Từ khóa: Cách mạng Tháng Mười Nga;
Chủ nghĩa xã hội; Việt Nam.

Ngày 07/11/1917, Đại hội các Xô Viết được triệu tập, thành lập Chính quyền Xô Viết do V.I.Lênin đứng đầu. Ảnh tư liệu: TTXVN.
Dẫn đề
Năm
1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thành công mở ra một thời kỳ phát triển
mới của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội
trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã đáp ứng đầy đủ nhất những
yêu cầu cấp thiết của lịch sử là xóa bỏ chế độ xã hội áp bức, bóc lột, bất bình
đẳng để xây dựng một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai
đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Thành công của cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa chủ nghĩa xã hội từ học thuyết
lý luận khoa học đi vào thực tiễn cuộc sống. Cách mạng Tháng Mười Nga thành
công không những đã đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga
về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc, mà còn cho thấy sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân
lao động đã hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ
nghĩa tập thể.
Sự
sụp đổ mô hình Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu cuối những năm
90 của thế kỷ XX chỉ là sự phá sản của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực
được cho rằng là duy nhất đúng, tuyệt nhiên không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, càng không thể là sụp đổ lý tưởng
về tương lai tốt đẹp mà nhân loại tiến bộ luôn ao ước và hướng tới. Nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng sụp đổ thì có nhiều, trong đó nổi
lên là thói “kiêu ngạo cộng sản”; là sự bảo thủ, giáo điều, trì trệ,
không chịu nhìn thẳng vào thực tế, chậm đổi mới tư duy, nhận thức, chậm đổi mới
chính sách, cơ chế, thiếu giải pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh
từ thực tiễn nhiều biến động của quá trình xây dựng, phát triển đất nước; là tệ
quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, quay lưng, vô cảm trước đời sống
nhân dân; là sai lầm do không nhận thức đúng đắn những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính biện chứng, nguyên tắc khách quan, lịch sử,
cụ thể và phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và
điều cốt tử hơn, đó là sự xa rời, thậm chí là sự phản bội chủ nghĩa Mác -
Lênin, phản bội lý tưởng Cách mạng Tháng Mười, phản bội nhân dân, trượt theo
con đường chủ nghĩa tư bản và là sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức,
lối sống của cán bộ, đảng viên, của tầng lớp lãnh đạo cao nhất của đảng cầm
quyền.
Nhìn
lại 103 năm Cách mạng Tháng Mười là dịp để chúng ta nghiêm túc
nhìn lại quá khứ, phát huy những thành tựu và bài học quý giá; nhận rõ hạn chế,
khuyết điểm và cả sai lầm để tỉnh táo, kiên quyết khắc phục và chỉnh đốn. Có
thể nói, lý tưởng cao đẹp và những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga
về độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội luôn tỏa sáng, là nguồn động lực to lớn, nguồn cảm hứng cách mạng mạnh mẽ
thôi thúc chúng ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhanh chóng thực hiện thành công
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
1. Ý nghĩa của Cách mạng
Tháng Mười Nga với sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc
và giải phóng con người
Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười
Nga cổ vũ nhân loại đấu tranh giải phóng giai cấp
Cách
mạng Tháng Mười Nga thành công không chỉ đánh dấu sự ra đời của Nhà nước xã hội
chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới mà còn tạo tiền đề cho sự ra đời của hệ thống
xã hội chủ nghĩa, một chế độ xã hội xóa bỏ mọi áp bức bất công, đem lại công
bằng, bình đẳng, tự do cho con người, đối lập với các chế độ xã hội của giai
cấp bóc lột trước đó. Lần
đầu tiên, Nhà nước Nga Xô - viết - nhà nước của dân, do dân và vì dân được
thiết lập. Đây là nhà nước dân chủ cho đa số người lao động. Ngay sau ngày cách
mạng thành công, chính quyền Xô - viết đã ban hành Sắc luật xóa bỏ mọi sự phân
biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị để tất cả chỉ còn một tên chung là công
dân của nước Cộng hòa Xô - viết Nga. Đầu tháng 01-1918, Đại hội Xô - viết toàn
Nga lần thứ III đã thông qua bản Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động,
khẳng định mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười Nga, của nhà nước Cộng hòa Xô -
viết Nga là lật
đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản Nga, giành quyền lãnh đạo xã hội về giai
cấp công nhân Nga, giải phóng nhân dân lao động khỏi địa vị nô lệ, bị áp bức và
trở thành người làm chủ xã hội mới. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng
Mười Nga đã “đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên
chính quyền của những người lao động”.
