Thứ Sáu, ngày 30/09/2022, 10:32

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam hiện nay

LÒ THỊ PHƯƠNG NHUNG
Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(GDLL) - Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc là lý luận soi đường cho xây dựng các phong trào Thi đua yêu nước hiện nay. Xuất phát từ những tư tưởng chỉ đạo của Người, bài viết khái quát một số vấn đề cần chú trọng trong công tác thi đua nói chung và xây dựng các phong trào Thi đua yêu nước nói riêng hiện nay.

Từ khóa: Thi đua yêu nước/Thi đua ái quốc; phong trào Thi đua yêu nước; tư tưởng Hồ Chí Minh.

(Ảnh: TTXVN)

Đặt vấn đề

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào Thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân. Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, Thi đua yêu nước thực sự đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề tham gia, đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc. Trong thời bình hiện nay, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và dân hạnh phúc thì việc xây dựng các phong trào Thi đua yêu nước càng cần thiết hơn bao giờ hết. Để đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước thì cần nhân rộng những nhân tố điển hình tiên tiến, những cách làm hay, việc làm tốt để nhân lên những giá trị nhân văn, bác ái; mang lại không khí sôi nổi thi đua cho toàn xã hội. Việc nghiên cứu tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh để có nhận thức đúng, từ đó vận dụng vào thực tiễn xây dựng các phong trào Thi đua yêu nước cũng như công tác thi đua, khen thưởng trong bối cảnh mới hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng.

1. Mục tiêu của thi đua yêu nước

Thi đua yêu nước được coi như một phương thức, một giải pháp cho việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng một cách tốt nhất. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của thi đua ái quốc. Người đã nói: “đường chúng ta còn dài, gánh chúng ta còn nặng, chúng ta cần phải phát triển và nâng cao cái truyền thống oanh liệt, cái lực lượng đoàn kết, và cái chí khí kiên quyết ấy lên nữa, nâng cao lên mãi. Nâng cao bằng cách gì? Bằng cách Thi đua ái quốc. Cuộc Thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công”[1, tr.546-547]. Phong trào Thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhằm mục tiêu cao nhất là:

“Dân tộc độc lập,

Dân quyền tự do,

Dân sinh hạnh phúc”[1, tr.557]

Mục tiêu của thi đua yêu nước là vì nhân dân đã được nhấn mạnh trong suốt tiến trình cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Ngày nay, với khẩu hiệu “Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào Thi đua yêu nước với mục tiêu xuyên suốt là phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với mỗi thời kỳ cách mạng, nhiệm vụ có thể thay đổi nhưng đích cuối cùng với những giá trị cốt lõi là “độc lập, tự do, hạnh phúc” không bao giờ thay đổi.

Cùng với Lời kêu gọi thi đua ái quốc là những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào Thi đua yêu nước. Phát huy tinh thần đó, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên, mục tiêu mang tới hạnh phúc cho người dân được nêu ra. Hạnh phúc của người dân là được sống trong một quốc gia an toàn, đời sống được bảo đảm mà những điều đó có được chính là sự đóng góp của toàn Đảng, toàn dân. Các phong trào Thi đua yêu nước không chỉ mang lại những giá trị về vật chất mà còn mang tới đời sống tinh thần cao hơn cho cộng đồng xã hội, tạo thái độ tích cực cho mọi người dân. Môi trường sống lý tưởng, sự hướng thiện của mỗi người dân, nhằm đạt tới những giá trị cao đẹp, thái độ sống tích cực khi tham gia hoặc thụ hưởng những giá trị do các phong trào Thi đua yêu nước mang lại.

Từ phong trào Thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, những kết quả đạt được từ trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng nước nhà cho tới các phong trào Thi đua yêu nước hiện nay do Đảng lãnh đạo luôn bảo đảm mục tiêu cao cả vì dân, vì nước, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Soi chiếu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc với việc xây dựng và thực hiện các phong trào thi yêu nước hiện nay để xác định đúng mục tiêu, hình thức thi đua phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho mỗi phong trào.

2. Nền tảng của thi đua yêu nước

 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”[2, 169]. Xét đến cùng thì công việc hằng ngày chính là hoạt động lao động sản xuất của con người. Nhờ có hoạt động này mà con người và xã hội loài người tồn tại và phát triển. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người không ngừng tăng lên, do đó, con người phải lao động, sáng tạo không ngừng với mong muốn kết quả ngày càng tốt đẹp hơn, nhiều hơn. Do đó, việc thi đua bắt nguồn từ chính công việc hằng ngày được xét đến tận cùng bản chất của vấn đề, đó chính là nền tảng của con người và xã hội trong mối tương quan để tồn tại và phát triển. 

Người đã thẳng thắn chỉ ra: “Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc. Do đó mà có những khuyết điểm như sau:

- Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm.

Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn.

Mọi việc đều thi đua như vậy”[2, tr.169].

