Hoàn thiện các cơ chế thực
thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong giai đoạn mới (nguồn: news.vnanet.vn)
Đặt vấn đề
Thực hành dân chủ là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng Đảng,
góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh
căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ
rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất
để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”[12, tr.611]. Trong
điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay, quán triệt tư tưởng của Người về thực hành
dân chủ trong Đảng, trong sinh hoạt của Đảng bộ là hết sức cần thiết và có ý
nghĩa rất quan trọng.
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí
Minh về thực
hành dân chủ trong Đảng
Đảng là một tổ
chức chính trị cách mạng tiên phong, do đó Đảng phải tiêu biểu cho giá trị chính trị trong đó có dân chủ. Hồ Chí Minh
nhấn mạnh phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, phải thực hành dân chủ rộng rãi
trong Đảng, phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Muốn làm
gương thì điều quan trọng nhất là: “Phải đoàn kết, đoàn kết thực sự, làm sao tự
mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng
làm cho nhân dân, biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình,
dám nói, dám làm”[12, tr.293].
Trong Bài nói chuyện về bản tổng
cương và điều lệ của Đảng, Người chỉ rõ: “Quyền lợi của đảng viên là ứng cử, tuyển
cử, thảo luận, đề nghị phê bình (trong Đảng) cho như thế là cốt để phát triển
tính tự giác, tinh thần tích cực, tinh thần phụ trách của đảng viên”[8, tr.373]. Thực
hành dân chủ trong Đảng, biểu hiện trong những quyền cơ bản sau:
Thứ nhất là quyền tự do ngôn luận trong Đảng
Đảng là tổ chức
chính trị cao nhất của giai cấp công nhân (với tư cách là đội tiên phong), là
đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động,
của dân tộc Việt Nam. Đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự
nguyện, việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng không
chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Trong
từng tổ chức Đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ, khiến cho đảng viên cả gan nói, cả gan đề ra ý
kiến. Muốn vậy, Người chỉ đạo: “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom
góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật
tốt”[11, tr.544].
Mọi ý kiến, suy
nghĩ của mỗi đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe; mọi quyết định
quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Người còn đặc biệt
nhấn mạnh việc thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ trong mọi sinh hoạt và hoạt
động của Đảng, bởi theo Người, không có dân chủ nội bộ sẽ làm cho: “nội bộ của
Đảng âm u”[7, tr.320],
sinh hoạt đảng không còn trong sáng nữa và do vậy đã bị suy yếu từ bên trong và
một khi đã như vậy thì sớm muộn, Đảng cũng mất quyền lãnh đạo.
Thứ hai là quyền thảo luận trong Đảng, gắn liền
quyền tự do tư tưởng, quyền bình
đẳng bảo lưu ý kiến khác biệt của đảng viên
Trong Đảng, đảng
viên có trách nhiệm tích cực tham gia thảo luận các vấn đề thuộc về đường lối,
chủ trương của Đảng, có quyền chất vấn, tranh luận một cách thẳng thắn; đồng
thời chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Khi đã thành quyết
định của tập thể thì phải nghiêm túc chấp hành, không được phát ngôn tuỳ tiện
hoặc lan truyền những ý kiến, quan điểm riêng của mình bên ngoài các hội nghị
Đảng. Thảo luận để đảng viên đóng góp nhiều ý kiến thật sự có giá trị tổng kết
thực tiễn, góp phần bổ sung vào lý luận; phát huy dân chủ đồng thời cũng tôn
trọng những ý kiến phản biện. Người hướng dẫn
trong bài viết Một
cách thảo luận dự thảo điều lệ Đảng, trên Báo Nhân dân ngày 3/4/1960, đó
là: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo
Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi đồng chí phải liên hệ đúng đắn
Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại
hội Đảng”[11, tr.543].
