Thứ Sáu, ngày 30/12/2022, 10:10

Phát huy vai trò của mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Việt Nam hiện nay

VƯƠNG HỒNG HÀ
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Những năm trở lại đây, mạng xã hội đã trở thành một kênh truyền thông được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, không chỉ là công cụ tìm hiểu dư luận xã hội đối với các sự kiện kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội nhanh nhạy mà còn trở thành phương thức nắm bắt và ứng phó kịp thời với những luồng dư luận trái chiều. Trên cơ sở làm rõ khái niệm mạng xã hội và khái quát sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam, vai trò của mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mạng xã hội trong công tác này.

Từ khóa: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; mạng xã hội; truyền thông xã hội.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. (Ảnh: https://dangcongsan.vn)

Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, mạng xã hội (MXH) đã và đang khẳng định sức mạnh truyền thông và tầm ảnh hưởng đối với toàn xã hội, được xem như một phương tiện truyền thông đại chúng của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân. Tuy nhiên, khác với những phương tiện truyền thông đại chúng khác như báo chí, truyền hình, phát thanh... MXH bộc lộ nhiều vấn đề bất cập khi một số cá nhân, tổ chức lợi dụng mức độ phổ rộng và tầm ảnh hưởng của MXH để lừa đảo, lan truyền những thông tin không chính thống, sai lệch, kích động nhân dân nhằm mục đích phá hoại thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và Nhà nước, coi thường pháp luật...

Trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, truyền thông đại chúng nói chung, MXH nói riêng được xem là một trong những phương tiện tuyên truyền, phổ biến hiệu quả và tích cực nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần đoàn kết toàn dân.Phát huy vai trò của MXH trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và Nhà nước nói chung; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

1. Mạng xã hội và sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam

“Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác[2].

Cùng với sự bùng nổ phát triển vào cuối thế kỷ XX của Internet và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số lượng người sử dụng Internet mỗi năm tăng nhanh là điều kiện lý tưởng để cho truyền thông xã hội đặc biệt là MXH xuất hiện và nhanh chóng phổ biến tại Việt Nam. Tính đến tháng 02/2022, dân số Việt Nam là 98,56 triệu dân, trong đó có 72,1 triệu người dùng Internet tương ứng với tỷ lệ thâm nhập là 73,2%. Con số này tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021 (Trong khi đó năm 2021 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020). Cũng theo báo cáo trên, người Việt Nam ở độ tuổi 16-64 dành 6 tiếng 47 phút để sử dụng Internet. Lý do chính của việc dùng Internet thường xuyên là giữ liên lạc với bạn bè (71,4% người tham gia khảo sát), tra cứu thông tin (69%) và cập nhật tin tức (68,4%)[7].

Từ năm 2012, cả nước có khoảng 227 MXH đã đăng ký hoạt động. Ngoài các MXH tổng hợp thông tin, nhiều mạng khác đang phát triển theo hướng chuyên biệt, hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể có cùng đam mê, sở thích, tương tác, nhắn tin và trao đổi dữ liệu... như Facebook, Youtube, Zalo, Twitter... Đến tháng 02/2022, số tài khoản MXH được kích hoạt là 76,95 triệu, tương ứng với mức độ thâm nhập là 78,1%[7]. Con số này tăng gần 5 triệu so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh đến gần 12 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi ngày người sử dụng dành 02 tiếng 28 phút để truy cập MXH, tăng nhẹ 7 phút so với cùng kỳ năm trước. Mục đích sử dụng cũng rất đa dạng, trung bình mỗi người dùng khoảng 7,4 nền tảng MXH khác nhau để phục vụ những nhu cầu như liên lạc với bạn bè, gia đình, đọc tin tức, “bắt trend”, xem livestream... Trong đó, Facebook giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Top 15 nền tảng MXH được truy cập nhiều nhất mỗi tháng trong năm 2022 với 93,8% người dùng dùng thường xuyên hàng tháng. Zalo vươn lên vị trí thứ 2 với 91,3%, theo sau là Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Twitter... Tương tự, Facebook tiếp tục dẫn đầu trong số các nền tảng được dùng để dẫn đến các website của bên thứ 3, chiếm đến 69,79%.Riêng với Facebook, đây vẫn là nền tảng có nhiều sức ảnh hưởng và lan toả nhất tại Việt Nam.

Trong số các website có lượng truy cập lớn nhất thì MXH Youtube và Facebook chỉ xếp sau Google.com (website tra cứu thông tin) và đứng thứ hạng cao hơn các trang báo mạng uy tín có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam như Vnexpress, 24h.com.vn, Dantri.com, Vietnamnet, Tuoitre.vn...[7].

