Chúng ta đều rõ, Đại hội XIII của Đảng đề ra Tầm nhìn đến giữa
thế kỷ XXI “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định
hướng xã hội chủ nghĩa”(1). Từ Tầm nhìn này, Đại
hội XIII của Đảng xác định Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến giữa
thế kỷ XXI như sau:
Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công
nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập
trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, nay là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(2). Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể này, Đại hội XIII
chủ trương “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền
vững đất nước”(3), trong đó có đổi mới sáng tạo, tăng
cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ(4). Để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng
dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ ở nước ta trong điều kiện Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư hiệu quả cần quán triệt tốt những quan điểm định
hướng cơ bản sau:
Một là, gắn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo với tăng cường nghiên
cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ. Chúng ta đều rõ, để phát triển nhanh và bền vững, tránh
được bẫy thu nhập trung bình, cùng với phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam,
sức mạnh con người Việt Nam, chúng ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa
trên đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ
khoa học, công nghệ. Bởi lẽ, tăng trưởng dựa vào nguồn nhân công giá rẻ và dựa
vào khai thác tài nguyên thiên nhiên đã đến tới hạn phát triển. Các nguồn nhân
công giá rẻ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã không còn lợi thế so sánh
trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hơn nữa, yêu
cầu phát triển bền vững đòi hỏi phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách
hợp lý, tối ưu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để gia tăng giá trị sản phẩm
của hàng hóa, để phát triển bền vững thì cùng với phát huy hệ giá trị văn hóa,
sức mạnh con người cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tăng cường nghiên cứu, ứng
dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ. Có đổi mới sáng tạo mới có thể
sản xuất ra những hàng hóa vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị sử dụng, vừa
có giá trị kinh tế, nghĩa là làm gia tăng giá trị hàng hóa.
Tuy nhiên, đổi
mới sáng tạo phải dựa trên nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công
nghệ. Nếu không đổi mới sáng tạo không có cơ sở khoa học, căn cứ công nghệ, dễ
trở thành chủ quan, duy ý chí, viển vông và thất bại. Ngược lại, tăng cường
nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ chỉ có ý nghĩa thực tiễn,
có giá trị thực tiễn khi được vận dụng, ứng dụng vào đổi mới sáng tạo trong sản
xuất vật chất xã hội phục vụ con người. Chính vì vậy, cần kết hợp đồng bộ giữa
đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và
ngược lại thì mới hiệu quả. Như vậy, đổi mới sáng tạo phải gắn với nghiên cứu,
chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ - ba lĩnh vực cơ bản của khoa học và
công nghệ mà Đại hội XIII chú trọng.
Quan điểm định
hướng này cho phát triển khoa học, công nghệ rất quan trọng vì nghiên cứu mà
không chuyển giao, không ứng dụng vào đời sống xã hội, vào sản xuất vật chất
thì nghiên cứu sẽ xa rời cuộc sống, không gắn với đời sống kinh tế - xã hội,
với thực tiễn đất nước. Hiển nhiên là nghiên cứu phải hiệu quả, có kết quả. Hơn
nữa, nếu nghiên cứu chỉ để nghiên cứu không chuyển giao, ứng dụng kết quả
nghiên cứu khoa học và công nghệ vào đời sống kinh tế - xã hội, vào thực tiễn
thì nghiên cứu cũng không có vai trò gì. Chính chuyển giao, ứng dụng kết quả
nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, vào thực tiễn sẽ cho ta căn cứ,
cơ sở để điều chỉnh, định hướng, đánh giá kết quả nghiên cứu gắn với nhu cầu
cuộc sống hơn. Trên cơ sở đó thúc đẩy cả khoa học và công nghệ, cả đời sống kinh
tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải vì mục tiêu phát triển
sản xuất để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nghĩa là, tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của việc đẩy
mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ
khoa học, công nghệ là ở hiệu quả trong sản xuất vật chất, thúc đẩy tăng năng
xuất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế,
phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ
nghĩa, hiệu quả ứng dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở
đó thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Chúng ta đều
rõ, để “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và
quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”(5),
chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng,
chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ. Đây là con đường nhanh nhất, phù hợp
nhất để chúng ta đi tắt, đón đầu trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,
hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Chính vì vậy mà Đại hội XIII của
Đảng đề ra yêu cầu rất đúng đắn “cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa
học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu
quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu”(6).
