Thứ Ba, ngày 15/04/2025, 10:58

Yêu cầu của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Yên Ngọc Trung
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu này càng có ý nghĩa góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài viết phân tích, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

 

Lai Châu nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị (nguồn news.vnanet.vn)

 


Đặt vấn đề

Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị có vị trí đặc biệt quan trọng trong suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minhkhẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy[7, tr.289]. Tùy vào bối cảnh của từng giai đoạn cách mạng mà yêu cầu về công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị có khác nhau về hình thức, yêu cầu, phương pháp... nhưng mục tiêu luôn là để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu này càng có ý nghĩa quan trọng để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

1. Quan điểm của Đảng về công táctuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trong thời kỳ đổi mới

Trong công cuộc đổi mới, đặc biệt từ Đại hội VII (1991), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để toàn đảng, toàn dân đồng lòng với mục tiêu trên, Đảng nêu yêu cầu: “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những quan điểm, đường lối của Đảng. Bồi dưỡng tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1, tr.95].

Văn kiện Đại hội VII nhấn mạnh: “nâng cao trình độ và năng lực vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, góp phần xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, lý giải những vấn đề mới mà cuộc sống đặt ra. Đổi mới căn bản công tác giáo dục chính trị, lý luận”[1, tr.95].

Đến Đại hội VIII (1996), ngoài các nội dung bồi dưỡng, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng còn yêu cầu tuyên truyền, giáo dục về “những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những kiến thức mới của thời đại[2, tr.140]. Đồng thời, nêu bật: “trước hết hướng vào những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, làm rõ căn cứ khoa học của các giải pháp, dự báo các xu hướng phát triển, góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng, làm cho ngày càng sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” ”[2, tr.140], “bảo đảm sự thống nhất về chính trị và tư tưởng trong toàn Đảng” [2, tr.140].

Các kỳ Đại hội IX, X, XI, Đảng nhấn mạnh đến yêu cầu “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận”[3, tr.285], “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”[4, tr.256].

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Đảng yêu cầu: “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”[5]. Đây là những yêu cầu căn cốt trong thực hiện đổi mới sáng tạo trong tổ chức giảng dạy ở trường Đảng.

Đại hội XIII (2021) của Đảng đã đánh giá: “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú hơn. Tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng... Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”[6, tr.169].

Như vậy, giáo dục, tuyên truyền lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng. Những yêu cầu thể hiện trong các kỳ Đại hội, các nghị quyết của Đảng cho thấy nội dung ngày càng sâu rộng, yêu cầu ngày càng cụ thể, phù hợp và đáp ứng bối cảnh phát triển của đất nước. Đó là những căn cứ quan trọng cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng.

2. Yêu cầu của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, về đối tượng, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã nêu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”[5].

Như vậy, yêu cầu bồi dưỡng lý luận chính trị hằng năm chỉ đạt hiệu quả cao khi xác định phân loại rõ đối tượng được tuyên truyền, giáo dục. Trên cơ sở phân loại mà đi đến xác định nội dung, hình thức, phương pháp, công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cũng như yêu cầu về số lượng, chất lượng người tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Theo đó, đối tượng được tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị bao gồm:

- Đối tượng là cán bộ, đảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng Trung cấp, Cao cấp lý luận chính trị.

- Đối tượng trong diện bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chuẩn bị cho việc kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

- Đối tượng là đảng viên, quần chúng nhân dân ở cơ sở.

Thứ hai, về nội dung tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.

Cùng với xác định rõ đối tượng giáo dục, tuyên truyền, nội dung thông tin, cập nhật kiến thức mới phải phù hợp với đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Điều đó đặt ra yêu cầu về xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đánh giá chất lượng, người làm công tác tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp đối tượng, để đạt mục tiêu tuyên truyền, giáo dục. Yêu cầu chung về nội dung tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị là làm cho các đối tượng được tuyên truyền, giáo dục nắm chắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, cần chú trọng tăng cường nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng. Khẳng định sự đúng đắn, các giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát huy trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục làm rõ những âm mưu, phản bác những luận điệu mà thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc về nội dung, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, về hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.