Theo Báo cáo Việt Nam Digital 2021, Zalo hiện là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam. Cụ thể, trong tổng số người dùng Internet từ 16 đến 64 tuổi tại Việt Nam năm 2018, số người dùng Facebook messenger chiếm 79% nhưng đã giảm xuống 74% vào năm 2019, bằng với Zalo tại thời điểm đó. Đến năm 2020, tỷ lệ người dùng Facebook messenger sẽ tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp hơn Zalo. Cụ thể, Facebook messenger đạt 75,8%, Zalo đạt 76,5%, đây cũng là năm Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam. Đồng thời, báo cáo mới nhất cũng cho thấy trong lĩnh vực nền tảng xã hội, trong quý 1 năm 2021, Zalo đã vượt qua Facebook và Youtube và trở thành lĩnh vực xã hội phổ biến của GenZ (một danh từ được dùng chỉ giới trẻ/thanh niên sinh ra từ năm 2020 trở về sau), với tỷ lệ sử dụng là 94%. Cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ trên Zalo, Facebook và Youtube lần lượt là 84%, 95% và 72%[6]. Điều này chứng tỏ sự phổ biến rộng rãi của Facebook đối với tất cả công dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi khác nhau, mà trong đó nhóm đối tượng cần được quan tâm là nhóm thanh niên, học sinh, sinh viên.

2. Vai trò của mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Việt Nam hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Thông qua việc tuyên truyền, chia sẻ những bài viết, phân tích của các nhà khoa học có uy tín, những video, hình ảnh trên MXH của các tổ chức, cá nhân đã giúp nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về những nội dung liên quan chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những thông tin chính thống, những bài viết được phân tích, lập luận một cách chặt chẽ, xác đáng được đăng tải, chia sẻ trên các MXH đã cung cấp cho người dân tri thức, nâng cao bản lĩnh chính trị từ đó không bị lôi kéo, kích động bởi những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị.

Hai là, tuyên truyền quần chúng nhân dân ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Mạng xã hội là một trong những phương tiện quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua việc tuyên truyền về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền những thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước, MXH đã góp phần quan trọng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong những năm qua; góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước từ đó người dân một lòng tin theo và ủng hộ Đảng, Nhà nước.

Ba là, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước

Mạng xã hội hiện nay đang trở thành một trong những mặt trận quan trọng thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Khi các thế lực thù địch lựa chọn MXH là một trong những phương tiện quan trọng để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam thì thông qua việc chia sẻ, đăng tải những quan điểm, bài viết được phân tích, lập luận chắc chắn phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trên các trang mạng được các tổ chức, cơ quan, cá nhân đưa ra đã góp phần quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Sự ra đời, phát triển của MXH đã thay đổi một cách đáng kể cách sống, suy nghĩ và hành động của con người. Thông qua Facebook, Zalo... cá nhân có thể bày tỏ cảm xúc và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ người thân, bạn bè... Mỗi người đều có thể nắm bắt thông tin, thăm hỏi gia đình, người thân, bạn bè và có thể giúp đỡ những người xa lạ, những người gặp rủi ro hoặc có hoàn cảnh khó khăn dù ở đâu trên thế giới và kết nối với bạn bè mới ở khắp năm châu. Những nội dung thông tin trên mạng không chỉ đa dạng, phong phú mà còn là kho kiến thức khổng lồ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết, trao đổi thông tin trong cộng đồng xã hội. Khi mà thông tin ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc nắm bắt thời cơ, cơ hội để hợp tác và phát triển thì xã hội ngày càng phát triển hơn nữa, hội nhập về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, MXH đã và đang góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo đảm an ninh trật tự xã hội và đặc biệt là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực tiễn cho thấy, những thông tin giả, thông tin xấu độc trên MXH đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội của đất nước; gây nguy cơ mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là nguy cơ mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận người dân. Vì thế, để phát huy vai trò của MXH trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, phát huy tính tích cực, chủ động của các cá nhân; sự tiên phong, gương mẫu của các tổ chức Đoàn trong sử dung mạng xã hội

Mỗi người, mỗi cá nhân sử dụng MXH cần trở thành một nhà tuyên truyền, một người truyền cảm hứng đối với người thân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp và cộng đồng, xã hội. Mỗi cá nhân khi tham gia MXH cần ứng xử văn minh, kiểm soát hành vi, lời nói và đảm bảo những thông tin mà mình đăng trên mạng không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cá nhân hay tổ chức nào, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Cần sự phối hợp giữa các bên liên quan như gia đình, nhà trường, các cơ sở giáo dục, các cơ quan đoàn thể cần hướng dẫn các học sinh - sinh viên - cán bộ viên chức người lao động chủ động tham gia MXH nhằm khai thác thông tin để phục vụ học tập, nghiên cứu chuyên môn hiệu quả, rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt; hướng dẫn cách chọn lọc thông tin hữu ích và tránh xa những thông tin độc hại.

