Thứ Bảy, ngày 15/10/2022, 10:16

Thắng lợi vĩ đại của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một tất yếu lịch sử của cách mạng Việt Nam

TRẦN THỊ THÚY HÀ - NGUYỄN THỊ DUNG
Học viện Chính trị khu vực I - Trường Đại học Công nghiệp Việt-Hung

(GDLL) - Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là một tất yếu lịch sử của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh với chiến thuật mềm dẻo, sự chuẩn bị chu đáo cho Tổng khởi nghĩa, nhận diện thời cơ để chớp thời cơ mau lẹ và nhất là huy động được toàn dân nổi dậy. Bài viết tập trung làm sáng tỏ một số yếu tố làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó khẳng định ý nghĩa lịch sử bất diệt của sự kiện quan trọng này.

Từ khóa: Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.

Những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội(Ảnh: hochiminh.vn)

Đặt vấn đề

Sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, lãnh đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939, chuẩn bị những tiền đề cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng khi tình hình trong nước và quốc tế có những chuyển biến mau lẹ, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, trên hết và phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa. Với sự chủ động, sáng tạo và kinh nghiệm của 15 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền với chiến thuật linh hoạt, chớp thời cơ ngàn năm có một. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên nhân dân làm chủ vận mệnh đất nước, đồng thời cũng là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, là thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trong thế kỷ XX. Sửa soạn khởi nghĩa chu đáo; chiến thuật mềm dẻo, khôn khéo, phù hợp; nghệ thuật chớp thời cơ và phát huy sức mạnh quần chúng hiệu quả của Đảng là những yếu tố góp phần làm nên thắng vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

1. Quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng về công tác tổ chức và chuẩn bị khởi nghĩa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa chu đáo đến mức nghệ thuật trên mọi lĩnh vực.

Một mặt, thống nhất các lực lượng cách mạng nhân dân, huy động nhân lực và tài lực, để kích thích lòng yêu nước của nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại khủng bố trắng để bảo vệ những quyền và lợi ích hàng ngày.

Mặt khác, phát triển các tổ chức bán quân sự như đội tự vệ, đào tạo cán bộ quân sự và chính trị, mua sắm vũ khí, xây dựng và củng cố chiến khu, binh vận, huấn luyện nhân dân làm công tác phá hoại, thực hiện vườn không nhà trống... phát động chiến tranh du kích, giành chính quyền địa phương. Về đội tự vệ cũng cần có sự trang bị căn cứ theo nhiệm vụ cụ thể: “Đội tự vệ chiến đấu hay tiểu tổ du kích phải có võ khí cần cho việc đánh du kích, ví dụ: súng ống, bom đạn, giáo mác, cung nỏ, v.v.. Đội tự vệ thường phải có khí cụ phá hoại như sau: mìn, địa lôi phục, cuốc xẻng, kìm búa, lắc lê, kích, xà beng và bản đồ để tiện việc điều tra những cơ quan quân sự của địch”[1, tr.354].

Trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, tinh thần hy sinh chưa đủ bảo đảm cho sự thắng lợi, muốn thắng lợi phải chuẩn bị điều kiện cho cuộc khởi nghĩa. Chuẩn bị về quân sự, lập căn cứ địa, tổ chức quân đội cơ bản, vũ trang bộ đội và nhân dân. Điều kiện cho khởi nghĩa được chuẩn bị tỉ mỉ, chi tiết, từ việc biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, đến hướng dẫn, luyện tập. Biên soạn và phát hành các tài liệu như Chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, Hãy tích cực sửa soạn khởi nghĩa, Sắm vũ khí đuổi thù chung, Tiến tới tổng khởi nghĩa... và các sách huấn luyện chiến thuật du kích. Về căn cứ địa cách mạng, từ cuối năm 1941 hai căn cứ địa là Bắc Sơn - Đình Cả (Lạng Sơn - Thái Nguyên) và Cao Bằng - Bắc Kạn. Về quân đội, thành lập Việt Nam Giải phóng quân từ phong trào đấu tranh chống khủng bố trắng (1941-1945) Việt Nam cứu quốc quân phôi thai trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (10 - 1940), phát triển trong du kích Đình Cả, Tràng Xá (8 - 1941 đến 4 - 1942) và trong cuộc đấu tranh vũ trang lần thứ hai ở Đình Cả (cuối năm 1942), đến năm 1945 hai đạo quân này đã thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.

