Ảnh
Minh họa, Nguồn: Website Bộ Nội vụ, https://www.moha.gov.vn
Trong
một thế giới luôn biến động liên tục, nhanh chóng, các tổ chức cần phải có chiến
lược để tạo ra năng lực vượt trội, bảo đảm duy trì và phát triển bền vững trong
môi trường phức tạp, luôn thay đổi, với các nguồn lực hữu hạn. Để tạo ra một chiến
lược thành công, người lãnh đạo cần biết cách tư duy chiến lược. Tư duy chiến
lược là một quá trình sáng tạo và đa dạng, thể hiện tầm nhìn của người lãnh đạo,
quản lý, đòi hỏi họ phải vượt qua các hoạt động hàng ngày để tập trung vào mục
tiêu chiến lược dài hạn của tổ chức. Tư duy chiến lược với tư cách tầm nhìn có
chiều sâu, toàn diện và không bị giới hạn bởi lối suy nghĩ theo nhiệm kỳ, siêu
hình cũng hết sức cần thiết cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Việt Nam, bởi họ là
những người góp phần xây dựng quyết sách cả về chính trị, quản lý trong phát
triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối
ngoại ở địa phương và cũng đồng thời là người tổ chức thực hiện.
1. Khái
niệm tư duy chiến lược
Có
rất nhiều cách hiểu và định nghĩa về tư duy chiến lược, có thể nêu một vài cách
hiểu trong số đó như:
“Tư
duy chiến lược là cách thức, quy trình và năng lực tư duy, nhờ đó có thể xác định
được chiến lược phát triển của tổ chức, các điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức,
các hạn chế gắn với các chức năng của tổ chức, và biết cách liên tục rà soát
môi trường để xác định các cơ hội và các nguy cơ cần khắc phục”[2, tr.185-186].
“Tư
duy chiến lược là tố chất, năng lực và hoạt động đặc trưng của lãnh đạo, chủ yếu
là lãnh đạo cấp cao và trước hết là của người đứng đầu. Đó là tư duy vĩ mô, tổng
hợp về tầm nhìn và mục tiêu chiến lược; về vị trí hiện thời còn cách mục tiêu
bao xa; về không gian chiến lược và phân tích, so sánh giữa lợi thế và bất lợi;
về phương châm và lộ trình chiến lược; về các nguồn lực và kế hoạch thực hiện;
về phân công trách nhiệm chỉ huy, chỉ đạo, lãnh đạo; về dự kiến một số tình huống
bất trắc và dự phòng các phương án xử lý”[5].
Từ
các cách hiểu trên cho thấy tư duy chiến lược là tư duy có tầm bao quát rộng;
là tư duy có chiều sâu, không chỉ về các mối liên hệ bên ngoài mà còn quan tâm
đến những tương tác giữa các yếu tố nội tại bên trong; là tư duy tập trung vào
tầm nhìn dài hạn thay cho cách tư duy theo nhiệm kỳ, cách suy nghĩ vụn vặt, vụ
việc hay tìm kiếm những giải pháp mang tính tình thế. Có thể khái quát về các đặc
tính của tư duy chiến lược như sau:
-
Tư duy chiến lược là cách suy nghĩ rộng và sáng tạo về mục tiêu công việc, giúp
nhà lãnh đạo làm rõ mục tiêu của mình, tập trung vào các hệ thống lớn hơn, vào
môi trường, các mối quan hệ, các ranh giới, và liên tục nắm bắt các thông tin
phản hồi để rà soát lại phương án hoạt động của mình; giúp xác định tầm nhìn của
tổ chức, bởi vì tầm nhìn của tổ chức sẽ phản ánh đích cuối cùng - là những gì tổ
chức có thể có được và nó sẽ trở thành như thế nào trong tương lai[2, tr.188-189].
-
Tư duy chiến lược không chỉ dừng lại ở tầm nhìn và môi trường bên ngoài của tổ
chức, mà là cách tư duy sâu về các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức
trong bối cảnh cụ thể của tổ chức, từ đó có thể xác định rõ các giải pháp để đạt
tới tầm nhìn mong muốn, xác định điểm tựa làm đòn bẩy cho sự thay đổi toàn bộ tổ
chức.
