Từ khóa: chủ nghĩa Mác - Lênin; Đảng Cộng
sản Việt Nam; nền tảng tư tưởng của Đảng; tư tưởng Hồ Chí Minh.

V.I.Lênin trong Cách mạng Tháng Mười Nga 1917.
Đặt vấn đề
Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ
XX cho đến nay đã chứng minh rằng mọi thắng lợi, thành quả mà đất nước có được
đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt
Nam; gắn liền với việc lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng, làm lý luận tiền phong dẫn đường, chỉ lối. Tuy nhiên, hiện
nay có những tư tưởng lệch lạc, sai trái về vấn đề này cho rằng chủ nghĩa Mác -
Lênin đã lỗi thời và nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là
đủ. Có thể nói: “cả về lý luận và cơ sở thực tiễn đều chỉ ra rằng, đó là tư tưởng
sai lầm từ phương pháp tiếp cận vấn đề đến cái nhìn sai lệch, thiếu toàn diện đối
với lịch sử và thực tiễn”[3, tr.63]
Bài viết đóng góp một số luận cứ cho việc phản
bác tư tưởng lệch lạc đó.
1. Sức sống bền vững của chủ nghĩa
Mác - Lênin
Những mơ ước về một xã hội công bằng, bình đẳng
và hạnh phúc là mong muốn, là mục tiêu phấn đấu của tất cả những người lao động,
yêu chuộng tự do, bình đẳng, hòa bình trên toàn thế giới, không phải của riêng
ai, quốc gia nào. Trong lịch sử, những mong muốn đó đã được định danh bằng những
thuật ngữ như “Utopia”, chủ nghĩa xã hội (CNXH) không tưởng…, và với hệ thống
lý luận do C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I.Lênin xây dựng (chủ nghĩa Mác - Lênin) thì
đó là CNXH khoa học. Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là sự phát triển tiếp nối hợp
quy luật của dòng chảy lịch sử tư tưởng nhân loại, là sự phản ánh chân thực hiện
thực khách quan, đặc biệt là thực tiễn lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thập niên cuối thế kỷ XX, sự tan
rã, sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu được xem là sự kiện làm rung
chuyển thế giới. Các thế lực thù địch, với các luận điệu chống phá, các
quan điểm sai trái cả ở trong và ngoài nước đã tận dụng cơ hội này để nói rằng
chủ nghĩa Mác - Lênin là không đúng, không tưởng hay ít ra là không phù hợp, hoặc
đã lỗi thời. Rất nhiều các nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và khách quan sau đó đều
chỉ ra rằng: “Sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trong những năm cuối
thế kỷ XX là tổn thất lớn của phong trào cách mạng thế giới, song không làm
thay đổi tính chất của thời đại; Loài người “nhất định sẽ tiến lên CNXH”
theo quy luật tiến hóa của lịch sử”[4, tr.5]; Lý luận tiên phong dẫn đường cho
sự “tiến lên” đó vẫn không thể là gì khác ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin bởi
vì đây là học thuyết, là hệ thống lý luận khoa học mở, được bổ sung, phát triển
liên tục, có sức sống bền vững và do đó không lỗi thời và càng không thể bị
coi là lỗi thời. Điều này thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
Tính khoa học và cách mạng: “tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin thể
hiện ở sự thống nhất giữa nội dung của chân lý khách quan và hình thức là hệ thống
lôgích chặt chẽ, hoàn thiện”[1, tr.174-175]; tính khoa học thống nhất với tính
cách mạng: “Chỉ có lý luận khoa học mới có thể chỉ đạo giai cấp vô sản làm cách
mạng thắng lợi. Và cũng chỉ trong thực tiễn cách mạng của quần chúng mới chứng
minh và bảo vệ được tính khoa học, tính chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và đồng
thời phát triển lên một tầm cao mới”[1, tr.175]; mối quan chặt chẽ hệ giữa chủ
nghĩa Mác với khoa học tự nhiên đương thời (thuyết Tiến hóa, thuyết Tế bào, định
luật Bảo toàn chuyển hóa năng lượng).