Mỗi người đều phải hiểu rõ công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua. Để sống, tồn tại và phát triển, con người phải tiến hành lao động sản xuất, điều mà Bác nói là công việc hàng ngày, nhưng để tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội với số lượng, chất lượng ngày càng cao, thi đua để đạt được kết quả tốt hơn.

Nền tảng của thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra không có giới hạn về không gian hay thời gian. Trong mỗi điều kiện, hoàn cảnh có những mục tiêu thi đua cụ thể, song về bản chất thì thi đua không tách rời công việc hằng ngày, để không theo đuổi những mục tiêu xa rời thực tế, dẫn tới khó thậm chí không thể thực hiện được. Thi đua từ chính các công việc hằng ngày. Thi đua là làm cho nhiều, cho tốt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của cách mạng, nhu cầu của con người. Đây là những vấn đề căn cốt, xuất phát từ đó để lên kế hoạch, xây dựng các phong trào thi đua cho phù hợp, cho đúng, trúng trọng tâm nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất của thi đua.

Thi đua là:

Làm cho mau,

Làm cho tốt,

Làm cho nhiều”[1, tr.556].

Mặt khác, trong đời sống hằng ngày, những việc tốt, xấu, đúng, sai đan xen nhau, con người không chỉ đơn thuần có yêu cầu tạo ra cái mới tốt đẹp hơn trước, mà còn có yêu cầu chống lại cái sai, cái xấu, cái lạc hậu làm cho con người thoái hóa, biến chất, xã hội thụt lùi. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày cũng cần phải thi đua phấn đấu chống lại mọi thói hư tật xấu, đấu tranh trong mỗi con người và cả xã hội đều phải làm như vậy để cho mỗi con người, cả xã hội phát triển, hoàn thiện, hoàn mỹ. Bác đã nói: “Cán bộ thì thi đua nhau phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa hết khuyết điểm (như ham hình thức, kém bí mật, chủ quan, khinh địch, v.v.)[1, tr.361]”.

Thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường cũng cần phải thi đua. Bác nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hằng ngày và nhiều người đều thi đua, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Thi đua không phải là những công việc cao siêu nào đó. Thi đua chính là mỗi người làm tốt nhất công việc hằng ngày của mình.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ở bất cứ hoàn cảnh nào, các phong trào Thi đua yêu nước luôn là điều kiện, động lực to lớn, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc vượt qua khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với các phong trào thi đua: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”... đã tạo nguồn sức mạnh đưa đến những chiến thắng vĩ đại như chiến thắng Điện Biên. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ với các phong trào thi đua: “Sóng Duyên hải” “Gió Đại Phong”, “Cờ 3 nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... là động lực quan trọng giúp dân tộc làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" và thắng lợi huy hoàng ngày 30-4-1975 lịch sử, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhờ có các phong trào Thi đua yêu nước, chúng ta đã phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng[6].

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sức mạnh của các phong trào Thi đua yêu nước tiếp tục được phát huy thiết thực, hiệu quả với các phong trào "Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Dân vận khéo"; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Vì Trường Sa thân yêu", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...[6]. Các phong trào này luôn hiện hữu, gắn bó mật thiết với cuộc sống và quyền lợi của người dân, nên đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Thời gian qua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và trực tiếp là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng như các Bộ, ngành, địa phương đã khen thưởng kịp thời những gương điển hình tiên tiến, từ đó thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng sâu rộng. Thi đua từ chính những công việc hằng ngày của mỗi người. Mỗi người làm tốt hơn công việc hằng ngày đó chính là thi đua.

3. Quán triệt một số yêu cầu trong xây dựng phong trào Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay

Một là, thi đua phải thực chất, có văn hóa.

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại, khi chúng ta ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, song bị tác động không nhỏ của mặt trái cơ chế thị trường, sự tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật và âm mưu phá hoại cách mạng của các thế lực phản động trong và ngoài nước, nên phát sinh nhiều suy nghĩ và hành động sai trái như: kể công, cạnh tranh không lành mạnh, “bệnh thành tích”, gian dối, làm sai pháp luật... Do đó, “Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”[3, tr.409].

Văn hóa thi đua là một nội dung quan trọng trong các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Văn hóa thi đua không chỉ ở xác định mục đích thi đua, cách tổ chức, quan hệ, thái độ trong thi đua yêu nước mà còn ở việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi người, đơn vị tham gia thi đua. Người chỉ rõ: Thi đua chứ không phải ganh đua nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao, giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay. Vì vậy, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, thi đua là đoàn kết; thi đua để tăng cường đoàn kết, có đoàn kết mới đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ, thi đua có văn hóa.

Hai là, phải bảo đảm quy trình khoa học trong xây dựng phong trào Thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa quy trình xây dựng phong trào Thi đua ái quốc: từ định hướng, mục tiêu, cách thức đến công tác kiểm tra, khen thưởng... “Cách thức thi đua - Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ”[4, tr.525]. “Kế hoạch thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, giản đơn.