-
Tư duy chiến lược giúp nhà lãnh đạo nhìn thấy mục tiêu phía trước, đồng thời
luôn tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu đó. Nói cách khác, thực hiện các công việc
trong hiện tại là để tạo dựng từng bước cho tương lai mà họ mong muốn. Nhà lãnh
đạo có tư duy chiến lược có thể tư duy đồng thời ở hai nơi: nhìn về phía trước
để thấy nơi mà tổ chức sẽ đi đến, đồng thời, tập trung vào những gì đang xảy ra
xung quanh mình[2, tr.190].
Từ
những cách hiểu như vậy, trong phạm vi bài viết, tư duy chiến lược được hiểu là
một loại hình tư duy ở cấp độ cao của con người, phản ánh được bản chất, quy luật,
xu hướng vận động của hiện thực khách quan, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, có
tính sáng tạo, từ đó có thể dự báo, định hướng đúng, dẫn dắt để chủ thể tư duy
đạt mục tiêu trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.
2. Tư
duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay
Tư
duy, nhất là tư duy của người lãnh đạo, quản lý có nhiều cấp độ khác nhau: tư
duy trực tiếp triển khai công việc cụ thể, ngắn hạn, trước mắt; tư duy khái
quát, có tầm nhìn xa, hoạch định đường hướng, kế hoạch lâu dài (tư duy chiến lược).
Và như vậy, có thể nói người cán bộ lãnh đạo ở cấp độ nào thì cũng cần phải có
tư duy chiến lược. Tư duy chiến lược là yêu cầu cần thiết đối với người cán bộ
lãnh đạo bởi nó sẽ giúp cho chủ thể có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng dự
báo, phát hiện được sớm sự thay đổi của tình hình, kịp thời phát hiện cái mới hợp
quy luật hay những diễn biến bất thường trong sự vận động, phát triển đa dạng,
phong phú của sự vật, hiện tượng, đặc biệt là những biến động trong đời sống
chính trị, kinh tế, xã hội.
Tuy
nhiên, tư duy chiến lược đến lượt nó lại cũng có nhiều cấp độ: tư duy chiến lược
của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp quốc gia, vĩ mô (biểu hiện ra ở chiến lược,
cương lĩnh, định hướng trong một thời gian dài, có thể là chủ thuyết phát triển
của cả quốc gia, dân tộc). Loại này là phẩm chất, năng lực phải có ở đội ngũ
cán bộ lãnh đạo cao cấp, trung ương; tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo cấp
tỉnh phải tương thích với đặc điểm, địa bàn, quy mô cấp tỉnh; bên cạnh đó còn
tư duy chiến lược của đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu các cấp ở các bộ ban,
ngành cũng có những yêu cầu và đặc điểm riêng; tương tự như vậy, tư duy chiến
lược của cán bộ lãnh đạo cấp huyện với tư cách tầm nhìn, cách suy nghĩ có chiều
sâu, tầm bao quát và lịch sử-cụ thể đối với sự phát triển mọi mặt của địa
phương.
Mặc
dù có tầm quan trọng như vậy, nhưng trình độ, năng lực tư duy chiến lược và đặc
biệt là ý thức về việc trang bị, rèn luyện tư duy chiến lược trong đội ngũ cán
bộ lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện còn
một số hạn chế. Những hạn chế đó được bộc lộ ra khi có những quyết sách, quyết
định, chủ trương chưa thể hiện được tầm nhìn xa, trông rộng; công tác dự báo, định
hướng còn chưa phù hợp với thực tiễn, còn rơi vào tình trạng bị động đối phó.
Có thể đề cập một số hạn chế của việc thiếu trang bị, rèn luyện tư duy chiến lược
ở cán bộ sau đây:
Một
là, tư duy nhiệm kỳ làm giới hạn tầm nhìn của một số người lãnh đạo. Các nhà
lãnh đạo được bầu hoặc được bổ nhiệm thường chỉ giới hạn tầm nhìn về mục tiêu của
tổ chức trong nhiệm kỳ mà mình phụ trách, coi những gì xa hơn là công việc của
người phía sau. Đây là cách nhìn hạn hẹp, làm cho cơ quan nhà nước không thể đổi
mới một cách mạnh mẽ trước những đòi hỏi của thực tiễn.
Hai
là, một số nhà lãnh đạo bị sa vào những vấn đề cụ thể của tổ chức và tìm cách
giải quyết vấn đề trong khuôn khổ các điều kiện hiện tại của tổ chức.
Ba
là, một số nhà lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến các ý kiến phản hồi và đánh
giá của bên ngoài (các cơ quan có liên quan, các đối tác, các tổ chức và công
dân) đối với tổ chức của mình.
