Từ khóa: Đấu tranh,
phòng chống; thế lực thù địch; lợi dụng vấn đề dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng
bào dân tộc thiểu số
(Ảnh: https://moha.gov.vn)
Đặt vấn đề
Việt
Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc cùng sinh sống. Phần lớn các tộc
người thiểu số cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới, có vị trí
chiến lược về an ninh quốc phòng, và tiềm năng phát triển kinh tế. Vì thế,
những năm qua các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc bằng
nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước về vấn đề dân tộc; vu cáo, kích động gắn với vấn đề lịch sử, kinh tế,
văn hoá, tôn giáo... Quán triệt quan điểm Đảng theo tinh thần của Nghị quyết số
35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, cần tăng cường hơn nữa công tác
đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, ngăn chặn, phòng chống, đẩy lùi âm
mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của thế lực thù địch, đồng thời đề ra
những giải pháp phù hợp trong bối cảnh mới hiện nay.
1. Những thủ
đoạn cơ bản của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc
1.1. Một số
vấn đề dân tộc các thế lực thù địch thường lợi dụng
Về chính trị
tư tưởng: Các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trực tiếp là quan điểm, chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc
phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số. Họ tập trung vào các vấn đề về lịch sử,
đất đai, bảo tồn văn hóa dân tộc, những sai sót trong việc thực hiện các chính
sách dân tộc và sự khó khăn trong cuộc sống để kích động, lôi kéo đồng bào biểu
tình, bạo loạn.
Các thế lực thù
địch đẩy mạnh tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt
Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, chèn ép, phân biệt đối xử với các dân tộc
thiểu số. Họ ra sức kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về
kinh tế: Ở Việt Nam, sự phát
triển không đồng đều giữa các tộc người số thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu
số ở miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đảng và Nhà nước Việt Nam
đã không ngừng hỗ trợ, triển khai thực hiện nhiều chính sách thông qua các
chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển các vùng dân tộc thiểu số. Tuy
nhiên, một số tộc người thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi khu vực biên
giới đời sống kinh tế vẫn còn nghèo, còn nhiều khó khăn. Lợi dụng những điều
này, các thế lực thù địch đã đưa ra luận điệu xuyên tạc về các chính sách dân
tộc, nhằm phá hoại những thành quả mà Việt Nam đạt được, đồng thời chia rẽ khối
đại đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Về văn hoá: Cùng với quá
trình phát triển kinh tế, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, giữa các dân
tộc ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với những hoạt động giao lưu tiếp thu
những văn hóa mới thì những giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân
tộc thiểu số cũng phần nào bị mai một do tác động của phát triển kinh tế và
kinh tế thị trường. Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã
triển khai nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
các tộc người thiểu số. Song, các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động người
dân tộc thiểu số, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc.
Về tôn giáo: Các thế lực thù
địch tìm mọi cách để tập hợp, tài trợ, chỉ đạo các lực lượng phản động trong
các dân tộc thiểu số truyền đạo trái phép. Họ lợi dụng những khó khăn
về kinh tế, khát khao thoát nghèo, bế tắc trong cuộc sống, cùng với những tín
ngưỡng lỗi thời, cổ hủ của các tộc người thiểu số để tuyên truyền, lôi kéo họ
theo đạo lạ. Họ tập hợp những người cùng đức tin trong nội tộc
người hay giữa các tộc người cùng địa bàn cư trú hình thành các tổ chức tôn
giáo gắn với những tổ chức chính trị phản động, như: “Tin lành Đề ga” ở Tây
Nguyên, “Tin lành Vàng Chứ” của người Mông và “Tin lành Thìn Hùng” của người
Dao ở Tây Bắc. Ở Tây Nguyên, riêng “Tin lành Đề ga”, để lôi kéo được nhiều
người tham gia, những thành phần cầm đầu trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ
đoạn từ tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Việt Nam, đến lôi kéo, kích động, dọa dẫm, ép buộc đồng bào tham gia biểu tình
hay chỉ cần ghi tên tham gia. Lợi dụng các buổi sinh hoạt tôn giáo để xuyên tạc
và kích động người dân theo đạo [3, tr.56].