Làm cho quần chúng nhân dân có ý thức về công việc sửa soạn khởi nghĩa và tích cực tham gia sửa soạn khởi nghĩa, đồng thời kết hợp hành động quân sự của du kích với hành động của quần chúng, làm cho quần chúng nhận thức rõ sự cần thiết của vũ trang tiến tới giành độc lập. Những cuộc đấu tranh chống Nhật, Pháp dồn làng bắt người, chống thu thóc, bắt lính, bắt phu, chống phá mầu trồng đay hoặc càn hàng, cướp chợ... đã xúc tiến công việc vũ trang quần chúng, tập dượt cho quần chúng mạnh dạn tiến tới tổng khởi nghĩa.

2. Chủ động, sáng tạo trong nhận diện tình hình và linh hoạt trong phương pháp đấu tranh

Sau cuộc chính biến ngày 9 - 3 -1945, Việt Minh phát động đánh du kích, giành chính quyền địa phương, tổ chức vùng thượng du và trung du Bắc Bộ thành căn cứ địa kháng Nhật. Đồng thời, Việt Minh thay đổi các khẩu hiệu, các hình thức tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh để động viên quần chúng, huy động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền một cách mau lẹ.

Trục tâm của công tác tuyên truyền cốt yếu vạch mặt phát xít Nhật, đánh đổ tất cả những ảo tưởng lợi dụng Nhật, hợp tác với Nhật, hòng dùng những khả năng hợp pháp đòi cải cách... Với hình thức tuyên truyền phổ thông là diễn thuyết ở các xí nghiệp, trường học, chợ, các ngả đường, công khai trưng cờ, băng-rôn, áp-phích và phát các tài liệu cách mạng. Đồng thời kết hợp hình thức tuyên truyền đặc biệt là vũ trang tuyên truyền bằng mọi cách, kể cả cách vũ trang tuần hành và du kích.

Về đấu tranh, giải quyết nạn đói là vấn đề cấp thiết, lãnh đạo quần chúng phá kho thóc của Nhật, tùy tình thế, biến các cuộc biểu tình đi xúc thóc thành các cuộc biểu tình thị uy vũ trang. Hình thức đấu tranh phổ thông là biểu tình vũ trang, kết hợp với hình thức đấu tranh đặc biệt là du kích ở các cùng có địa thế, dùng Đội danh dự trừ gian ở thành thị và thôn quê.

Về tổ chức, khéo léo vận dụng những tổ chức quá độ để thực hiện chính quyền địa phương, đặc biệt là phát triển những đội tự vệ cứu quốc và tự vệ chiến đấu hay tiểu tổ du kích, tổ chức các đội dân quân. Hình thức tổ chức phổ thông là các hội cứu quốc, nhất là tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu. Hình thức tổ chức đặc biệt là Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời, các Ủy ban nhân dân, Ủy ban giải phóng - một hình thức tổ chức vừa có tính hành chính, chính trị vừa có tính quân sự (tính chất tiền chính phủ), song song tồn tại với các cơ quan hành chính địa phương của Nhật. Sau ngày Tổng khởi nghĩa, các Ủy ban này đã biến thành những cơ quan hành chính chính thức ở địa phương, sau nữa là Ủy ban khởi nghĩa Toàn quốc, Ủy ban hành động ở mỗi xứ hay mỗi địa phương... Như vậy, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945, chiến thuật của Việt Minh thể hiện rõ sự mềm dẻo, linh hoạt.

Một là, biết lợi dụng triệt để và kịp thời những khả năng sau ngày Nhật đảo chính Pháp để lãnh đạo nhân dân chủ động chuyển qua các hình thức đấu tranh, tổ chức cao và mới, không bị động trước những diễn biến nhanh của tình hình. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, vũ trang tuyên truyền, quần chúng biểu tình, tuần hành thị uy, đánh úp các đồn lẻ, các phủ huyện ở đồng bằng, tiêu trừ quân Nhật, tổ chức các đội dân quân ngay cả ngoài khu du kích... cho thấy chiến thuật linh động và mềm dẻo. Các hoạt động này đã khiến cho quân thù rối loạn, đồng thời phát huy cao độ tinh thần cứu quốc, sáng kiến của quần chúng trong đấu tranh, lôi kéo các tầng lớp lừng chừng và phổ biến phong trào cứu quốc nhanh chóng ra khắp nước.

