Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là xã
đáp ứng 5 yêu cầu được đặt ra trong Quyết định số
25/2021/QĐ-TTg ngày 08/05/2021 của
Thủ tướng Chính phủ về quy định về xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật, đó là: Một là, ban
hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành
Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; Hai là,
tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; Ba là, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; Bốn là, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Năm là, tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị,
phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật
tự, an toàn xã hội[3].
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
hoạt động phức tạp, được tiến hành bởi các thiết chế trong hệ thống chính trị,
nhằm xây dựng chính quyền cấp xã đáp ứng các chỉ tiêu trong Quyết định 25. Qua
đó, nâng cao số lượng, chất lượng đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, nâng cao hiểu
biết pháp luật, tự giác sống làm việc theo
Hiến pháp và pháp luật, góp phần quan trọng vào việc phát
triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn
xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định.
1. Nội dung công tác xây
dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định
1.1. Xây dựng, ban hành chính
sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật để tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận
pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định ban hành
Kế hoạch số 58/KH-UBND Về triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày
08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật cùng hàng loạt các kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện
hàng năm và công tác này đã được thực hiện có hiệu quả. Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ
tiếp tục ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/07/2021 về quy
định về xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật được ban hành với 5 tiêu chí mới, nhằm quán triệt thực hiện Quyết định số
25/QĐ-TTg, Sở Tư pháp tỉnh Nam Định đã ban hành Công văn số 665/UBND-VP8
ngày 23/7/2021 của UBND Tỉnh về việc tham mưu thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật; Công văn số 848/STP-PBTDTHPL ngày 03/08/2021 của Sở Tư
pháp Về việc triển khai quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy
định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Công văn số
1098/STP-PB&TDTHPL ngày 26/08/2022 của Sở Tư pháp Về việc thực hiện quy
định về huyện, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...
Nếu như ở Quyết định số 619/QĐ-TTg việc đánh giá, công
nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là dựa trên kết quả đánh giá sự hài lòng
của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 5 Quy định này được
thực hiện bằng phiếu lấy ý kiến, bảng điện tử hoặc hình thức phù hợp khác tại
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã hoặc kết hợp với đánh giá sự
hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới, chỉ số cải cách thủ tục hành
chính hằng năm và Công chức cấp xã được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu
tiếp cận pháp luật có trách nhiệm tự chấm điểm, gửi kết quả đến công
chức Tư pháp - Hộ tịch. Căn cứ kết quả tự chấm điểm của công
chức cấp xã và kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ
tục hành chính, công chức Tư pháp - Hộ tịch tổng hợp báo cáo,
trình Chủ tịch UBND cấp xã. Thì ở Quyết định số 25/QĐ-TTg việc này được UBND
cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm
yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công
nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến UBND
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc
trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) trước ngày 10
tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá và có Ủy ban và UBND cấp
huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn,
thẩm định giúp Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định công nhận
và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các trình tự
ở thủ tục đánh giá cũng được rút gọn nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, chính
xác.
1.2. Về tổ chức bộ máy, điều
hành, phối hợp thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Trong các Văn bản, Kế hoạch được ban hành, tỉnh Nam Định
xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở Tư pháp và các ban ngành, đoàn thể
có liên quan triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng
cấp xã đạt chuẩn tiêu chuẩn pháp luật, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, UBND Tỉnh nhận thức rõ
công tác này không chỉ là nhiệm vụ riêng của Ngành Tư pháp, nên đã chỉ đạo Sở
Tư pháp Tỉnh tập trung phối hợp chặt chẽ với
Phòng Tư pháp các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Nam Định để thực hiện.
Trong tất cả các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, UBND tỉnh
Nam Định đều nhấn mạnh cơ quan chủ trì là Sở Tư pháp và cần phối hợp với các cơ
quan, tổ chức có liên quan, như: Sở Nội vụ; Mặt trận Tổ quốc; Sở Văn hóa; Sở
Giáo dục... để thực hiện đồng bộ công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận
pháp luật đạt hiệu quả cao nhất.
Mặt khác, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo tích cực phổ biến
thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí hoặc các hình
thức phù hợp về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chuyên mục,
chương trình, phóng sự trên Cổng/Trang thông tin điện tử, Đài Phát thanh, Đài
Truyền hình; đăng tải tin, bài trên các báo viết, báo điện tử...).
