Từ khóa: Cách mạng Việt Nam; kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin; vận dụng sáng tạo
chủ nghĩa Mác-Lênin.

Cuộc
mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ
chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. (Ảnh: tuyengiao.vn)
Đặt vấn đề
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản
Việt Nam thành lập. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng đã đấu tranh
xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn, chuẩn bị mọi mặt, lãnh đạo nhân dân tiến
hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công để lại cho Đảng và lịch sử dân tộc nhiều bài học
sâu sắc, trong đó kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều
kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi
của cách mạng. Làm rõ vấn đề trên có ý nghĩa quan trọng trong tổng kết lý luận
và thực tiễn lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố các luận cứ, luận chứng đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.
1. Kiên định
và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, từng bước đưa cuộc đấu tranh giành
độc lập đến thắng lợi
Đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt
Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng về con đường cứu nước và lãnh đạo phong trào
cách mạng. Khi gặp được Những luận cương về vấn đề
dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định:
“Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con
đường giải phóng chúng ta!”[5, tr.562].
Cùng lúc đó, trong phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều biến động. Việc nhận thức và vận dụng
chủ nghĩa Mác có những khác biệt, thậm chí là xung đột. Các nhà tư tưởng tư sản
và thế lực thù địch ra sức chống phá, phủ nhận chủ nghĩa Mác. Nội bộ phong trào
cộng sản quốc tế diễn ra cuộc đấu tranh giữa những quan điểm của Lênin với chủ
nghĩa cơ hội quốc tế, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa xã
hội - sovanh, chủ nghĩa Trotkit diễn ra gay gắt; sau đó là sự xuất hiện của tư
tưởng tả khuynh. Điều này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của phong trào cách
mạng thế giới.
Qua nghiên cứu và khảo nghiệm
thực tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều,
chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh
nhất là chủ nghĩa Lênin”[4, tr.289]. Người kiên định với lý luận cách mạng giải phóng
dân tộc, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; vận dụng sáng tạo những luận
điểm khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin định hình đường lối cứu
nước, giải phóng dân tộc, truyền bá về Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng
tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mới. Năm 1925,
Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Người đã “xuất phát
từ thực trạng của đất nước, nơi mà 95% dân số là nông dân, tuyệt đại bộ phận còn
mù chữ, ít học, không một ai biết chủ nghĩa cộng sản là gì, đã vận dụng một
cách sáng tạo về lý luận xây dựng Đảng Cộng sản vào hoàn cảnh đó bằng việc
thành lập một tổ chức tiền thân để qua đó đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt
Nam và khi chủ nghĩa Mác - Lênin được kết hợp với phong trào công nhân thì mới
xây dựng Đảng Cộng sản”[6, tr.72]. “Nguyễn Ái Quốc
thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng thích hợp,
vừa tầm với điều kiện lịch sử cụ thể nước ta lúc đó - là một chủ đích, một
hướng sáng tạo, khác với những mô hình thành lập Đảng Cộng sản ở các nước trong
vùng”[6, tr.72].
Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn
cách mạng, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất
các tổ chức cộng sản, thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt
Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn đối với cách
mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo
cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả kết hợp chủ nghĩa
Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Việt Nam - nét
độc đáo trong quy luật ra đời của Đảng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của
cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị được thông qua trong Hội nghị thành
lập Đảng khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là làm cách mạng tư sản dân
quyền, thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Giai cấp lãnh đạo cách mạng
là giai cấp vô sản, thông qua Đảng Cộng sản. Vận dụng sáng tạo lý luận của
chủ nghĩa Mác - Lênin về tập hợp lực lượng, Cương lĩnh khẳng định Đảng phải tập
hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, nông dân và phải dựa vào hạng dân cày
nghèo; Đảng phải “hết sức liên lạc với tiểu tư
sản, trí thức trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v...”[1, tr.4].
Lý tưởng cách mạng trong Cương
lĩnh chính trị đầu tiên thể hiện tinh thần kiên định và vận dụng sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, giải quyết thỏa đáng vấn
đề dân tộc và vấn đề giai cấp, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tập hợp
đông đảo các tầng lớp, lực lượng cách mạng hướng đến mục tiêu giành lại nền độc
lập chính là nét sáng tạo độc đáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Đảng trong
vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa
trong bối cảnh lúc bấy giờ. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển của lịch sử dân
tộc, ý chí và nguyện vọng của đại đa số người dân Việt Nam, trở thành ngọn cờ
tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn đưa cách mạng không ngừng phát triển.
Việc tiến hành Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, những văn kiện thông qua
tại Hội nghị cho thấy những sáng tạo độc đáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của
Đảng trong việc vận dụng lý luận của Lênin về xây dựng một chính đảng mácxít
kiểu mới phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã
bước lên vũ đài chính trị, lãnh đạo phong trào đấu tranh 1930-1931 mà đỉnh cao
là Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Khi những tư tưởng tả khuynh chiếm ưu thế trong phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế, Luận cương tháng Mười năm 1930 của Đảng thể
hiện ít nhiều những tác động đó. Đối mặt với những khó khăn, thử thách, Đảng
luôn kiên định lý tưởng cách mạng vô sản, tiếp tục đấu tranh khôi phục lực
lượng, khôi phục tổ chức. Trong phong trào dân chủ (1936-1939), Đảng sử dụng đa
dạng các hình thức, phương pháp đấu tranh, linh hoạt về mục tiêu sách lược
nhưng kiên định mục tiêu chiến lược.
