
50 năm thống nhất đất nước.. Hơn 1.000
người dân Đồng Nai xếp hình bản đồ Việt Nam
(nguồn news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Chiến thắng
vĩ đại của mùa Xuân năm 1975 đã để lại nhiều bài học quý giá, có ý nghĩa lịch sử
to lớn. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần
đoàn kết, trí tuệ và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, trong bối
cảnh đất nước đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình thì việc tiếp tục nghiên cứu,
khẳng định ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975 là nội dung có giá
trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn.
1. Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Ngày
27-1-1973, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã
được ký kết, nhưng miền Nam vẫn chưa có hòa bình.Mỹ vẫn tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự và chỉ đạo chính
quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định, hành quân “bình định, lấn chiếm” nhằm tiêu diệt
lực lượng cách mạng ở miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 7-1973, Hội nghị lần
thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam
trong giai đoạn mới”, trong đó nhấn mạnh: “Con đường của cách mạng miền Nam vẫn
là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững
thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa
cách mạng miền Nam tiến lên” [1,
tr.232].
Nhằm tiếp
tục tư tưởng chiến lược tiến công, nắm bắt thời cơ để giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước, từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974, Bộ Chính trị đã họp bàn về chủ
trương giải phóng miền Nam. Tại Hội nghị, Bộ Chính trị đã phê chuẩn kế hoạch
hai năm 1975-1976, kế hoạch tác chiến năm 1975 và quyết định: “Động viên những
nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức
cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân đội Việt Nam Cộng hòa, đánh chiếm
Sài Gòn - sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh
đổ chính quyền địch ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay
Nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà” [2, tr.185].
Từ ngày
8-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp (lần 2) với sự tham gia
của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở chiến trường Nam Bộ và Liên khu V. Hội nghị
nêu rõ: Nắm vững thời cơ lịch sử, mở
nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc
kháng chiến chống Mỹ. Bộ Chính trị nhận thấy quân Mỹ khó có khả năng
quay lại tham chiến tại miền Nam và nhất trí thông qua phương án giải phóng miền
Nam trong hai năm 1975 - 1976. Chiến trường Tây Nguyên được lựa chọn là hướng
tiến công chủ yếu. Quyết tâm của Trung ương Đảng được khẳng định: “Chúng ta phải
cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”
[3, tr.9].
Thực hiện
các nội dung chỉ đạo của Trung ương Đảng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy được bắt
đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 4-3. Sau khi thực hiện một số trận đánh
nghi binh chiến dịch và tạo thế, trong hai ngày 10 và 11-3, quân ta tiến công bằng
sức mạnh hiệp đồng binh chủng giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Từ ngày 14 đến
18-3, quân ta đánh trận then chốt thứ hai, đập tan cuộc phản kích của Quân đoàn
2 quân đội Việt Nam Cộng hòa, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy quân địch
ở Tây Nguyên vào thế tan vỡ. Trước tình hình thắng lớn ở Tây Nguyên,
ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị đã quyết định: giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Dưới sự chỉ
đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, từ ngày 21 đến 26-3, Quân đoàn II
cùng lực lượng vũ trang địa phương ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên đã bao
vây, tiến công thành phố Huế, tạo thế uy hiếp Đà Nẵng từ hướng Bắc. Sáng ngày
28-3, cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân Đà Nẵng chính thức bắt đầu bằng trận
đột kích vào sân bay, bến cảng. Sau 33 giờ chiến đấu, quân ta tiêu diệt, làm
tan rã hơn 10 vạn quân địch, giải phóng và tiếp quản thành phố lớn còn nguyên vẹn.
Ngày 31-3, Bộ Chính trị họp, sau khi xem xét diễn biến của cuộc tiến công và nổi
dậy trong 3 tuần lễ đã chủ trương: phải nắm vững hơn nữa tư tưởng chỉ đạo thần
tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, nhằm thực hiện tổng công kích, tổng khởi
nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn trong tháng 4-1975.
Ngày
14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định lấy tên chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy
giải phóng Sài Gòn, Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh; đồng thời lập Bộ chỉ
huy chiến dịch, trong đó có 3 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị.
Bắt đầu từ
17 giờ ngày 26-4, 5 quân đoàn chủ lực của ta mở đợt tổng công kích vào khu vực
Sài Gòn - Gia Định. Đến 17 giờ 36 phút ngày 28-4-1975, không quân ta tiến công
vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tê liệt sân bay và náo động thành phố Sài Gòn.