Hiện
nay, mới chỉ có chương trình bồi dưỡng tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ cấp
chiến lược bao gồm các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo
chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành
phố, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các quân khu, quân chủng, binh chủng;
lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn... (đây là những người có trọng trách ở
tầm quyết sách cao nhất của quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư Trung ương Đảng...), mà chưa có chương trình bồi dưỡng tư duy chiến lược
cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện bao gồm: (1) Bí thư, các Phó Bí thư tổ chức
đảng cấp huyện (gọi chung là Huyện ủy); các ủy viên Ban chấp hành Huyện ủy; (2)
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân
cấp huyện; (3) Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Các chức danh này không chỉ có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ uỷ quyền của
chính quyền cấp trên (tỉnh và trung ương) đối với chính quyền cấp dưới (cấp xã,
phường, thị trấn), mà còn là những người có trọng trách ở tầm quyết sách của
huyện, thuộc diện quản lý của tỉnh/thành phố. Do vậy, tư duy chiến lược cũng có
ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo cấp huyện trong quá trình ra quyết
sách của họ. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xem xét xây dựng chương trình bồi dưỡng
tư duy chiến lược riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện, hoặc phải có các
chuyên đề riêng về bồi dưỡng tư duy chiến lược trong các chương trình đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện hiện nay.
3. Tầm
quan trọng và yêu cầu đặt ra trong bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ lãnh
đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay
Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội
đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại lễ khai giảng - Ảnh Minh họa: https://tiengiang.gov.vn/
Cán
bộ lãnh đạo, quy hoạch lãnh đạo cấp huyện có vai trò hết sức quan trọng trong cả
hoạch định, lẫn tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế,
xã hội, văn hóa, chính trị, tại địa bàn cấp huyện. Nhưng hiện nay, đội ngũ này
hầu như rất ít được trang bị những kiến thức, kỹ năng tư duy chiến lược cần thiết
để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của họ trong lãnh đạo, quản lý. Chính vì
vậy, việc nghiên cứu về thực trạng bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ lãnh
đạo cấp huyện, từ đó điều chỉnh và có những giải pháp cần thiết nâng cao chất
lượng bồi dưỡng tư duy chiến lược cho nhóm cán bộ này (về kiến thức, kỹ năng, tầm
nhìn, về khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi nhanh chóng của thực tiễn) của
các cơ quan chủ trì (Tổ chức, Nội vụ) và các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng (hệ
thống các cơ sở đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện
Hành chính quốc gia) là hết sức cần thiết. Điều này, sẽ góp phần giúp đội ngũ
cán bộ lãnh đạo cấp huyện có được hình dung tổng thể về “tư duy chiến lược” (về
khái niệm, nội dung, các vấn đề cơ bản...); hình thành thói quen và làm quen với
việc lập kế hoạch, phát triển “tư duy chiến lược” trong công việc lãnh đạo, chỉ
đạo chung cũng như các hoạt động cá nhân nhằm lãnh đạo và thực thi công vụ hiệu
lực, hiệu quả; góp phần đổi mới nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của bồi dưỡng
tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cả từ phía
các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cả từ phía các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến
bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Từ
ý nghĩa, tầm quan trọng của tư duy chiến lược và bồi dưỡng tư duy chiến lược đối
với cán bộ lãnh đạo; từ thực tế công tác bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ
lãnh đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là từ những hạn chế, bất cập
và nguyên nhân của công tác này, có thể khái quát một số yêu cầu đang đặt ra hiện
nay như sau:
Một
là, cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong cán bộ lãnh đạo nói chung và cán bộ
lãnh đạo cấp huyện nói riêng về tư duy chiến lược và vai trò của tư duy chiến
lược trong công tác lãnh đạo, quản lý. Nhất là vai trò của tư duy chiến lược đối
với cán bộ lãnh đạo cấp huyện trong công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương
trong bối cảnh mới hiện nay.
Hai
là, vì tư duy chiến lược cũng rất cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo cấp huyện
trong quá trình xây dựng quyết sách và triển khai thực hiện của họ, nên cần xem
xét xây dựng chương trình bồi dưỡng tư duy chiến lược riêng cho đội ngũ cán bộ
lãnh đạo cấp huyện, hoặc phải có các chuyên đề riêng về bồi dưỡng tư duy chiến
lược trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện hiện
nay.
