
Hội thảo khoa học Dựa vào Nhân
dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII (nguồn
news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Trong các
giai đoạn cách mạng trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện
nay, Nhân dân luôn là “tai mắt” của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, cuộc đấu tranh
không tiếng súng này luôn cần dựa vào dân để có thể đạt được những kết quả như
mong đợi.
1. Vai
trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; lực lượng của Nhân dân
là vô cùng to lớn; sức mạnh của Nhân dân là vô địch; Nhân dân chính là người
sáng tạo ra lịch sử. Trong tác phẩm "Góp phần phê phán triết học pháp quyền
của Hêghen", C.Mác viết: "Chủ quyền của nhân dân không phải là cái
phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa
trên chủ quyền của nhân dân...; không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà
nhân dân tạo ra chế độ nhà nước"[5, tr.347]. Kế thừa và phát triển quan điểm
của C.Mác về vai trò của Nhân dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin khẳng
định: "Chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên
ban xuống...; chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần
chúng nhân dân"[2,
tr.64]. Xuất phát từ tính tất yếu đó, Lênin đã đưa ra cảnh báo:
"Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ
với quần chúng"[3,
tr.426]; "Đội tiên phong chỉ làm tròn được sứ mệnh của nó
khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thực sự dẫn dắt quần chúng
tiến lên. Nếu không liên minh với những người không phải là đảng viên cộng sản
trong các lĩnh vực hoạt động hết sức khác nhau, thì không thể nói tới một thành
công nào trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản cả"[4, tr.28-29].
Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, với
mục tiêu xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng một chế độ xã hội văn minh, tốt đẹp,
đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân loại, các đảng cộng sản ở
các nước đã không ngừng xây dựng và phát triển mối quan hệ gắn bó máu thịt với
các tầng lớp nhân dân thông qua việc xây dựng khối liên minh giai cấp công nhân
- nông dân - trí thức để tạo thành một lực lượng cách mạng hùng hậu, nhằm thực
hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga,
đưa Liên Xô trở thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đập tan chủ
nghĩa phát xít, cổ vũ cho nhiều nước trên thế giới cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội
là bằng chứng về việc phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong cách mạng xã hội
chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Ở Việt Nam, khi bàn về vai trò của
Nhân dân trong lịch sử cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
"Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải sự nghiệp của anh
hùng nào cả. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực
lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất
thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin"[6, tr.672].
Quán triệt các nguyên lý của lý luận
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa truyền thống dựng nước, giữ nước của
cha ông, Đảng luôn quan tâm đến công tác tập hợp, vận động quần chúng nhân dân,
xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân với nòng cốt là liên minh giai cấp công
nhân - nông dân và đội ngũ trí thức, để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc
và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề phát huy sức mạnh của Nhân dân,
xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn là bài học lớn của Đảng trong quá
trình lãnh đạo cách mạng.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, các tầng
lớp nhân dân có một sức mạnh tổng hợp, sức mạnh ấy không tồn tại một cách trừu
tượng mà rất cụ thể bởi trí tuệ, thể chất và lòng nhiệt huyết của mỗi cá nhân
con người trong mỗi giai cấp, tầng lớp của xã hội; đây vừa là lực lượng góp phần
xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
Nhà nước; vừa là người được thụ hưởng những giá trị do các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước mạng
lại; nhưng đồng thời cũng là "tai mắt" của Đảng, chính quyền, đoàn thể,
luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc và tiếp xúc với mọi đối tượng để cảm nhận, đánh
giá, theo dõi, kiểm tra, giám sát, nhận diện, phát hiện các vấn đề trong đời sống
xã hội, bảo vệ quê hương, đất nước trước mọi kẻ thù. Vì vậy, việc phát huy vai
trò của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cầu tất yếu khách quan
và hết sức quan trọng.
2. Những
vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của Nhân dân nhằm đấu
tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng.
Thứ nhất, trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam
không đồng đều giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, giữa đô thị và nông
thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải
đảo... lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đã kích động Nhân dân, đưa ra các
thông tin xuyên tạc chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước nhằm lôi kéo Nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Vụ án nhóm đối
tượng khủng bố tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại xã Ea Tiêu và Ea
Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc ngày 11/6/2023 là một ví dụ.