Trước tình hình đó, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ họp khẩn cấp và quyết định di
tản cấp tốc sứ quán và nhân viên quân sự, dân sự Mỹ còn lại ra khỏi miền Nam Việt
Nam. Mỹ phải gạt bỏ Trần Văn Hương, đưa Dương Văn Minh lên thay để đối phó với
tình hình nguy cấp.
Đến sáng
ngày 29-4, các quân đoàn của ta nhất loạt mở đợt tổng công kích vào trung tâm
Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ
chiến thắng của ta đã được cắm trên dinh Độc Lập. Lực lượng quân sự và bộ máy
chính quyền địch ở Quân khu III, Quân đoàn III bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngày
2-5-1975, cuộc chiến đấu để giải phóng các địa phương còn lại ở Đồng bằng sông
Cửu Long, các đảo trên quần đảo Trường Sa và các đảo, quần đảo ở Biển Đông
giành thắng lợi.
Như vậy,
trong 55 ngày đêm chiến đấu, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo cùng quyết tâm
của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và cấp uỷ các địa phương, quân và dân ta
đã đánh tan rã trên 1 triệu quân địch, làm sụp đổ toàn bộ chính quyền Việt Nam
Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng miền Nam khỏi
ách thống trị của đế quốc và tay sai; lật đổ ách thống trị của đế quốc và tay
sai, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở ra thời kỳ
mới - thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại thắng
mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc ta, là
“trận quyết chiến chiến lược lịch sử vĩ đại”, “là chương kết thúc tuyệt đẹp
trên 20 năm chiến đấu chống Mỹ, cứu nước hết sức oanh liệt của Nhân dân ta” [6,
tr.36], thể hiện trình độ cao về nghệ thuật quân sự, về tổ chức chiến dịch, về
chỉ huy chiến đấu, về kết hợp giữa tiến công và nổi dậy của quân và dân ta.
Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua,
nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất,
một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và
trí tuệ con người; và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế
kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”
[4, tr.471].
Với thắng lợi vĩ đại này, nhân dân Việt Nam đã chứng minh chân lý: Trong thời đại
ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển,
nếu biết đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng
Mác - Lênin chân chính, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nắm vững
ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược, dù đó là
đế quốc hùng mạnh.
2. Ý nghĩa lịch sử đối với công cuộc đổi
mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Sau Đại thắng
mùa Xuân năm 1975, đất nước được hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, các thế lực thù địch thực hiện âm
mưu “diễn biến hòa bình” phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; phát động cuộc
chiến tranh biên giới, bao vây, cấm vận kinh tế và ngoại giao, cô lập Việt
Nam... Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn kiên định mục
tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1986, Đảng Cộng sản
Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đến nay,
sau gần 40 năm, “đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử;
độc lập, chủ quyền quốc gia và môi trường hòa bình được giữ vững, chính trị -
xã hội ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, quốc phòng, an ninh được bảo đảm
vững chắc, đời sống mọi mặt của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Từ một nước
nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm
2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo
chuẩn nghèo đa chiều mới) năm 2023. Qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành
quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN, thứ 32 trên thế giới” [5, tr.13].
Hiện nay,
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, “đưa đất nước bước vào
kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” [5, tr.19]. Đó là kỷ nguyên
phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân
giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc
năm châu. Trong đó, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ
phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nền hòa bình, ổn định
và phát triển của thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh thế giới.
Đây là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và
xu thế phát triển của thời đại. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân
chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu” là đích đến của
kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy
sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông đã chiến đấu hy sinh vì nền độc
lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa lịch sử
vô cùng to lớn đối với công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn
mình. Bới vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục phát huy những
giá trị đó trong điều kiện mới, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững và tăng cường vai trò lãnh
đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Từ khi ra
đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng thật sự trong sạch,
vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng. Đảng ngày càng trưởng thành, nâng cao
năng lực lãnh đạo và cầm quyền, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với
Nhân dân, khơi dậy sức sáng tạo, phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân.
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là bài học có ý
nghĩa lịch sử quan trọng đối với công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ
nguyên vươn mình hiện nay. Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng đã nắm vững
tình hình, đề ra đường lối đúng đắn để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Khi thời
cơ đến, Đảng kịp thời lãnh đạo chớp thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước. Những quyết sách đó của Đảng đã thể hiện tầm cao trí tuệ và
trách nhiệm của Đảng đối với đất nước và dân tộc. Hiện nay, khi đất nước đẩy mạnh
toàn diện công cuộc đổi mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình, để tiếp tục giữ vững
và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, Đảng nhấn mạnh cần
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
toàn diện; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”; “tự chuyển
hóa”; bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thành tựu đổi mới của Nhân dân ta,
dân tộc ta...” [5, tr.173].
Thứ hai, phát
huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước
bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Đại thắng
mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của
nhiều nhân tố, mà một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là Đảng đã xây
dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhìn lại chặng đường lịch
sử vẻ vang của dân tộc, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đoàn kết của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tự hào với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được
Đảng tiếp tục coi trọng; bởi đó không chỉ là bài học thành công của quá khứ, mà
đó còn là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi
bền vững của công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để
phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cần không ngừng đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành lấy “dân là gốc”; lấy hạnh
phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu; phải “Thực hiện đại đoàn kết dân tộc
trên nền tảng của khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội
ngũ trí thức; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, giai cấp, tầng lớp
xã hội và người dân trong tiếp cận cơ hội và thụ hưởng thành quả phát triển;
nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng với quốc gia, dân tộc” [5, tr.34].
Thứ ba, phát huy
sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước
vào kỷ nguyên vươn mình.
Để giành
được đại thắng vào mùa Xuân năm 1975, Đảng đã lãnh đạo toàn quân và toàn dân dựa
vào sức mình là chính, phát huy sức mạnh bên trong là chủ yếu, đồng thời phải
đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ tối
đa sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế. Hiện nay, trong bối cảnh đất nước bước vào
kỷ nguyên vươn mình với nhiều thời cơ và thuận lợi, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và
uy tín quốc tế ngày càng cao. Việt Nam đang hội tụ các điều kiện về kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, hội nhập quốc tế… Tất cả điều
đó tạo nên thế và lực để đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phồn
vinh và hạnh phúc. Trong điều kiện mới, Đảng nhấn mạnh cần: “Phát huy cao nhất
sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh
thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; củng cố
niềm tin, phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc,
tạo động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹ lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước,
Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo
vệ vị thế và uy tín của đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính
trị, an ninh quốc gia…” [5,
tr.107].
Thứ
tư, ý chí quyết tâm của Đại thắng mùa
Xuân năm 1975 là động lực thúc đẩy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường,
khát vọng phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ
nguyên vươn mình.
Đại thắng
mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của sự tổng hòa nhiều yếu tố: đường lối chính trị,
quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng; nền ngoại giao cách mạng; tinh thần đấu
tranh anh dũng, kiên cường của cả dân tộc và ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta được phát huy cao độ trong thời đại Hồ
Chí Minh. Tinh thần đó tiếp tục soi sáng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ
nguyên vươn mình. Trong điều kiện mới, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ
quốc vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt, đồng
thời còn mang tính cấp bách. Qua gần 40 năm đổi mới toàn diện, cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Đây là những tiền đề quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “khơi dậy
mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất;
phát huy sức mạnh văn hóa, con người thành nguồn lực nội sinh và động lực phát
triển” [5, tr.18] trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều
này thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước,
vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng chính
là sự nối tiếp của ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc mà Đại thắng mùa Xuân năm
1975 đã mang lại.
Kết luận
Đại thắng
mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu son chói lọi,
một chiến công hiển hách, là một trong những sự kiện trọng đại, có tầm vóc và ý
nghĩa lịch sử to lớn trong thế kỷ XX. Tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975
đã cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta giành những thắng lợi trong sự
nghiệp đổi mới đất nước. Trong thời đại hiện nay, phát huy tinh thần Đại thắng
mùa Xuân năm 1975 sẽ tiếp thêm những động lực, niềm tin và khát vọng cho toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân hiện thực mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phồn
vinh và hạnh phúc; đưa toàn dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập,
tập 34, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Đảng toàn tập,
tập 35, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Đảng toàn tập, tập
36 Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), tập 37,
Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2025), Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng,
Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[6] Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng (1975), Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975, Tạp chí Học tập, số 6, Hà Nội.