Cách mạng Tháng Mười Nga không những tạo ra
bước ngoặt căn bản trong lịch sử nước Nga mà “Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con
đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới
trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên
toàn thế giới”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười
Nga đã đưa chủ nghĩa xã hội khoa học từ
lý luận trở thành hiện thực. Vận dụng sáng tạo những nguyên lý khoa học
và cách mạng về chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã bổ sung và trực tiếp lãnh đạo thành công cách
mạng ở nước Nga.
Thắng lợi của Cách
mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân trong xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến đã
tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa giai cấp công nhân, nông dân lên nắm chính
quyền, biến ước mơ, nguyện vọng của quần chúng lao động về một chế độ xã hội
không còn bóc lột, áp bức, bất công thành hiện thực và đưa lý luận chủ nghĩa xã
hội khoa học đi vào thực tiễn sinh động ở nước Nga Xô-viết. Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của
Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các
dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho
sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”. Thắng lợi của cuộc cách
mạng Tháng Mười Nga không chỉ là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ, truyền cảm
hứng và tinh thần đấu tranh cho giai cấp vô sản, cho các dân tộc bị áp bức trên
thế giới mà còn vạch ra cách thức để giai cấp vô sản thực hiện thành công cuộc
cách mạng giành chính quyền, giành quyền làm chủ, giải phóng khỏi sự áp bức,
bao gồm cả áp bức dân tộc và áp bức giai cấp. Hơn thế nữa, với sự đời của nhà
nước Xô viết đầu tiên trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa ra một mô
hình nhà nước kiểu mới sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền.
Thứ hai,
Cách mạng Tháng Mười Nga cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
Thành công của cách
mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu
tranh chống ách xâm lược, cai trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân,
giải phóng giai cấp, giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội,
V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là
điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội
không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình
vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”.
Cách mạng Tháng
Mười Nga đã vạch ra tính tất yếu trong sự liên minh giữa phong trào công nhân
với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chỉ ra rằng, chỉ có cách mạng vô sản,
chỉ có sự giúp đỡ của giai cấp công nhân các nước đã nắm chính quyền thì mới có
thể giải phóng được vấn đề dân tộc, theo V.I.Lênin, “Với sự
giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến
tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ
nghĩa cộng sản không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho rằng “Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc,
phá tan cơ sở của nó và giáng cho nó một đòn chí mạng. Cách mạng Tháng Mười như
tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mê hàng thế kỷ nay. Cách mạng Tháng
Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải
phóng dân tộc”.
Cách mạng Tháng
Mười thành công đã tạo tiền đề đưa nước Nga từ một quốc gia có trình độ phát
triển trung bình nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp phát triển, đứng
đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười
Nga, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của
Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc
địa đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến,
tư sản, tự cứu lấy mình và giải phóng mình mà còn là xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy
phong trào giải phóng dân tộc, cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế phát triển. Đánh giá về ảnh hưởng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giống như
mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh
hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”.
Thứ ba, Cách
mạng Tháng Mười Nga cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp
bức, bóc lột, bất công
Cách mạng Tháng
Mười Nga thắng lợi, người dân trở thành công dân trực tiếp tham gia lực lượng
lao động, được đảm bảo về việc làm. Đồng thời, nền giáo dục ở nước Nga Xô-viết
được phổ cập và miễn phí ngay sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa được thành lập.
Nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về công tác y tế đã được hình thành ngay trong năm
1918. Chăm sóc sức khỏe được kiểm soát bởi Nhà nước và được cung cấp miễn phí
cho mọi công dân. Nhờ việc thiết lập hệ thống y tế rộng khắp, tỷ lệ tử vong ở
trẻ em đã giảm nhanh chóng, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên,
người phụ nữ nước Nga Xô-viết lần đầu tiên
được sinh đẻ trong những bệnh viện an toàn. Giáo dục, đào tạo và chăm sóc y tế
rộng rãi, miễn phí được đánh giá là sự ưu việt của nước Nga Xô-viết thời đó.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là thực tế sinh động chứng minh học
thuyết Mác - Lênin về giải phóng con người là đúng đắn. Cách mạng Tháng Mười
Nga là sự khởi đầu cho sự nghiệp giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột,
bất công. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, vấn đề giải phóng con người
được giải quyết một cách triệt để. Con người trở thành chủ nhân đích thực của
xã hội. Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Mười Nga
đã đưa công - nông lên nắm quyền, mở ra kỷ nguyên mới - xây dựng chủ nghĩa xã
hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng
lợi còn là nguồn cổ vũ to lớn, là động lực để các dân tộc bị áp bức đứng lên
làm cách mạng vì quyền con người. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện
thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người
vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã
hội”.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/8/1945 (ảnh trái); ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh phải).
(Ảnh tư liệu: TTXVN).
