Thứ Sáu, ngày 30/12/2022, 10:20

Tổn thương của doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc đại dịch Covid-19 - thực trạng và khuyến nghị

HOÀNG VĂN HOAN
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Khủng hoảng thường tạo cú sốc cho doanh nghiệp xét về cả kết quả kinh doanh thực tế và kỳ vọng. Các cú sốc có thể tích cực (hữu ích) hoặc tiêu cực (có hại) gây tổn thương cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Để có những biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn sớm cũng như giảm bớt những tác động bất lợi của các cú sốc gây tổn thương cho doanh nghiệp cũng như xã hội, đặc biệt sau cú sốc đại dịch COVID -19, bài viết giúp nhận diện các cú sốc, mức độ tổn thương của doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc bất lợi từ đại dịch COVID-19 trong giai đoạn vừa qua, từ đó đưa ra những hàm ý chính sách.

Từ khóa: Cú sốc; cú sốc bất lợi; cú sốc đại dịch COVID-19; mức độ tổn thương doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tốc độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi thị trường lao động

(Ảnh: https://vneconomy.vn)

Đặt vấn đề

Nhìn lại bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giai đoạn 2019-2022, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động sản xuất và lưu thông đình trệ, hàng loạt các cú sốc từ thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh, tới các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước đã và đang có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Trước những cú sốc này, để có những biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn sớm cũng như giảm bớt những tác động bất lợi gây tổn thương cho các doanh nghiệp của các cú sốc đối với mỗi doanh nghiệp cũng như xã hội cần nhận diện các nhóm dễ bị tác động mạnh hơn từ các cú sốc, hay còn được gọi là các nhóm dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, cần hoạch định được các chính sách ứng phó trước, trong và sau một cách phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ tổn thương đối với các doanh nghiệp.

1. Nhận diện về các cú sốc và mức độ tổn thương của doanh nghiệp khi gặp các cú sốc bất lợi

Quan niệm về cú sốc được xem xét là một cú sốc tổng hợp, có thể bao hàm cả những cú sốc vĩ mô nói chung và những cú sốc riêng của doanh nghiệp. Các cú sốc mà doanh nghiệp đối mặt cũng có thể dưới dạng những cú sốc trực tiếp tác động tới kinh tế như kinh tế suy thoái, doanh nghiệp đóng cửa hoặc những cú sốc gián tiếp tác động tới kinh tế như cú sốc về thiên nhiên, dịch bệnh,.. mà có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Như vậy, khủng hoảng thường tạo cú sốc cho doanh nghiệp xét về cả kết quả kinh doanh thực tế và kỳ vọng.

Các cú sốc thường không thể đoán trước và thường là kết quả của các sự kiện được cho là nằm ngoài phạm vi của các giao dịch kinh tế thông thường. Các cú sốc có tác động lan rộng và lâu dài đối với nền kinh tế và theo lý thuyết chu kỳ kinh doanh thực, được cho là nguyên nhân sâu xa của suy thoái và chu kỳ kinh tế.

Các cú sốc có thể được phân loại là tác động chủ yếu đến nền kinh tế thông qua phía cung hoặc cầu. Cú sốc về nguồn cung là một sự kiện làm cho hoạt động sản xuất trên toàn nền kinh tế khó khăn hơn, tốn kém hơn hoặc không thể xảy ra đối với ít nhất một số ngành. Cú sốc về cầu xảy ra khi có sự thay đổi đột ngột và đáng kể trong các hình thức chi tiêu tư nhân, dưới hình thức chi tiêu tiêu dùng của người tiêu dùng hoặc chi tiêu đầu tư từ các doanh nghiệp.

Đối với mức độ tổn thương của doanh nghiệp khi gặp các cú sốc bất lợi

Mức độ tổn thương của doanh nghiệp là tiêu chí phổ biến trong nghiên cứu đánh giá rủi ro doanh nghiệp. Các định nghĩa cho thấy, tuy có sự khác biệt nhưng các định nghĩa này đều đề cập tới hai thuộc tính cơ bản của rủi ro, đó là: i) Kết quả không thể xác định chắc chắn: một khi tồn tại rủi ro trong một sự kiện hay hành động sẽ phải có ít nhất hai kết quả có khả năng xảy ra. Nếu một sự kiện hay hành động mà kết quả của nó được biết chắc chắn thì sẽ không thể có rủi ro gắn với sự kiện hay hành động đó. Chẳng hạn việc đầu tư vào các tài sản hữu hình như máy móc, thiết bị... sẽ phải đối mặt với những tổn thất do hao mòn hữu hình và vô hình gây ra. Kết quả này người đầu tư hoàn toàn biết trước nên việc phải gánh chịu những tổn thất nói trên không được coi là rủi ro; ii) Kết quả không mong muốn: trong các kết quả có thể xảy ra, ít nhất có một kết quả là không mong muốn. Kết quả không mong muốn thường được hiểu là một tổn thất hay thiệt hại về của cải hoặc con người.