Thứ ba là quyền tự phê bình và phê bình trong Đảng
Tự phê bình và phê bình là sự văn minh và tiến bộ của xã hội, nó không chỉ là
một nhu cầu mà còn là một nguyên tắc, qui luật để xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh. Trong Đảng, mọi đảng viên đều tự giác thực hiện tự phê bình và phê
bình, qua đó, tạo ra sự thống nhất trong Đảng về tư tưởng, tổ chức, hành động
và cùng để xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết vững chắc, thống nhất và đoàn
kết, là cái làm nên sức mạnh vô địch của một đảng lãnh đạo cách mạng thành
công. Trong bài Phê
bình đăng trên báo Nhân dân, số 16, ngày 12/7/1951, Hồ
Chí Minh khẳng định: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ, cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ,
phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để
cùng nhau tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”[9, tr.l14].
Tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng tự phê bình và phê
bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người ta luôn luôn cần không khí để
sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần tự phê bình và phê bình thiết
tha như người ta cần không khí. Người nói: “Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà
tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh
mẽ. Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc”[10, tr.456].
Thứ tư là quyền làm chủ của đảng viên trong Đảng
Thực hành dân chủ
trong Đảng là để đảng viên thực sự là chủ và làm chủ, khẳng định tính tiên
phong của mình. Để dân chủ được phát huy cao độ, quyền làm chủ của đảng viên
được thực hiện trên thực tế và đi vào thực chất, Đảng tạo ra môi trường dân
chủ, qua đó xây dựng chế độ ta thực sự là một chế độ dân chủ và tạo ra “cái
chìa khóa vạn năng” để Đảng lãnh đạo cách
mạng Việt Nam đi đến thành công. Quyền làm chủ đảng viên gắn quyền ứng cử,
tuyển cử, dân chủ không chỉ là quyền quý báu nhất của nhân dân, mà còn là một
giá trị mang tính nhân văn và pháp lý.
Trách nhiệm của
đảng viên là phải đi đầu, nêu gương, nói đi đôi với làm, gương mẫu làm trước để
dân noi theo. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” vẫn còn nguyên giá trị. Trong
bài Tiêu chuẩn của người đảng viên, Hồ Chí Minh
nhấn mạnh: đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì mới làm trọn nhiệm vụ
nặng nề. Nếu mỗi đảng viên và toàn thể đội ngũ đảng viên đều làm đúng nghĩa vụ
của mình, đều giữ đúng lời hứa khi vào Đảng thì Đảng ta mạnh biết chừng nào.
Tầm cao vĩ đại của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là ở hoạt
động thực tiễn, ở phong cách sống, chiến đấu, làm việc, ở tấm gương quan hệ với
mọi người, với môi trường thiên nhiên.
2. Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành
dân chủ trong Đảng đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là động lực thúc đẩy tiến bộ và phát triển của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, không chỉ giáo dục nâng cao nhận thức về dân chủ
mà phải thực hành dân chủ rộng rãi và dân chủ thật sự, đặc biệt là trong xây
dựng Đảng. Dân chủ để bảo đảm đoàn kết, thống nhất, thực hiện công bằng và bình
đẳng. Dân chủ là một nguyên tắc trong phương pháp lãnh đạo, quản lý của Đảng.
Nước ta là nước dân chủ, nên nhân dân có và phải được quyền kiểm soát mọi hoạt
động của Đảng nói riêng và công việc quản lý của Nhà nước nói chung.
