Từ khóa: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng;
giảng viên lý luận chính trị; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; vai trò
tiên phong của giảng viên.
Hội thảo khoa học về “Tích hợp nội dung bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh”. (Ảnh: https://hcma.vn)
Đặt vấn đề
Trong những năm qua, thực hiện âm mưu “diễn
biến hòa bình”, các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại bằng nhiều thủ đoạn nham
hiểm, tinh vi đã gieo rắc tư tưởng trái chiều, tuyên truyền những luận điệu bịa
đặt, bôi nhọ, vu khống Đảng, Nhà nước, lãnh tụ, công cuộc đổi mới, công tác xây
dựng Đảng... nhằm chống phá, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam[7, tr.76-142]. Trong bối cảnh đó, với
chức năng, nhiệm vụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý
các cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Học viện) cũng
là một trong những “mặt trận tư tưởng tuyến đầu” trong triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị
khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới thông qua hoạt động chuyên môn là
hoạt động có ý nghĩa thiết thực, quan trọng.
1. Vai trò,
trách nhiệm của người giảng viên Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên mặt trận tư tưởng
Vai trò, trách nhiệm của
giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết 35được
xác định như là những “chiến sĩ tiên phong” trong mặt trận tư tưởng vì những lý
do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ vai trò, vị thế của Học viện trong hệ thống các cơ quan
lý luận của Đảng. Có thể thấy, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của toàn
Đảng, toàn dân nhưng trực tiếp, đi đầu là các cơ quan phụ trách công tác tư
tưởng, lý luận của Đảng, của lực lượng làm công tác nghiên cứu lý luận trong đó
có Học viện. Vì vậy, là giảng viên của Học viện, mỗi người đều được gánh vác
trọng trách tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với nhiệm vụ nghiên cứu và
giảng dạy lý luận trong tình hình mới. Đồng thời, để mỗi giảng viên có tiêu chí
rõ ràng trong rèn luyện, phấn đấu thực thi nhiệm vụ, căn cứ vào chức năng, nhiệm
vụ và điều kiện đặc thù trường Đảng, Học
viện đã ban hành Quy định về tiêu chuẩnnhiệm
vụ và chế độ làm việc của giảng viên tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh[5]. Quy địnhnày
là tiêu chí “cứng” để mỗi giảng viên chủ động phấn đấu học tập, rèn luyện bản
lĩnh, trí tuệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của người “chiến sĩ tiên phong”
trên mặt trận tư tưởng.
Thứ hai, xuất phát từ vai trò, vị thế của đối tượng đào tạo. Đối tượng đào tạo
chủ yếu của Học viện là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Họ là những đảng viên ưu tú
được lựa chọn làm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các tổ chức
chính trị-xã hội, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp
nhà nước ở Việt Nam, đã có trình độ nhất định về chuyên môn nghiệp vụ, về lý
luận chính trị, có kinh nghiệm thực tiễn.
Với vai trò, vị thế và tố
chất ưu tú, thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành học viên trường
Đảng có sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến các đối tượng mà họ được
lãnh đạo, quản lý. Với cương vị là giảng viên của những cán bộ cốt cán, mỗi nhà
giáo đích thực là “nhà lãnh đạo của các lãnh đạo”, là “thủ trưởng của các đảng
viên tiên tiến”. Thông qua hoạt động chuyên môn mang bản chất trường Đảng, các
đảng viên-giảng viên có được môi trường tốt nhất để “trổ tài thao lược” trong
định vị, chia sẻ tri thức, củng cố thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp
luận mácxit, mở hướng sáng tạo trong nhận thức, hành động cho học viên. Lợi thế
này là lợi thế chuyên biệt, đặc thù của giảng viên lý luận chính trị Học viện
mà các giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học, chuyên nghiệp khác
không có được. Ý thức sâu sắc hơn về lợi thế này, mỗi giảng viên sẽ thuận lợi
hơn trong thực hiện được mục tiêu kép vừa nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ
vừa bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ ba, xuất phát từ ý thức chính trị và tinh thần trách nhiệm của mỗi giảng
viên lý luận chính trị của Học viện. Được lựa chọn và huấn luyện bài bản, khoa
học, mỗi giảng viên của Học viện luôn mang phẩm chất trung thành, kiên định,
quyết tâm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của người “chiến sĩ tiên phong”;
đồng thời Học viện cũng luôn tạo ra những cơ chế, môi trường phù hợp để giảng
viên tôi luyện phẩm chất ấy. Kiên định lập trường tư tưởng mácxit, trung thành
với lý tưởng cộng sản, nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện dân
chủ, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương trong từng hành vi công vụ (trong giảng dạy,
nghiên cứu khoa học), không dung thứ cho những biểu hiện bôi nhọ, phá hoại, xét
lại nền tảng tảng tư tưởng của Đảng-đó chính là những nhiệm vụ cốt yếu, thiết
thực của công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng của đội ngũ giảng viên Học
viện.
