Lục
Ngạn là huyện nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, với tổng diện tích tự
nhiên là 1.032,53 km2, dân số khoảng 23 vạn người, là huyện miền núi, gồm 12 xã
vùng cao và 116 thôn đặc biệt khó khăn. Huyện Lục Ngạn có gần 80% dân số làm
nông nghiệp, với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống chiếm trên 49% dân số của Huyện[8]. Với gần 80% dân số làm nông nghiệp, ngành
nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
(KT-XH) của Huyện. Trong công cuộc đổi mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của
huyện Lục Ngạn, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp có vai trò quan
trọng trong việc hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế, nông nghiệp, tiếp cận thị
trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của
tình hình KT-XH và những rủi ro, bất thường của tự nhiên - xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn
(tỉnh Bắc Giang) _Nguồn: danviet.vn
1. Một
số vấn đề chung
Tái
cơ cấu ngành nông nghiệp thuộc tái cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, nằm
trong chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển KT-XH của cả nước gắn với bảo
vệ môi trường và đảm bảo tính bền vững. Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình sắp
xếp lại các yếu tố liên quan đến chuỗi giá trị từ quy hoạch, cơ sở hạ tầng,
hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất cũng như thu hoạch,
thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các mặt hàng, sản phẩm ngành nông nghiệp.
Nói cách khác, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình triển khai nhiều
giải pháp chuyển đổi hình thức cơ cấu mùa vụ, cây trồng hay vật nuôi nhằm nâng
cao giá trị sản xuất, từ đó tăng thêm thu nhập góp phần cải thiện chất lượng cuộc
sống của bà con nông dân, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Căn
cứ vào mục tiêu chung đề ra trong Kế hoạch số 685/KH-UBND ngày 23/12/2021 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai
đoạn 2021-2025:“Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát
triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia
tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; thích ứng với
biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp
hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch,
nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường
tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng,
sản phẩm tiềm năng (sản phẩm OCOP) có thế mạnh của tỉnh và của từng địa phương;
đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế
biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp,
hợp tác xã. Nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an
ninh lương thực và an ninh quốc phòng ở nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu
xây dựng nông thôn mới”[7], Ủy ban nhân dân
(UBND) Tỉnh, các cấp, các ban, ngành địa phương các huyện xã, nâng cao hiệu quả
hoạt động và vai trò các tổ chức hợp tác của nông dân trong tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông
nghiệp của địa phương. Đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện Lục Ngạn đã có sự
chuyển biến mạnh mẽ từ phương thức sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng
tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc hình thành, phát
triển các thương hiệu sản phẩm và tăng cường chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất
đến tiêu thụ sản phẩm.
Các
tổ chức hợp tác của nông dân là các hợp tác xã, các doanh nghiệp và đặc biệt là
các tổ chức CT-XH trên địa bàn huyện Lục Ngạn bao gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,
Hội Cựu chiến binh (CCB), Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên huyện Lục
Ngạn đã phát huy năng lực, nguồn lực và vai trò của mình trong thúc đẩy, hỗ trợ
và kết nối cùng với nông dân thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng các mục tiêu của kế
hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
2. Vai
trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông
nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Một là, trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch,
sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP , nông nghiệp hữu cơ
Các
tổ chức CT-XH trên địa bàn Huyện có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp hội
viên, thành viên nhóm tham gia vào quá trình ứng dụng công nghệ cao và khoa học
- kỹ thuật (KH-KT) trong sản xuất nông sản sạch, an toàn và bảo vệ môi trường đạt
tiêu chuẩn quốc tế thông qua hoạt động tuyên truyền, tập huấn. Đặc biệt là đẩy
mạnh chuyển giao, ứng dụng KH-KT, công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông
tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị.
Hội
Nông dân là tổ chức CT-XH hoạt động tích cực nhất trong công tác tập huấn chuyển
giao KH-KT cho nông dân trên địa bàn Huyện năm 2021 với 49,704 lượt người tăng
gần gấp đôi so với so với năm 2019 là 25,706 lượt người[5];
Để sản xuất nông nghiệp của Huyện phát triển bền vững, toàn diện phù hợp với lợi
thế của từng địa phương, Hội Nông dân các cấp tích cực tham gia các dự án, đề
án của ngành nông nghiệp tại địa phương về tổ chức lớp chuyển giao KH-KT cho
các hộ gia đình. Hội Phụ nữ Huyện tập trung khai thác chuyển giao công nghệ
VietGap vào chăm sóc vải thiều cho các chị em phụ nữ nông dân.