Hai là, nhận diện đúng tình hình và chọn đúng việc mấu chốt phải làm ngay và tập trung hết tâm lực để làm cho bằng được. Sự kiện Nhật đảo chính Pháp xảy đến giữa lúc nạn đói đang hoành hành dân tộc Việt Nam. Hàng triệu đồng bào chết đói bên cạnh những kho thóc đầy ắp của Nhật. Khi đó, việc lãnh đạo quần chúng nhân dân vũ trang đánh phá các kho tóc của Nhật và các đồn điền tích trữ đầy nông sản của thực dân Pháp chính là một việc mấu chốt mà Đảng và Mặt trận Việt Minh đã nắm lấy và giải quyết thấu đáo. Từ đây, quần chúng đông đảo có tổ chức cũng như chưa có tổ chức hăng hái tham gia phong trào kháng Nhật, càng tham gia càng nhận rõ bản chất của kẻ thù và nhận thức được sức mạnh của mình. Phong trào cứu quốc phát triển rầm rộ, nhân dân vũ trang nhanh chóng, thành lập các đội tự vệ, Ủy ban giải phóng hình thành ở nhiều tỉnh.

Ba là, vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức quá độ như Ủy ban nhân dân cách mạng, Ủy ban công nhân cách mạng, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, lấn át và làm tê liệt bộ máy chính quyền địch. Điều này mang lại cho nhân dân một cơ hội tập dần công việc hành chính, làm cho nhân dân lần đầu tự mình cầm lấy vận mệnh của mình, tự mình cởi xiềng và cải thiện đời sống cho mình bằng phương pháp trực tiếp, bỏ qua chính quyền của phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Những tổ chức quá độ ấy đã động viên và hiệu triệu quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng, làm cho mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật phát triển rộng khắp, gây mầm cho nhà nước Việt Nam mới. Sau cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, những Ủy ban giải phóng chuyển thành những cơ quan hành chính - một đặc sắc trong chiến thuật trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

3. Kiên quyết và kịp thời phát động Tổng khởi nghĩa

Tổng khởi nghĩa nổ ra đúng lúc, kịp thời và giành chính quyền mau lẹ. Nếu cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra ngay ngày 9 - 3 - 1945 khi Nhật vừa đảo chính, đánh đổ Pháp thì cách mạng có thể tổn thất nhiều, chính quyền chưa thể thành lập do Nhật lúc đó còn mạnh. Do vậy, Đảng chọn phương án khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận. Nếu sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, nhân dân ta bị động trông chờ Đồng minh, không nổi dậy tự giành chính quyền thì kịch bản có thể là bọn tay sai Nhật tuyên bố thoát ly ảnh hưởng Nhật và tự xưng độc lập để đầu hàng Đồng minh hơn là giải phóng dân tộc hoặc Pháp sẽ ngóc dậy, cùng bọn Việt gian thân Pháp lập chính quyền bù nhìn và tuyên bố thi hành bản tuyên ngôn ngày 24 - 3 - 1945, cho Đông Dương tự trị.

Sau khi phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12 - 3 - 1945, Trung ương Đảng đã nhận định sáng suốt rằng, bây giờ tình hình đã có nhiều thuận lợi mới, nhưng “điều kiện khởi nghĩa... hiện nay chưa thực chín muồi”. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng dự kiến những hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện tổng khởi nghĩa, như khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật đã bám chắc, tiến sâu trên lãnh thổ Việt Nam và quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh, để phía sau lưng sơ hở thì đó là lúc phát động khởi nghĩa vô cùng thuận lợi. Hoặc cũng có thể là lúc “nếu cách mạng Nhật bùng nổ, và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đông minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”[1, tr.373].

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Kiên quyết chớp thời cơ, Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính. b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy. c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”[1, tr.425].

Ngày 16 - 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minhkêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”[2, tr.596].

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội

(Ảnh: dangcongsan.vn)

Như vậy, nhận diện rõ các tình huống có thể xảy ra, chớp thời cơ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân kháng Nhật cứu nước, tích cực tạo ra những điều kiện thắng lợi cho cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đến khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, ta lập tức hạ lệnh Tổng khởi nghĩa, dùng lực lượng cách mạng của quần chúng giành chính quyền từ tay Nhật, tổ chức chính quyền mới.

4. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần bởi toàn dân đoàn kết, toàn dân nổi dậy. Cách mạng Tháng Tám đã lôi cuốn được đại đa số quần chúng nổi dậy, làm tê liệt, cô lập bọn phản động. Nếu cuộc khởi nghĩa không lôi cuốn được toàn dân thì một là thực dân Pháp có chỗ lách mình vươn lên qua lợi dụng số quần chúng không tán thành cách mạng mà lôi kéo, gây ảnh hưởng, rồi chúng dựa vào đó mà tuyên bố nhân dân Việt Nam hoan nghênh chúng quay trở lại, đồng thời chúng sẽ gán cho quân cách mạng cái mác “phiến loạn”... Mặt khác, bọn phản động có thể lợi dụng để đào thêm ngăn cách giữa các tầng lớp nhân dân ta. Hoặc chúng có thể gây ra nội chiến, đẩy dân tộc ta vào tình thế chia rẽ, hỗn độn, làm cho dân ta yếu đi để dễ bề gây ảnh hưởng rồi cai trị trở lại. Thực tiễn lịch sử cho thấy, toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết, đồng loạt làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công.