Dân chủ là nhân tố, điều kiện có tính quyết định đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt
đối, toàn diện của Đảng đối với xã hội, là vấn đề tiên quyết cho sự phát triển
bền vững của Đảng. Thực hành dân chủ và dân chủ thật sự vừa là nguyên tắc,
nhưng cũng là bản chất, đạo đức và văn hóa lãnh đạo của Đảng.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam là tập trung dân chủ. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập cho
đến nay, từ Điều lệ của Đảng, Hiến pháp, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương
đến các Báo cáo Chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc, dân chủ luôn là một
trong những nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động của Đảng. “Đảng tổ chức theo
dân chủ tập trung”[1, tr.360]. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng đã
ra nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo nguyên tắc dân
chủ, tập trung.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII đã
nêu rõ: “Mọi cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau,
thật sự vì chân lý, lẽ phải. Đồng thời không “đoàn kết” hình thức, một chiều,
nể nang, không dám đấu tranh”[1, tr.144-145]. Tiếp đến, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đã ra Nghị quyết về
một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Đại hội đại biểu
toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã phê phán những yếu kém về vi phạm dân chủ
trong công tác xây dựng Đảng: “Một số tổ chức đảng ở các cấp chưa được chỉnh
đốn; dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ không đoàn kết”[2, tr.138]. Đại hội IX đề ra nhiệm vụ của công
tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tiếp theo là: “Chống dân chủ hình thức, dân
chủ cực đoan hoặc lợi dụng dân chủ để mưu cầu lợi ích riêng, cục bộ, bản vị”[2 tr.144]. Với đường lối “Đổi mới, chỉnh đốn
Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[3, tr.130], Đại hội đại biểu toàn quốc của
Đảng lần thứ X đề ra một trong những nhiệm vụ cấp bách được khẳng định là: “Thực
hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; tăng cường quan hệ gắn
bó giữa Đảng với Nhân dân... Phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật trong
Đảng”[3, tr.134]; đồng thời rút ra một trong những
bài học kinh nghiệm chủ yếu qua 20 năm đổi mới trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng
là: Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ,
giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thường xuyên tự phê bình và phê bình, nói thẳng,
nói thật; giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh
kiên quyết đối với những phần tử cơ hội. Trong Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011), Đảng khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản
chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất
nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm
dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh
vực”[4, tr.84-85]. Điều 3 Hiến
pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà
nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo
vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”[13]. Kế thừa và phát triển những
quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng xác định “thực hiện nghiêm túc quan điểm
“dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc”[5, tr.96].
Do đó, “phát huy vai trò của nhân dân tham
gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh trong tình hình mới”[6,
tr.248] là một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng, đáp
ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới đất nước trong thời gian tới. Vì thế cần
“thực hiện đúng đắn, hiệu qủa dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là
dân chủ ở cơ sở”[5, tr.173],
chú trọng “thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ
cương của Đảng”[5, tr.181].
Để giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí
Minh mỗi đảng viên, tổ chức đảng thường xuyên thực hành dân chủ, coi đó là
thước đo thang giá trị văn hóa, đạo đức cách mạng của Đảng trong quá trình tự
đổi mới về kỷ cương, tính chiến đấu, về tổ chức, nội dung và phương thức lãnh
đạo.
Để Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng xứng đáng là đảng cầm quyền vững mạnh,
đủ năng lực hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Nhân dân và đất
nước giao phó, mỗi đảng viên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm
túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn
việc học tập với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Toàn thể đảng viên và các
cấp bộ đảng từ chi bộ cơ sở đến Trung ương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy
mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy
lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hoá"; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị
lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương
thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn
mới. Cần thực hiện đúng nguyên tắc tập
trung dân chủ, chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô
nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ. Để mở rộng dân chủ trong công tác
sinh hoạt đảng, để Nghị quyết, chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng đi vào cuộc
sống, phản ánh đúng và bảo đảm lợi ích của Nhân dân, cần tích cực triển khai và
thực hiện tốt Quy chế dân vận, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong
tổ chức và hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam; kịp thời ngăn chặn những
mầm mống nảy sinh những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên, tập thể cấp bộ
đảng, nhất là sự sa sút về phẩm chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên có
chức, có quyền như hiện nay; chủ động và tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả
công tác kiểm tra, giám sát để đảm báo tính thường trực của thực hành dân chủ
trong mọi công tác xây dựng Đảng.
Kết luận
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực
hành dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững chủ trương và tạo mọi
điều kiện thuận lợi cho việc phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, mọi
vấn đề từ cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược đến chủ trương, chính
sách cụ thể của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi trong Đảng và lấy ý
kiến của nhân dân. Tất cả những phương thức và giải pháp thực hành dân chủ ở
Việt Nam đã đưa tới kết quả tốt đẹp, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là biểu
tượng về dân chủ và vấn đề cốt tử để xây dựng bảo vệ Tổ quốc chính là phải bảo
đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện
Đảng toàn tập, tập1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[7] Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội.
[8] Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội
[9] Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia
- Sự thật, Hà Nội
[10] Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc
gia - Sự thật, Hà Nội.
[11] Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc
gia - Sự thật, Hà Nội
[12] Hồ Chí Minh (2011),
Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc
gia - Sự thật, Hà Nội.
[13] Quốc hội (2013),
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, https://vanban.chinhphu.vn