Hội
CCB áp dụng tiến bộ KH-KT, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến bảo quản nông sản
sau thu hoạch, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao... Các nhóm cũng
liên kết, phối hợp với nhau trong chuyển giao công nghệ và tập huấn ứng dụng KH-KT.
Cùng
với các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, các
tổ chức CT-XH đưa ra các cam kết thực hiện đã trở thành quy tắc nhóm, nguyên tắc
để sản phẩm nhận được sự bảo trợ và đồng hành của chính quyền địa phương, đại
diện các tổ chức CT-XH trong cấp phép và tiêu thụ sản phẩm.
Các
cơ sở Hội Nông dân đã xây dựng được 19 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với
biến đổi khí hậu trong năm 2021 (vượt so với kế hoạch Hội đặt ra 13 mô hình)[5]. Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động,
nâng cao ý thức, trách nhiệm của phụ nữ về bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình
“sản xuất thực phẩm sạch”, “tiêu dùng sạch” trong hội viên phụ nữ. Huyện đoàn
chú trọng vào tổ chức các đội tuyên truyền bảo vệ môi trường và hướng dẫn áp dụng
KH-KT và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn và BVMT cho các cơ sở, hội,
nhóm.
Hai là, trong chuyển đổi và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi
nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản
Mặc
dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát trên địa bàn, nhưng vẫn còn
tiềm ẩn nhiều nguy cơ: Giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,
thức ăn chăn nuôi...) tăng cao, trong khi giá một số nông sản như rau, củ, quả,
gia súc, gia cầm, cá các loại giảm, khó tiêu thụ.
Hội
Nông dân, Hội Phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng hỗ trợ cung ứng giống cây trồng,
vật nuôi để phát triển sản xuất; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, các đại lý,
công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cho các hội viên. Hoạt động
cung ứng phân bón cho nông dân được thực hiện hiệu quả với định mức năm sau cao
hơn năm trước, đặc biệt là Hội Nông dân huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Công
nông nghiệp Tiến Nông cung ứng được 760 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông
dân (đạt 345,45% kế hoạch năm 2019), đến năm 2021 là 2.032 tấn phân bón các loại
(đạt 752,59% chỉ tiêu đề ra)[4],[5]. Ngoài
ra Hội còn phối hợp với với các đại lý cung ứng phân bón các loại, phối hợp cơ
quan chuyên môn cung ứng thóc giống, cùng một số cây, con giống mới cho hội
viên nông dân kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các
tổ chức CT-XH là đơn vị phối hợp hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng
Chính sách xã hội kết hợp với nguồn quỹ vốn của hội trong triển khai hỗ trợ vốn,
quản lý việc phân bổ vốn cho các hội viên của mình. Hội CCB huy động mọi nguồn
lực và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở
địa phương; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CCB. Từ năm 2017 đến năm
2021, Hội đã cho vay không tính lãi được 1.594 hộ với số tiền 4.826 triệu đồng,
cho vay lãi suất thấp với 3.494 hộ với số tiền 18.567 triệu đồng[3]. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Huyện đoàn là các tổ
chức CT-XH đã phát huy vai trò nòng cốt trong hỗ trợ vốn cho nông dân. Tỷ lệ
Ngân hàng NN&PTNT cho vay qua tổ do Hội Nông dân quản lý chiếm 33% tổng dư
nợ; tỷ lệ lãi thực thu cho vay qua tổ đạt 90%[5].
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Huyện đoàn hỗ trợ 34 lượt đoàn viên thanh niên vay vốn
khởi nghiệp hơn 3,3 tỷ đồng, thành lập mới và duy trì 53 tổ tiết kiệm vay vốn với
tổng dư nợ uỷ thác đạt 87,128 tỷ đồng[2].
