Cùng với quá trình xây dựng và phát triển học thuyết cách mạng của giai cấp
mình, giai cấp vô sản và những người cộng sản đã không ngừng đấu tranh làm thất
bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ học thuyết cách mạng, khoa
học Mác-Lênin. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt
Nam là cuộc đấu tranh thường xuyên, lâu dài và đặc biệt khó khăn. Đảng đã nhận
thức đây là cuộc đấu tranh của những người cộng sản kiên trung chống lại cuộc
chiến “không khói súng” nhưng rất nguy hiểm của các thế lực thù địch. Để
đấu tranh có hiệu quả, Đảng đã nhận diện rõ âm mưu, mục đích, thủ đoạn, lực
lượng, phương tiện mà các thế lực phản động sử dụng để chống phá chủ nghĩa Mác
- Lênin, từ đó kịp thời đề ra những phương thức đấu tranh đa dạng, phù hợp,
hiệu quả.
1. Đảng
Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo những hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945
Một là,
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng qua đấu tranh nghị trường
Đấu tranh nghị trường được Đảng sử dụng vào những năm
1936-1939.Đây là giai đoạn đặc
biệt - lúc chưa có chính quyền cách mạng, Đảng hoạt động bí mật, nhưng phải
chống lại nhiều lực lượng chống phá. Tận dụng không khí chính trị thuộc
địa có sự nới lỏng sau khi Toàn quyền mới của Đông Dương - Joseph Jules Brevie
nhậm chức, ban hành luật lao động tiến bộ, tổ chức các đợt ân xá thả hàng trăm
tù nhân chính trị, và nới lỏng kiểm duyệt và hạn chế đối với hoạt động chính
trị. Trong điều kiện hoạt động công khai, hợp pháp, đấu tranh nghị trường trở
thành một địa hạt mới của phong trào dân tộc, dân chủ ở Đông Dương, một kênh
quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng, truyền bá những chủ trương phù hợp
của Đảng, đẩy lùi những luận điệu sai lầm, nguy
hiểm của những người tờrốtkít đang tìm
cách gây ảnh hưởng trong quần chúng.
Đảng đã giới thiệu cán bộ,
đảng viên của Đảng và Mặt trận Dân chủ tham gia ứng cử vào các cơ quan của
chính quyền thuộc địa và đã thành công ở nhiều nơi. Tại Viện Dân biểu, Hội đồng quản hạt của chính quyền thực dân, bằng
tuyên truyền, diễn thuyết, các đảng viên của Đảng đã gây ảnh hưởng lớn trong
quần chúng, đẩy lùi những người tờrốtkít
cũng tham gia ứng cử. Đảng đã cử đồng chí Phan Thanh, người trước đógia nhập Đảng Xã hội Pháp, ứng cử vào Viện
Dân biểu Trung Kỳ, từ đó tạo vị thế hợp pháp, nâng cao uy tín. Đây là sự
lựa chọn đúng đắn, bảo đảm hiệu quả các hoạt động công khai hợp pháp vì dân
sinh, dân chủ. Tại Viện Dân biểu Bắc kỳ, Hội đồng quản hạt Nam kỳ, Đảng đều cử
đảng viên tham gia các cơ quan dân cử để trực tiếp tiến hành đấu tranh nghị
trường.
Qua các
hoạt động tranh cử, Đảng tận dụng mọi điều kiện để tuyên truyền khẩu hiệu đấu
tranh của Đảng, tận dụng các cơ quan lập hiến bênh vực cho quyền lợi quần chúng
nhân dân, dùng ảnh hưởng của những dân biểu của Đảng để đẩy lùi sự ảnh hưởng
của những luận điệu của dân biểu tờrốtkít đang cố lôi kéo, hướng quần chúng xa
rời Đảng, xa rời cách mạng. Qua hoạt động đấu tranh này đã góp phần quan trọng
trong bảo vệ Đảng, bảo vệ sự chân chính, đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin. Qua
tuyên truyền công khai, rộng rãi trên nghị trường, nhân dân hiểu rõ hơn về bản
chất phản cách mạng của những người tờrốtkít, giác ngộ con đường cách mạng đúng
đắn của Đảng.