Qua nghiên cứu,
đồng bào dân tộc người theo Tin lành Vàng Chứ, Tin lành Thìn Hùng,... không vì
động cơ chính trị, chống nhà nước, chống chính quyền, nhưng chính bản thân họ
lại không thấy được âm mưu thâm độc của kẻ thù, nên dễ bị lợi dụng. Bên cạnh
đó, thế lực thù địch còn lợi dụng những khác biệt giữa người có đạo với
người không theo đạo để cường điệu thành mâu thuẫn giữa cộng sản vô thần với
nhân dân, khiến một bộ phận các tôn giáo trở thành lực lượng đối lập...
Hơn nữa, thế lực
thù địch còn triệt để lợi dụng những chính sách và biện pháp xử lý của các cơ
quan chức năng đối với những hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá
nhân tôn giáo, mâu thuẫn nảy sinh giữa bộ phận người có đạo và không theo
đạo,... Từ đó, đưa ra luận điệu xuyên tạc chính sách, thành quả mà Đảng và Nhà
nước đã làm cho nhân dân.
1.2. Các
hình thức lợi dụng vấn đề dân tộc
Thứ nhất, thế lực thù địch
hình thành các tổ chức phản động của người dân tộc thiểu số ở cả trong và ngoài
nước. Họ tài trợ, chỉ đạo, nuôi dưỡng, cử cố vấn, thành lập tổ chức, hội, nhóm
phản động đội lốt các tổ chức chính trị, xã hội, văn hoá, tôn giáo... của người
dân tộc thiểu số Việt Nam để xâm nhập và trực tiếp thực hiện hoạt động gây rối,
chống phá Đảng và Nhà nước. Điển hình như, người Mông có các tổ chức: Hội người
Mông quốc tế, Liên hiệp người Mông tự trị, Cộng đồng Tin lành Mông; Người Dao
có tổ chức Liên hiệp những người Dao; Các dân tộc Tây Nguyên có: Hội người
Thượng Đề ga (MDA), Hội bảo vệ nhân quyền Đề ga (MHRO); Người Chăm thành lập
các tổ chức: Mặt trận giải phóng xứ Chàm (FLC), Liên minh người Chăm tị nạn tại
Hoa Kỳ,...
Thứ hai, các thế lực thù
địch thường đánh tráo khái niệm “các dân tộc có quyền tự quyết” trong Cương
lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin để xuyên tạc. Thực chất quyền tự quyết ở
đây là quyền tự quyết quốc gia - dân tộc và phải được đặt trong mối liên hệ cụ
thể giữa các quốc gia - dân tộc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất
quán thực hiện bình đẳng, đoàn kết cùng phát triển giữa các dân tộc.
Ngoài ra, các thế
lực thù địch còn đánh lận khái niệm “quyền của người bản địa” trong Tuyên ngôn
về quyền của người bản địa của Liên Hợp Quốc năm 2007. Họ cắt xén, góp nhặt các
ý từ các điều trong Tuyên ngôn, lấy đó làm cớ để kích động mâu thuẫn, hận thù
trong những mối quan hệ dân tộc.
Thứ ba, các thế lực thù
địch tiến hành những hoạt động can thiệp bí mật, bất hợp pháp bằng cách sử dụng
các hình thức truyền thông qua các kênh thông tin, đài phát thanh bằng tiếng dân tộc, như: FEBC, Vatican, VOA, BBC, phát
sóng chương trình “Tiếng nói FKK” ở Campuchia... Ngoài ra, họ còn phát
tán tài liệu phản động dưới dạng sách, báo, tạp chí, kinh sách, băng, tranh
ảnh, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, lời lẽ ngắn ngọn, dễ nhớ. Kết hợp với các
hình thức khác như thăm thân, biếu tặng, hoạt động từ thiện, tận dụng những
người đồng tộc, dòng họ để phát tán, truyền tay nhau. Nội dung chủ yếu là xuyên
tạc, bôi nhọ, kích động nhân dân chống phá Đảng, chính quyền, chia rẽ khối đại
đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, họ sử dụng mạng xã hội, facebook, blogger... viết
bài, đưa những hình ảnh, video xuyên tạc, vu cáo, kêu gọi dân chủ, nhân quyền,
tự do ngôn luận, gây nhiễu loạn tư tưởng của đồng bào, nhằm chia tách quần
chúng ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Thứ tư, lợi dụng các vấn
đề tôn giáo ở vùng dân tộc để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Những tổ chức phản động, liên tục vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền,
quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Họ cố tình gây căng thẳng, tạo ra
những điểm nóng ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ,... để hợp pháp hoá sự can
thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Nhìn chung, thế lực
thù địch đang tìm mọi cách, bằng nhiều con đường, biện pháp tiến hành các thủ
đoạn, tạo mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc nhằm chia rẽ sự đoàn kết giữa
nội bộ các tộc người và giữa các tộc người với nhau, chống phá Đảng và Nhà
nước.

