Đặt vấn đề
Đảng
Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất cả về chính trị, tư
tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hiện nay, Đảng tổ chức và hoạt động trên cơ
sở 05 nguyên tắc, trong đó lấy Tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Các nguyên tắc được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời, tồn tại và
phát triển của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Tập trung dân chủ chính thức
được đưa vào Điều lệ Đảng, thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất
(tháng 10/1930), cụ thể: Đảng Cộng sản Đông Dương “cũng như các chi bộ của Q.T.C.S
phải tổ chức theo lối dân chủ tập trung”[4, t.2, tr.119], sau này gọi là nguyên tắc Tập trung dân chủ. Sau đó lần lượt đến nguyên
tắc Tự phê bình và phê bình chính thức được đưa vào Điều lệ Đảng thông qua tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II... nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở của
Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng chính thức được đưa vào Điều lệ Đảng thông
qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Cần hiểu đúng về nguyên tắc
đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, từ đó nâng cao sức đề
kháng của đảng viên trước sự chống phá của các thế lực thù địch hiện nay.
1. Hiểu đúng về nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh
chính trị và Điều lệ Đảng
Nguyên
tắc có thể hiểu là những quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân phải thực hiện. Nguyên
tắc mang tính khách quan, bởi lẽ tổ chức không thể tùy tiện đặt ra nguyên tắc
được, nó ra đời trên cơ sở nghiên cứu lý luận, khái quát hóa từ thực tiễn, được
thực tiễn kiểm nghiệm và dần hoàn thiện.
Đoàn
kết thống nhất có phải là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng hay đoàn
kết thống nhất là một giá trị truyền thống mà chúng ta phải giữ gìn và phát
huy? Tên đầy đủ của nguyên tắc này là gì? Tiếp cận sao cho đúng bản chất của
một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đây là vấn đề phổ biến, được
nhiều người đề cập đến như một lẽ tất nhiên không cần bàn luận; nhưng để trả
lời thấu đáo vấn đề này thì lại chưa thấy một công trình khoa học nào đề cập
đến. Một khi đảng viên chưa hiểu đúng về nguyên tắc này thì việc chấp hành sẽ
không đạt được chất lượng, hiệu quả cao. Trên thực tế nhiều công trình khoa
học, kể cả giáo trình được giảng dạy trong nhiều hệ đào tạo cũng chỉ sử dụng
tên của nguyên tắc này một cách chung chung là nguyên tắc Đoàn kết thống nhất.
Cách gọi đó không sai, tuy nhiên chưa thật sự đầy đủ, đảng viên không hiểu đúng
về nguyên tắc này sẽ dễ dẫn đến thực hiện không đầy đủ, chung chung, hiệu quả
không cao.
Nguyên
tắc Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng lần đầu tiên được
Đảng đưa vào Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần
thứ III: “Đảng rất coi trọng việc tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ
Đảng vì đó là sinh mệnh của Đảng. Đảng kiên quyết chống lại mọi hiện tượng chia
rẽ, bè phái trong Đảng. Mỗi đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của
Đảng như "giữ gìn con ngươi của mắt". Sự đoàn kết nhất trí đó phải
dựa trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của
Đảng và chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở đấu tranh nội bộ về tư tưởng một
cách nghiêm chỉnh. Tự phê bình và phê bình thành khẩn, thẳng thắn và đúng mức
là một bảo đảm cho sự đoàn kết nhất trí đó”[4, t.21, tr.782]. Như vậy, ngay từ đầu khi nguyên tắc này được đưa vào Điều lệ Đảng đã
chỉ rõ: Sự đoàn kết nhất trí đó phải dựa trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác
- Lênin và đường lối chính sách của Đảng.
Đến
Đại hội Đảng lần thứ IV, V, VI, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng coi việc giữ
gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc
tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ
nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng. Giữa cán bộ,
đảng viên phải xây dựng tình thương yêu đồng chí sâu sắc”[4, t.37, tr.782]. Đến Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ IV, V, VI, Đảng tiếp
tục hoàn thiện, phát triển hơn nữa nhận thức về nguyên tắc này, rút gọn những
nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng trên cơ sở
đường lối chính trị, bởi lẽ đường lối chính trị của Đảng được xác định chính là
trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời bổ sung thêm cơ sở đó là nguyên
tắc tập trung dân chủ, coi việc thực hiện, giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng
như là sinh mệnh của Đảng.