2.
Nội dung hành động của người “chiến sĩ tiên
phong” trên mặt trận giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh
2.1. Trong giảng dạy lý luận chính trị
Thứ nhất,
xác định rõ tính chất và nội dung nhiệm vụ “kép”
trong tổ chức giảng dạy lý luận chính trị
Sứ mệnh của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực và phong cách làm việc
hiệu quả, gắn lý luận với thực tiễn; xây dựng môi trường nghiên cứu lý luận, tư
vấn chính sách đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa; trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị
cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và tư vấn chính sách có uy tín của Đảng. Mục tiêu
của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là: “Đổi mới căn bản chương trình, nội
dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực
tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới
cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược
đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng,
chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh và phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[3, tr.182-183].
Trong quá trình thực thi công vụ, mỗi giảng
viên của Học viện cần xác định được tính chất và nội dung của nhiệm vụ “kép”:
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hai
nhiệm vụ này không tách rời nhau và bao hàm, gắn bó hữu cơ với nhau. Tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng cũng chính là đi đầu, nỗ lực, quyết tâm góp phần trau dồi cốt cách,
hun đúc tinh thần cách mạng cho mỗi đảng viên-học viên. Với mỗi giảng viên,
thực chất của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, trước hết chính là việc củng
cố, bồi dưỡng cho học viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học và kỹ năng
giải quyết thấu đáo những tình huống thực tiễn đặt ra trên nền tảng chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước. Hun đúc thái độ đúng, ý chí sắt đá trong lãnh đạo điều
hành, giữ vững nguyên tắc Đảng, biết vì lợi ích chung, biết đấu tranh, phản
biện, phân tích, tranh luận bảo vệ chân lý, bảo vệ lý tưởng, trọng danh dự,
trách nhiệm của người đảng viên cộng sản. Vì vậy, cần thống nhất nhận thức
rằng, ở trận tuyến này nhiệm vụ chính, chủ
yếu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng là sử dụng tổng lực các hình
thức, phương pháp, phương tiện giảng dạy phù hợp để đưa đến cho học viên sự
hiểu biết bản chất và những giá trị cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của
Đảng để phân tích đúng và vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn; đồng thời có
thái độ kiên quyết đấu tranh với những quan niệm, cách làm lệch chuẩn, sai trái
với tôn chỉ, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình, chuẩn mực thực
hiện quy trình giảng dạy để hoàn thành nhiệm vụ “kép”
Quy trình hoạt động giảng
dạy bao gồm: 1- Xác định mục tiêu chung môn học; 2- Xác định mục tiêu về kiến
thức, kỹ năng, phẩm chất tư tưởng trong từng chuyên đề; 3- Xây dựng chuẩn đầu
ra; 4- Xác định câu hỏi cốt lõi và xây dựng đề cương môn học; 5- Xây dựng kế
hoạch bài giảng (bản thiết kế chi tiết quá trình tổ chức giảng dạy bao gồm nội
dung kiến thức, phương pháp, hoạt động chủ yếu của giảng viên, học viên, phương
tiện, thời gian...); 6- Xây dựng hệ thống công cụ đo lường kết quả đạt được; 7-
Tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá[6]. Cần chú ý rằng, mỗi
giảng viên chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ “kép”, khi mọi công đoạn của quy
trình giảng dạy được tuân thủ, được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm yêu cầu về mặt
nội dung của từng khâu. Mọi sơ suất, sai lầm, thiếu hụt trong bất kỳ khâu nào,
nội dung nào đều có thể dẫn tới việc xa rời hoặc không đạt được mục tiêu đề ra.
Vì vậy, thái độ gương mẫu, trách nhiệm, chuẩn chỉ trong giảng dạy là rất cần
có. Đó chính là thái độ cẩn trọng, tỉ mỉ, cầu toàn trong mọi hoạt động, hành vi
sư phạm trước, trong, sau giờ lên lớp.