(Ảnh:
hanoimoi.com.vn)
2. Một số
giải pháp phòng, chống lợi dụng vấn đề dân tộc của thế lực thù địch
Để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tăng cường
khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cần phải
tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như:
Một là, nâng cao nhận
thức, tinh thần trách nhiệm và vai trò của cấp uỷ Đảng và đội ngũ cán bộ người
dân tộc thiểu số. Thông qua việc hằng ngày làm việc, tiếp xúc với
nhân dân, trực tiếp sinh hoạt cùng nhân dân nơi cư trú, cán bộ lãnh đạo, quản
lý cấp cơ sở có thể nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn,
bức xúc trong nhân dân, từ đó, có hướng giải quyết kịp thời, làm cho những mâu
thuẫn đó không tích tụ, trở thành những “điểm nóng” để các thế lực thù địch có
cơ hội lợi dụng. Hơn nữa, cán bộ cơ sở tham mưu xây dựng, ban hành các nghị
quyết, chương trình hành động, biện pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch trên địa bàn. Các cấp uỷ Đảng, cán bộ người dân tộc thiểu số cần
tích cực triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, củng cố khối đại
đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt chính sách dân
tộc, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của đồng bào. Tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc về kinh tế, văn
hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược
và kế hoạch phát triển theo vùng, dài hạn mang tính hiệu quả bền vững, khắc
phục sự chồng chéo, dàn trải, bất cập trong hệ thống chính sách dân tộc, để
thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo
dục chính trị, tư tưởng cho đồng bào các dân tộc, là đối tượng dễ bị các thế
lực thù địch lôi kéo, lợi dụng, kích động, giúp đồng bào có khả năng nhận biết
được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cấp ủy, chính quyền cơ
sở, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cần thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt
tình hình, tâm tư của bà con, kịp thời giải quyết những bức xúc, không để xảy
ra các điểm nóng về chính trị - xã hội.
Bốn là, phát huy vai trò của người có uy tín
trong các tộc người, tôn giáo tham gia vào phòng chống sự lợi dụng vấn đề dân
tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Xây
dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc có chất lượng, có chính sách đào
tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hình thành đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số
đông về số lượng, giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội. Quan trọng hơn, những người làm công tác dân tộc cần phải am hiểu thực tiễn, hết lòng vì đồng
bào. Như vậy, sẽ tạo được sự đồng thuận, niềm tin giữa chính quyền và người
dân, tránh kẽ hở để thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc.
Năm là, ổn định đời sống, chú
trọng phát triển kinh tế - xã
hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc thiểu số. Triển khai
thực hiện tốt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, tạo sinh kế bền vững, thu hẹp
giữa
các vùng, các dân tộc. Đồng thời, cần chủ động giải quyết các vấn đề dân
tộc, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, quản lý công tác dân tộc, tôn giáo theo pháp
luật.
Sáu là, đấu tranh ngoại
giao là mặt trận hết sức quan trọng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên
trọng tâm là từng bước củng cố và nâng cao hơn nữa uy tín của Đảng, Nhà nước
Việt Nam trên trường quốc tế. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống lợi
dụng chống phá của thế lực thù địch. Đây là công việc vô cùng khó khăn, phức
tạp, lâu dài nên cần có sự thống nhất trong chỉ đạo và phối hợp hành động, sự
tham gia của cả hệ thống chính trị.
Kết luận
Những năm qua, vấn
đề dân tộc luôn là điểm nóng, các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền kích động, vu cáo Việt
Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền... Họ lôi kéo một bộ phận người dân tộc tham
gia vào các tổ chức phản động, chống chế độ, chống phá Đảng và Nhà nước, hòng chia
rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục tích cực đấu tranh, phòng, chống các hoạt động lợi
dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch để bảo vệ cuộc sống bình yên cho
đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, tăng cường
khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần
phát phát triển đất nước bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.