Đến
Đại hội Đảng lần thứ VII, trong Điều lệ Đảng khẳng định: “Đảng là một khối thống
nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản,
thực hiện tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, thực
hiện dân chủ đầy đủ và kỷ luật chặt chẽ trong sinh hoạt đảng; giữ vững đoàn
kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng”[4, t.51, tr.258]. Như vậy, bắt đầu từ Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ VII
chính thức khẳng định tên của nguyên tắc này là đoàn kết, thống nhất trong Đảng
trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, đây cũng là một trong những
bước phát triển rất lớn của Đảng về nguyên tắc và bản chất của việc tổ chức
thực hiện nguyên tắc này trong thực tiễn. Đến Đại hội lần thứ VIII, Đảng tiếp
tục khẳng định tên của nguyên tắc, chỉ có thay đổi nhỏ đó là: “đoàn kết trên cơ
sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng”[4, t.55, tr.502].
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
và Đại hội lần thứ XII, XIII tiếp tục khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt
chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ
chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng
chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và
phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và điều lệ Đảng, gắn bó mật
thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[1, tr.5]. Như vậy, tên chính xác của
nguyên tắc này là Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng,
điều đó cho thấy nguyên tắc này không chỉ là sự kết tinh của giá trị truyền
thống, là sản phẩm của lý luận và thực tiễn của sự nghiệp cách mạng Việt Nam,
mà nó còn mang đầy đủ tính chất của một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của
Đảng. Bản chất của vấn đề có thể không khác nhau, tuy nhiên cách tiếp cận vấn
đề sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả việc chấp hành nguyên tắc của đội ngũ
đảng viên. Các tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm túc các nguyên
tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở
Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng bảo đảm Đảng là một khối thống nhất về tư
tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Đoàn kết tiếp cận dưới góc độ là một nguyên tắc tổ
chức và hoạt động của Đảng phải trên cơ sở của Cương lĩnh chính trị và Điều lệ
Đảng, buộc các tổ chức đảng, đảng viên phải chấp hành.
Cương
lĩnh chính trị là gì? “Cương
lĩnh chính trị là văn bản trình bày những nội dung cơ bản về mục tiêu; đường
lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn nhất định”[2, tr.2], Đoàn kết trên cơ sở của Cương lĩnh chính trị nghĩa là các đảng viên
trên cơ sở về mục tiêu; đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng chung của
Đảng, của tổ chức mà mình là thành viên để làm căn cứ đoàn kết với nhau thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Mọi hành vi đi ngược lại mục tiêu, đường
lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng của Đảng, của tổ chức cần phải được đấu
tranh loại bỏ.
Điều
lệ Đảng là gì? “Điều lệ
Đảng là văn bản xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ
chức và hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Đảng, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên và các tổ
chức đảng”[2, tr.2],
Đoàn kết trên cơ sở của Điều lệ Đảng nghĩa là các đảng viên trên cơ sở những
nội dung được xác định trong Điều lệ Đảng để làm căn cứ đoàn kết với nhau thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Mọi hành vi vi phạm các quy định trong Điều
lệ Đảng đều phải được đấu tranh loại bỏ.

2. Nâng cao sức đề kháng của đảng viên trước sự chống phá
của các thế lực thù địch
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho
đội ngũ đảng viên về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; Cương lĩnh
chính trị, Điều lệ Đảng; các quy định, quy chế trong tổ chức, thực hiện nhiệm
vụ chính trị. Để đảng viên chấp hành một cách nghiêm túc và tự giác,
trước hết đảng viên cần phải hiểu đúng và đầy đủ nội dung, bản chất của vấn đề,
trong đó có nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ
Đảng. Việc tuyên truyền, giáo dục cần đa dạng hóa các hình thức, trong đó đẩy
mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống; lồng
ghép nội dung trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở các hệ đào tạo; thông
qua hệ thống tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị; kết hợp với
các kênh thông tin có sức lan tỏa lớn hiện nay như các trang mạng xã hội.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định, quy chế, hướng dẫn nói chung và các nguyên tắc
nói riêng, bảo đảm ngày càng khoa học, chặt chẽ. Cụ thể hoá các nội
dung của các nguyên tắc để triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất và hiệu quả.
Đề cao trách nhiệm của cá nhân đảng viên nhất là người đứng đầu trong việc chấp
hành nguyên tắc đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng. Mỗi
cá nhân không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị,
trong sáng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nêu cao trách nhiệm
của đảng viên, người đứng đầu nhất là trong 3 mối quan hệ lớn: mình với mình,
mình với đồng chí mình và mình với công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định,
trong bất kỳ công việc nào, mọi hoạt động của con người được gói gọn trong ba
mối quan hệ lớn: Mình đối với mình, chớ tự kiêu,
tự đại, Bác cho rằng: "Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều
người hay hơn mình"[3, t.6, tr.129-130]. Mình đối với
người, chớ nịnh hót, khinh người, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng:
"Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân
thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến
tới"[3, t.6, tr.130-131]. Mình đối với công việc,
Người cho rằng: "Phải để công việc nước
lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ
được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm"[3, t.6, tr.131]. Có như thế mới xứng đáng là
chiến sĩ tiên phong trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, đúng như Bác
nhận định, "Những người mà: Giàu sang không thể quyến rũ; Nghèo khó không
thể chuyển lay; Uy lực không thể khuất phục"[3, t.7, tr.50].
Thứ ba, tổ chức thực hiện nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị
và Điều lệ Đảng cần phải được đặt trong việc thực hiện tổng thể cả năm nguyên
tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó lấy nguyên tắc tập trung dân chủ là
nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản nhất, làm cơ sở, căn cứ và môi trường để
tổ chức thực hiện các nguyên tắc còn lại, trong đó có nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm
minh đảng viên vi phạm trong việc chấp hành nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở
Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng. Thực hành đoàn kết giúp đảng viên phát
huy ưu điểm, khắc phục được những hạn chế của bản thân. Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, đoàn kết có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc huấn luyện cán bộ, đảng viên, giúp họ khắc
phục được những khuyết điểm, hạn chế “giúp ta vượt tất cả mọi khó khăn, gian
khổ. Nó rèn luyện cho chiến sĩ, cán bộ và đồng bào ta thành những người anh hùng”[3, t.10, tr.85]. Đoàn kết góp phần mở rộng dân
chủ, khi bàn bạc, tất cả cán bộ, đảng viên đều được tham gia góp ý, thảo luận
dân chủ, rộng rãi. Tuy nhiên, đoàn kết phải trên cơ sở Cương lĩnh Chính trị,
Điều lệ Đảng, Người khẳng định: “Tăng cường đoàn kết nhất trí trên cơ sở tư
tưởng Mác -
Lênin”[3, t.11, tr.218].
Muốn
thực hành đoàn kết tốt thì tư tưởng phải thống nhất, phải mở rộng dân chủ,
Người cho rằng: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư
tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”[3, t.9, tr.368]. Thực hành đoàn kết một cách nghiêm túc, trước hết là đoàn kết trong
Đảng, trong từng tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu phải luôn phát huy tinh
thần gương mẫu, tiên phong trong việc thực hành đoàn kết, Người nhấn mạnh: “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao
giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”[3, t.9, tr.368]. Có thực hành đoàn kết một
cách nghiêm túc và hiệu quả thì mới có được sức mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao, công việc mới thành công, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn
dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”[3, t.13, tr.130].
Thứ tư, nhận thức đúng, đầy đủ, hiểu bản chất của nguyên tắc đoàn kết
trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng sẽ giúp cho đội ngũ đảng viên kiên
định hơn, nâng cao bản lĩnh chính trị, chấp hành đúng nguyên tắc, góp phần bảo
vệ nguyên tắc ngay từ bên trong tổ chức của Đảng. Trong mỗi đảng viên tạo sức đề kháng, năng lực phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch liên quan đến việc chống phá nguyên tắc này như một số quan
điểm sai trái, thù địch cho rằng: “đoàn kết mà Đảng đưa ra chỉ mang tính khẩu
hiệu, mị dân”; “đoàn kết hình thức, bản chất là đấu tranh nội bộ, thanh trừng
lẫn nhau”... Để tạo nên đội ngũ đảng viên có sức đề kháng tốt, các tổ chức đảng
không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục mà còn phải sử
dụng liệu pháp mạnh hơn đó là đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, chương trình đào
tạo cán bộ, đảng viên; lồng ghép việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái thù địch trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng
của Đảng và Nhà nước như: chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần
chúng ưu tú, đảng viên mới; chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý
luận chính trị...
Kết luận
Như
vậy, trong diễn đạt đảng viên có thể sử dụng tên đầy đủ của nguyên tắc này như
trong Điều lệ Đảng là nguyên tắc đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và
Điều lệ Đảng; hoặc có thể sử dụng tên gọi tắt là nguyên tắc Đoàn kết thống
nhất. Trong tư duy và tổ chức thực hiện, đảng viên cần phải hiểu đúng về nguyên
tắc này và tổ chức thực hiện nghiêm minh, hiệu quả. Sử dụng đồng thời các biện
pháp để nâng cao sức đề kháng cho đội ngũ đảng viên trước sự chống phá của các
thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự chống phá của các thế lực
thù địch đối với nguyên tắc này. Muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh, phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch thì trước hết mỗi đảng viên phải hiểu rõ những điều cơ bản nhất
của tổ chức mà mình là thành viên, đó là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động
của Đảng, trong đó có nguyên tắc Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và
Điều lệ Đảng.