Chủ nhật, ngày 30/03/2025, 08:39

Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát phục vụ công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030

Nguyễn Hải Yến
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) Trên cơ sở phân tích vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc nắm bắt tình hình tổ chức đảng, đảng viên và đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, bài viết đề xuất một số vấn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

 

Thường trực Ban Bí thư chủ trì Phiên họp thứ hai Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIV (nguồn vnanet.vn)

 

Đặt vấn đề

Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Để nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc, chủ động công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát.

1. Vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đối với nắm bắt tình hình tổ chức đảng, đảng viên và đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp

Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước[2]. Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có)[2].

Thực tiễn đã chứng minh công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát giúp sàng lọc, lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín cao. Cùng với đó, kịp thời xem xét, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra thực hiện giám sát, chủ động nắm chắc tình hình các tổ chức đảng trực thuộc; nắm chắc tình hình đảng viên, cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; trước hết là cán bộ chủ chốt, đảng viên được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới và dự kiến là đại biểu dự đại hội Đảng cấp trên, góp phần thực hiện nhiệm vụ, giải pháp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên”[7, tr.186].

Ủy ban kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các nguồn thông tin, báo cáo, phản ánh về tổ chức đảng, đảng viên; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, thì kịp thời xem xét, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên.

Uỷ ban kiểm tra các cấp thực hiện việc tiếp đảng viên, công dân, tiếp nhận đơn tố cáo, phản ánh; kịp thời tổng hợp, phân loại, rà soát, căn cứ vào nội dung tố cáo, đối tượng bị tố cáo và quy định về phân cấp quản lý cán bộ để xác định cụ thể, đầy đủ những tố cáo tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền giải quyết. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết tố cáo; trước hết là những tổ chức đảng, đảng viên liên quan trực tiếp công tác tổ chức đại hội đảng và những tố cáo đảng viên liên quan đến nhân sự khóa mới và đại biểu dự đại hội đảng các cấp. Qua giải quyết tố cáo, kịp thời kết luận rõ đúng, sai, khuyết điểm hoặc vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo; xử lý nghiêm minh các trường hợp có vi phạm và kết thúc trước ngày khai mạc đại hội.

Ủy ban kiểm tra các cấp tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự đại hội, bảo đảm đầy đủ theo quy trình và đúng thời gian quy định. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trước đại hội.

Ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp chuẩn bị đề án nhân sự ủy ban kiểm tra khóa mới báo cáo cấp ủy đương nhiệm.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030

Thứ nhất, tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình các tổ chức đảng trực thuộc, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, có dấu hiệu vi phạm, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, vấn đề bức xúc mà xã hội và nhân dân quan tâm; tập trung vào cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, trước hết cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khoá mới và dự kiến là nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.

Kiên quyết không để "lọt" vào cấp ủy khoá mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết...; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí lớn, vụ việc tiêu cực tại cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các nguồn thông tin, báo cáo, phản ánh các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy, thường trực ủy ban kiểm tra hoặc ủy ban kiểm tra xem xét, quyết định kiểm tra ngay tổ chức đảng, đảng viên khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; kịp thời báo cáo ủy ban kiểm tra cấp trên để kiểm tra đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý; trường hợp đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thứ hai, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

Đối với tổ chức đảng cần tập trung kiểm tra những tổ chức đảng có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc...; vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, "lợi ích nhóm", nhất là trong các lĩnh vực công tác tổ chức và cán bộ, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản...

Đối với cán bộ, đảng viên cần tập trung kiểm tra những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên, vi phạm quy định về nhũng điều cán bộ, đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương...

Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp, ủy ban kiểm tra chủ động, kịp thời báo cáo để cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cùng cấp kiểm tra, xem xét, kết luận; đồng thời báo cáo ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên.

Qua kiểm tra, phải xem xét, quyết định hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (nếu có). Việc xem xét, xử lý phải kết thúc trước ngày khai mạc đại hội 25 ngày làm việc đối với cấp cơ sở, 30 ngày làm việc đối với cấp trên cơ sở, 35 ngày làm việc đối với cấp ủy trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, tập trung giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng

Trước hết cần nắm chắc tình hình tố cáo, kịp thời phân loại, xử lý đơn thư tố cáo; sau đó kịp thời phân loại, rà soát để xác định rõ đơn tố cáo phải giải quyết; đơn phải chuyển cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đơn xếp lưu theo quy định của Đảng và pháp luật.

Trường hợp tố cáo tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước khi khai mạc đại hội do không đủ thời gian theo quy định thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của ban thường vụ cấp ủy cấp mình, đồng thời báo cáo ủy ban kiểm tra cấp uỷ cấp trên.

Trường hợp tố cáo có liên quan đến nhân sự đại hội nhận được trong vòng 25 ngày làm việc đối với cấp cơ sở và 30 ngày làm việc đối với cấp trên cơ sở trở lên tính từ ngày nhận được tố cáo đến ngày khai mạc đại hội thì chưa tiến hành xem xét, giải quyết, nhưng phải tổng hợp đầy đủ, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp mình, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên và chuyển hồ sơ cho ủy ban kiểm tra và ban thường vụ cấp ủy khoá mới xem xét, giải quyết.

Trường hợp tố cáo không thuộc phạm vi giải quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra thì căn cứ đối tượng bị tố cáo, nội dung tố cáo, ủy ban kiểm tra báo cáo cấp ủy chỉ đạo hoặc chuyển các cơ quan, tổ chức giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của ủy ban kiểm tra thì tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan chủ trì hoặc chỉ đạo giải quyết theo Quyết định số 210-QĐ/TW, ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và quy định của cấp ủy các cấp về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý; ủy ban kiểm tra giúp cấp ủy giám sát, đôn đốc việc giải quyết để kết thúc trước khi khai mạc đại hội theo quy định.