Các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương các chi hội cơ sở có thể tận dụng vai trò, vị thế tiên phong, dẫn dắt của mình để lan toả tri thức, tinh thần trách nhiệm, định hướng cho chính thanh thiếu niên để biến mỗi người trở thành một tuyên truyền viên, thực sự trở thành cánh tay đắc lực trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, tăng cường cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội cho người dùng mạng xã hội

Thực tiễn sử dụng MXH của người dân thời gian qua cho thấy, bên cạnh vai trò tích cực, trên MXH cũng xuất hiện tình trạng một bộ phận người dùng đưa lên những nguồn tin không chính thống, chưa được xác minh nhằm gây tâm lý đám đông, phản ứng trái chiều từ người dân. Điển hình là những thông tin sai lệch về tình hình phòng chống COVID - 19 Việt Nam giai đoạn vừa qua như đưa tin về lệnh giãn cách xã hội, phong toả, công tác tiêm chủng... hay những thông tin hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo và đặc biệt là các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, bóp méo lịch sử, xuyên tạc, phủ nhận cương lĩnh, đường lối và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động...

Vì vậy, việc tận dụng sức mạnh của MXH với sức lan toả mạnh mẽ nhằm cung cấp thông tin về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước; những tri thức về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội cho quần chúng nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông qua việc cung cấp thông tin chính thống về chủ trương, chính sách từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, những cá nhân có uy tín, sức ảnh hưởng trong cộng đồng, những công trình nghiên cứu khoa học trên các trang MXH để cho người dùng MXH đều có khả năng tiếp cận sẽ góp phần quan trọng trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, các thế lực thù địch; góp phần định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, khẳng định sự đúng đắn của đường lối lãnh đạo của Đảng, tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần giúp người dân thấy rõ được bản chất những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ba là, tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên mạng xã hội

Trong những năm vừa qua, các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều chiêu trò tinh vi, nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau, nhất là những đối tượng rất nhạy cảm, manh động với các thông tin trên không gian mạng. Do đó, việc nhận diện các thế lực thù địch và thủ đoạn chia rẽ, chống phá của chúng, các mầm mống phản động trên MXH để từ đó phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác và toàn diện là hết sức cần thiết. Liên tục đổi mới phương pháp, cách thức hoạt động linh hoạt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đặc biệt trên MXH sẽ là giải pháp quan trọng cho công tác này trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng MXH, xây dựng quy định cho các nhà cung cấp dịch vụ, khuyến khích những thông tin lành mạnh, bổ ích, lan tỏa tư duy tích cực và lối sống văn minh cho cộng đồng.

Bốn là, nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng các trang mạng xã hội

Thời gian qua, các thế lực phản động tăng cường hoạt động chống phá chúng ta bằng cách sử dụng các MXH như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo... lập các trang web có máy chủ và cơ sở dữ liệu đặt tại nước ngoài đăng bài xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước; triệt để lợi dụng các vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm, được dư luận quan tâm để xuyên tạc sự thật, lôi kéo, kích động quần chúng tham gia chống đối chính quyền. Vì vậy, mỗi người dân cần biết làm chủ hành vi, cân nhắc mức độ tham khảo một cách hợp lý, chọn lọc thông tin bổ ích để MXH trở thành công cụ nâng cao giá trị bản thân và sự cống hiến cho cộng đồng. Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ MXH là trách nhiệm của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Người sử dụng cần được định hướng, có “bộ lọc” để sàng lọc những thông tin tiếp nhận và chịu trách nhiệm với những thong tin truyền tải để không ảnh hưởng xấu tới công việc, các mối quan hệ trong xã hội và cuộc sống cá nhân.

Kết luận

Thực tiễn phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới trên Internet như MXH trong hơn một thập kỷ qua đang đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết. Trên cơ sở đó, cần có những giải pháp để chủ động khai thác, tận dụng triệt để những mặt mạnh, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của MXH nhằm phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hạnh Chi (2020), Mặt tích cực của mạng xã hội, https://www.sggp.org.vn

[2] Chính phủ (2013), Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, https://thuvienphapluat.vn

[3] Nguyễn Thị Lan Hương (2019), Mạng xã hội đối với lối sống của thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Nguyễn Lan Nguyên (2020), Tác động của mạng xã hội facebook đến sinh viên hiện nay: Thực trạng và đề xuất chính sách, Tạp chí khoa học Nghiên cứu Chính sách và Quản lý - Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 36.

[5] Đỗ Thị Anh Phương (2021), Nâng cao tính tích cực của mạng xã hội cho giới trẻ, Tạp chí Công thương, số 4, tháng 2/2021.

[6] We Are Social và Hootsuite (01/6/2021), Báo cáo Việt Nam Digital 2021 - Chiến lược dẫn đầu và đột phá,Adsota, http://digitalvn.vn

[7] We Are Social, KEPIOS (2022), Báo cáo toàn cảnh Digital Việt Nam 2022, https://openendgarden.com

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.