
Ban Tuyên giáo Trung ương khai trương hệ
thống cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet (nguồn: news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn là một trong những nguyên tắc giảng dạy lý luận
chính trị quan trọng. Đảm bảo sự thống nhất giữa
lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu cấp thiết và
là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính
trị trong thời kỳ mới. Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và
thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị không phải là một nội dung mới
nhưng là một vấn đề “khó”, cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời, gắn liền
với từng nội dung bài giảng, từng giờ lên lớp của giảng viên.
1. Tầm quan trọng của việc vận dụng
nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính
trị
Nguyên
tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn yêu cầu lý luận khoa học phải bắt
nguồn từ trong thực tiễn, phản ánh thực tiễn, được kiểm tra bởi thực tiễn và
luôn được bổ sung, hoàn thiện, phát triển bằng những kết luận rút ra từ tổng
kết thực tiễn. Nếu không gắn với thực tiễn, lý luận đó sẽ là lý luận suông, lý
luận thuần túy sách vở, xa rời cuộc sống và dễ trở thành lý luận ảo tưởng,
không có căn cứ, giáo điều, kinh viện. V.I.Lênin đã từng viết: “Quan điểm về
đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận nhận
thức”[5, tr.167].
Sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn được biểu hiện ở mối quan hệ
hài hòa, thống nhất, tác động đến nhau và tạo tiền đề cho nhau để cùng phát
triển.
Bản chất của việc vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
trong giảng dạy lý luận chính trị là việc sử dụng phương
pháp giảng dạy hướng vào bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực
hành, gắn lý luận với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng
định: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn
liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận
phải liên hệ với thực tế”[6, tr.647]. Quá trình vận dụng nguyên tắc này là
sự huy động, khai thác tối đa vốn kiến thức và kinh nghiệm của người học, tạo
cơ hội động viên người học thể hiện quan điểm, chính kiến của mình trước những
vấn đề, sự kiện đã và đang diễn ra trong thực tiễn; giúp người học thực hiện có
hiệu quả sự phân công, hợp tác trong hoạt động học tập, tăng cường giáo dục
chính trị, tư tưởng, củng cố lập trường, kiên định và tin tưởng tuyệt đối vào
vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý
luận chính trị là yêu cầu thường xuyên, cấp thiết. Điều này xuất phát từ hai
căn cứ sau:
Thứ nhất, vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy
lý luận chính trị là quá trình từng bước hiện thực hóa chủ trương đổi mới, nâng
cao chất lượng công tác giảng dạy lý luận chính trị. Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương
pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng
lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ
lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu
quả và phù hợp với từng đối tượng”[3, tr.235-236]. Nghị quyết số 32-NQ/TW về tiếp tục đổi
mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán
bộ lãnh đạo, quản lý nhấn mạnh: “Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo
hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học
làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên
tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương
pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn”[2].
Thứ hai, vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy
lý luận chính trị xuất phát từ thực trạng dạy và học lý luận chính trị hiện
nay. Trước những biến động nhanh chóng, khó lường của tình hình trong nước, khu
vực và thế giới, trước những khó khăn, hạn chế xuất phát từ phía giảng viên và
người học, hiệu quả vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
trong quá trình dạy và học lý luận chính trị vẫn chưa cao. Trên thực tế, phần
lớn giảng viên đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung bài giảng, tích cực đổi mới, sáng
tạo trong phương pháp giảng dạy nhằm mang đến những bài giảng chất lượng, dễ
hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng đối với người học. Tuy nhiên, việc dạy và học vẫn chủ
yếu diễn ra dưới hình thức giảng viên giữ vai trò chủ đạo, người học thụ động
và phụ thuộc trong việc tiếp nhận tri thức.
Trong
bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế có
nhiều biến đổi phức tạp, học tập lý luận chính trị đòi hỏi người học không chỉ
hiểu đúng, hiểu rõ kiến thức lý luận chính trị mà còn phải biết phát triển,
liên hệ kiến thức lý luận chính trị đó với tình hình thực tiễn. Nghị quyết số
29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Chuyển mạnh
quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng
lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn”[1]. Để vận dụng có
hiệu quả nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý
luận chính trị, cần quán triệt một số quan điểm cụ thể sau:
Một là,vận dụng nguyên tắc thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn phải phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi
dưỡng lý luận chính trị. Trong đó, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính
trị là trang bị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ
thống chính trị những kiến thức nền tảng về lý luận chính trị, quan điểm, đường
lối của Đảng làm cơ sở cho việc củng cố nền tảng tư tưởng, nâng cao tầm nhìn và
năng lực tư duy chiến lược, năng lực chuyên môn, hoàn thiện phương pháp, kỹ
năng lãnh đạo, quản lý, tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của người cán bộ đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước.