Trường hợp tố cáo có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức thì ủy ban kiểm tra chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đề nghị cử cán bộ tham gia đoàn giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, ban thường vụ cấp ủy quyết định thành lập đoàn giải quyết tố cáo hoặc giao cho một cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo quy định về giải quyết tố cáo trong Đảng.

Trường hợp tố cáo có tên nhưng không có cơ sở, điều kiện để giải quyết theo quy định thì cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải thông báo cho người tố cáo biết lý do không giải quyết tố cáo.

Đối với đơn tố cáo nặc danh, giấu tên, mạo tên thì cần phân loại để xử lý.

Cần tập trung giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền. Tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết tố cáo; trước hết là những tố cáo tổ chức đảng, đảng viên liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức đại hội đảng, liên quan đến nhân sự cấp ủy khoá mới và đại biểu dự đại hội Đảng các cấp. Qua giải quyết tố cáo, phải kết luận rõ đúng, sai; xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm và phải kết thúc trước ngày khai mạc đại hội theo quy định.

Về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng: Cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy triệu tập đại hội tập trung xem xét đơn khiếu nại kỷ luật đảng liên quan đến nhân sự cấp ủy khoá mới, đại biểu dự đại hội Đảng các cấp nếu đơn khiếu nại đó gửi đến cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra trước ngày khai mạc đại hội 25 ngày làm việc đối với cấp cơ sở và 30 ngày làm việc đối với cấp trên cơ sở trở lên. Nếu đơn khiếu nại kỷ luật đảng gửi đến sau thời hạn nêu trên thì chuyển cho cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy khoá mới xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Thứ tư, nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội chính xác, công tâm, khách quan

Yêu cầu về tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ: phải khách quan, đầy đủ, chính xác và phải được tập thể thường trực uỷ ban kiểm tra hoặc tập thể uỷ ban kiểm tra thảo luận, thống nhất bằng văn bản; thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục nhận xét, đánh giá cán bộ, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Khi tham gia nhận xét, đánh giá cần phải căn cứ vào mấy vấn đề sau: Một là, tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiêu chuẩn cán bộ theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 và Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; tiêu chuẩn cấp uỷ viên quy định trong Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6 2024 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng. Hai là, kết quả kiểm tra, giám sát; kết quả kiểm điểm, xếp loại hằng năm gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KLTW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và kiểm điểm cuối nhiệm kỳ của cán bộ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị. Ba là, ý kiến xác nhận, góp ý, nhận xét bằng văn bản của tổ chức đảng có thẩm quyền cấp dưới, của cấp uỷ, tổ chức đảng nơi cư trú.

Nội dung nhận xét, đánh giá: Tập trung nhận xét, đánh giá về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện; về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó đi sâu đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định về trách nhiệm nêu gương và những điều cán bộ, đảng viên không được làm; việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập; uy tín trong cơ quan, đơn vị.

Phương pháp tham gia nhận xét, đánh giá: Thường trực uỷ ban kiểm tra hoặc uỷ ban kiểm tra thảo luận tập thể hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của từng thành viên về nội dung nhận xét, đánh giá đối với từng trường hợp; Tham gia ý kiến bằng văn bàn với ban tổ chức cấp uỷ hoặc báo cáo thường trực cấp uỷ hoặc ban thưởng vụ cấp uỷ theo đúng nguyên tắc, quy trình, thời gian quy định; Phối hợp với ban tổ chức cấp uỷ hoàn chỉnh hồ sơ nhân sự được ban thường vụ dự kiến giới thiệu tham gia cấp uỷ khoá mới theo chức năng, nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra.

Kết luận

Nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên và nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự là những nội dung quan trọng quyết định thành công của Đại hội Đảng các cấp. Trong công tác kiểm tra, giám sát phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 cần tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng, đảng viên; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng; nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội chính xác, công tâm, khách quan.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Chấp hành Trung ương (2021), Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09/12/2021 về Thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

[2] Ban Chấp hành Trung ương (2021), Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

[3] Ban Tổ chức Trung ương (2004), Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 26/8/2024 về Một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

[4] Bộ Chính trị, Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về Xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

[5] Bộ Chính trị (2022), Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội,

[8] Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2004), Hướng dẫn số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024 về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đọc thêm

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tác giả: PGS, TS NGUYỄN VĂN SỰ - NGUYỄN HOÀNG ANH

(LLCT) - Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế sau 15 năm Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 37, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XIII trong thời gian tới.

Vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết" của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên

Tác giả: MÙA A SƠN

(TG) - Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác Tuyên giáo phải tiếp tục đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của quê hương, đất nước; phải luôn nỗ lực, chủ động, có nhiều phương thức sáng tạo, tăng khả năng dự báo, góp phần ổn định chính trị, tạo tiền đề để tỉnh Điện Biên phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm...

Bình Phước: Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Tác giả: VŨ TIẾN ĐIỀN

(TG) - Sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh hiện nay*

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY LINH

(GDLL) - Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Với chủ trương đúng đắn, cách làm khoa học, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở Quảng Ninh và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay

Tác giả: NGUYỄN VĂN KIỀU

(GDLL) - Từ khung lý thuyết về niềm tin của người dân đối với dịch vụ công, qua kết quả khảo sát người dân và tổ chức trong sử dụng dịch vụ công ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, bài viết đã phân tích, đánh giá thực trạng niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực này, chỉ ra những biểu hiện tích cực và những biểu hiện làm suy giảm niềm tin của người dân đối với dịch vụ công. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thúc đẩy những yếu tố tích cực góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với dịch vụ công ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay.