Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng chính phủ với cộng đồng doanh nghieeoj và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid - 19" _Nguồn ảnh: https://htpldn.moj.gov.vn/
Đại dịch
COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế của các quốc gia, trong cả ngắn hạn lẫn
dài hạn.
Về phía tổng cầu, đại
dịch COVID-19 gây ra cú sốc làm thay đổi tỷ trọng chi tiêu của doanh nghiệp, hộ
gia đình đối với các hàng hóa khác nhau (giữa các ngành và theo thời gian) ở mức
giá và thu nhập nhất định. Tổng hòa sự suy giảm trong cả tiêu dùng của các chủ
thể kinh tế, sự đình trệ trong đầu tư mở rộng sản xuất và suy giảm về cầu nhập
khẩu đã làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế từ đó làm giảm sản lượng sản xuất.
Về phía tổng cung, đại
dịch COVID-19 gây ra các cú sốc làm thay đổi khả năng sản xuất của nền kinh tế.
Những thay đổi này đến dưới dạng suy giảm các yếu tố đầu vào, đặc biệt là lao động
và/hoặc giảm năng suất của các nhà sản xuất khác nhau do phải tạm dừng sản xuất
để phòng, chống dịch hoặc do phải thay đổi cách thức hoạt động từ trực tiếp
sang gián tiếp của các công ty, đồng thời kéo theo tình trạng đứt gãy chuỗi
cung ứng trên quy mô toàn cầu.
Đại dịch
COVID-19 là một cú sốc kinh tế vĩ mô bất thường. Trên thực tế, nó không thể dễ
dàng được phân loại là một cú sốc tổng cung hoặc tổng cầu như trong lý thuyết.
Ảnh hưởng của
COVID-19 lên các nhóm ngành khác nhau là không giống nhau. Và cũng với góc nhìn
về sự không đồng đều này, đại dịch COVID-19 được đánh giá là không đơn thuần chỉ
là một cú sốc về tổng cầu hay tổng cung mà là bao hàm lẫn lộn của cả hai[1]. Trong đó, cú sốc về cung mang bản chất đình lạm,
còn cú sốc về cầu mang bản chất của giảm phát.
Kết quả tăng
trưởng của nền kinh tế sẽ suy giảm là hệ quả trực tiếp trong ngắn hạn. Trong
dài hạn, năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng có nguy cơ bị giảm sút do ảnh
hưởng tới nguồn lực lao động. Chính vì vậy, từ phía Nhà nước với vai trò quản
lý và điều tiết thị trường, cần có những chính sách hỗ trợ, kích thích phục hồi
ở cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế để ứng phó với những tác động tiêu cực
và thích ứng với dịch bệnh trong thời gian tới.
1. Chính sách nhằm ứng
phó với tác động của đại dịch COVID-19 tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong
thời gian qua
Nền kinh tế
Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đã và đang chịu những
tác động tiêu cực của cú sốc ngoại sinh đại dịch COVID-19 trên cả 2 mặt tổng
cung và tổng cầu. Để hỗ trợ nền kinh tế trước các tác động tiêu cực của đại dịch,
Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các gói hỗ trợ ngay từ đợt bùng phát dịch đầu
tiên.
Hàng loạt
văn bản đã được ban hành liên tiếp, gối đầu để kịp thời tiếp sức cho các đối tượng
bị ảnh hưởng: Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về
giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp
tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Chính phủ ban hành Nghị quyết số
42/NQ-CP ngày 9/4/2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện
pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP
29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất,
kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội
trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết
định như Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 13/12/2020, Quyết định số
32/2020/QĐ-TTg ngày 14/12/2020 về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó
khăn do đại dịch COVID-19.
Sang năm 2021,
đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp
tục ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn tiền thuế và
tiền thuê đất trong năm 2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số
chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại
dịch COVID-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện
một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn
do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19... Để thực sự
đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho
phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021- 2025 và các năm tiếp theo,
nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, trong trung và dài hạn,
ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc
hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tổng quy mô hỗ trợ lên
tới gần 350.000 tỷ đồng, chia thành 4 nhóm giải pháp, trong đó, quy mô của các
giải pháp thuộc nhóm chính sách tài khóa lên tới 237.650 tỷ đồng, chiếm 68,53%,
các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ là 46.000 tỷ đồng,
tương đương 13,26%, các giải pháp thuộc nhóm chính sách an sinh xã hội là 53.150 tỷ đồng,
tương ứng 15,55%, và cuối cùng là các giải pháp khác là 10.000 tỷ đồng, tương ứng
2,88% tổng giá trị của chương trình. Chương trình
thực hiện 5 nhiệm vụ cũng là giải quyết 5 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: (1) mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực y
tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) bảo đảm an
sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, khôi phục thị trường lao động; (3) hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
kinh doanh; (4) tăng cường nguồn lực cho đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng; (5) cải cách
thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các chính
sách nêu trên nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, không để lỡ nhịp đà phục hồi của
kinh tế thế giới cũng như ổn định kinh tế trong trung và dài hạn. Toàn bộ
Chương trình thực hiện trong 2 năm (2022-2023).
2. Kết quả thực hiện các
chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua
Các chính
sách trên đây, đặc biệt là Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch với tổng
giá trị dự kiến là 350 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi
phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở
lại có đóng góp vào ngân sách.
Sự phối hợp
đồng bộ của các chính sách nêu trên nhìn chung đã đem đến các kết quả khả quan.
Các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của đại dịch
COVID-19, được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế
- xã hội của đất nước. Quy mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn so với năm 2020 và
2021, theo dự kiến quy mô gói hỗ trợ năm 2022 là 4,05% GDP.
Theo Báo cáo
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/9/2022, giải ngân các chính sách hỗ
trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Các chương
trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng;
(ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng
cho gần 4,54 triệu lao động; (iii) Giảm thuế
giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày
26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; (iv) Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời
gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng[3]. Tính đến
ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải
ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc
trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người
lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp.
Kết quả tăng
trưởng trong quý III/2022 cho thấy, các chính sách đang đi vào cuộc sống và
phát huy hiệu quả. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là
mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất
kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế
9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp
4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó
ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế
với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017
và 2018; khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%)[5]. Thị trường lao động
dần phục hồi tích cực, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao
động 9 tháng năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm
trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35% (quý
III/2022 ước tính là 2,28%), trong đó khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,02%[5]. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam được dự báo có thể
tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, tăng mạnh so với 2,6% năm 2021. Lạm phát vẫn
được kiểm soát tốt: CPI tính chung 8 tháng năm 2022 tăng 2,58%, tương đương
cùng kỳ các năm 2018-2021. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá hối đoái được giữ ổn định
(biến động trong phạm vi cho phép với biên độ +/- 2%)[3].
Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời
giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỉ
giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang
chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.
Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách chưa thật sự kích thích được nền kinh tế,
nguyên nhân được cho là bởi một số nội dung sau:
Một là, quy mô hỗ trợ còn khiêm tốn. Quy mô gói hỗ trợ kinh tế của
Việt Nam đã tăng lên tương đối lớn năm 2022 (bằng 4,05% GDP dự kiến). Tuy
nhiên, tổng quy mô gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ của Việt Nam trong thời gian
qua thấp hơn mức trung bình toàn thế giới khoảng 16% GDP, các nước NIC khoảng
7,5% GDP và các nước thu nhập thấp khoảng 4,28% GDP. Mức hỗ trợ như vậy đem đến
rủi ro là không đủ để tạo được “cú hích” đáng kể cho nền kinh tế bởi tính chất
giảm phát xuất hiện ở cả phía cung và cầu của nền kinh tế do tác động của đại dịch.
Hai là, thời gian và nội dung hỗ trợ còn một số bất cập. Một số
quy định về phí, giá được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật nên mất
nhiều thời gian để điều chỉnh giảm giá, phí hỗ trợ doanh nghiệp[4]. Điều này kéo dài độ trễ trong và độ trễ ngoài
của các chính sách hỗ trợ, khiến tính chất kịp thời của chính sách bị giảm. Bên cạnh đó, một số chính sách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế có tỷ lệ
giải ngân thấp hơn dự kiến do nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh
bởi đại dịch, phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc không có lợi nhuận để nộp
thuế nên không được hưởng lợi từ các chính sách trên. Nói cách khác, nội dung hỗ
trợ không thực sự đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ và hoàn cảnh thực tiễn.
Ba là, nhiều khó
khăn tích tụ đến nay đã vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp mà trở thành vấn đề
của ngành, lĩnh vực[3]. Còn thiếu những
chính sách tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể có quy mô lớn, có tính chất
dài hạn theo hướng phục hồi hơn là giải cứu ngắn hạn.
Bốn là, chương
trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc
hội được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính
trị thế giới như xung đột Nga - Ukraina, tình hình lạm phát toàn cầu... Sau các
biến động lớn trên, chính sách của các nước lớn đã có sự điều chỉnh và ảnh hưởng
không nhỏ tới kinh tế thế giới đặc biệt là vấn đề lạm phát. Do vậy, cần phải có
những điều chỉnh trước những biến động của bối cảnh mới.