2. Cách mạng
Tháng Mười Nga đối với việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam
Đối với Việt Nam,
Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa và ảnh hưởng to lớn, sâu sắc trên nhiều
phương diện, cả về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ trước và sau khi Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến vĩ
đại của dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng phát triển đất nước
hiện nay.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã thổi một luồng ánh
sáng mới của thời đại - ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đến Việt Nam đúng
vào lúc phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang diễn ra
sôi nổi, quyết liệt nhưng không giành được thắng lợi, và lúc đó “cách mạng đen
tối như không có đường ra” bởi khủng hoảng về đường lối cứu nước. Chứng kiến
cảnh nước mất, nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của
nhân dân Việt Nam theo các khuynh hướng cứu nước khác nhau đều lần lượt thất bại,
người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nung nấu
quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh rời Cảng Sài
Gòn, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt,
Người quyết định sang Phương Tây, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê
hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những
từ “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái”; xem nước Pháp và các nước khác làm như thế
nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào.
Bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về
các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu
tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa. Người đã nghiên cứu
bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền
của cách mạng Pháp năm 1791, Người nhận thấy: “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách
mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục
công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[9]. Vì
vậy, Người không đi theo con đường cách mạng tư sản.
Năm 1920, Người đọc bản Sơ thảo luận
cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin trên báo
Nhân đạo. Người tìm thấy trong Luận cương của V.I.Lênin ánh sáng chân lý của thời
đại, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con
người, đó là con đường giải phóng dân tộc theo con
đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người
khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân
tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[10],
và Người đã viết: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng
Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”.
Tiếp thu và vận dụng sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nhanh chóng
xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù
hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham
gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị
mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử
trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ
chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Từ đó, con đường “cứu nước và giải
phóng dân tộc” chỉ có thể là “con đường cách mạng vô sản”, là con đường độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời
đại và cách mạng thế giới.
Vận
dụng đúng đắn và sáng tạo những nguyên lý cơ
bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những bài học lịch sử vô giá của Cách Mạng
Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh
đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh
ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong
lịch sử dân tộc và Đông Nam Á. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội, Đảng đã huy động được sức mạnh vĩ đại để làm nên chiến công oanh liệt
đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi cách mạng giải
phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó
là bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Sau khi
giành được độc lập, thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá ảnh hưởng và tác động sâu sắc của Cách
mạng Tháng Mười tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn
mạnh: “Cách mạng Tháng Mười Nga ảnh hưởng đến Việt Nam như tiếng sấm vang trong
đêm tối, nó đánh thức tinh thần giai cấp, tinh thần yêu nước, và gây lòng tự
tin cho công nhân, nông dân và nhân dân lao động”.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, sự lựa chọn con đường Cách
mạng Tháng Mười của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn
đúng đắn. Đó là sự lựa chọn phù hợp với quá trình phát triển của lịch sử dân
tộc và xu thế vận động của thời
đại. Trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi thay, nhất là sau sự kiện sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhờ
sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh
đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đưa “Đất nước ra khỏi khủng
hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát
triển có thu nhập trung bình, đang đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng
khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành,
phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân
có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng.
Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng,
xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh
về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của
Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”.
Kết luận
Những thành tựu đạt được trong 35
năm đổi mới ở Việt Nam, bên cạnh góp phần khẳng định những giá trị thời đại của
Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng thế giới nói chung và đối với cách
mạng Việt Nam nói riêng; đồng thời là minh chứng sinh động khẳng định tính đúng
đắn của con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn
theo đường hướng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay khi toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân đang triển khai nhiều hoạt động hướng tới Đại hội lần thứ XIII
của Đảng, với một tư duy dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm, dám
chịu trách nhiệm, chúng ta tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước sẽ đưa ra được những
giải pháp, biện pháp đúng đắn, kịp thời để biến nguy cơ, thách thức thành những
thời cơ, mà trên tất cả bằng việc củng cố sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân đối
với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ then chốt và có ý nghĩa quyết định
là xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam thật trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu cao. Muốn vậy Đảng cần làm tốt bổn phận “là người đầy tớ
thật trung thành của nhân dân”, xây dựng được hình ảnh người cán bộ, đảng viên
trong sạch, liêm khiết “vừa hồng vừa chuyên”; Có đường lối chiến lược đúng đắn,
phù hợp với các quy luật khách quan, sự vận động
của thế giới và tình hình thực tiễn phát triển của đất nước; xây dựng,
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; xây dựng được một Chính phủ kiến
tạo, liêm chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Với một dân tộc có truyền thống
văn hiến, đoàn kết, kiên cường, cần cù, thông minh, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt
Nam bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm lãnh đạo, một Đảng
luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của mình, chắc chắn
rằng con thuyền Cách mạng Việt Nam sẽ
tiếp tục vững vàng vượt qua mọi sóng gió, tiến về phía trước, đưa nhân dân Việt
Nam sớm cập bến thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo ánh sáng chỉ đường của Cách
mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.