Ba
là, cần cụ thể hoá hơn nữa nội dung bồi dưỡng tư duy chiến lược trong các
chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta hiện nay,
trong đó quy định cụ thể về các yêu cầu, nguyên tắc và quy trình bồi dưỡng tư
duy chiến lược trong các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nói
chung và cán bộ lãnh đạo cấp huyện nói riêng. Tuỳ thuộc vào mỗi chương trình
đào tạo, bồi dưỡng và mỗi đối tượng cụ thể mà xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng
tư duy chiến lược riêng (có thể là chuyên đề về kiến thức hoặc là chuyên đề bồi
dưỡng ngoại khóa/bổ trợ...) nhằm làm cho cán bộ tham gia bồi dưỡng hiểu đúng
khái niệm, vai trò, vị trí của tư duy chiến lược trong công tác lãnh đạo, quản
lý và các nội dung, yêu cầu cần thực hiện để có tư duy chiến lược...
Bốn
là, mục tiêu, nội dung bồi dưỡng tư duy chiến lược trong các chương trình đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện phải phản ánh được tổng thể những vấn đề có
tính chiến lược về kinh tế - chính trị - xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt
là những vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực cơ bản của đời
sống xã hội và những vấn đề gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương cấp huyện.
Năm
là, để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ lãnh
đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay, vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và triển
khai các chương trình bồi dưỡng là phải đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, đặc biệt là đổi mới về nội dung, phương pháp dạy và học trên
nguyên tắc thực sự gắn lý luận với thực tiễn. Cùng với đó, trong công tác tổ chức
bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện, cần thực hiện
nghiêm việc quản lý học viên về thời gian tham gia học tập trên lớp, thời gian
tự học và sản phẩm tự học của cá nhân mỗi học viên.
Từ
các phân tích trên có thể bước đầu đề xuất một số chuyên đề bồi dưỡng tư duy
chiến lược cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay như sau: Tổng quan
về tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo cấp huyện; tư duy chiến lược trong dự
báo xu hướng vận động của sự vật; tư duy chiến lược trong quản lý và phát triển
nhân sự; tư duy chiến lược trong phát hiện và giải quyết vấn đề; tư duy chiến
lược trong lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội ở địa phương; tư duy chiến lược trong phân tích lợi thế so sánh của địa
phương.
Kết luận
Trong
hệ thống chính trị Việt Nam, cấp huyện là cấp có vị trí, vai trò rất đặc biệt -
là cầu nối giữa cơ quan Đảng, Chính quyền cấp tỉnh với cấp cơ sở - nơi trực tiếp
thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời
cũng là nơi cung cấp những thực tiễn sinh động để tổng kết, khái quát thành lý
luận. Cấp huyện cũng là địa bàn mà ở đó đòi hỏi cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo
vừa phải nắm vững, tuân thủ chủ trương, đường lối chung cũng đồng thời phải có
đủ năng lực để có thể vận dụng đường lối, lý luận chung một cách năng động,
sáng tạo, chủ động, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị
tư tưởng ở địa phương, đưa đất nước hội nhập thành công với khu vực và thế giới.
Để đảm đương tốt vai trò đó, mỗi người lãnh đạo, theo vị trí, nhiệm vụ, thẩm
quyền của mình cần chủ động rèn luyện, bồi dưỡng, phát triển tư duy chiến lược.
Cùng với đó các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về đào tạo bồi dưỡng cán bộ
cũng cần đổi mới công tác này, trong đó có việc chú trọng xây dựng, đổi mới nội
dung, phương pháp, chương trình, tài liệu bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ
lãnh đạo cấp huyện.
Tài liệu
tham khảo:
[1] Vũ Thị Mỹ Hằng (2021), Nâng cao năng lực
tư duy chiến lược của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp,https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn
[2] Học viện Hành chính Quốc gia (2018),
Tài liệu bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, Nxb. Bách khoa
Hà Nội.
[3] Lê Chi Mai (2016), Phát triển tư duy
chiến lược của người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, https://tcnn.vn
[4] Trần Thị Nga (2020), Bồi dưỡng tư duy
chiến lược cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, https://www.quanlynhanuoc.vn
[5] Nguyễn Viết Thảo (2021), Tầm nhìn và tư
duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo trước yêu cầu nhiệm vụ mới,http://lyluanchinhtri.vn