Hai là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng qua xuất bản sách,
báo
Xuất bản
sách, báo là hình thức đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các nhóm
đối lập, sáng tạo, hiệu quả, góp phần quan trọng giữ vững đường lối, bảo vệ sự
đúng đắn, khoa học và cách mạng của học thuyết Mác-Lênin. Tiếp cận ở chức năng
tư tưởng, báo chí là phương tiện có tác động to lớn, thông tin báo chí đi vào
tư tưởng, tình cảm của quần chúng, từ đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và
hành vi của quần chúng. Do vậy, các nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị đều
lấy sách, báo làm vũ khí tư tưởng. Họ sáng lập ra các tờ báo hoặc sử dụng các
tờ báo để công bố, bày tỏ quan điểm, chính kiến, hệ tư tưởng tiến bộ tới quần
chúng để góp phần cải tạo và phát triển xã hội. Đảng đã tận dụng chức năng quan trọng này của báo chí trong điều kiện
chính trị thuộc địa có sự thay đổi để vận dụng mở rộng mặt trận đấu
tranh.
Đảng công
khai xuất bản sách, báo chí để tuyên truyền cách mạng. Đặc biệt, báo chí cách
mạng chiếm lĩnh trận địa công khai, nhất là từ năm 1936. Cách thức ra đời và
vận hành báo chí cũng rất linh hoạt, có thể là tờ báo hoặc tạp chí của một nhóm
đảng viên cộng sản; chủ trương của một đoàn thể quần chúng do một cấp ủy của
đảng chỉ đạo, hay là cơ quan của Trung ương Đảng hoặc các xứ ủy. Các tờ báo của
Đảng, của Mặt trận Dân chủ và các đoàn thể ra đời ở hầu hết các tỉnh thành
trong cả nước nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin và nâng cao nhận thức cách
mạng cho quần chúng, chống lại các quan điểm phản cách mạng.
Số đầu
tiên của Báo Dân chúng (cơ quan
ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương) ra ngày 22-7-1938, không có giấy phép
của nhà cầm quyền, nhưng đã phát hành công khai giữa Sài Gòn và được nhân dân
đón đọc. Bên cạnh đó còn có hàng chục tờ báo được thành lập như Báo Le Travail (Lao động), Tuần báo chính trị và kinh tế xuất bản thứ
4 hàng tuần bằng tiếng Pháp; Báo Tin tức, tuần báo, cơ quan của Mặt trận Dân chủ
Đông dương; Báo Lao động, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp
cần lao… Các đảng viên của Đảng đã tích cực viết tài liệu, bài báo tuyên truyền
quan điểm của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương,
phê phán bệnh cô độc, hẹp hòi, "tả khuynh", vạch mặt phản cách mạng
của những người tờrốtkít.