Như vậy, mức độ tổn thương của doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng là xác suất một doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh trong tương lai, cụ thể là năm tiếp theo rơi xuống dưới một ngưỡng. Ngưỡng này ở trạng thái cực đoan là việc doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, hoặc nhẹ hơn là việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, bên cạnh những trạng thái cực đoan, cũng có thể chọn ngưỡng là doanh nghiệp bị thua lỗ trong năm kế tiếp, hoặc doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn một ngưỡng dựa trên mức bình quân chung của doanh nghiệp trong ngành. Cách chọn ngưỡng này có tính linh hoạt cao hơn, đối tượng phân tích rộng hơn.

Qua đó, có thể sử dụng "lợi nhuận" để phân nhóm: doanh nghiệp "thuộc diện thua lỗ" - doanh nghiệp có nguy cơ tổn thương; và doanh nghiệp "không thuộc diện thua lỗ" - doanh nghiệp không có nguy cơ tổn thương. Tức là, nếu doanh nghiệp có lợi nhuận "âm" trong năm nghiên cứu thì sẽ được xếp vào diện "có nguy cơ tổn thương" và ngược lại.

2. Thực trạng tổn thương của doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc đại dịch COVID - 19

Đại dịch COVID-19 bắt đầu từ năm 2019 đã tác động gần như đồng thời tới toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới nhưng theo các cơ chế khác nhau cả về phía cung và phía cầu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của mỗi nền kinh tế cũng như sự liên kết của nền kinh tế đó với phần còn lại của thế giới.

Về phía cung, với việc hoạt động sản xuất được thiết kế dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu, sự đứt gãy trong sản xuất đầu vào tại một quốc gia sẽ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình sản xuất tiếp theo tại quốc gia khác. Tuy nhiên, điểm tích cực là ảnh hưởng bất lợi tới phía cung sẽ dịu bớt khi tình hình dịch bệnh tại các quốc gia được kiểm soát.

Về phía cầu, khi người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, lượng người mua hàng tại các cửa hàng và trung tâm thương mại giảm đột ngột, khiến cầu có thể biến mất khỏi thị trường. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tâm lý của tác nhân kinh tế là rất tiêu cực, khiến cho họ có trạng thái tâm lý trì hoãn tiêu dùng và đầu tư.

Như vậy, có thể thấy nếu như ảnh hưởng của "cú sốc" đại dịch COVID-19 tới phía cung có thể được kiểm soát theo tình hình của dịch bệnh, thì những tác động tới phía cầu được xem là khó dự đoán hơn.

Từ các kết quả nghiên cứu, sau các cú sốc từ đại dịch COVID -19 có thể khái quát mức độ tổn thương của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua như sau:

Một là, những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn thì khả năng thua lỗ sẽ ít hơn so với những doanh nghiệp có quy mô lao động nhỏ. Việc có quy mô lao động lớn hơn và mở rộng là quy mô doanh nghiệp lớn hơn (tài sản, vốn chủ sở hữu) có thể hàm ý doanh nghiệp có một thị trường khách hàng rộng lớn hơn, tính chủ động cao hơn, do vậy sẽ giảm được nguy cơ thua lỗ. Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ có thể chưa tự tạo lập thị trường cho riêng mình, vẫn thực hiện đơn hàng một cách gián tiếp thông qua việc đặt hàng lại từ các doanh nghiệp lớn và do vậy tính ổn định thấp hơn và khiến cho doanh nghiệp dễ có nguy cơ thua lỗ hơn.