Những điều nên tránh là: Không nên đặt nhiều việc quá, mức cao quá, rồi làm không được thì sẽ nản lòng. Không nên chép của nhau, kế hoạch của người nào hoặc nhóm nào phải do người ấy, nhóm ấy tự động, tự giác, tự nguyện làm lấy. Không nên bao biện như cán bộ tự mình đặt kế hoạch rồi đem đọc qua trước hội nghị để mọi người giơ tay "tán thành". Thế là cách làm quan liêu, hình thức, sẽ không có kết quả.

Những điều cần làm là: Khi đặt kế hoạch, nên bàn bạc kỹ. Khi đã nhận kế hoạch, nên công bố đường hoàng, chép và dán lên tường để luôn luôn trông thấy, ghi nhớ và luôn luôn cố gắng.

Cán bộ cần luôn luôn khuyến khích, giúp đỡ, kiểm tra, sửa chữa hoặc bổ sung kịp thời. Tùy công việc mà định kỳ hạn tổng kết kinh nghiệm, khen thưởng hoặc phê bình”[3, tr.189].

Quy trình xây dựng phong trào Thi đua yêu nước được khái quát thành 7 nội dung cơ bản: 1) Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững; 2) Phải có kế hoạch tỉ mỉ; 3) Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực; 4) Thi đua không nên thiên về một phía; 5) Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng; 6) Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm; 7) Thi đua phải lâu dài và rộng khắp[3, tr.146].

Ba là, thi đua phải “toàn dân, toàn diện” - mọi người, mọi ngành cùng thi đua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “...ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”[1, tr.557]. Để đạt được mục tiêu cách mạng, theo Hồ Chí Minh, không có con đường nào nhanh hơn là phải thi đua; muốn tiến nhanh, tiến kịp đối thủ, muốn đạt mục tiêu đề ra thì: “sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước[1, tr.513].

“Mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào Thi đua ái quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mình”[1, tr.553].

“...toàn thể đồng bào và toàn thể chiến sĩ đều phải hăng hái xung phong Thi đua ái quốc... Các cán bộ phải thi đua thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính, tẩy sạch khuyết điểm, phát triển ưu điểm”[1, tr.652].

“Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua”[3, tr.410];

“Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác”[1, tr.119]; “Lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này với trường khác, làm cho học trò thêm hăng hái”[1, tr.121]; “Ngoài sự thi đua về học hành, còn thi đua về tăng gia sản xuất để tự cấp tự túc một phần”[1, tr.532]; “Chúng ta còn phải cố gắng nữa, để tiến bộ nữa. Còn phải tiếp tục phong trào Thi đua ái quốc, để theo cho kịp các nước tiền tiến trên thế giới”[2, tr.99].

Tất cả các chỉ dẫn của Hồ Chí Minh đều khẳng định tính toàn dân, toàn diện trong thi đua yêu nước. Bản chất của thi đua là bắt nguồn từ chính việc cố gắng làm tốt nhất công việc hằng ngày của mỗi người, do đó, mọi người, mọi ngành, mọi nghề đều phải thi đua. Sự rộng khắp, mạnh mẽ từ mỗi người, mỗi ngành sẽ tạo thành một không khí thi đua sôi nổi, mang tới những kết quả tốt nhất. Người đặt niềm tin của vào sức mạnh và kết quả của một phong trào rộng lớn có tính chất toàn quốc - phong trào Thi đua yêu

nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ, gái trai, ngành nghề... hễ là người Việt Nam đều có thể và cần phải thi đua yêu nước; thi đua là rất rộng không chỉ có trong các ngành sản xuất vật chất, mà trong các ngành, các lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, các cơ quan hành chính sự nghiệp... đều có thể thi đua được. 

Kết luận

Từ những vấn đề đặt ra hiện nay trong phong trào Thi đua yêu nước, có thể thấy rằng, những dự báo, định hướng của Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên giá trị. Soi chiếu theo tư tưởng của Người, công tác thi đua, khen thưởng hiện nay nói chung, việc xây dựng các phong trào Thi đua yêu nước nói riêng muốn đạt kết quả tốt cần chú trọng tới một số nội dung sau: 1) Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu trong chỉ đạo các phong trào Thi đua yêu nước; 2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào Thi đua yêu nước, nhất là thông tin - tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; 3) Đảm bảo quy trình xây dựng phong trào thi đua một cách khoa học và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Lý Việt Quang, Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước - những giá trị to lớn đối với phong trào Thi đua yêu nước hiện nay, https://tuyengiao.vn.

[6] Minh Hiếu, Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn, https://www.vietnamplus.vn.

[7] Nguyễn Xuân Trung, Đoàn Mạnh Hùng, Nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, https://tcnn.vn.

[8] Trần Công Huyền, Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua trong giai đoạn cách mạng hiện nay, http://www.xaydungdang.org.vn.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.