Tính hệ thống của chủ nghĩa Mác - Lênin được quy định từ yêu cầu giải
phóng giai cấp công nhân và toàn thể loài người khỏi sự áp bức, bóc lột: “Hệ thống
lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trước hết do đòi hỏi của tính mục đích của
nó, nhằm giải phóng giai cấp công nhân và toàn thể loài người khỏi sự áp bức,
bóc lột”[1, tr.177]. Tính hệ thống này còn được thể hiện ở chỗ nó được trình
bày theo một trật tự chặt chẽ, tuân theo các quy luật của logic học. Toàn bộ
các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống thống nhất và đều có
cơ sở phương pháp luận: “Cơ sở phương pháp luận của hệ thống lý luận chủ nghĩa
Mác - Lênin là triết học Mác - Lênin. Bản thân triết học Mác - Lênin là một thể
thống nhất của nhiều bộ phận. Đó là sự thống nhất chủ nghĩa duy vật và phép biện
chứng”[1, tr.180].
Tính thực tiễn, quan điểm thực tiễn là quan điểm cơ bản của chủ nghĩa
Mác -Lênin và hơn nữa học thuyết này được hình thành và phát triển trên cơ sở
thực tiễn: “Việc xác lập quan điểm thực tiễn đã tạo ra một bước chuyển biến
cách mạng trong lý luận và hình thành một thế giới quan mới cho giai cấp công
nhân. Thực tiễn là cơ sở hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin”[1,
tr.182].
Tính phê phán, tính cách mạng, học thuyết này là vũ khí tinh thần
của giai cấp vô sản để phê phán xã hội tư bản và hướng đến xây dựng xã hội mới,
phát triển cao hơn về chất - xã hội XHCN:
“Tính phê phán, tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện trước hết chủ
nghĩa Mác được coi là vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản phê phán xã hội cũ -
xã hội tư bản và xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN”[1, tr. 185]. Chủ nghĩa Mác
- Lênin dựa trên cơ sở phép biện chứng mà một trong những nội dung cốt lõi của
nó là nguyên lý về sự phát triển - nội dung thể hiện tính cách mạng triệt để nhất
và sâu sắc nhất: “Phép biện chứng đã cung cấp cho giai cấp vô sản một công cụ
nhận thức khoa học, nhìn nhận mọi sự vật và hiện tượng đều luôn vận động và
phát triển, xã hội tư bản không phải là tồn tại vĩnh viễn, nó có quá trình sinh
ra, phát triển và cũng sẽ tiêu vong”[1, tr.185].
Tính sáng tạo, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tổng
kết, kế thừa, phê phán những thành tựu lý luận và thực tiễn của nhân loại để
xây dựng nên chủ nghĩa Mác; tính sáng tạo này còn bộc lộ rõ nhất thông qua hai
phát kiến có giá trị vạch thời đại của C.Mác là quan niệm duy vật về lịch sử và
học thuyết giá trị thặng dư: “Sự sáng tạo thể hiện rõ nhất trong hai phát kiến
vĩ đại của C.Mác là: chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng
dư”[tr.186]; các quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen đã được V.I.Lênin kế thừa,
phát triển và vận dụng sáng tạo trong giai đoạn CNTB phát triển thành chủ nghĩa
đế quốc: “V.I.Lênin đã đi sâu phân tích đặc điểm của thời đại và chỉ ra CNTB đã
phát triển đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, ở giai đoạn này CNTB có nhiều biểu
hiện khác với giai đoạn CNTB phát triển tự do”[1,tr.187].
Tính nhân văn, mục tiêu tối cao và cuối cùng của chủ
nghĩa Mác - Lênin là hướng đến sự giải phóng con người: “Cần phải thấy rằng, mục
tiêu giải phóng con người được nhất quán từ đầu cho đến cuối cùng trong suốt
quá trình lịch sử hình thành phát triển của chủ nghĩa Mác”[1, tr.193]. Chủ
nghĩa Mác - Lênin không chỉ đề ra mục tiêu mà đã xác định cách thức, con đường,
phương hướng để con người có thể tự giải phóng mình: “Bản chất nhân văn của chủ
nghĩa Mác không chỉ là đề ra mục tiêu giải phóng con người, loài người khỏi áp
bức, bóc lột mà còn ở chỗ chủ nghĩa Mác đã phát hiện ra chủ nghĩa duy vật lịch
sử, phát hiện ra bản chất của con người và những quy luật phát triển của xã hội
loài người. Trên cơ sở lý luận đó, chủ nghĩa Mác đã xác định được phương hướng
xây dựng một xã hội mới, thực hiện quyền tự do phát triển của mỗi con người”[1,
tr.193].
Sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin đã
được chứng minh bởi thời gian, bởi thực tế lịch sử không thể phủ nhận. Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã làm cho CNXH từ không tưởng trở thành khoa học; với Cách mạng
Tháng Mười Nga (được soi sáng bởi lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin),
CNXH từ lý tưởng (lý thuyết) trở thành hệ thống XH hiện thực; Chủ nghĩa Mác - Lênin
là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học của việc xây dựng hệ thống CNXH
hiện thực, và cũng qua thực tiễn xây dựng hệ thống CNXH hiện thực, lý luận về
xã hội XHCN được kiểm nghiệm, bổ sung, phát triển. Có thể nói: “vận mệnh của học
thuyết Mác-Lênin về CNXH nói riêng, của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung gắn liền
với vận mệnh của CNXH hiện thực, ngược lại sự phát triển của CNXH hiện thực
không tách rời sự phát triển của lý luận Mác - Lênin”[4, tr.523].
Thực tế lịch sử cho thấy CNXH hiện thực còn nhiều
khiếm khuyết (do hạn chế lịch sử và sai lầm chủ quan) nhưng đã và hiện tại vẫn
thể hiện tính ưu việt của nó. “Sự khủng hoảng của hệ thống XHCN cuối thế kỷ XX
chỉ chứng tỏ rằng: CNXH “không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn
theo”, mà là “một phong trào hiện thực”, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nói, thông
qua thực tiễn mà con đường đi tới mục tiêu lý tưởng sẽ được tìm tòi sáng tạo
ra”[3, tr.524]; sự khủng hoảng của CNXH hiện thực ở Liên xô, Đông Âu là cái giá
phải trả cho sai lầm chủ quan, nhưng cũng “nhờ đó” CNXH hiện thực được đổi mới,
tồn tại và tiếp tục phát triển; “cải tổ” thất bại hay “đổi
mới”, “cải cách” thành công là tùy thuộc vào vai trò của nhân tố chủ quan,
trong đó việc nắm vững vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là điều kiện
tiên quyết[4,
tr.524].
2. Cách mạng Việt Nam gắn liền với
chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

(Ảnh: http://thinhvuongvietnam.com)
Trong khi Liên xô và các nước XHCN Đông Âu khủng
hoảng, tan rã thì ở Việt Nam, Trung Quốc, công cuộc xây dựng xã hội thông qua đổi
mới (Việt Nam); cải cách, mở cửa (Trung Quốc) có được những thành tựu rất đáng
tự hào. Thực tế này đặt ra một câu hỏi: tại sao Liên Xô và các nước XHCN
Đông Âu, cũng như Việt Nam, Trung Quốc đều là những quốc gia xây dựng đất nước,
thể chế chính trị, kinh tế, xã hội theo lý luận nền tảng, ngọn cờ tư tưởng là chủ
nghĩa Mác - Lênin mà Liên Xô và Đông Âu thì thất bại, còn Việt Nam, Trung Quốc
lại thành công ?. Câu trả lời là, Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt tiến
trình cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới từ 1986 đã luôn lựa chọn, xác
định và kiên định nền tảng tư tưởng, ngọn cờ lý luận với tư cách hệ tư tưởng,
chủ thuyết bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước là chủ nghĩa Mác - Lênin, và sự
vận dụng tài tình, phù hợp chủ nghĩa ấy vào điều kiện đặc thù Việt Nam - tư tưởng
Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hệ thống thống
nhất, trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận toàn diện, sâu sắc, khoa học về
cách mạng Việt Nam; là lăng kính mà qua đó, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được tiếp
biến, bổ sung và phát triển sáng tạo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể
của Việt Nam và được hiện thực hóa thành công: “Tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong
hệ tư tưởng Mác - Lênin và chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc chủ yếu nhất của
tư tưởng Hồ Chí Minh”[2, tr.65].