Hai là, những doanh nghiệp có tuổi đời dài thì khả năng thua lỗ sẽ ít hơn so với những doanh nghiệp có tuổi đời ngắn. Điều này là hợp lý, bởi những doanh nghiệp có tuổi đời dài hơn cũng đồng nghĩa với tên tuổi của doanh nghiệp đã quen thuộc với khách hàng, khả năng tồn tại tốt hơn nhờ sự hiểu biết thị trường và do vậy họ sẽ giảm bớt nguy cơ thua lỗ. Ngược lại doanh nghiệp mới bước vào thị trường, số lượng khách hàng quen còn ít, thiếu kinh nghiệm thị trường và do vậy dễ bị thua lỗ trong thời gian đầu.

Ba là, những doanh nghiệp có khả năng tạo ra doanh thu lớn hơn ứng với một lượng đầu vào bao gồm lao động, tài sản lưu động và khấu hao cho trước, thì khả năng thua lỗ của doanh nghiệp sẽ giảm xuống. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc căn cứ vào thước đo hiệu quả hoạt động sản xuất để đưa ra những đánh giá rủi ro mà doanh nghiệp có thể đối mặt, bên cạnh các chỉ tiêu tài chính. Có nghĩa là các doanh nghiệp mà có hiệu quả sử dụng đầu vào thấp, tức là ứng với số lượng lao động, máy móc, nguyên vật liệu cho trước, lượng doanh thu mà doanh nghiệp thu được thấp tương đối so với các đổi thủ trong cùng ngành thì khả năng thua lỗ của doanh nghiệp sẽ tăng, kể cả việc chi tiêu tài chính khác có thể vẫn đang tích cực.

Bốn là, tỷ trọng nợ của doanh nghiệp - Những doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu nhiều hơn một cách tương đối so với vốn vay thì khả năng thua lỗ sẽ ít hơn so với những doanh nghiệp sử dụng vốn vay nhiều và ít vốn chủ sở hữu. Ngay cả trong điều kiện thông thường, việc sử dụng vốn chủ sở hữu nhiều hơn vẫn thường mang lại sự an toàn cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành và giảm khả năng thua lỗ, dù điều này có thể làm gia tăng số thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp.

Năm là, cơ cấu tài sản - kết quả cho thấy những doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản lưu động lớn hơn trong tổng tài sản thì khả năng thua lỗ của doanh nghiệp sẽ ít hơn. Việc sử dụng tài sản lưu động tương đối lớn so với tài sản cố định sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc phản ứng lại với thị trường.

Sáu là, những doanh nghiệp có tốc độ quay vòng vốn nhanh hơn, được thể hiện bằng tỷ số doanh thu trên tài sản cao hơn, thì khả năng thua lỗ sẽ thấp hơn những doanh nghiệp có tốc độ quay vòng vốn chậm. Việc thu hồi vốn nhanh nhờ quy mô doanh thu lớn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đối phó tốt hơn với những biến động của thị trường, đồng thời có thể giảm bớt được chi phí vay vốn.

3. Một số khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID -19

Từ việc khái quát mức độ tổn thương của doanh nghiệp khi gặp các cú sốc bất lợi, để hỗ trợ, thúc đẩy xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước sau đại dịch COVID - 19, đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, sau đây là một số gợi ý chính sách cụ thể như:

Thứ nhất, chính sách thuế cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng gia hạn để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Xem xét hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp bởi đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng; không cần phải có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp và phát sinh ngay khi cung cấp hàng hóa dịch vụ. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một phương thức hỗ trợ làm lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp và khiến môi trường kinh doanh xấu đi. Việc giãn/giảm thuế chỉ nên áp dụng đối với thuế giá trị gia tăng thì đối tượng được hưởng sẽ nhiều hơn.

Thứ hai, chính sách lãi suất thấp và ổn định là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Một mặt bằng lãi suất cao hơn những cú sốc lãi suất bất chợt xảy ra sẽ gây ra những tác động bất lợi lên chi phí vốn của doanh nghiệp và đối với những doanh nghiệp nhỏ thì những cú sốc này rất có thể doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề, thậm chí là đóng cửa. Chính vì vậy, Chính phủ cần có sự nhất quán trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Thứ ba, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai... cần phải được ưu tiên hàng đầu về nguồn lực và thực hiện nhanh chóng. Các chính sách hỗ trợ cần phải bao phủ được những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương - người lao động trình độ thấp và lao động trong khu vực phi chính thức khi họ chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất, tốc độ suy giảm thu nhập nhanh nếu kinh tế rơi vào suy thoái. Phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau (như: dịch vụ mobile money, ví điện tử...) mới bảo đảm chính sách sớm đi vào cuộc sống. Chính phủ cũng nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc để một mặt nâng cao trình độ cho người lao động, mặt khác giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng khi nền kinh tế cũng như doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại.