Sự trách nhiệm, tận tụy
của người chiến sĩ tiên phong trong giảng dạy lý luận chính trị còn phải thể
hiện ở chỗ, cần thấy rõ các cấp độ mục tiêu mà học viên cần đạt được và đồng
hành, thúc đẩy họ đến đích. Các cấp độ ấy là: 1- Hiểu rõ bản chất lý luận; 2-
Phát hiện và nhận diện được “tình huống có vấn đề”(2); 3- Thông hiểu tình
huống (mô tả, so sánh, phân tích, đánh giá vấn đề) thông qua học tập, tìm hiểu,
nghiên cứu, tương tác, trao đổi, thảo luận...; 4- Thể hiện sự hiểu biết (giải
thích cho người khác, phát biểu ý kiến, bài luận, bài báo...); 5- Xác định được
điều kiện, môi trường, bối cảnh vận dụng lý luận (phạm vi vận dụng, căn cứ lý
luận và thực tiễn của những quyết định công vụ; đánh giá khó khăn, thuận lợi,
thời cơ, thách thức của tình hình thực tiễn); đề xuất phương hướng, giải pháp
giải quyết phù hợp. Đồng hành, hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm, tận
tâm trong chia sẻ, lan tỏa tri thức, kinh nghiệm giữa những người đồng
chí (giảng viên - học viên) đó là cách thức hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ kép
của mỗi giảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh: http://lyluanchinhtri.vn
Thứ ba, tăng cường tính tích cực cá nhân và phát huy trí
tuệ tập thể trong xây dựng hệ thống “tình huống có vấn đề” của môn học
Việc xây dựng hệ thống
“tình huống” của môn học là việc làm cần thiết và vô cùng ý nghĩa. Hệ thống này
giống như “cẩm nang” hữu ích giúp mỗi “chiến sĩ tuyến đầu” thực hiện vai trò
xung kích; đồng thời thông qua đó, mỗi giảng viên hình dung và xâu chuỗi được
lôgic tư tưởng và bản chất cốt lõi của lý luận để thuận lợi hơn trong thiết kế
kế hoạch bài giảng và tổ chức giảng dạy. Như vậy, việc xác định hệ thống
tình huống phù hợp với mục tiêu môn học là căn cứ để cả người dạy và người
học tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao phó.
Thứ tư, xác định được phương pháp giảng dạy phù hợp
trong thực hiện “mục tiêu kép”
Việc xác định được phương
pháp giảng dạy phù hợp là khâu then chốt để tổ chức giảng dạy đạt
được đồng thời mục tiêu môn học và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Vấn đề mấu chốt trong đổi mới phương pháp giảng dạy là phải tiếp tục khắc
phục triệt để lối “độc thoại” một chiều mà cần dành nhiều thời gian, cơ
hội cho sự tham gia của người học, thúc đẩy khả năng tự thông hiểu, tự bảo vệ,
tự củng cố, tự miễn nhiễm. Để làm được điều này, giảng viên cần tiếp tục
quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong đổi mới phương pháp giảng dạy với trọng tâm là
thiết kế kế hoạch bài giảng một cách khoa học, đầy đủ, chi tiết.
2.2. Trong nghiên cứu khoa học
Thứ nhất, bảo đảm được tất cả mọi yêu cầu và điều kiện
để thực hiện công tác nghiên cứu. Cụ thể: 1- Nắm vững được toàn bộ những vấn đề
căn cốt của lý luận chuyên ngành; 2- Có hệ thống kiến thức khoa học xã hội liên
ngành phù hợp; 3- Thành thục các kỹ năng nghiên cứu để phát hiện, lựa chọn, đề
xuất vấn đề nghiên cứu (câu hỏi, vấn đề nghiên cứu); 4- Thu thập tài liệu (luận cứ, luận chứng); 5- Giải quyết vấn đề bằng chuyên luận như
bài báo khoa học, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu...
Thứ hai, mỗi giảng viên cần tránh thái độ tự ti, thiếu trách nhiệm, nhụt ý chí
khi cho rằng nhiệm vụ chuyên môn của mình chỉ cần ở mức “đúng vai, đủ giờ”, còn
việc đấu tranh phản bác tư tưởng thù địch, xuyên tạc và bổ sung lý luận là trách nhiệm
của các bậc lý luận lão luyện, của cơ quan lý luận cấp cao. Để
phòng, tránh được những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng, những lầm lỡ không
thể hóa giải, thì việc tăng cường những nghiên cứu khoa học nhân văn theo hướng
đi sâu vào bản chất con người, lý giải nguyên nhân của những hành vi vị kỷ, của
quá trình sa ngã bởi cám dỗ; định hướng sống chân chính, hướng thiện, liêm
chính, tránh được suy thoái, biến chất là hướng nghiên cứu chủ đạo có ý nghĩa
thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, mỗi giảng viên cần phải thấm nhuần phương châm “lấy tự học là cốt” để
nỗ lực trên con đường trau dồi, kiến tạo tri thức nâng tầm hiểu biết nhằm hoàn
thành mục tiêu sứ mệnh thứ hai của Học viện “là trung tâm tư vấn chính sách có
uy tín của Đảng”. Để nêu gương, tiên phong kết nối, sáng tạo tri thức trong
thực tiễn, mỗi giảng viên cần học tập, khai thác và cộng lực sức mạnh tri thức
với đội ngũ học viên-các nhà lãnh đạo, quản lý đương thời. Thực hiện những bài
tập gắn giảng đường với hiện trường, tổ chức hội thảo kết nối với địa phương,
thực hiện tư vấn dự án trên các lĩnh vực am hiểu... thực sự là những hoạt động
cần tăng cường để khẳng định giá trị thực tế công tác giảng dạy và nghiên cứu
khoa học của đội ngũ giảng viên trong hệ thống Học viện.