Trong cuốn Chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết về sự phát triển và
sáng tạo không ngừng, tác giả Trần Nhâm đã phân tích sự vận dụng lý luận chủ
nghĩa Mác - Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề quá độ lên CNXH bỏ qua
chế độ TBCN để thấy sự vận dụng vừa sáng tạo vừa thống nhất với chủ nghĩa Mác -
Lênin trong tư tưởng của Người và cho rằng đó là một mẫu mực về việc vận dụng
quan điểm lịch sử - cụ thể của phép biện chứng duy vật. Theo đó, Việt Nam quá độ
lên CNXH từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, bỏ qua chế độ TBCN, trong khi
đó, chủ nghĩa Mác - Lênin mới chỉ dự báo về sự quá độ này, rất ít những chỉ dẫn
và kinh nghiệm thực tiễn. Điểm xuất phát trong tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây là nhận
định “Đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc
hậu, tiến thẳng lên CNXH, không phải kinh qua giai đoạn phát triển TBCN”[5, tr.13].
Từ điểm xuất phát này, Người nhấn mạnh thực chất việc quá độ bỏ qua chế độ TBCN
sẽ diễn ra suốt cả thời kỳ quá độ, và do lực lượng sản xuất ở trình độ rất thấp,
nước ta trong lịch sử đã không trải qua và trên thực tế chưa hoàn thành cuộc cách
mạng kỹ thuật của thế kỷ XVIII, vì thế bỏ qua chế độ TBCN không phải là bỏ qua
tất cả, bất chấp những gì mà CNTB đã tạo ra, nhất là về lực lượng sản xuất.
Mặt khác, bỏ qua chế độ TBCN, không trải qua bước ngoặt cách mạng về tư
duy, nhận thức, về sự cải biến các quan hệ xã hội, pháp luật, văn hóa với tư
cách cơ sở cho sự hình thành cá nhân - công dân trong mối quan hệ với xã hội - nhà
nước, cái mà CNTB đã có thời gian thực hành rất lâu, vì thế xã hội Việt Nam còn
khá nhiều tàn dư về ý thức xã hội (trong tâm lý, thói quen, tập quán, truyền thống
làng xã) tiền TBCN (phong kiến, tiểu nông, thực dân) - những thứ này chi phối
trong tổ chức, bộ máy, phương pháp, phong cách làm việc…, chúng là lực cản
không nhỏ (cả hữu hình và vô hình), cản trở sự phát triển lành mạnh nền dân chủ
XHCN. Từ đó, Người xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là phải xây
dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH.
Quá độ mà C.Mác quan niệm là quá độ trực tiếp từ nước TBCN phát triển
cao lên CNXH; quá độ mà V.I.Lênin thực hiện là từ một nước TBCN trung bình, còn
quá độ ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quá độ bỏ qua - chưa hề có tiền
lệ trong lịch sử, hoàn toàn mới, do đó, đây là quá trình khai phá, tìm đường
(chưa hề có giải thích, chỉ dẫn trực tiếp, cụ thể của các nhà kinh điển) và
cũng vì vậy nên những nghiền ngẫm, suy tư của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt
Nam là một sự sáng tạo đặc biệt. Sự thống nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ
nghĩa Mác - Lênin ở đây là kế thừa quan điểm kinh điển về tính tất yếu, tính chất
khó khăn, phức tạp, lâu dài của thời kỳ quá độ. Sự sáng tạo là ở chỗ, xác định
quá độ của Việt Nam thậm chí còn khó khăn, phức tạp và lâu dài hơn bởi đó là
quá độ gián tiếp, quá độ bỏ qua với những đặc điểm hết sức đặc thù của riêng Việt
Nam và phải vừa làm, vừa điều chỉnh thông qua quá trình liên tục tổng kết thực
tiễn, khái quát lý luận mới có thể thành công.