Thứ hai, bốn nguy cơ ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng
01/1994) đã xác định, đến nay vẫn còn hiện hữu và có mặt còn diễn biến phức tạp,
nhất là nạn tham nhũng, tiêu cực, diễn biến hòa bình. Mặc dù hiện nay, cuộc đấu
tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện ngày càng quyết liệt, hiệu
quả, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", như đồng chí Cố Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đạt
được nhiều kết quả nổi bật, nhưng trên thực tế trong Đảng vẫn còn một bộ
phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa
vào chủ nghĩa cá nhân, đánh mất lòng tự trọng và nhân phẩm, gây thiệt hại rất lớn
cho đất nước và Nhân dân, trong số đó có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như: Ủy
viên bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Bí thư,
Chủ tịch tỉnh... "Trong 10 năm qua (2012 -
2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên,
trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương;
hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)"[7, tr.26-27]. Lợi dụng điểm này, các thế lực
thù địch đã xuyên tạc, kích động Nhân dân hòng làm suy giảm niềm tin của Nhân
dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, nền kinh tế thị trường với tư cách là thành tựu của văn minh nhân loại,
được Đảng chủ trương vận dụng vào Việt Nam để phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế tư nhân cũng được
Đảng xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Sau gần 40
năm thực hiện đường lối đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, làm tăng tiềm lực
quốc phòng và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mặt trái của nền
kinh tế thị trường cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức, nhất là những
vấn đề như tham nhũng, tiêu cực, phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp, khai thác cạn
kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường... đó là cơ hội để các thế lực thù địch đục
khoét, chống phá.
Thứ tư, trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hiện nay cũng xuất hiện nhiều yếu kém và
nguy cơ như: sự xuống cấp đạo đức, lối sống thực dụng, buông thả, sính ngoại, bị
cám dỗ bởi hư danh, phồn hoa giả tạo của một số cán bộ, đảng viên và người dân;
tình trạng vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ hoặc dân chủ cực đoan, dân chủ
hình thức vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị... Tất cả những
vấn đề này đều tạo ra cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá, cản
trở sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc nói chung; quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nói
riêng. Đồng thời cũng là khó khăn cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước vào đời sống xã hội, để làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ
nam cho mọi hành động của cách mạng Việt
Nam, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội.
3. Nhiệm
vụ, giải pháp phát huy vai trò của Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ nhất, làm tốt công tác
tuyên truyền, vận động Nhân dân để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước vào đời
sống xã hội.
Để phát huy được vai trò nòng cốt của
Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải làm cho người dân hiểu rõ, hiểu
đúng về những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
thấy rõ những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, trong
xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội của nước ta... để từ đó nâng cao nhận thức chính trị, tạo
nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động cho mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy,
làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ là công cụ để định hướng tư tưởng,
nhận thức và hành động cho toàn xã hội.
Thực tiễn cho thấy, địa phương nào
thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân thực hiện các
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các nghị quyết,
kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, sẽ góp phần quan trọng
vào việc định hướng tư tưởng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, chính
quyền cơ sở phát triển toàn diện, từ đó làm tăng vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng
và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền, tạo niềm tin cho Nhân
dân; là vũ khí sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ
lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là phương thức để dẫn
dắt Nhân dân đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam
đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
nhiều thời cơ, thách thức đan xen, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình đó để
kích động, lôi kéo Nhân dân, điều đó càng đòi hỏi phải tăng cường khối đại đoàn
kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Do vậy, thông qua công tác
tuyên truyền, vận động sẽ góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò,
vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; làm cho
quần chúng nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng và Nhà nước; nhận biết được các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam, từ
đó phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mình trong đấu tranh phản bác các quan điểm
sai, trái thù địch một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, phát huy vai trò,
trách nhiệm của Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị hiện nay, giám sát, phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ
hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, đưa yêu cầu
"dân giám sát" trở thành một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng
sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
tạo tiền đề vững chắc để triển khai thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của
Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, cần thường xuyên tổ chức, tạo điều
kiện để Nhân dân tham gia góp ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy
đảng, chính quyền địa phương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp
ý về tinh thần, thái độ làm việc, phong cách, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán
bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bám sát các yêu cầu của
Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát
và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị -
xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia
góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để tổ chức cho Nhân dân thực hiện chức
năng giám sát, phản biện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng
các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để tạo
được niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân và dập tắt được các âm mưu
xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, khi triển khai các công trình, dự
án cần phải tổ chức tham vấn ý kiến Nhân dân, tạo điều
kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện giám sát và phản biện nhằm bảo
đảm việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đáp ứng yêu cầu "dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"[1, tr.96] theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ ba, kịp thời nắm bắt tâm
tư, nguyện vọng; những ý kiến phản ánh, kiến nghị của Nhân dân trên tất cả các
lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng đã khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân..."[1, tr. 96-97]. Để chủ
trương, chính sách đi vào đời sống xã hội, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng thì
trước hết phải đưa đời sống xã hội vào trong chủ trương, chính sách. Vì vậy,
khi ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là những vấn đề liên
quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, các cấp ủy
đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải
tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời
phát hiện những vướng mắc, phát sinh để giải quyết. Thực hiện tốt những nội
dung này sẽ giúp người dân hiểu rõ vấn đề bản chất trong từng chủ trương, chính
sách, từ đó trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt do các thế lực thù địch
"thêu dệt" nên sẽ được Nhân dân nhận diện, phát hiện, kiên quyết bảo
vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai; vừa giữ vững lập trường, kiên định vào vai
trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, vừa khơi dậy được tư
duy, hiểu biết, năng lực sáng tạo không giới hạn của Nhân dân để từ đó phát huy
các phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái thù địch một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao trình độ
dân trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Thực tế hiện nay cho thấy, trình độ
dân trí thấp, đời sống nhiều khó khăn chính là mảnh đất "màu mỡ" để
các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu kích động, chia
rẽ nội bộ, tuyên truyền xuyên tạc, mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo người dân đứng lên chống phá Đảng, Nhà nước và
chế độ. Vì vậy, cần phải tiếp tục quan tâm chăm lo đổi mới, phát triển hệ thống
giáo dục quốc dân ở các cấp học từ giáo dục mầm non, phổ
thông, dạy nghề đến cao đẳng, đại học; đặc biệt chú trọng phổ cập
giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
nhằm nâng cao trình độ cho người dân. Song song với nhiệm vụ nâng cao dân trí,
phải bằng những cơ chế, chính sách, việc làm cụ thể, đem lại những đổi thay cho
cuộc sống của con người cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, trong thời gian tới,
Đảng và Nhà nước phải tiếp tục ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương,
chính sách để không ngừng nâng cao đời sống cho Nhân dân như: không ngừng hoàn
thiện các chính sách an sinh xã hội; đổi mới chính sách giảm nghèo, giảm nghèo
bền vững theo hướng tập trung, thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt chính sách
người có công; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc thiểu
số; phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; nâng cao chất lượng
chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khi người dân có trình độ, hiểu biết,
đời sống vật chất, tinh thần được đảm bảo thì sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác,
sức đề kháng, khả năng "miễn dịch" trước những thông tin sai trái, độc
hại; chủ động trau dồi bản lĩnh chính trị, phát huy trách nhiệm công dân trong
bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, vạch trần những âm mưu thủ đoạn thâm độc
của các thế lực thù địch; tích cực chia sẽ, lan tỏa những thông tin tích cực;
lên án, phê phán những thông tin sai trái, tiêu cực trên các phương tiện truyền
thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội; thực hiện phương châm "lấy cái đẹp
dẹp cái xấu", "lấy thông tin tích cực pha loãng thông tin tiêu cực",
từ đó tạo thành "bức tường thành" vững chắc để đấu tranh chống lại
các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả
việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước.
Để tổ chức thực hiện thắng lợi các
chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách
pháp luật Nhà nước không chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, phổ biến, mà cùng
với nó phải nâng cao chất lượng công tác xây
dựng, ban hành kế hoạch sát đúng với
tình hình thực tế của từng địa phương,
đơn vị; có phân công, phân nhiệm rõ ràng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản
lý. Trong quá trình tổ chức thực hiện chủ
trương, nghị quyết phải gắn với phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; thường xuyên thực
hiện công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết rút
kinh nghiệm. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt công
tác thi đua khen thưởng, không ngừng nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm lan
tỏa những tấm gương tốt đẹp, những giá trị tích cực trong xã hội, để tạo động lực,
niềm tin cho Nhân dân, làm cho các chủ trương, nghị quyết của Đảng trở thành hiện
thực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Làm được như vậy, các
thế lực thù địch sẽ không có cơ hội để lôi kéo Nhân dân, chống phá cách mạng.
Mỗi người dân là một chủ thể có tư
duy, có hiểu biết, có năng lực sáng tạo không giới hạn, nếu chúng ta biết khơi
dậy động lực, phát huy tiềm năng, sức mạnh vốn có của họ trong tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ xây dựng Đảng nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói
riêng thì sẽ có được những nội dung, phương thức bảo vệ và đấu tranh hiệu quả với
âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, không ngừng củng
cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, mở rộng và tăng cường khối đại
đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trên mỗi địa phương,
đơn vị./.
Kết luận
Thực tiễn cho thấy, đích đến của
các quan điểm sai trái, thù địch là làm lay động “lòng dân”, là dư luận xã hội
của đông đảo nhân dân. Do đó, mỗi cán mỗi người dân Việt Nam nói chung cần phải là một “pháo đài” kiên cố để bảo vệ và
ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần thiết
thực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội
chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Như vậy, dựa vào Nhân dân
để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng chính là phát huy “sức mạnh lòng dân”, “thế
trận lòng dân” để đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực
thù địch, xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,
Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]V.I.Lênin (2006), Toàn tập, tập 35, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] V.I.Lênin (2006), Toàn tập, tập 44, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] V.I.Lênin (2006), Toàn tập, tập
45, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] C. Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[7] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp
phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh,
Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.