Ba là, trong thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết và tổ chức sản
xuất từ cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá
trị
Liên kết theo chuỗi
giá trị trong sản xuất gắn với tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật,
quy trình sản xuất. Nguồn ảnh https://bacgiang.gov.vn/
Hiện
nay, sức cạnh tranh của nông sản Lục Ngạn, Bắc Giang trên thị trường tương đối
cao, không chỉ thu hút thị trường trong nước mà còn cả thị trường châu Á và thị
trường khó tính như châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các loại dịch bệnh diễn
biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19, từ Chính phủ đến các cấp địa
phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Cuộc
vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sự tham gia vào cuộc của
các bộ, sở, ngành của Tỉnh và các tổ chức CT-XH đã tạo điều kiện giúp Lục Ngạn
mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm Vải thiều, sản phẩm đặc trưng của Lục Ngạn
tiếp tục chinh phục thị trường quốc tế. Hoạt động tình nguyện tham gia giúp đỡ
nhân dân thu hoạch và tiêu thụ vải thiều là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
cơ bản của Huyện đoàn hàng năm. Hằng năm, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động
trong mùa thu hoạch vải thiều. Trong nhiệm kỳ, tuổi trẻ toàn Huyện đã giúp đỡ
976 lượt gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị ảnh
hưởng bởi đại dịch COVID-19 thu hoạch 829 tấn vải thiều. Năm 2021, Huyện đoàn
đã phối hợp với Ban Chuyên môn Tỉnh đoàn tiêu thụ trên 300 tấn vải thiều trên
sàn thương mại điện tử, đội thanh niên tình nguyện cấp tỉnh giúp đỡ 32 gia đình
của 2 xã Tân Hoa và Quý Sơn thu hoạch 90,6 tấn vải tươi, giúp đỡ 7 gia đình sấy
19 tấn vải[2]. Các cấp bộ Đoàn đã chủ động kết
nối, hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác cho nhân dân
vùng bị cách ly, đặc biệt là các loại nông sản có thời gian thu hoạch ngắn như
lúa, ngô, ớt, vải thiều.
Để
tăng tính cạnh tranh trên thị trường nông sản, các sản phẩm nông nghiệp được cấp
mã số vùng trồng để tham gia vào thị trường châu Âu và các nước trong khu vực
theo hướng dẫn tại Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ
NN&PTNT. Các tổ chức CT-XH như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB... phối hợp
với cơ quan chuyên môn các huyện xác định các loại cây trồng ưu tiên cấp mã số
vùng trồng theo điều kiện cụ thể, giám sát, phản biện và kiểm tra công tác cấp,
quản lý và sử dụng mã số vùng trồng một cách khách quan, công khai minh, bạch
cho chính quyền và người dân.
Bốn là, trong phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã
nông nghiệp trong sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực của huyện
Từ
năm 2019, Huyện đoàn đã phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn, Liên minh hợp
tác xã (HTX) Tỉnh tổ chức Lớp tập huấn sáng lập viên chuẩn bị thành lập HTX và
khởi nghiệp cho thanh niên với các nội dung: Phổ biến các kiến thức về Luật HTX
2012, các cơ chế, chính sách đối với các HTX, hướng dẫn thành lập HTX trong
thanh niên[1].
Hội
Phụ nữ Huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ
khởi nghiệp” năm 2020 cho 130 chị là cán bộ Hội các xã, thị trấn, thành viên
Câu lạc bộ nữ doanh nhân Huyện; trong đó tập trung tuyên truyền về Tổ phụ nữ
liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, tuyên truyền các văn bản mới về việc
thành lập và tham gia HTX, khởi sự, khởi nghiệp.
Hội
Nông dân Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận
động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; xây
dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương;
chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức thành lập tổ liên kết, tổ hợp tác... Giao chỉ
tiêu thành lập tổ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cho 50% chi hội và 50%
các tổ liên kết hoạt động có hiệu quả. Kết quả các cơ sở hội thành lập mới và
ra mắt 30 tổ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tổng số tổ liên kết
trong toàn Huyện lên 549 tổ, với 4.665 thành viên. Theo Báo cáo Tổng kết công
tác Hội và phong trào nông dân năm 2021, tính đến 30/10/2021 tổng số HTX do Hội
Nông dân thành lập và quản lý là 8 hợp tác xã với số thành viên là 138 người[5].