Chiến tranh thế giới thứ hai
bùng nổ, quân đội Nhật vào Đông Dương, Pháp - Nhật câu kết thống trị Đông
Dương. Trong tình hình mới, Đảng đã biến những khó khăn, thử thách thành cơ
hội. Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 và Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng
đã chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng
đầu; quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất - Mặt trận Việt Minh để
đoàn kết mọi lực lượng, hướng tới nhiệm vụ giành độc lập dân tộc; chuẩn bị mọi
mặt cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khi thời cơ đến. Hội nghị
Trung ương 8 không chỉ thể hiện sự kiên định với tinh thần của chủ nghĩa Mác -
Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc mà còn thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo
của Đảng trong vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về bạo lực cách mạng,
phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và yêu cầu của lịch sử Việt Nam. Với việc
giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, Đảng đã xây dựng được Mặt trận dân tộc
thống nhất, đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch. Nhờ có đường lối đúng đắn, Đảng
đã lãnh đạo quần chúng nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp, tích cực chuẩn bị
về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa; phát động cao trào
kháng Nhật cứu nước. Vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về
thời cơ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động nhận diện tình hình và chớp thời cơ, phát động
quần chúng tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước một cách
nhanh chóng và ít đổ máu. Cách mạng tháng Tám thành công đã giành lại nền độc
lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử, kỷ
nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng tháng Tám thành công
là kết quả nhận thức đúng đắn, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đó là giương cao ngọn cờ
độc lập dân tộc, kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong
kiến; giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, đoàn kết dân tộc
trong một Mặt trận dân tộc thống nhất; kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng,
kết hợp khéo léo đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, sức mạnh chính trị
của quần chúng và sức mạnh quân sự của lực lượng vũ trang; nắm vững nghệ thuật
khởi nghĩa, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính
quyền trong cả nước; xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức,
thống nhất ý chí và hành động; nghệ thuật xác định và chớp thời cơ cách mạng.
2. Một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh
hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, để
tiếp tục thực hiện thành công Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng,
cần lưu ý một số vấn đề có tính nguyên tắc sau:
Thứ
nhất, phải luôn luôn kiên định con đường cách mạng mà Đảng, và
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Con đường
cách mạng vô sản, tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử dân tộc lựa chọn và
được thử thách qua thực tiễn. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh là nền tảng để bảo đảm
giữ vững độc lập, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người; bảo đảm
lợi ích của cách mạng và nhân dân lao động.
Đây là con đường phù hợp với xu thế của thời đại, phản ánh đúng quy luật phát triển
của dân tộc, đáp ứng đúng nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Kiên định nền
tảng tư tưởng là sứ mệnh và trách nhiệm của Đảng. Phải kiên quyết bác bỏ những
luận điệu đòi Đảng và dân tộc từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ bỏ con đường xã hội
chủ nghĩa.
Thứ
hai, nhận thức đúng bản chất, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều
kiện thực tiễn đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học giá
trị về nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ
thể cách mạng Việt Nam. Với trí tuệ mẫn tiệp, lý tưởng cách mạng cao cả, Người
đã thấy được ở chủ nghĩa Mác-Lênin tinh thần cách mạng, giải phóng triệt để,
phương pháp tư duy và hành động biện chứng. Người thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa
Mác-Lênin, nhưng không rơi vào công thức, giáo điều, không rập khuôn máy móc.
Đó là một bài học lớn đối với Đảng trong bối cảnh hiện nay. Đảng nhận thức đúng
giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, không ngừng bổ sung,
phát triển và vận dụng sáng tạo; tăng cường tổng kết lý luận và thực tiễn là
một sự bảo đảm cho những bước phát triển vững chắc, nếu không làm được như vậy,
chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm. Xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng là
công việc tất yếu, thường xuyên và nhiều thử thách, là nhiệm vụ trọng tâm của
cuộc đấu tranh xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vận dụng sáng tạo là việc làm tất
yếu, sự đóng góp to lớn vào phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này góp phần
bác bỏ những luận điệu xuyên tạc cho rằng Đảng dao động, xa rời chủ nghĩa Mác -
Lênin, mất phương hướng trong xây dựng đường lối lãnh đạo đất nước.
Thứ
ba, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh phải luôn luôn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Kiên định
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết tốt các mối quan hệ lớn
được nêu trong văn kiện Đại hội XIII; bảo đảm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại,
phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến
lược xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trở
thành trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, điều kiện để phát huy sức mạnh
dân tộc và sức mạnh thời đại. Do vậy, phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng
lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tinh thần Đại Hội XIII của Đảng là đòi hỏi
cấp thiết. Đồng thời đấu tranh bác bỏ những quan điểm phủ nhận công lao của
Đảng, đòi xóa bỏ vai trò của Đảng đối với lịch sử phát triển tự nhiên của dân
tộc.
Kết luận
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiểm nghiệm tính
đúng đắn của con đường cách mạng vô sản. Cách mạng tháng Tám thành công là minh
chứng thuyết phục về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định và
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để xác định đường lối và phương pháp
cách mạng, xây dựng Đảng trong những điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt do sự
đàn áp, khủng bố dã man của kẻ thù[3, tr.740]. Thành công đó để
lại nhiều bài học quý báu đối với Đảng, với dân tộc, góp phần bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong
bối cảnh hiện nay.