2. Một số khuyến nghị
chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới
Cho đến hết quý I/2022, nền kinh tế Việt Nam
vẫn được đánh giá là "nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á". Ảnh minh hoạ (Nguồn: hanoimoi.com.vn)
Để hỗ trợ nền
kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, bài viết khuyến nghị một số
kiến nghị sau:
Một là, mở rộng
quy mô các gói hỗ trợ tài khóa nhưng thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh
tế vĩ mô. Tính toán của nhiều nghiên cứu cho thấy, Việt Nam được đánh giá có
năng lực quản trị nợ ở mức trung bình khá và các chỉ tiêu về an toàn nợ công của
Việt Nam vẫn còn khá tốt nên còn dư địa tài khóa cho việc thực hiện các chính
sách hỗ trợ trong giai đoạn 2022- 2025.
Ngân hàng Thế giới dự báo, đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các
quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Vì vậy, chính sách tài khóa
dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau đại dịch COVID- 19 cũng cần được
chú ý đặc biệt. Đồng thời, cần
điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi trong ngân sách nhà nước. Và cần xem xét điều
chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung của
việc thực hiện chính sách tài khóa nên là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối
tượng hưởng lợi và không tạo ra kẽ hở cho trục lợi chính sách.Trong giai
đoạn hiện nay có thể chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn
là để có không gian tài khóa tốt hơn.
Hai là, cần nhanh
chóng khắc phục các bất cập trong các quy định pháp lý, tiếp tục cải cách và
đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp
cận các gói hỗ trợ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; những doanh
nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như xuất khẩu, du lịch, nông
nghiệp, tài chính, logistics, bất động sản...
Ba là, cần có các
chính sách khuyến khích phát triển các ngành kinh tế; đẩy nhanh việc hoàn thiện
các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương; tăng cường
liên kết vùng để tạo ra sự đồng bộ, thông suốt và động lực mới cho tăng trưởng
và phát triển kinh tế của địa phương là cơ sở để phát triển cả nước.
Bốn là, cần bám sát
tình hình biến động kinh tế thế giới, đặc biệt là nguy cơ nhập khẩu lạm phát để
có những điều chỉnh chính sách kịp thời. Muốn thực hiện tốt điều này, không thể
không nhắc tới việc xây dựng và hoàn thiện, đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin
kinh tế xã hội. Có
được hệ thống dữ liệu đầy đủ sẽ là cơ sở để có được những phân tích và dự báo
đúng và chuẩn xác nhất cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý.
Năm là, cần có những
chính sách tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bởi con người là chủ thể
và cũng là động lực chính cho nền kinh tế phục hồi và phát triển trong dài hạn.
Cần có quy hoạch phát triển các trường đại học, các trường dạy nghề, đưa công
nghệ cao vào các trường dạy nghề nhằm nhanh chóng tạo ra một lực lượng lao động
có trình độ cao, có kỹ năng mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin để
đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nền kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế
- xã hội bền vững trong tương lai.
Kết luận
Đại
dịch COVID-19 đã đem đến cho nền kinh tế Việt Nam và thế giới một cuộc thử
thách sức chống chịu của nền kinh tế và năng lực điều hành của chính phủ các
quốc gia. Có thể khẳng định, các chính sách được Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm
hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ đầu đại dịch
cho tới nay đã bám sát thực tiễn, dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và
luận cứ khoa học. Nhưng để các chính sách thực sự là “cú hích” đối với nền kinh
tế, để có thể hoàn thành tốt các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030
cần có sự đồng lòng và quyết tâm của Nhà nước và doanh nghiệp, Trung ương và
địa phương.
Tài liệu tham khảo:
[1] Baqaee,
D. & Farhi, E. (2022), Supply and Demand in Disaggregated Keynesian
Economies with an Application to the COVID-19 Crisis, Journal of Economic Perspective, Volume 36(2).
[2] Guerrieri,
V., Lorenzoni, G., Straub, L. & Werning, I. (2022), Macroeconomic
Implications of COVID- 19: Can Negative Supply Shocks Cause Demand Shortages?, American Economic Review, Volume 112(5).
[3] Nguyễn Trúc Lê, (2022), Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời
gian tới, Kỷ yếu Diễn
đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, Hà Nội.
[4] Quốc hội
(2022), Nghị quyết số 43/2022/QH15 về
chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
- xã hội
[5] Tổng cục
Thống kê (2022), Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội các quý năm 2021, 2022,
https://www.gso.gov.vn