Hai là, vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn phải phù hợp với
đối tượng người học lý luận chính trị. Đối tượng người học lý luận chính trị là
những người có kiến thức, kinh nghiệm công tác thực tiễn ở đa dạng các lĩnh vực
khác nhau, trong đó có một số người học là những người nghiên cứu chuyên sâu
hoặc thực hiện công tác tham mưu, quản lý tại các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nắm bắt được đối tượng người học, giảng viên cần lựa chọn nội dung giảng dạy
với hàm lượng kiến thức và sự liên hệ thực tiễn phù hợp; đồng thời tận dụng các
“chuyên gia” để cùng nhau trao đổi, chia sẻ, thảo luận những vấn đề có liên
quan đến nội dung bài giảng nhằm học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn
từ người học.
Ba là,vận dụng nguyên tắc thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn phải tạo được sự chuyển biến căn bản trong đổi
mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị được xác định theo
hướng lấy hoạt động nhận thức của người học làm chủ đạo để tăng cường tính tích
cực, sự chủ động tham gia của người học, tạo môi trường để người học tranh
luận, nêu chính kiến. Trên cơ sở đó, người học biến kiến thức được học thành
niềm tin và làm giàu tri thức cho bản thân, khắc phục tình trạng ghi nhớ và tái
hiện kiến thức một cách thụ động. Thông qua đó, người học có thể đối chiếu, vận
dụng những kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác. Nghị quyết số 29-NQ/TW về
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định: “Tiếp tục đổi mới
mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ
động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối
truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách
nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri
thức, kỹ năng, phát triển năng lực”[1].
2. Một số yêu cầu đối với giảng viên khi
vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý
luận chính trị
Nghị
quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh:
“Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của
đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”[1]. Trên thực tế, mặc dù không phải là chủ
thể duy nhất quyết định sự thành bại của việc vận dụng nguyên tắc thống nhất
giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, nhưng cùng với
những định hướng đúng đắn, kịp thời từ phía lãnh đạo các cấp, sự chủ động, hợp tác
từ phía người học, giảng viên chính là người đóng vai trò chủ đạo quyết định
tính hiệu quả của việc vận dụng này. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị mà Nghị quyết
số 32-NQ/TW đề cập là: “Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức
chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có
phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề”[2]. Trên cơ sở đó, để có thể vận dụng một
cách hiệu quả nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy
lý luận chính trị, giảng viên cần chú ý thực hiện một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, giảng viên phải nắm vững kiến thức, có trình độ hiểu biết chuyên sâu về
chuyên ngành giảng dạy.
Trình
độ hiểu biết chuyên sâu về chuyên ngành giảng dạy là điều kiện tiên quyết để
giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có thể vận dụng một cách hiệu quả nguyên
tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình giảng dạy. Bởi chỉ với
một nền tảng kiến thức vững vàng, giảng viên mới có thể tự tin làm chủ bài
giảng của mình. Trong trường hợp người học đặt ra các câu hỏi, đưa ra các tình
huống để giảng viên lý giải nhằm củng cố tri thức liên quan đến bài học, giảng
viên có kiến thức chuyên sâu về nội dung bài giảng sẽ giải đáp thắc mắc của
người học một cách hợp lý, khoa học. Ngoài ra, với nền tảng kiến thức vững
vàng, giảng viên cũng sẽ dễ dàng tiếp cận, vận dụng các vấn đề, kinh nghiệm
thực tiễn liên quan để minh họa, làm giàu thêm nội dung bài giảng.
Mặt
khác, bên cạnh trình độ chuyên sâu về chuyên ngành giảng dạy, giảng viên giảng
dạy lý luận chính trị cũng cần phải nắm vững các nghị quyết, chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có sự am hiểu về tình hình
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trong nước và thế
giới; thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức của các ngành khoa học liên
quan đến nội dung giảng dạy. Có như vậy, giảng viên mới có thể vận dụng một
cách hiệu quả nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vào hoạt động
giảng dạy lý luận chính trị.
Thứ hai, giảng viên phải kết hợp chặt chẽ việc vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa
lý luận và thực tiễn với các phương pháp giảng dạy tích cực.