1.3. Xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức (tập huấn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cho công tác này
là một trong những nội dung rất quan trọng. Chính vì thế, trong Công văn số
848/STP-PBTDTHPL ngày 03/08/2021 của Sở Tư pháp Về việc triển khai quyết định
số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật nhấn mạnh việc tổ chức quán triệt, tập huấn nâng cao
năng lực cho các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ công chức của bộ, ngành, địa
phương được giao theo dõi, triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật. Bên cạnh đó, xây dựng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên. Biên soạn các tài
liệu để giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ, chấm điểm, công nhận xã phường, thị trấn
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tất cả các nhiệm vụ này đều do Sở Tư pháp chủ trì
và phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện.
1.4. Bảo đảm nguồn tài chính phục
vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận; chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, đánh
giá
Cũng trong Công văn số 848/STP-PBTDTHPL ngày 03/08/2021
của Sở Tư pháp Về việc triển khai quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật, UBND tỉnh Nam Định xác định bảo đảm cơ sở vật chất, kinh
phí hàng năm để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp
cận pháp luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám
sát triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chọn điểm
mỗi năm ít nhất 1 xã để chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, triển khai mô hình
điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với phong trào thi đua “Ngành tư pháp
chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Song song với đó, Sở Tư
pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, chấm điểm, tổ chức đánh giá, công nhận
cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định
thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, xây dựng, ban hành Quy chế hoạt
động của Hội đồng. Thành phần của Hội đồng bao gồm các lãnh đạo UBND huyện; thành phố
làm Chủ tịch Hội đồng; thành viên là đại diện các phòng ban liên quan của
huyện. Những nội dung cũng được làm rõ ở Công văn số 1098/STP-PB&TDTHPL ngày 26/08/2022 của Sở Tư pháp Về việc
thực hiện quy định về huyện, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
2.
Kết quả của công tác xây dựng cấp
xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Nam Định
2.1.
Thành tựu của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Nam Định
Về công tác
chỉ đạo, điều hành: trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Nam
Định và hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố Nam Định
và công chức Tư pháp - Hộ tịch của 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh
đã tích cực, chủ động tham mưu UBND cùng
cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật trên địa bàn quản lý; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan trong triển khai xây dựng, thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp
luật, nhất là những tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật thuộc lĩnh vực Tư
pháp (như phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, ban hành văn bản quy
phạm pháp luật...) tổ chức đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận
pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Về tổ chức bộ máy, điều hành, phối hợp: không chỉ riêng
Ngành Tư pháp, các Sở, Ban, Ngành khác của
tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án. Như ở
Công an Tỉnh: có 7/7 đơn vị đã tổ chức học tập; 13/13 cơ quan tổ chức sinh hoạt
chính trị, tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa Ngày pháp luật, các văn
bản về chấp hành pháp luật, kỷ luật; treo 25 băng rôn, 15 pano trong và ngoài
đơn vị để truyền thông rộng rãi về Ngày pháp luật Việt Nam[6, tr.5].
Bên cạnh đó, Đài Phát thanh truyền hình, báo Nam Định đã xây dựng, thực
hiện các chuyên mục, tin bài tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông;
thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất... phát trên
sóng truyền hình của Tỉnh. Điều này giúp người dân tiếp cận với pháp luật một
cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện nên tỉ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
theo đó cũng tăng lên.
Hàng năm, các xã, thị trấn trong Tỉnh đã tập trung nâng
cao hiệu quả thi hành Hiến pháp và pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; chú
trọng công tác tiếp công dân, giải quyết các kiến nghị, hòa giải cơ sở gắn với
thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn
đã quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa để tạo
thuận lợi cho nhân dân tiếp cận pháp luật trong giải quyết các thủ tục hành
chính. Chẳng hạn như ở xã Yên Dương của huyện Ý Yên, năm 2022, sau khi khánh
thành và đưa vào sử dụng trụ sở làm việc Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND cấp xã đã bố trí
nơi làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã ở vị trí thuận tiện,
khang trang, rộng rãi với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhân dân
đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, báo cáo
viên: Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ báo
cáo viên đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến năm 2021, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp đã tổ chức hơn 5.341 hội
nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho 311.293 lượt người[6, tr.2]; tổ chức để cán bộ, nhân dân trên
địa bàn Tỉnh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 15.325 lượt dự thi[6, tr.2]...
Biên soạn, phát hành hơn 310.914 tài liệu thông tin, tuyên truyền pháp luật các
loại gồm tin bài đăng, phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, xe thông tin
lưu động, trên thông tin đại chúng, internet; tờ rơi, tờ gấp, hỏi đáp tìm hiểu
pháp luật[6, tr.2].
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các huyện Nghĩa
Hưng, Giao Thủy và thành phố Nam Định đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho
người làm công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn 07 đơn vị cấp huyện gồm: Nam Trực, Nghĩa
Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định với hơn
500 đại biểu tham dự và tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho đội ngũ Tuyên truyền
viên pháp luật trên địa bàn huyện Trực Ninh. Sở Tư pháp đã biên soạn, cấp phát
miễn phí cho 10 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Nam Định, 226 xã, phường, thị
trấn 4.000 Bản tin Tư pháp, biên tập, đăng tải 80 tin bài tuyên truyền, giới
thiệu văn bản pháp luật mới và 03/08 bộ tài liệu đăng tải trên trang Thông tin
điện tử của Sở để phục vụ công tác tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật của đội ngũ
báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật và nhân dân[6, tr.10].
Về đánh giá, kiểm tra và bảo đảm nguồn kinh phí: kinh phí theo Thông
tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014
của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp
luật và chuẩn tiếp cận pháp luật mỗi năm được đảm
bảo, duy trì: Sở Tư pháp: 300 triệu đồng; Phòng Tư pháp cấp huyện: 449 triệu
đồng; UBND cấp xã: 177 triệu đồng[4].
Mặt khác, việc duy trì thanh tra, kiểm tra luân phiên
thực hiện. Với sự nỗ lực của toàn Tỉnh, năm 2021, tỉnh Nam Định có
215/226 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo
bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, trong đó 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ
Bản, Ý Yên đạt 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các xã, thị
trấn đạt tỉ lệ cao như: thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản), thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực
Ninh); thị trấn Liễu Đề (huyện Nghĩa Hưng)...[5]. Hội đồng đánh giá tiêu chuẩn pháp luật
đã được thành lập giúp công tác đánh giá đạt chuẩn theo tiêu chí đạt hiệu quả
cao, công bằng, khách quan.
Kết quả này có
được là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp ủy Đảng, Chính quyền tỉnh
Nam Định, đứng đầu là Tỉnh ủy và sự phối hợp chặt chẽ của các sở ban ngành trực
tiếp là Sở Tư pháp cùng toàn thể nhân dân trong Tỉnh. Thành công của
công việc tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả quản lý của chính
quyền địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng
an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định.
2.2. Hạn chế và nguyên nhân hạn
chế của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Bên cạnh những thành tựu, công tác xây dựng cấp xã đạt
chuẩn pháp luật ở tỉnh Nam Định còn một số hạn chế:
Một là, thiếu sự quan tâm, kiểm tra, đôn đông của một số cấp ủy, chính quyền do
nhận thức rõ mục đích, yêu cầu của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiêu
chuẩn pháp luật
Hai là, thủ tục hành chính cho công tác này còn nhiều bất cập, nhân sự đều là kiêm
nhiệm, năng lực chuyên môn không đồng đều; số lượng thủ tục hành chính
niêm yết công khai có sự không thống nhất giữa các đơn vị cùng địa bàn, mẫu
niêm yết không đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày
31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ
tục hành chính.
Ba là, chưa thật sự quan tâm tới việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, diện
tích làm việc của bộ phận một cửa; kinh phí cho
nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế, việc quản lý và sử dụng kinh phí cũng chưa thật sự phù
hợp với thực tế.
Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Nguyên
nhân chủ quan: Cấp
uỷ, chính quyền địa phương một số nơi chưa nhận thức hết tầm quan trọng của
công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nên chưa tập trung lãnh
đạo, chỉ đạo cơ sở thực hiện một cách triệt để; nhân sự hầu hết đều kiêm nhiệm
nên chưa phát huy được hết vai trò, năng lực.
Nguyên nhân khách quan: Do tác động của cơ chế
thị trường, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và các tệ nạn
xã hội ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp nên ở một số địa bàn cũng còn xảy
ra những mâu thuẫn trong cộng đồng nên ảnh hưởng đến kết quả của công tác xây
dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng
cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định nhằm thực hiện tốt quyết
định số 25/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Tăng cường
năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. (Ảnh Minh họa- https://baodantoc.vn/)
Thứ nhất, tăng cường nhận thức của mỗi cán bộ, công
chức trong hệ thống chính trị tỉnh Nam Định xác định đây là nhiệm vụ chung của
cả hệ thống chính trị
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần nhận
thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện
nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xác định đây là nhiệm vụ
của cả hệ thống chính trị trong đó chính quyền giữ vai trò nòng cốt. Để thực hiện tốt
công tác này, cần tiếp tục tăng cường
hơn nữa công tác chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung,
nhiệm vụ, quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở đến toàn
thể cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị mà trước hết và chủ yếu là
đội ngũ cán bộ chủ chốt, trực tiếp được giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan
đến chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động sự tham gia
tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng cấp xã
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc; kịp thời
hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như ghi nhận, biểu dương, khen
thưởng các tập thể, cá nhân tích cực, có thành tích xuất sắc, cách làm hay, làm
tốt. Rà soát, đánh giá việc thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật; công nhận
cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn
chế, cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, đánh giá, chấm
điểm tiêu chí tiếp cận pháp luật và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp
luật gắn với xây dựng nông thôn mới cho công chức được giao tham mưu, theo dõi
thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.
Thứ ba, phân công trách nhiệm cụ thể và tối ưu mô
hình một cửa ở cấp xã
UBND cấp xã tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ
thể của cán bộ, công chức cấp xã, trong đó giao công chức tư pháp làm đầu mối
phối hợp với cán bộ, công chức liên quan trong tham mưu xây dựng các tiêu chí
chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh đó, một số quy định như quy định cụ thể về kích
thước, màu sắc các bảng biểu niêm yết nội quy, quy chế một cửa, biển hiệu Bộ
phận một cửa, biển hiệu công chức, lĩnh vực trực một cửa; bảng niêm yết thủ tục
hành chính, đồng thời xác định là một trong các tiêu chí đánh, giá, xếp loại
công tác cải cách hành chính cần được ban hành thêm văn bản hướng dẫn.
Thứ tư, bố trí kinh phí triển khai thực hiện một
cách hợp lý
Cần bố trí kinh phí triển khai thực hiện công tác phổ
biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất,
tiếp công dân bảo đảm khang trang, thuận tiện cho việc tiếp dân và cũng là đảm
bảo cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt hiệu quả tối
đa.
Kết luận
Nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vị
trí, vai trò quan trọng đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có
xây dựng nông thôn mới qua đó giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại,
hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải
pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn.
Nhận thức được tầm quan
trọng đó, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng cấp xã
đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, mặc dù còn một số hạn chế nhưng những thành tựu
đạt được của tỉnh Nam Định sẽ là tiền đề vững chắc để Tỉnh tiến một bước dài
trong giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo:
[1] Sở Tư pháp tỉnh
Nam Định: Kết quả
ban đầu của việc tổ chức, thực hiện quy định mới về xã, phường, thị trấn đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Nam Định,
https://sotuphap.namdinh.gov.vn
[2] Thủ tướng Chính
phủ (2017), Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 về việc ban hành quy định về xây dựng xã, phường,
thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
[3] Thủ tướng Chính
phủ (2021), Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021
về việc quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật.
[4] Ủy ban nhân dân tỉnh
Nam Định (2019), Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và Quyết định số
619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn
tiếp cận pháp luật (2017 - 2019), Phụ lục 2.
[5]Ủy
ban nhân dân tỉnh Nam Định (2021), Phụ lục 1 Thông báo số 20-TB/UBND ngày 27/01/2022về các xã, phường, thị trấnđạt chuẩn tiếp cận pháp luậtvà chưa đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021.
[6] Ủy ban nhân dân
tỉnh Nam Định (2022), Báo cáo số 1459/BC-STP về kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp
luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021.