độc lập, giữ
được chủ quyền, đảm bảo thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam gần 100 năm qua đã chứng minh: độc
lập dân tộc không thể tách rời khỏi sự phát triển xã hội. Độc lập dân tộc là
tiền đề để xây dựng chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội là điều kiện đảm bảo
cho độc lập dân tộc. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nguồn gốc cho sức mạnh của
cách mạng Việt Nam, là khát vọng cháy bỏng của toàn thể nhân dân. Bên cạnh đó,
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhận thức rõ quá trình xây dựng CNXH là quá trình
lâu dài, chưa từng có trong tiền lệ; đòi hỏi các đảng Cộng sản phải vừa thực
hiện, vừa nghiên cứu, điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đã có thời điểm, các đảng
Cộng sản phải trả giá cho những sai lầm, khuyết điểm trong xây dựng CNXH. Việc
Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta tiếp tục kiên định lập trường chủ nghĩa
Mác - Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển.
Trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, nhân dân ta đã từ một nước nghèo đói, không đủ lương thực nay đã trở thành
nước xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới. Những thành tựu đáng tự hào
phản ánh ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam phản anh qua các giai đoạn: từ
1986-1990, nền kinh tế dần dần khắc phục được những yếu kém và có những bước
phát triển. Công cuộc Đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu: tăng trưởng
GDP đạt bình quân 4,4%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm. Giai đoạn
1991-1995, đất nước dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái. Nền kinh tế tiếp
tục đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng đạt tương đối cao,
liên tục và toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức. GDP bình quân
tăng 8,2%/năm. Các lĩnh vực kinh tế nhìn chung đều đạt nhịp độ tăng trưởng
tương đối khá. Giai đoạn 1996-2000 là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan
trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực, Việt Nam
vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. GDP bình quân của cả giai đoạn
1996-2000 đạt 7%/năm. Nếu tính cả giai đoạn 1991-2000 thì nhịp độ tăng trưởng
GDP bình quân là 7,5%/năm. Từ 2011-2020, tăng trưởng bình quân gần 6%/năm. Thu
nhập bình quân đầu người năm 2020 là 2.779 USD và đến năm 2023 là 4284 USD, quy
mô nền kinh tế theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, đạt khoảng 433,3 tỷ USD,
xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới[7]. Việt Nam đã vươn lên một vị thế
mới trên trường khu vực và quốc tế kể cả về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa
học, ngoại giao, văn hoá. dân tộc.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế với sự
phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã và đang tạo ra nhiều
thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức cho cách mạng Việt Nam. Các thế lực thù địch
không ngừng tìm mọi thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam từ nhiều phía và hết
sức tinh vi, xảo quyệt. Sự kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH lại
càng trở nên có ý nghĩa vô cùng to lớn để phát huy sức mạnh của cách mạng Việt
Nam. Mục tiêu độc lập dân tộc giúp bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia, giữ
vững độc lập chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế. CNXH
hướng tới phát triển công bằng, giảm thiểu bất bình đẳng, tạo điều kiện cho mọi
tầng lớp trong xã hội đều có cơ hội phát triển, từ đó góp phần xây dựng một nền
kinh tế vững mạnh. Sự kết hợp này thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, tạo
ra một khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thiết để vượt qua những khó khăn, thách
thức.
Kết luận:
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục
tiêu chiến lược, nội dung xuyên suốt và nhất quán trong hệ thống tư tưởng Hồ
Chí Minh, được Đảng và dân tộc Việt Nam quán triệt, vận dụng và phát triển sáng
tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã không ngừng
tiến lên, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc đấu tranh giành độc
lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, gần nhất là những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đây là bài học
quý báu để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày nay tiếp
tục kiên địnhđảm bảo vừa xây dựng đất nước đồng
thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Bảo vệ độc lập chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều kiện tiên quyết để xây dựng CNXH và ngược lại
việc xây dựng thành công CNXH là điều kiện cần thiết để đảm bảo bảo vệ độc lập,
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Độc lập dân tộc gắn với CNXH là mục tiêu, đồng
thời cũng là khát vọng của nhân dân, là động lực to lớn, là nguồn gốc của sức mạnh
cách mạng Việt Nam trên con đường tiến đến phồn vinh, hạnh phúc.
Tài
liệu tham khảo
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội.
[2] Tạ Quang Đạo (2022), Kiên định mục tiêu độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, https://dangcongsan.vn/
[3] Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam dùng cho hệ đào tạo CCLLCT
(2021), Nxb. Lý luận
chính trị, Hà Nội.
[4] Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học dùng cho hệ đào tạo CCLLCT(2021),
Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
[5] Vũ Văn Hà (2024), Quá trình đảng ta phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên
CNXH ở Việt Nam, Tạp chí cộng sản ngày
11/11/2024.
[6] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị
Quốc gia, Hà Nội.
[7] Thu Thủy (2024), Thành quả của công cuộc Đổi mới, https://nhandan.vn/