3. Một
số giải pháp phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong tái cơ cấu
ngành nông nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Thứ nhất,
cần nâng cao chất lượng dân số huyện Lục Ngạn nhằm phát triển nhanh nguồn nhân
lực đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng kịp thời nhu cầu năng lực
phát triển sinh kế, sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, KH-KT
gắn với số hoá thị trường cho người dân trên địa bàn Huyện.
Thứ hai,
bổ sung tăng cường cả về chất và lượng nguồn nhân lực của các tổ chức CTXH cấp
xã, thôn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững đáp ứng được
yêu cầu phân cấp thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án thông qua công tác
đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ địa phương đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu
số có năng lực, phẩm chất cần thiết.
Thứ ba,
xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ lao động vay vốn phát triển kinh tế nông
nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cho đồng bào dân tộc thiểu
số tránh tái nghèo. Cần có các chính sách phải giải quyết được những khó khăn
trong quá trình sản xuất, đặc biệt là trong việc tiếp cận thị trường, giải quyết
đầu ra cho nông sản phát huy vai trò chủ thể thụ hưởng chính sách của người
dân.
Thứ tư,
đổi mới công tác xúc tiến, tiêu thụ theo hướng kết hợp giữa hình thức trực tuyến
và truyền thống, phù hợp với điều kiện, bối cảnh từng giai đoạn cụ thể; tăng cường
xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, ứng dụng và phát huy có hiệu
quả nền tảng xúc tiến thương mại điện tử và các hình thức xúc tiến tiêu thụ
trên nền tảng số, hạ tầng Internet.
Thứ năm,
phát huy tối đa vai trò phối hợp cùng các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân Huyện
của các tổ chức CT-XH trong việc tổ chức thực hiện chương trình, dự án, tái cơ
cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Phối hợp với
các cơ quan chuyên môn triển khai kế hoạch chuyển dịch cơ cấu phù hợp cho nhiều
loại vải thiều nhằm kéo dài vụ thu hoạch, giảm sức ép trong khâu tiêu thụ. Ở những
diện tích đã được cấp mã vùng trồng cần tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất vải
hữu cơ, coi đây là định hướng trong những năm tiếp theo.
Sản xuất vải thiều
thuận lợi, chất lượng ngày càng cao._Nguồn ảnh https://bacgiang.gov.vn/
Kết luận
Trong
những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Lục Ngạn đã có sự chuyển biến
mạnh mẽ từ phương thức sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập
trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với việc hình thành, phát triển
các thương hiệu sản phẩm. Trong những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của
các tổ chức CT-XH. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả
các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đặc
biệt là phát huy vai trò của các tổ chức CT-XH trong hỗ trợ, thúc đẩy các hộ
gia đình chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp sao
cho phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng vùng, địa phương.
Tài liệu
tham khảo:
[1] Đoàn Thanh niên huyện Lục Ngạn (2019),
Báo cáo số 138-BC/ĐTN về Kết quả công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu
nhi năm 2019.
[2] Đoàn Thanh niên huyện Lục Ngạn (2021),
Báo cáo Ban Chấp hành Huyện đoàn Lục Ngạn khoá XXII tại Đại hội đại biểu Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Lục Ngạn lần thứ XXIII.
[3] Hội Cựu chiến binh huyện Lục Ngạn
(2022), Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Lục Ngạn khoá VI tại
Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027.
[4] Hội Nông dân huyện Lục Ngạn (2019), Báo
cáo Công tác Hội và phong trào nông dân năm 2019.
[5] Hội Nông dân huyện Lục Ngạn (2021), Báo
cáo Số 318-BC/HNDH Tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021,
phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
[6] Hội Phụ nữ huyện Lục Ngạn (2020), Báo
cáo số 200/BC-BTV, Tổng kết công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2020; phương
hướng, nhiệm vụ năm 2021.
[7] Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang (2021),
Kế hoạch số 685/KH-UBND về Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2021-2025, ngày 23/12/2021.
[8] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện
Lục Ngạn (2022), Báo cáo kết quả 03 năm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt
trận Tổ quốc các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.