Nhiều bài viết đăng
trên báo Dân chúng có nội dung chủ yếu là tập
trung trao đổi, tranh luận để đi đến thống nhất quan điểm về vấn đề đấu tranh
nghị trường, vấn đề phòng thủ Đông Dương trước nguy cơ của cuộc chiến tranh
phát xít nhằm tập hợp tối đa lực lượng cho cuộc đấu tranh chống chiến tranh và
ngăn chặn sự thoả hiệp với các phần tử tờrốtkít,
vạch trần bản chất và thủ đoạn của chúng. Báo Dân
chúng bên cạnh việc chống quan điểm của tờrốtkít đối với vấn đề chống phát xít và chiến tranh còn có bài
đấu tranh với quan điểm của tờrốtkít trên
tất cả các vấn đề trong cuộc vận động dân chủ trong nước và trên bình diện quốc
tế. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống các phe nhóm tờrốtkít, Đảng không ngừng nhắc nhở phải tỉnh táo phân biệt bọn
lãnh tụ cách mạng đầu lưỡi với quần chúng lầm đường trong thợ thuyền, lớp nghèo
thành thị, nông thôn, tiểu thương, tiểu chủ, trí thức, học sinh… để tuyên
truyền giác ngộ, lôi kéo họ liên hiệp hoạt động và từng bước tách rời với phần
tử tờrốtkít. Chẳng hạn: để so sánh phái
Lập hiến và bọn tờrốtkít, đồng chí Lê
Hồng Phong viết: “Giữa hai bọn: Lập hiến chưa dám cương quyết đòi cải cách tiến
bộ và tờrốtkít hô hào cách mạng triệt để,
bạo động cướp chính quyền, bọn tờrốtkít
là nguy hiểm hơn vì bọn ấy dùng những câu cách mạng sáo để chia rẽ lực lượng
dân chúng trong lúc tình hình nghiêm trọng để cho dân chúng cô đơn, yếu đuối
phải chịu bọn phản động và bọn phát xít dậm gót sắt lên đầu, để dẫn quần chúng
đến chỗ chết”[1, tr.207].
Trên mặt trận xuất
bản sách, nhận thấy mối nguy hại của tờrốtkít
- bản thân những người tờrốtkít là những
trí thức có ảnh hưởng lớn trong quần chúng, muốn đấu tranh hiệu quả cần có
những lập luận chặt chẽ, khoa học, dài hơi hơn cả báo chí đó là sách xuất bản.
Trung ương Đảng đã xuất bản cuốn sách Tờrốtkít và phản cách mạng của Tổng
Bí thư Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương năm 1937, góp phần quan trọng vào
cuộc đấu tranh vạch trần bộ mặt phản cách mạng của tờrốtkít. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã trình bày hệ
thống những quan điểm phản động của tờrốtkít
và sự nguy hại của lý thuyết đó đối với phong trào cách mạng vô sản thế giới,
đối với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ của các nước thuộc địa. Cuốn
sách cũng công khai phê phán những nhân vật trong nhóm tờrốtkít ở Đông Dương
đang phá hoại phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo và việc
họ đang ra sức lừa bịp, lôi kéo quần chúng. Tổng Bí thư Hà Huy Tập nêu rõ: “Chủ
nghĩa của tờrốtkít là một chi nhánh của
chủ nghĩa phát xít. Đệ tứ quốc tế là đội tiên phong của giai cấp tư bản tài
chính phản cách mạng”. Cuốn sách chỉ rõ bản chất phản động, nguy hại của chủ
nghĩa tờrốtkít và những phần tử tờrốtkít trên thế giới và ở Đông Dương, Việt
Nam; kiên quyết bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chiến lược,
sách lược của Quốc tế Cộng sản, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản
Đông Dương. “Hiện thời chúng ta cần phải nhận rõ chủ nghĩa tờrốtkít trong bước đường tiến hóa của nó đã
thay đổi hẳn. Nó không còn là một xu hướng chính trị trong giai cấp thợ thuyền.
Ở thế giới nó đã trở thành bọn phá hoại, bọn mật thám, bọn giết người tuân theo
mệnh lệnh của những sở mật thám ngoại quốc”[4, tr.595].
Năm 1939, đồng chí Lê Hồng Phong viết tác phẩm Vấn đề phòng thủ Đông Dương. Tác phẩm phân
tích và làm rõ chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương về vấn đề phòng
thủ Đông Dương, đồng thời vạch trần những luận điệu phản động, lừa bịp,
của bọn tờrốtkít về vấn đề phòng thủ.
Đồng chí Lê Hồng Phong cảnh tỉnh dân chúng: “Bỏ thăm cho sổ tơrốtxkít là phản
đối phòng thủ Đông Dương, là chịu làm nô lệ cho bọn dã man phát xít Nhật. Bỏ
thăm cho sổ Mặt trận dân chủ là tiêu biểu cho ý chí tranh đấu đòi tự do dân
chủ, chống chế độ thuộc địa, chống xâm lược phát xít, bảo vệ quyền lợi xứ sở”[2,
tr.627-628].
Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết cuốn Tự chỉ trích để nói rõ quan điểm của
Đảng về những vấn đề quan trọng và uốn nắn những nhận thức chưa đúng trước luận
điệu của thế lực chống Đảng. Cuốn sách được xuất bản khi các thế
lực phản động ở Đông Dương đang phản công các lực lượng dân chủ. Biết rằng địch
sẽ tịch thu sách và khủng bố những người đọc sách này, nên sau khi in xong, Xứ
uỷ Bắc kỳ đã tổ chức phát hành rất nhanh chóng vào Nam kỳ, Trung kỳ, Lào, Miên,
đưa về các cơ sở của Đảng. Qua đọc sách, từ sự phân tích cụ thể cuộc tranh cử,
khái quát rõ ràng sự đúng đắn sáng tạo lớn trong đường lối, quan điểm, chính
sách, chiến lược của Đảng về Mặt trận dân chủ, đã dần thống nhất tư tưởng, tổ
chức và hành động cho toàn Đảng, khắc phục những xu hướng lệch lạc “tả” khuynh
và “hữu” khuynh, đồng thời uốn nắn phương pháp đấu tranh không bôn-sơ-vích của
một số cán bộ, đảng viên.
Trong
cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945, với những
khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong điều kiện Đảng còn non trẻ nhưng vẫn vững
vàng, kiên định niềm tin, lý tưởng vào con đường đã chọn, Đảng không ngừng học
tập lý luận, sáng tạo đa dạng các hình thức đấu tranh bám sát thực tiễn. Việc sử
dụng linh hoạt, đa dạng và hiệu quả các hình thức đấu tranh của Đảng trong thời
kỳ cách mạng này là một bài học giá trị cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng trong những giai đoạn cách mạng, vững vàng trước những khó khăn,
thử thách, kiên định với lý tưởng, đưa cách mạng đi đến thắng lợi.
2. Vận
dụng sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng hiện nay
Cuộc đấu tranh bảo vệ,
phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay
gắn liền với cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận
những giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kịp thời vạch trần những âm
mưu, thủ đoạn, cách thức mà các thế lực thù địch sử dụng chống phá cách mạng
Việt Nam. Sự chống phá đó diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi với nhiều thủ
đoạn mới, phương pháp mới, công nghệ mới, lợi dụng truyền thông và mạng xã hội
để tác động lên tâm lý người dân. Các thế lực thù địch bên ngoài phối hợp, cấu
kết với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước thông qua đài phát
thanh, truyền hình tiếng Việt, báo, tạp chí, bản tin ở nước ngoài, lập ra các
Website, blog, Fanpage, mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài để thường
xuyên, liên tục truyền bá, chuyển tải các quan điểm sai trái, các thông tin
xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả phá, công kích vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, chống phá chủ nghĩa xã hội, và sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó,
họ không ngừng tìm mọi phương cách xâm nhập vào nội bộ của Đảng, tiếp cận, lôi
kéo, mua chuộc nhằm phân hoá nội bộ, đẩy mạnh tìm kiếm những phần tử thoái hoá
biến chất trong hàng ngũ cán bộ đảng viên nhất là những kẻ bất mãn, cơ hội
chính trị, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” để tán phát các quan
điểm sai trái, phản động...