Có thể lấy nhận xét của Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh của
UNESCO và Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam năm 1990 để nói về sự vận dụng sáng tạo
của Người: “Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng XHCN sáng tạo vĩ đại và một người
hành động. CNXH của Người không bè phái, cũng không giáo điều mà nhân đạo và
nhân loại” [8, tr.157]. Đánh giá về sự sáng tạo, nhưng trên cơ sở thống nhất của
tư tưởng Hồ chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, GS Trần Nhâm cũng nêu quan điểm
của mình: “Những quan niệm về CNXH của Hồ Chí Minh như đã biết là phù hợp với
quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH, phù hợp với con đường cách
mạng của Việt Nam và thuận với trào lưu phát triển của thời đại” [6, tr.368].
Như vậy có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh không
thể bị cắt rời khỏi tiền đề có tính thế giới quan, phương pháp luận chung nhất
đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Hiện nay có quan điểm lệch lạc, sai trái cho rằng
nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh mà
không cần chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là việc làm siêu hình, cơ học và thực chất
chỉ nhằm phá hoại cơ sở và tính thống nhất, hệ thống của nền tảng lý luận căn cốt
mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn - điều này cũng giống như việc
muốn có kết quả của việc trồng cây mà lại không cần bàn đến vấn đề chăm bón ở gốc
hay: “Thừa nhận con đường XHCN của cách mạng nước ta nhưng không thừa nhận vai
trò nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin khác nào ở trên tầng cao của
tòa nhà mà không thừa nhận nền móng của tòa nhà, mong muốn thu hoạch trái cây
mà không quan tâm đến gốc rễ của cây” [3, tr.65].
Xây dựng CNXH là một công việc hoàn toàn mới,
không có sẵn công thức hay tiền lệ; mô hình đã có thì đã bị thực tế chứng minh
là có nhiều sai lầm, khuyết tật (chủ yếu do nguyên nhân chủ quan - hiểu sai hoặc
làm biến dạng lý luận kinh điển gốc). Việc Việt Nam, Trung Quốc - những quốc
gia XHCN có công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa thành công do nhận thức và vận
dụng đúng, phù hợp những nguyên lý, quy luật và lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về
xây dựng, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội là những minh chứng
không thể chối cãi. Đã có nhiều sai lầm, khuyết điểm, khuyết tật của công cuộc
xây dựng CNXH trên thế giới, mà không phải Việt Nam không mắc phải, nhưng đó là
những vấn đề khách quan, khó tránh của việc tìm tòi, phát triển, xây dựng cái mới.
Nhất là Việt Nam lại xây dựng XH mới - xã hội XHCN từ điểm xuất phát thấp với
vô số khó khăn, rào cản cả chủ quan và khách quan, thêm vào đó là sự thù địch,
chống phá quyết liệt từ nhiều phía. Vì vậy không thể đổ lỗi cho học thuyết Mác -
Lênin về những khó khăn, hạn chế và sai lầm mà chủ yếu là chủ quan.
Kết luận
Không phải chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời mà
nhiều nhận thức, nhận định, đánh giá chủ quan về con đường xây dựng CNXH đã lỗi
thời; nhiều cách hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin vốn đã ấu trĩ, giản đơn nhưng chậm
hoặc không được điều chỉnh kịp thời; thậm chí nhiều suy tư tư biện do suy diễn
một cách chủ quan, thiếu căn cứ lại được cho là của các nhà kinh điển chủ nghĩa
Mác. Chủ nghĩa Mác - Lênin được tiếp biến vào Việt Nam và trở thành cẩm nang,
vũ khí lý luận cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam giành độc lập
dân tộc, xây dựng, đổi mới, phát triển quốc gia nhờ lăng kính tư tưởng Hồ Chí
Minh. Vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cả hai bộ phận này
luôn là một thể thống nhất, không thể tách rời, đã và vẫn luôn là nền tảng tư
tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hoàng Chí Bảo (Chủ biên) (2010), Bản
chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên) (2003),
Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội
[3] Vũ Văn Hiền (Chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập 1, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4] Nguyễn Ngọc
Long (Chủ biên) (2009), Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của
chủ nghĩa xã hội hiện thực, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh
(2000), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6] Trần Nhâm
(2011), Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết về sự phát triển và sáng tạo không
ngừng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[7] Lê Hữu Nghĩa (Chủ biên) (2002), Thời đại chúng ta và sức sống của chủ nghĩa
Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8] UNESCO và Ủy
ban khoa học xã hội Việt Nam (1990), Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Hà Nội.