Thứ tư, chính phủ cần thiết lập một cơ chế thông tin thị trường tốt hơn, để kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, trong chuỗi sản xuất và giữa các doanh nghiệp với khách hàng. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Hỗ trợ giá, bù đắp chi phí vận chuyển, lưu kho tăng do cộng đồng doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường mới với các chi phí liên quan cao hơn như: giá nguyên, vật liệu cao hơn, chi phí vận chuyển cao hơn do phải chuyển chở quãng đường dài hơn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện vai trò nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào trong nước. Nếu như có những hỗ trợ hữu hiệu từ phía Chính phủ để giúp doanh nghiệp tiếp cận những nguồn thông tin này, cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ lớn lên rất nhiều, nhờ đó nguy cơ thua lỗ sẽ được giảm bớt và ngược lại khả năng sinh lời sẽ cao hơn.

Thứ năm, chính phủ nên có những chính sách ưu tiên hơn đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nghiệp trong những năm đầu mới thành lập. Những doanh nghiệp mới thành lập, thường có nguy cơ thua lỗ cao hơn những doanh nghiệp đã thành lập lâu năm.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua những ưu đãi về thuế, hoặc hỗ trợ tín dụng, trong những năm đầu sẽ giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ tổn thương cao tăng khả năng sống sót và phát triển.

Kết luận

Trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường và đại dịch COVID -19 được coi là như một “cú sốc” để kiểm tra sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp vượt “cú sốc” và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Do vậy, với những khuyến nghị về các chính sách đã đề cập như chính sách thuế, chính sách lãi suất, chính sách an sinh xã hội, thiết lập cơ chế thông tin thị trường để kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, trong chuỗi sản xuất, giữa các doanh nghiệp với khách hàng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngoài ra, còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới về nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và đặc biệt với chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ tổn thương cao tăng khả năng sống sót và phát triển.

Tài liệu tham khảo:

[1]  Đại học Kinh tế Quốc dân (2020), Báo cáo “Đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách.

[2]  John Haynes(1895), Risk as an Economic Factor, The Quarterly Journal of Economic, IX No. 4 (7/1895).

[3]  Nguyễn Việt Hưng (2017), Đo lường và phân tích mức độ tổn thương của Hộ gia đình và doanh nghiệp khi xuất hiện các cú sốc bất lợi, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân.

[4]  Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV (2021), Chuyên gia đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và một số khuyến nghị, https://cafef.vn/

[5]  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) (2021), Báo cáo "Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, một số phát hiện chính từ Điều tra doanh nghiệp năm 2020”.

[6]  Tổng cục Thống kê (2021), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

[7]  The World Bank (2021), Việt Nam số hoá con đường đến tương lai, http://vjst.vn

Đọc thêm

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay

Tác giả: TRƯƠNG BẢO THANH

(GDLL) - Xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng, là căn cứ để cơ sở đào tạo tiến hành xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện, đánh giá và cải tiến các chương trình bồi dưỡng trên thực tế. Bài viết tập trung nghiên cứu cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, đề xuất xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid 19 tại Việt Nam

Tác giả: CHU THỊ LÊ ANH

(GDLL) - Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực tới đời sống xã hội và làm giảm sút tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế ứng phó tác động của dịch bệnh COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

Tác giả: NINH THỊ MINH TÂM

(GDLL) - Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam và tác động tiêu cực đến “sức khỏe”, tiềm lực và khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bài viết tập trung phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm tăng “sức bền” và hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.

Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững ở các tỉnh vùng Tây Bắc - một số vấn đề đặt ra

Tác giả: Tạ Thị Đoàn

(GDLL) - Phát triển du lịch cộng đồng đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các tỉnh vùng Tây Bắc, qua đó góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững ở các tỉnh vùng Tây Bắc thời gian qua, bài viết chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững ở các tỉnh vùng Tây Bắc trong thời gian tới.

Nhận diện, đấu tranh chống thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch

Tác giả: NGUYỄN THỊ THÊU

(GDLL) - Lợi dụng vấn đề dân tộc dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền là một trong những hướng tấn công của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bài viết góp phần nhận diện, đấu tranh chống thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề dân tộc trong tình hình mới.