Thứ Ba, ngày 30/05/2023, 22:21

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, ngày 5/12. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong suốt 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ (1992 - 2022), Việt Nam và Hàn Quốc đã nhanh chóng đẩy mạnh hợp tác về mọi mặt. Trong quá trình hợp tác, bên cạnh những thành tựu tốt đẹp gặt hái được, cùng với nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn, mối quan hệ Việt - Hàn còn một số hạn chế nhất định. Trước đòi hỏi mới của tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ và Nhân dân hai nước, Việt Nam và Hàn Quốc đã tận dụng những điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường, đẩy mạnh, mở rộng hợp tác, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của hai nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước.

1.Những tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc

Một là, công cuộc cải cách ở Hàn Quốc và đổi mới ở Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật Việt Nam và Hàn Quốc đều là hai nước châu Á, có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Á. Cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái thiết, xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Sau khi hòa bình lập lại năm 1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Từ năm 1960 trở lại đây, với những cải cách mạnh mẽ, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc về công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, Hàn Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, với tổng giá trị GDP là 2,14 nghìn tỷ USD, GDP đầu người đạt 41,35 nghìn USD năm 2018[1].

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ VI, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và mở cửa, kinh tế Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 6% năm)[2, tr.20], quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 271,2 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.779 USD, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015[2, tr.8-9]. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trong top 10 quốc gia được dự báo có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong 8 năm tới nhanh nhất thế giới[8]. Với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã khẳng định vị thế, vai trò của mình ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung, là mối quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.

Hai là, nhu cầu hợp tác và chính sách đối ngoại của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vốn có lịch sử lâu đời và có sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, gặp nhau về nhu cầu, lợi ích, có cấu trúc kinh tế tương hỗ, do đó có nhiều khả năng để đẩy mạnh hợp tác và từng bước nâng tầm quan hệ trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Ngày 22 - 12 - 1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ, mở ra một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hai nước. Kể từ năm 1992 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, ủng hộ lẫn nhau đối với các vấn đề trong khu vực và quốc tế. Trong chính sách đối ngoại, Hàn Quốc khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng đầy tiềm năng và triển vọng ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng và sẵn sàng tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn Hàn Quốc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác, vì sự phát triển bền vững của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới[7].

2.Thực trạng quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022)

Ngày 22 - 12 - 1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao mới trong quan hệ song phương giữa hai nước. Trải qua 3 thập kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp, ủng hộ lẫn nhau đối với các vấn đề trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học, công nghệ.

Về chính trị, đối ngoại, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát huy hiệu quả, thực chất, tin cậy, chính trị không ngừng được củng cố thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và giữa các bộ, ngành địa phương giữa hai nước bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Tháng 8 - 2001, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai bên ra tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác mới là: “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa. Từ ngày 20 đến ngày 22 - 10 - 2009, lần đầu tiên Tổng thống Lee Myung-bak chính thức thăm Việt Nam, hai nước đã ký Tuyên bố chung nâng cấp mối quan hệ thành “Đối tác hợp tác chiến lược”, đánh dấu một bước phát triển mới rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc, góp phần vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và thế giới. Tháng 12 - 2022, Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ hợp tác hai nước lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới.

Về kinh tế đầu tư, hiện nay, Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, đứng thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)[3]. Tính đến tháng 9-2022, Hàn Quốc đã có khoảng 9.438 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 80,5 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam[1].

Về thương mại, năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch song phương năm 2021 đạt 78 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2020. Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc 9 tháng đầu năm 2022 đạt 66,8 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021[1]. Nhìn chung, trong 30 năm qua, quan hệ thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 150 lần và đang tiến tới mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023[5].

Về viện trợ phát triển chính thức, Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 300 triệu đôla Mỹ trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại. Hàn Quốc tập trung viện trợ cho Việt Nam trong một số lĩnh vực trọng tâm như cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, vệ sinh môi trường, y tế. Ngoài ra, ODA của Hàn Quốc còn giúp Việt Nam phát triển một số lĩnh vực mới như hành chính công, nhân đạo.

Về hợp tác lao động, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu lao động lớn thứ 3 sang Hàn Quốc, chỉ sau Malaysia và Đài Loan. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có gần 50.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua nhiều hình thức[6].

Về hợp tác phát triển du lịch, tháng 8 - 2002, Hiệp định hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức được ký kết. Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường nguồn lớn thứ hai của du lịch Việt Nam với 4,3 triệu lượt khách tại thời điểm trước dịch COVID- 19 (năm 2019). Hơn nữa, số lượng người Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc tăng 2,1 lần trong giai đoạn 2016 - 2019, từ 251.000 lượt lên 523.000 lượt. Tính đến 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón gần 500.000 lượt khách Hàn Quốc và 100.000 lượt người Việt Nam đã đi du lịch Hàn Quốc[4].

Về văn hóa - giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hóa vào tháng 8 - 1994, bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch tháng 10 - 2008, Hiệp định hợp tác giáo dục tháng 3 - 2000 và Hiệp định hợp tác giáo dục và đào tạo ngày 31 - 5 - 2005, đây là cơ sở pháp lý nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước. Hai bên thường xuyên trao đổi văn hóa nghệ thuật, triển lãm điện ảnh. Tháng 11 - 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đặt tại Hà Nội. Ngày 16 - 2 - 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học.

Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai bên đang duy trì cơ chế “Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng về ngoại giao - quốc phòng - an ninh”, “Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp thứ trưởng”; hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin (28 - 12 - 2012), Biên bản thỏa thuận khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (14 - 6 - 2016), Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030 (4 - 2018).

Về hợp tác khoa học công nghệ, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ năm 1995. Trong lĩnh vực công nghệ cao, tháng 6 - 2010, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam - Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác. Ngày 14 - 11 - 2015, Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc. Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ, hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (IIPTI). Về năng lượng nguyên tử, tháng 3 - 2007, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quan hệ Việt - Hàn vẫn còn bộc lộ những hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước. Sự khác biệt về chính trị, kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và Hàn Quốc; sự chênh lệch trong cán cân thương mại Việt Nam - Hàn Quốc; khoảng cách trong trình độ phát triển kinh tế, vấn đề xuất khẩu lao động, du lịch, giao lưu văn hóa một chiều là những vấn đề tác động không nhỏ đến sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

3.Giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc

Thứ nhất, tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, an ninh theo phương châm đa tầng cấp và nhiều phương diện nhằm tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau

Chú ý hợp tác song phương thông qua các cam kết ngắn hạn và dài hạn cùng với việc đa dạng hóa các loại hình hợp tác của Chính phủ, địa phương và các tổ chức phi chính phủ, giao lưu nhân dân. Lấy lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc để xử lý các vấn đề trong quan hệ hai nước, đồng thời cần vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về nhân nhượng và thỏa hiệp theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích chiến lược, mềm dẻo về sách lược. Thiết lập hệ thống thông tin song phương trực tiếp về các vấn đề liên quan đến khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực kinh tế - trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, loại bỏ những rào cản ảnh hưởng đến đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, thúc đẩy mối quan tâm của các đối tác Hàn Quốc trong phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô như tài chính, tiền tệ và pháp luật để khuyến khích và đầu tư hợp tác song phương. Phát huy hiệu quả vai trò của Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc.

Tiếp tục đàm phán để Hàn Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng. Việt Nam cần đưa ra cơ chế, chính sách tích cực nhằm khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất hàng xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc.

Thứ ba, phát huy hiệu quả trong hợp tác xuất khẩu lao động góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong điều kiện mới, Việt Nam cần xây dựng hệ thống văn bản pháp lý về tuyển chọn và đào tạo lao động nước ngoài nói chung và cho thị trường Hàn Quốc nói riêng một cách công khai, có tổ chức, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu và thế mạnh lao động của các địa phương; bổ sung cơ chế chính sách (trong đó có cả chính sách cho vay vốn đầu tư ban đầu cho người lao động) theo sự vận động của thị trường trong nước và Hàn Quốc, để tạo điều kiện cho việc tuyển chọn và đào tạo lao động có hiệu quả.

Thứ tư, thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, khoa học - công nghệ tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước

Thúc đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo với Hàn Quốc ở cấp Nhà nước, triển khai các hình thức hợp tác song phương giữa các trường đại học, các cơ quan khoa học của hai nước để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia, giáo trình, đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Trong hợp tác về khoa học - công nghệ, Việt Nam cần đẩy mạnh các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá, công nghệ hạt nhân với Hàn Quốc. Tăng cường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cử cán bộ, chuyên gia học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc hoặc mời chuyên gia Hàn Quốc tư vấn về các công trình, dự án lớn ở Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục mở rộng hợp tác giữa các tổ chức nhân dân góp phần hỗ trợ phát triển cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cần tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức và địa phương Hàn Quốc thúc đẩy các dự án, lĩnh vực hợp tác về giao lưu nhân dân và thành lập các lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào người Việt đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Thành lập các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn việc làm, hướng dẫn về văn hóa cộng đồng cho kiều dân hai nước. Đồng thời, Việt Nam và Hàn Quốc cần hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của các gia đình đa văn hóa, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc được thuận lợi.

Kết luận

Trải qua 30 năm phát triển, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã không ngừng phát triển. Với những thành tựu và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang nỗ lực tận dụng những điều kiện thuận lợi, cũng như những tiềm năng, lợi thế sẵn có của hai nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của nhân dân mỗi nước; xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, góp phần vì hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1]Hà Anh (2022), Tăng trưởng thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt nhiều kết quả tích cực, https://dangcongsan.vn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đinh Công Hoàng (2021), Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 (242).

[4] TH (2022), Đẩy mạnh hợp tác du lịch Việt Nam - Hàn Quốc, https://dangcongsan.vn

[5] HN (2022), Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác bền vững trong tương lai, https://dangcongsan.vn

[6] Lê Vân (2022), Đẩy mạnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng, https://kinhtevadubao.vn

[7] Việt Nam - đối tác quan trọng trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, https://baoquocte.vn

[8] Việt Nam lọt top 10 quốc gia có tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới trong 8 năm tới, http://kinhtevadubao.vn


Đọc thêm

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.

Tiềm năng du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hiện nay

Tác giả: VŨ TRƯỜNG GIANG

(GDLL) - Du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân địa phương. Bài viết phân tích khái quát tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát huy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững về văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong thời gian tới.