Trên cơ sở này,
xây dựng các tiêu chí, mục tiêu đặt hàng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến
bộ khoa học, công nghệ, tránh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tràn lan, bình quân, dàn đều, thiếu trọng
tâm, trọng điểm trong điều kiện đầu tư cho các nhiệm vụ này còn hạn hẹp. Chính
vì vậy, trong công nghiệp thì “tập trung cơ cấu lại công nghiệp theo hướng nâng
cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để
cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại”(7).
Trên cơ sở đó
ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ
cao như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông,
công nghiệp sản xuất rôbốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều
khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn
thông tin(8). Nghĩa là, đẩy mạnh đổi mới sáng
tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ
phải vì mục tiêu phát triển sản xuất trong từng ngành cụ thể.
Ba là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng
dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải phù hợp thực tiễn Việt Nam. Chúng ta đều rõ, chủ trương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo,
tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ của
Đảng, Nhà nước ta là nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước Việt
Nam. Do vậy, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển
giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải xuất phát và phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường
nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ của các nước trên
thế giới nhưng không thể bắt chước, rập khuôn, máy móc, giáo điều mà phải lựa
chọn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cho phù hợp điều kiện
văn hóa, trình độ dân trí, nền tảng hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, v.v..
Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng hoàn toàn đúng khi đề ra chủ trương phát
triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện
đất nước(9). Nghĩa là, một mặt chúng ta nghiên
cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải phù hợp với xu thế
chung của thế giới, gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mặt khác việc
nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ lại phải phù hợp
với điều kiện Việt Nam. Nếu không sẽ không phát huy tác dụng tích cực. Trong
nông nghiệp thì nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ “phát
triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng
nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(10).
Bởi lẽ, phát
triển nông nghiệp hữu cơ là phù hợp tình hình thực tiễn mới cũng như yêu cầu
của phát triển khoa học, công nghệ hiện đại. Trong thời đại Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, chúng ta phải “Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đạt tiêu chuẩn phổ biến về
an toàn thực phẩm”(11) thì mới phù hợp với xu thế
phát triển nông nghiệp hiện đại và bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng của sản
phẩm. Đồng thời, Đại hội XIII cũng yêu cầu “Phát triển một số ngành khoa học và
công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp
với điều kiện, nguồn lực của đất nước”(12).
Cũng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam mà Đại hội XIII yêu cầu “Ưu tiên chuyển
giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế, xã
hội, văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh trọng yếu”(13).
Đối với quốc
phòng, an ninh Đảng ta chủ trương “Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ
trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại,
có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi
nhọn của công nghệ quốc gia”(14).
Cũng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “Chú
trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội
nhân văn, khoa học lý luận chính trị”(15).
Những yêu cầu này là đúng đắn vì xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cụ thể của Việt
Nam. Bởi lẽ, thực tiễn Việt Nam yêu cầu phát triển đồng bộ cả 4 lĩnh vực cơ bản
của khoa học, công nghệ.
Bốn là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải phù hợp với xu thế phát
triển khoa học, công nghệ hiện đại.
Một trong những quan điểm chỉ đạo sự nghiệp đổi mới tiếp theo của Đảng ta rất
đúng đắn là “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;… , tranh thủ ngoại
lực”(16). Sức mạnh thời đại, ngoại lực ở đây
có nhiều, đa dạng, phong phú, chẳng hạn các nguồn lực vật chất như vốn, máy
móc, thiết bị, vật tư, cùng các nguồn lực tinh thần như kiến thức, kinh nghiệm
quản lý, những giá trị văn hoá tinh thần, đặc biệt những thành tựu của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các dân tộc khác, của thời đại nói chung.