Tương ứng với đối tượng giáo dục, tuyên truyền, mỗi đối tượng có sự chú trọng về một hình thức nhất định. Tuy nhiên, có hai hình thức chủ yếu, một là hình thức tổ chức thành các lớp học, khóa học có thể dài hạn hoặc ngắn hạn, tập trung hoặc không tập trung; hai là hình thức tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin, truyền thông như báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình, pano, khẩu hiệu... Ngoài ra, còn có các hình thức khác như thông qua các cuộc thi: thi chính luận; giải lý luận chính trị; giải búa liềm vàng; tuyên truyền viên giỏi; báo cáo viên giỏi... Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, độ phủ của mạng internet, vấn đề tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, cung cấp thông tin trên nền tảng mạng internet là một hình thức cần có sự quan tâm, đầu tư bởi hiệu quả ở tính thường xuyên, tốc độ lan truyền nhanh, thông tin kịp thời.

Thứ tư, phương pháp tuyên truyền, giáo dục yêu cầu gắn chặt với nội dung, đối tượng, hình thức tổ chức.

Mỗi hình thức, đối tượng có phương pháp cụ thể để có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, tuyên tuyền, giáo dục lý luận gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, chú trọng tích hợp tuyên truyền, giáo dục với bảo vệ, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết hiệu quả.

Để tích hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tuyên truyền, giáo dục, về phương pháp không chỉ đổi mới trong phương pháp giảng dạy mà còn cần đổi mới cả trong quy trình tổ chức tuyên truyền, giáo dục; chú trọng quá trình trước, trong và đánh giá kết quả nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo chuẩn đầu ra của khóa đào tạo, bồi dưỡng hay hiệu quả của nội dung tuyên truyền. Điều đó đặt ra yêu cầu thiết kế nội dung tự học, tự nghiên cứu, ghi lại những vấn đề cần trao đổi trong những khóa học; thay đổi phương pháp, nội dung kiểm tra, đánh giá kết thúc khóa học. Đòi hỏi, xác định đúng và giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đưa ra những gợi mở, cũng như giải đáp những băn khoăn, khúc mắc trong dư luận của quần chúng nhân dân về những vấn đề liên quan đến lý luận chính trị.

Thứ năm, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng tuyên truyền, giáo dục.

Đối với các chương trình bồi dưỡng, giáo dục ngắn hạn, dài hạn về cơ bản đã có sự đổi mới nhất định, có hiệu quả. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng tuyên truyền, giáo dục đối với những lớp bồi dưỡng ngắn, kết quả của một buổi học tập nghị quyết còn chưa có hình thức hiệu quả. Đặc biệt chưa ứng dụng được nền tảng công nghệ cho công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, điều này thể hiện cả ở trong chương trình giáo dục, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn và các buổi học tập nghị quyết, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chưa gắn đổi mới hình thức đánh giá với đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, học tập lý luận chính trị.

Thứ sáu, yêu cầu về lực lượng làm công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.

Xét trong yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, mục tiêu tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay của Đảng, lực lượng làm công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị bao gồm nhiều chủ thể, cơ quan. Trong đó có thể thấy, trước hết là các cơ quan nghiên cứu về lý luận chính trị là các viện, học viện, trường chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo các cấp, các tạp chí nghiên cứu lý luận chính trị chuyên ngành gồm cả tạp chí giấy và tạp chí điện tử. Thứ hai, lực lượng giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp. Thứ ba, lực lượng làm công tác nghiệp vụ, lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục; kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận. Thứ tư, một lực lượng mới hình thành, đó là lực lượng sáng tác, xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị trên nền tảng số và duy trì hoạt động của các trang mạng xã hội, các fanpage, group... trên mạng internet

Về cơ bản, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu của Đảng về công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận, đặt trong mối quan hệ với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì yêu cầu mới được đặt ra trong tất cả các nội dung của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị giai đoạn hiện nay

Xét từ những yêu cầu, mục tiêu tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị mà Đảng nêu ra, những vấn đề đặt ra hiện nay trên các khía cạnh của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp:

Một là, tiếp tục tổ chức các cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở tất cả các cấp, phù hợp với tất cả các đối tượng, coi đây là một kênh quan trọng để tuyên tuyền, giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Mở rộng nội dung tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, cùng với việc xây dựng nội dung các chương trình, chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng lý luận gắn liền với thực tiễn. Cần cụ thể nội dung, chương trình tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng, ngành, lĩnh vực, địa phương, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, về đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, cùng với đổi mới hình thức học gián tiếp, trực tiếp, trực tuyến đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Cần nghiên cứu hình thành hình thức giáo dục qua các phần mềm tự học, đặc biệt áp dụng cho các đối tượng bồi dưỡng hằng năm, với mục tiêu, yêu cầu cán bộ, đảng viên hằng năm phải tham gia tối thiểu một chương trình bồi dưỡng về lý luận chính trị.

Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị qua mạng xã hội, cần chú trọng những nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, như các hình thức video clip, phim ngắn, pano, hình nền trên các ứng dụng của mạng hội. Xây dựng các fanpage, group, cập nhật thông tin thời sự, chính trị, xã hội ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Ba là, đổi mới về phương pháp tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Với phương pháp truyền thống, trong tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị ít dành thời gian nghiên cứu tài liệu trước cho đối tượng, ít thời gian trao đổi thảo luận làm sáng tỏ những khúc mắc, vấn đề đặt ra trong lý luận cũng như trong thực tiễn, chủ yếu là xuôi chiều, người giới thiệu, giảng dạy và người nghe thụ động. Vì vậy, cần tập trung đổi mới phương pháp theo hướng lấy người học, đối tượng tuyên truyền làm trung tâm, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền, giáo dục.

Bốn là, nâng cao chất lượng đánh giá; công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Đối với việc đánh giá, không chỉ và không phải là để xem có đạt yêu cầu hay không đạt mà quan trọng để đánh giá nhận thức và ghi nhớ kiến thức, hình thành kỹ năng cho người học. Nhất là việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, đúng đối tượng, tránh được việc ngại học, lười học lý luận chính trị. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các yêu cầu đánh giá về nhận thức, kỹ năng, kết quả đạt được sau quá trình học tập, nghiên cứu. Điều này, góp phần minh bạch, chính xác trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của cán bộ, đảng viên hằng năm, cũng như thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị ở từng cơ quan, đơn vị.

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát cần thường xuyên sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị để có những điều chỉnh, cập nhật kịp thời những nội dung mới, thông tin mới, cũng như những vấn đề về hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục để hiệu quả được cao hơn, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của Đảng.

Năm là, nâng cao chất lượng lực lượng làm công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Cùng với việc đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy lý luận chính trị, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo,... cần tập trung đào tạo, bố trí cán bộ xây dựng, sản xuất nội dung giáo dục, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, nội dung số. Đồng thời, dành sự quan tâm về chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp, lực lượng kiêm nhiệm, gián tiếp tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng liên quan.

Sáu là, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trên tất cả các khâu, nội dung của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Đổi mới hình thức, cách thức đánh giá, kiểm tra việc học tập, nghiên cứu, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị đều cần được chú trọng.

Kết luận

Tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị là công tác thường xuyên, yêu cầu quan trọng của Đảng, quyết định đối với sự phát triển của đất nước theo con đường đã chọn. Mỗi giai đoạn cách mạng có những yêu cầu ở mức độ khác nhau về mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp của công tác tuyên truyền, giáo dục. Giai đoạn hiện nay, gắn với phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập, trước yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, việc xác định rõ các yêu cầu, đề xuất trúng các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa giải quyết những vấn đề bức thiết trong công tác tư tưởng hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[5] Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016. dangcongsan.vn/

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÙY DUNG

(GDLL) - Hoàn thiện thể chế về kinh tế số là một nội dung rất cấp thiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trên cơ sở khái quát khung lý thuyết thể chế về kinh tế số, bài viết phân tích thực trạng nội dung này ở Việt Nam thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - TRẦN HOÀI THU

(GDLL) - Việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, nắm rõ được điều đó, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Nam Định quan tâm, chỉ đạo, tổ chức và triển khai hiệu quả. Bài viết trình bày nội dung, thành tựu và hạn chế của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định từ đó đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở văn hóa tộc người nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Tác giả: TRỊNH VƯƠNG CƯỜNG

(GDLL) - Với lợi thế có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành và sự phong phú, đa dạng, độc đáo của bản sắc văn hóa các tộc người, Tây Bắc đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều làng, bản du lịch cộng đồng thu hút được nhiều du khách, đem lại sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết phân tích tiềm năng văn hóa tộc người và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc, từ đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào các tộc người nơi đây.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với vấn đề xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay

Tác giả: GIANG THỊ HUYỀN

(GDLL) - Ra đời năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố được coi là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Trong suốt 80 năm qua, Đề cương như ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nhiều tư tưởng trong bản Đề cương đến nay còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Tác giả: VƯƠNG HỒNG HÀ - NGUYỄN HÙNG LINH NGA

(GDLL) - Trong thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã phát huy vai trò phối hợp trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tái cơ cấu kinh tế toàn huyện.