Phương
pháp giảng dạy tích cực về thực chất là cách thức, phương tiện để giảng viên
truyền tải nội dung bài giảng tới người học một cách hiệu quả. Sự hỗ trợ của
các phương pháp giảng dạy tích cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên
trong quá trình vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vào
hoạt động giảng dạy. Để vận dụng có hiệu quả nguyên tắc thống nhất giữa lý luận
và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên cần áp dụng một số
phương pháp giảng dạy tích cực, như: phương pháp thuyết trình, phương pháp hỏi
đáp, phương pháp phỏng vấn nhanh, phương pháp trực quan hóa, phương pháp sàng
lọc, phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng, phương pháp tình huống, phương pháp
hỏi chuyên gia, phương pháp làm việc nhóm…
Tùy
thuộc vào nội dung bài giảng, đối tượng người học, điều kiện cơ sở vật chất,
thời gian giảng dạy, giảng viên có thể kết hợp linh hoạt một số phương pháp
giảng dạy tích cực nhằm hỗ trợ cho việc truyền tải nội dung bài giảng, cảm hứng
học tập tới người học. Tuy nhiên, giảng viên không nên lạm dụng quá nhiều
phương pháp giảng dạy tích cực trong một tiết giảng hoặc trong suốt buổi học.
Điều này có thể khiến giảng viên rơi vào tình trạng cháy giáo án hoặc buổi học
sẽ trở thành buổi “trình diễn”, “phô trương” phương pháp của giảng viên.
Thứ ba,giảng viên phải kết hợp
chặt chẽ việc vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn với các
phương tiện giảng dạy hiện đại.
Việc
sử dụng thành thạo các phương tiện giảng dạy hiện đại sẽ là động lực để giảng
viên quan tâm đầu tư thời gian, công sức tìm kiếm số liệu, thông tin, hình ảnh,
phim tài liệu... minh họa cho buổi giảng và làm phong phú thêm kiến thức thực
tiễn của bản thân.
Thứ tư, giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học để phục
vụ cho việc vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong
giảng dạy lý luận chính trị.
Bằng
việc nghiên cứu khoa học, giảng viên không chỉ nắm chắc các tri thức khoa học
mà còn có khả năng tiếp cận thực tiễn, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát
sinh trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, giảng viên tìm cách lý giải về mặt lý
luận, đưa ra những nhận định, phân tích, đánh giá, dự báo khách quan, khoa học
và có thể đề xuất những phương án giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt
ra. Thông qua kết quả nghiên cứu khoa học, giảng viên không chỉ củng cố lại
trình độ chuyên môn, mà còn cập nhật, làm giàu thêm sự hiểu biết về các tri
thức khoa học cũng như “chất liệu” thực tiễn liên quan đến chuyên ngành giảng
dạy. Nhờ đó, giảng viên có được nguồn tư liệu phong phú để phục vụ hiệu quả cho
việc vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động
giảng dạy.
Thứ năm, giảng viên phải thực sự tâm huyết với việc vận dụng nguyên tắc thống nhất
giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị.
Trong
mọi lĩnh vực, một người lao động không yêu nghề, không say mê, không sáng tạo
thì khó thành công. Trong khi đó, vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận
và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị là một công việc “khó”. Giảng
viên tâm huyết với việc vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực
tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị được thể hiện trước hết ở sự say mê học
tập và nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với chuyên ngành giảng
dạy, thường xuyên cập nhật tình hình thực tiễn sinh động để làm phong phú, hấp
dẫn nội dung bài giảng. Cùng với đó, giảng viên lý luận chính trị phải luôn có
ý thức trong việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng giảng
dạy và thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy.
Kết luận
Với sứ mệnh truyền tải kiến
thức nền tảng về lý luận chính trị và quan điểm, đường lối của Đảng làm cơ sở
cho việc củng cố lập trường, tư tưởng chính trị, tầm nhìn; nâng cao năng lực,
kỹ năng; tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của người học, giảng viên cần phải tiếp
tục phát huy và nâng cao hiệu quả vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận
và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị. Có như vậy, hoạt động dạy và
học lý luận chính trị mới thật sự phát huy hiệu quả và mang lại những giá trị
tích cực cho cả người truyền tải và người tiếp nhận kiến thức lý luận chính trị.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần
thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo,https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2014), Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính
trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý
luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý,
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Tài liệu bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận
chính trị, tập 1, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn
tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[6]V. I. Lênin (2005), Toàn
tập, tập 18, Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội.