Thứ Ba, ngày 18/07/2023, 14:09

Hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

NGUYỄN THỊ THÙY DUNG
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Hoàn thiện thể chế về kinh tế số là một nội dung rất cấp thiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trên cơ sở khái quát khung lý thuyết thể chế về kinh tế số, bài viết phân tích thực trạng nội dung này ở Việt Nam thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: Đăng Khoa

Kinh tế số (KTS) được xác định là một trong những trụ cột quan trọng và đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá cho các quốc gia. Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và tạo đà cho nền kinh tế số phát triển thì “thể chế cần đi trước một bước khi có thể”. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề ra chủ trương: “Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia”[1]. Mới đây, trong Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã nêu rõ quan điểm: “Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”[5]. Tuy nhiên, cho đến nay thể chế về kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận thể chế về kinh tế số, đồng thời xác định những bất cập, hạn chế trong thể chế về kinh tế số ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

1. Một số vấn đề lý luận liên quan đến thể chế về kinh tế số

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế[4].

Thể chế là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh các hoạt động của con người trong một chế độ xã hội[1]. Thể chế có thể được phân loại thành: thể chế chính trị; thể chế kinh tế; thể chế xã hội. Thể chế kinh tế là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế. Thể chế về kinh tế số thuộc thể chế kinh tế.

Từ khái niệm kinh tế số và khái niệm thể chế kinh tế, có thể hiểu một cách ngắn gọn: thể chế về kinh tế số là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia vào nền kinh tế số.

Nội dung hoàn thiện thể chế về kinh tế số bao gồm:

Một là, hoàn thiện những quy tắc, luật pháp điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia nền kinh tế số.

Hai là, hoàn thiện bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nền kinh tế số.

Hoàn thiện những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để các quốc gia có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn.

2. Thực trạng thể chế về kinh tế số ở Việt Nam và một số bất cập, hạn chế

2.1. Kết quả đạt được trong xây dựng thể chế về kinh tế số ở Việt Nam thời quan qua

Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong những năm gần đây nhà nước Việt Nam đã thường xuyên ban hành các chiến lược, chương trình và kế hoạch tổng thể liên quan đến phát triển kinh tế số, có thể kể đến như: Quy hoạch phát triển an ninh Công nghệ thông tin ban hành năm 2020; Chương trình mục tiêu phát triển Công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025…

Nhà nước cũng liên tục cập nhật về các văn bản pháp lý liên quan đến nền kinh tế số. Ứng phó với những rủi ro về quyền riêng tư, rủi ro trong kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử, bảo mật doanh nghiệp, bí mật quốc gia, Nhà nước đã ban hành các Bộ Luật và các chính sách phù hợp để có thể giảm thiểu rủi ro cũng như tạo ra sự thuận lợi để phát triển kinh tế số. Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo khung pháp lý cho kinh tế số được vận hành thông thoáng (Xem thêm bảng 1).

Hiện nay, vai trò của các cơ quan trong bộ máy quản lý và phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam là khá rõ ràng:

- Ngân hàng Nhà nước có chức năng điều tiết các hoạt động về ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính, thanh toán điện tử và phi tiền mặt;

- Bộ Khoa học và Công nghệ điều tiết các hoạt động về Nghiên cứu & Phát triển, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh việc ứng dụng, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

- Bộ Thông tin và Truyền thông điều tiết và lập kế hoạch phát triển trong lĩnh vực xuất bản, truyền thông, thông tin, bưu chính, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), phát thanh và hệ thống thông tin quốc gia;

Bảng 1: Các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế số của Việt Nam

Năm

Các văn bản 

2005

Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ.

2006

Luật Công nghệ thông tin 

2007

 Nghị định số 35/2007/NĐ-CP; Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về Ngân hàng điện tử & tài chính điện tử. 

2008

Luật Công nghệ cao 

Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về Dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

2009

Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện 

2012

Quyết định số 418/2012/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 – 2020, tập trung phát triển công nghệ số. 

2013

 - Nghị định số 154/2013/NĐ-CP về Khu công nghiệp thông tin tập trung.

- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử.

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Dịch vụ Internet.

2015

Luật An toàn thông tin mạng 

2016

- Nghị quyết số 41/NQ-CP năm 2016 về Chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

- Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về Phát thanh truyền hình.

2017

 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Quyết định số 1563/2017/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020.

- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về Tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.

2018

Luật Chuyển giao công nghệ, Luật An ninh mạng 

2019

Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP về Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

2020

Quyết định số 739/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

2021

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2022

- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. 

- Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội có trách nhiệm trong việc phát triển đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực CNTT&TT;

- Bộ Tài chính quản lý về ngân hàng điện tử và tài chính điện tử, xây dựng chính sách về thuế và tài chính để thúc đẩy các ứng dụng CNTT&TT;

- Bộ Công thương quản lý về thương mại điện tử và ứng dụng CNTT&TT trong các ngành nghề;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đẩy mạnh CNTT&TT và ứng dụng công nghệ số;

- Các bộ ngành khác và ủy ban nhân dân các tỉnh lập kế hoạch hành động và đẩy mạnh ứng dụng CNTT&TT tại các khu vực và tỉnh thành.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT sẽ giám sát và thực hiện các đề án quốc gia về CNTT.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Chức năng của Ủy ban là nghiên cứu, đề xuất và giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội.

2.2. Một số bất cập, hạn chế

 Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận nói trên thì thể chế về kinh tế số ở nước ta vẫn còn chậm được hoàn thiện. Cụ thể là:

Một là, các quy định thường không theo kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế, còn có khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Điều này có thể thấy rõ qua các vụ việc tranh chấp giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ hay xu hướng mua hàng qua mạng đang phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng khó xác định đầu mối để khiếu nại, đòi bồi thường [3].

Hai là, các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư còn chưa đầy đủ; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; định danh số và xác thực điện tử cho người dân đang tiến hành hoàn thiện.

Ba là, khung pháp lý còn chưa đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử và cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chưa đủ mạnh nên kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử cũng còn chậm và nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức.

Bốn là, chưa có cơ chế giảm thiểu tác động tiêu cực và bộ máy quản lý thực sự hiệu quả để ngăn ngừa triệt để tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, thông tin giả, độc hại…Việc đấu tranh với tội phạm, đảm bảo an ninh mạng còn nhiều thách thức.

3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, Chính phủ cần đặc biệt coi trọng việc tiếp tục hoàn thiện các chế độ chính sách, chương trình hành động nhằm mở rộng, tạo động lực cho sự phát triển của kinh tế số. Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Luật liên quan đến sự phát triển của kinh tế số; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện theo định kỳ phù hợp. Đồng thời làm tốt việc hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi để Luật ngày một phù hợp hơn với điều kiện thực tế của nền kinh tế số nước ta cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Đặc biệt cần quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm.

Thứ ba, rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật; xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử.

Thứ tư, cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý cơ bản, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ năm, cần chú trọng hoàn thiện cơ chế giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động kinh tế số giữa các doanh nghiệp số với nhau, với người tiêu dùng, với người lao động… đặc biệt giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, bảo đảm an ninh mạng, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số để ngăn ngừa triệt để tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, thông tin giả, độc hại…

Thứ sáu, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước nền kinh tế số và phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh.

Kết luận

Thể chế về kinh tế số đóng vai trò định hướng, hướng dẫn, tạo khung khổ cho việc tổ chức, vận hành nền kinh tế số. Bởi vậy, thể chế về kinh tế số ở nước ta nếu sớm được hoàn thiện thông qua việc thực hiện các giải pháp nói trên sẽ thực sự mở đường cho nền kinh tế số phát triển, đồng thời góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

[2] Nguyễn Thị Thùy Dung (2022), Báo cáo tổng hợp nghiên cứu đề tài “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

[3] Anh Minh (2021), Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số, https://baochinhphu.vn

[4] Thủ tưởng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

[5] Thủ tưởng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 3 năm 2022 về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Đọc thêm

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - TRẦN HOÀI THU

(GDLL) - Việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, nắm rõ được điều đó, cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Nam Định quan tâm, chỉ đạo, tổ chức và triển khai hiệu quả. Bài viết trình bày nội dung, thành tựu và hạn chế của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Nam Định từ đó đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở văn hóa tộc người nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Tác giả: TRỊNH VƯƠNG CƯỜNG

(GDLL) - Với lợi thế có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành và sự phong phú, đa dạng, độc đáo của bản sắc văn hóa các tộc người, Tây Bắc đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều làng, bản du lịch cộng đồng thu hút được nhiều du khách, đem lại sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết phân tích tiềm năng văn hóa tộc người và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc, từ đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào các tộc người nơi đây.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với vấn đề xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay

Tác giả: GIANG THỊ HUYỀN

(GDLL) - Ra đời năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo và công bố được coi là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Trong suốt 80 năm qua, Đề cương như ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nhiều tư tưởng trong bản Đề cương đến nay còn nguyên giá trị, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Tác giả: VƯƠNG HỒNG HÀ - NGUYỄN HÙNG LINH NGA

(GDLL) - Trong thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đã phát huy vai trò phối hợp trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như tái cơ cấu kinh tế toàn huyện.

Vai trò của việc bồi dưỡng tư duy chiến lược cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: TRƯƠNG QUỐC CHÍNH

(GDLL) - Hiện nay, vấn đề tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo được đặt ra vô cùng cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước. Vì vậy, bồi dưỡng nâng cao trình độ tư duy chiến lược giữ vai trò quan trọng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói chung và lãnh đạo cấp huyện nói riêng. Bài viết phân tích vai trò và tầm quan trọng của việc bồi dưỡng tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Việt Nam hiện nay.