Đó là, khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn. Đường lối đó luôn thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Như vậy, quan điểm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, một mặt khẳng định sức mạnh nội lực, mặt khác kế thừa, phát triển tư tưởng “lấy dân là gốc” của dân tộc ta. Mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám là đem lại lợi ích tối cao cho dân tộc, vì lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; đó là: đánh đổ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân,... Vì thế, trước lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, toàn dân đã nhất tề đứng lên giành chính quyền.

Huy động được sức mạnh toàn dân là nhờ vào chủ trương, đường lối đúng đắn giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tổ chức lực lượng hùng hậu của Đảng thông qua mặt trận Việt Minh. Việt Minh đã tạo dựng uy tín vững chắc trong nhân dân, thống nhất được các tầng lớp nhân dân nổi dậy. Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng vì đó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Đảng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cuộc cách mạng này, Đảng đã giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng nhất là độc lập dân tộc (đánh đuổi thực dân Pháp) và tự do cho nhân dân (lật đổ chế độ phong kiến tay sai) - đây là mục tiêu, là giá trị cốt lõi của lý tưởng chính trị “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn ngay từ khi thành lập Đảng, là nền tảng quan trọng đưa Đảng trở thành lực lượng cầm quyền một cách chính đáng.

Tuy nhiên, gần đây cũng có một số ý kiến, quan điểm cho rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 do Đảng, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo là một sự ăn may. Ý kiến trên không phản ánh đúng thực tế lịch sử cũng như sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đúng là để có một thắng lợi trọn vẹn cần hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Soi chiếu vào thực tiễn cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam suốt 15 năm kể từ khi có Đảng lãnh đạo (1930) thì đến Tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945, thì Tổng khởi nghĩa đã có 15 năm chuẩn bị, tôi luyện trong đó đặc biệt là từ sau Hội nghị Trung ương 8 (5 - 1941) với không ít mất mát đau thương và những bài học kinh nghiệm được rút ra, chứ không phải chỉ có khoảng nửa tháng như diễn biến chính của Tổng khởi nghĩa. Bên cạnh đó, một thực tế hiển nhiên là ở thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới, cụ thể là ở Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á đều có chung điều kiện khách quan thuận lợi, thời cơ rõ rệt là chủ nghĩa phát xít bị đánh bại để khởi nghĩa giành chính quyền, chứ không phải chỉ Việt Nam, Mặt trận Việt Minh mới có cơ hội ấy. Đồng thời tại Việt Nam khi đó cũng có rất nhiều các lực lượng, đảng phái khác nhau. Song hiếm có quốc gia nào lại chớp được thời cơ như Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Thế nên, thắng lợi của Tổng khởi nghĩa không thể cho rằng đó là kết quả của một sự ăn may hay từ một khoảng trống quyền lực nào đó tạo ra. Đó là kết quả của sự chuẩn bị kỳ công, trong một thời gian khá dài, với nhiều tổn thất, hy sinh, các điều kiện cần và đủ để bảo đảm thắng lợi khi tiến hành tổng khởi nghĩa. Sự chuẩn bị nội lực - điều kiện chủ quan - có ý nghĩa quyết định thắng lợi và đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng, đón bắt và tận dụng thời cơ khi thời cơ đến. Và đó chính là tất yếu lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Kết luận

Với đường lối cách mạng đúng đắn, chuẩn bị khởi nghĩa chu đáo, chiến thuật mềm dẻo, khôn khéo, phù hợp; nghệ thuật chớp thời cơ và phát huy sức mạnh quần chúng hiệu quả, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua cuộc đấu tranh giành độc lập đầy cam go mà hào hùng này, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó đặc biệt phải kể đến sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, từ đó tạo niềm tin của nhân dân; bài học về nắm thời cơ giành chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận của toàn dân; tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế... Những thành quả vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được Đảng và nhân dân củng cố, phát huy qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi đến hòa bình, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát huy cao độ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[3] Trịnh Nhu, Trần Trọng Thơ (2020), Cách mạng tháng Tám 1945 - thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Mạch Quang Thắng (2020), Bài học của Cách mạng Tháng Tám đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, https://tuyengiao.vn

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.