Như vậy, trong bối cảnh
hiện nay, muốn đấu tranh phản bác hiệu quả, từ kinh nghiệm của Đảng trong giai
đoạn lịch sử 1930-1945, cần tập trung tìm tòi, đề xuất những hình thức phù hợp,
hiệu quả để đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch. Thực tiễn lịch
sử giai đoạn 1930-1945 cho thấy, dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, Đảng đã
thực hiện rất thành công các hình thức đấu tranh từ nghị trường, xuất bản sách
báo, diễn thuyết. Hiện nay, thủ đoạn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng
của các lực lượng diễn biến phức tạp, bằng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, phức
tạp. Thực hiện đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về tư tưởng do
đó không chỉ thực hiện theo kiểu mệnh lệnh, hành chính, chủ quan, duy ý chí, áp
đặt mà là quá trình phân tích, đấu tranh có lý lẽ, có cơ sở lý luận và thực
tiễn, khách quan thuyết phục. Nội dung và hình thức thông tin đấu tranh cần đa
dạng, phù hợp với trình độ, tâm lý, nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích thụ hưởng
thông tin của từng đối tượng cụ thể. Trên cơ sở ấy mới có thể quy tụ được lòng
người, thống nhất được tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân
nhằm loại bỏ, phủ định cái sai trái, khẳng định cái đúng, chân lý của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cần đa dạng hóa các hình
thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, của
các tổ chức chính trị - xã hội, trên hệ thống thông tin đại chúng, trên mạng xã
hội, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, trực diện. Đấu tranh không chỉ ở bộ phận
chuyên trách, thường trực mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các ban
ngành Trung ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương và của toàn dân. Như vậy,
mới tạo được sức mạnh tổng thể, đấu tranh hiệu quả đối với những quan điểm sai
trái, thù địch.
Hiện nay, hệ thống thông
tin đại chúng có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đấu tranh bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, cần coi
trọng việc bảo đảm thông tin khách quan, chân thực, bảo đảm tính tư tưởng, tính
chiến đấu của hệ thống thông tin đại chúng. Mỗi cơ quan báo chí, truyền thông,
mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên vừa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của
cơ quan ngôn luận vừa không ngừng nâng cao trách nhiệm chính trị, trách
nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình. Phát huy vai
trò của báo chí cách mạng trên mặt trận tư tưởng như những nhà báo, chiến sỹ
cách mạng trên mặt trận tư tưởng giai đoạn 1930-1945.
Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng phải trở thành
những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù
địch. Thực tế đã chứng minh, nếu biết dựa vào dân, biết chủ động thông tin,
biết định hướng dư luận xã hội một cách khách quan, kịp thời, minh bạch thì
những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sẽ nhận lấy thất bại. Cung cấp
thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ cho cán bộ, đảng viên và người dân
chính là chúng ta đang xây dựng một hệ miễn dịch cho mỗi người dân, cho toàn xã
hội có sức đề kháng với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù
địch, phản động…
Đồng thời, trong thực hiện đấu tranh, cần sử dụng các biện
pháp kỹ thuật, công nghệ và pháp lý để xử lý kịp thời, kiên quyết và có hiệu
quả đối với các tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, dịch vụ truyền thông có
nội dung xấu, độc, sai trái, xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học và cách mạng
của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vu khống, xuyên tạc, bôi
đen lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kịp thời cung cấp những thông tin chính
thống từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nhằm đi trước định hướng
dư luận xã hội, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Kết luận
Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh chống
những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận những giá trị khoa học, cách mạng
của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội, kịp thời vạch trần những âm mưu, thủ đoạn, cách thức mà các thế lực thù
địch sử dụng chống phá cách mạng dân tộc. Trong đó, vấn đề quan trọng là tiếp
tục tìm tòi, sáng tạo, đề xuất những phương pháp, cách thức phù hợp, hiệu quả
để đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch trên cơ sở nghiên cứu,
vận dụng những bài học trong lịch sử. Từ đó, góp phần tập trung thực hiện thắng
lợi mục tiêu bảo vệ, phát triển, vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng và đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng,
bảo đảm đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng và toàn dân tộc
đi tới thắng lợi.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chương trình viết tiểu sử các đồng
chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007), Lê Hồng Phong tiểu
sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn
tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]
V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 27, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4] Hà
Huy Tập (2006), Một số tác phẩm,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.