Để đội ngũ giảng viên phát huy tốt hơn nữa vai trò
tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đạt được hiệu
quả cao hơn nữa trong hoạt động chuyên môn, xin kiến nghị với Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh những nội
dung sau: (1) Cần kiểm tra, giám sát và định kỳ tổng kết rút kinh nghiệm các hoạt
động chuyên môn của giảng viên để phát hiện và nhân rộng những điển hình tốt
trong giảng dạy, học tập bảo đảm bản chất trường Đảng và bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng. (2) Cung cấp kịp thời những luận cứ, số liệu thực tiễn, thông tin tổng hợp
về những luận điệu xuyên tạc, trái chiều, xấu
độc; giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học mới về bảo vệ nền tảng tư tưởng của
các chuyên gia, học giả có uy tín đến từng chi bộ. (3)Định kỳ tổ chức
tập huấn chuyên
sâu và
nâng cao về phương pháp
giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị gắn với mục tiêu bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy vai trò kết nối, tổ chức thành lập những
nhóm nghiên cứu liên ngành chất lượng cao bao gồm những thành viên trong và
ngoài Học viện, các nhà lãnh đạo, quản lý địa phương, các học viên ưu tú làm
nòng cốt cho hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị để bảo vệ, bổ sung
và phát triển lý luận phù hợp với thực tiễn.
Kết
luận
Như vậy, để hoàn thành sứ
mệnh của “chiến sĩ tiên phong” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, vấn đề tiên quyết là đội ngũ giảng viên cần nhận thức rõ vai trò,
trách nhiệm và gương mẫu, nỗ lực hành động trên mặt trận giảng dạy và nghiên
cứu khoa học; đồng thời không thể thiếu sự vào cuộc quyết liệt với những sáng
kiến hay, cách làm tốt, sự chỉ đạo linh hoạt,
sáng suốt của Tập thể lãnh đạo Học viện,
của Ban Chỉ đạo 35. Tất cả những
điều này sẽ thúc giục “đội quân tiên phong” của hệ thống Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh thêm bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm trong hoàn thành nhiệm vụ “kép”,
góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.
Tài liệu tham khảo:
(1) Tiên phong được dùng với nghĩa gương mẫu, hăng hái đi đầu.
(2) “Tình huống có vấn đề” trong giảng dạy lý luận chính trị được dùng để chỉ những sự kiện, hiện tượng, quá trình… xã hội mới nảy sinh chưa thể hiện đầy đủ, hoặc chứa đựng “độ vênh” giữa lý luận và thực tiễn; hoặc là những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... trong thực tế.
[1] Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/05/2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao
chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo,
quản lý, https://thuvienphapluat.vn
[2] Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết 35- NQ/TW
ngày 22/10/2018 về tăng cường
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch trong tình hình mới, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt
Nam (2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4] Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2014), Quyết
định số 3166/QĐ-HVCTQG ngày 18/7/2014 về Khung Chương trình Cao cấp lý luận chính trị,
Hà Nội.
[5] Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Quyết
định số 766-QĐ/HVCTQGHCM ngày 02/03/2022 Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm
vụ và chế độ làm việc của giảng viên ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
[6] Học viện Chính trị khu
vực I, Thông báo số 216-TB/HVCTKVI ngày 7/4/2020 về điều chỉnh đề cương và kế hoạch bài giảng;
Thông báo số 255-TB/HVCTKVI ngày 12/4/2019
về điều chỉnh mẫu kế hoạch bài giảng của Thông báo 680/TB-HVCTKV I ngày
13/8/2018 về hướng dẫn xây dựng đề cương môn học, kế hoạch bài giảng; Thông báo
số 680-TB/HVCTKVI ngày 13/8/2018 về hướng dẫn xây dựng đề cương môn học, kế
hoạch bài giảng.
[7] Hội đồng Lý luận
Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc
cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà
Nội.