Điều này cũng phù hợp tinh thần chủ trương, đường lối của Đảng ta về con đường
phát triển của nước ta “là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế
độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ
sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa
những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc
biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng
nền kinh tế hiện đại”(17). Bởi lẽ, đổi mới sáng tạo không thể
dựa trên khoa học, công nghệ cũ, lạc hậu mà nhất thiết phải dựa trên thành tựu
phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại. Chính vì vậy mà Đại hội XIII của
Đảng đề ra chủ trương hết sức đúng đắn là có chiến lược phát triển khoa học và
công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, “đáp ứng
yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới thích ứng với cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư”(18).
Năm là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải trên cơ sở đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển khoa học, công nghệ. Bởi lẽ, về cơ bản lâu dài phải trên cơ sở đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển khoa học, công nghệ, nếu không đẩy
mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ
khoa học, công nghệ không có nền tảng. Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục,
đào tạo cần “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ
trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng
đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”(19). Đồng thời, tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung,
chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại,
hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của
phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư(20).
Trong giáo dục,
đào tạo thì chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các
giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc,
truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp
nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt
đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri
thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc
con người Việt Nam(21). Quan trọng là “Xây dựng và hoàn
thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế
thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo”(22).
Để phát triển
khoa học, công nghệ cần thực hiện quán triệt nhất quán chủ trương khoa học và
công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng
sản xuất hiện đại. Quán triệt tốt trên thực tế tinh thần Đại hội XIII “Tiếp tục
thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là
động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình
tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền
kinh tế”(23). Trên cơ sở chiến lược phát triển
khoa học và công nghệ phù hợp thực tiễn đất nước và xu thế chung của thế giới
phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đồng thời đổi mới mạnh
mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ và
tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Trên cơ sở đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển khoa học, công nghệ
chúng ta mới có nền tảng để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ.
Sáu là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phải đặt dưới sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của nhà nước, cùng với phát huy vai trò tích cực của đội ngũ trí
thức và doanh nhân. Chúng ta đều rõ, đẩy mạnh đổi mới
sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công
nghệ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước liên quan tới nhiều lĩnh
vực, nhiều ngành, nhiều chủ thể. Do vậy, để quá trình này được tổ chức, thực
hiện triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả trên thực tế thì không thể tách rời sự
lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự quản lý hiệu quả của các
cấp chính quyền cùng các bộ, ngành liên quan mà trực tiếp nhất là Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, phải phát huy được vai trò chủ
thể tích cực của cả hệ thống chính trị, của tất cả các tầng lớp nhân dân trong
đó trực tiếp nhất và trọng tâm là đội ngũ trí thức và đội ngũ doanh nhân. Đối
với đội ngũ trí thức cần phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức,
trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, phải “Thật sự tôn trọng, tạo
điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ
trí thức”(24).
Có như vậy mới
phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức trong đẩy mạnh đổi mới sáng tạo,
tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Đối với đội
ngũ doanh nhân cần “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi
nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng”(25); “Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và
tham gia phát triển xã hội”(26).
Cùng với đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức, doanh nhân,
cùng với “nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo
phát triển”(27) của các cấp chính quyền thì
phải tạo ra được môi trường văn hóa, xã hội thuận lợi, nhất là môi trường dân
chủ cho đội ngũ trí thức, tầng lớp doanh nhân đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng
cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Cần có cơ chế ca
ngợi, tôn vinh, nhân rộng những tấm gương điển hình trong đẩy mạnh đổi mới sáng
tạo, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ.
Trên đây là một
số quan điểm định hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu,
chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Những quan điểm định hướng này liên
hệ, tác động, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Do vậy, những quan điểm định hướng
này phải được quán triệt nhất quán mới mang lại hiệu quả thiết thực.
(theo:
lyluanchinhtrivatruyenthong.vn)
(1), (2), (3), (4),
(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18),
(19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27) Đảng Cộng sản
Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
T.I, Nxb. CTQG Sự thật, H., tr.112, 112, 114, 140-142 ,70 , 141, 244, 245, 140,
124, 241, 141-142, 142, 279, 140, 110, 84, 140, 136, 136, 136-137, 137-138,
140, 167, 168, 168, 284.