Đại Lễ Phật đản tại thành phố Huế. Ảnh VOV
Xu
hướng toàn cầu hoá hội nhập quốc tế, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế phổ
biến không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển không
ngoại trừ Việt Nam. Du lịch đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã
hội, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tăng thu ngoại tệ,
cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân. Nhận
thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta đã nêu rõ quan điểm về phát triển du lịch
là huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng cả nước và của từng địa phương,
tăng đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, những quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi
mới là bệ phóng để nhiều địa phương trong cả nước từng bước mạnh dạn khai thác
và phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo đối với “ngành công nghiệp
đẻ trứng vàng”. Trước hết, đó là sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày
16/10/1990 của Bộ Chính trị Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết đã khẳng định: “Tôn
giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn
giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(1). Tiếp đến là Nghị quyết số 25-NQ/TW
ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Về công tác tôn giáo là sự phát triển nâng cao,
hoàn chỉnh Nghị quyết số 24-NQ/TW và trở thành quan điểm chính thức về đổi mới
đối với công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Gần
nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định : “Phát huy những giá
trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các
nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước…”(2).
Tuy nhiên, trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín
ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không
ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Việc sử dụng, khai thác
và phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch
nói chung ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc nhận diện khách quan
những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo để có những định hướng nhằm khai
thác hiệu quả, phát huy lợi thế trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.
Ở
Việt Nam, mặc dù còn có những tranh luận, những nhận xét khác nhau khi bàn về
giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận,
phần lớn các tôn giáo, nhất là các tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông như
Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và cả những tôn giáo có số lượng tín đồ
ít hay như một số loại hình tín ngưỡng dân gian thì đều có nét độc đáo đặc sắc
tạo nên văn hóa tôn giáo đóng góp quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng
và giàu bản sắc. Nhận thức một cách khoa học, khách quan về văn hóa tôn giáo là
căn cứ để nhận diện rõ hơn vấn đề giá trị văn hóa của tôn giáo. Những giá trị
văn hóa của tôn giáo được hình thành và hiện diện xung quanh thế giới quan,
nhân sinh quan tôn giáo. Nó biểu hiện ra một cách phong phú và đầy đủ bằng các
hình ảnh, quan niệm, khái niệm, huyền thoại, truyền thuyết, định hướng ý thức và
hành vi của con người vào các thực thể, thuộc tính, các mối liên hệ nhằm thỏa
mãn nhu cầu đa dạng của con người. Như vậy, nói đến những giá trị văn hóa của
tôn giáo là nói đến những biểu hiện cụ thể của văn hóa và nó được biểu hiện
dưới dạng văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể.
Giá
trị văn hóa phi vật thể của tôn giáo, tín ngưỡng được nhận diện qua niềm tin
nội tâm, chuẩn mực đạo đức lối sống, ẩm thực, giao tiếp, ứng xử, hệ thống lễ
hội và có những ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Giáo sư Ngô Đức
Thịnh đã viết: “Cùng
với sự ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Phật giáo sang các xã hội Âu - Mỹ, cùng
với việc thích ứng với một thế kỷ nhiều biến động và thách đố như hiện nay, thế
kỷ mà người ta cần đến tâm linh hơn bao giờ hết thì Phật giáo, lối sống Phật
giáo đã và đang có sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là với đời sống cá nhân. Tự giải
thoát của nhà Phật có gì đó như một trong những giải pháp được nhiều người lựa
chọn để tìm lại sự cân bằng, sự hài hòa giữa biến động về vật chất và thế giới
tinh thần. Đây là lý do căn bản khiến cho vấn đề văn hóa Phật giáo ở nước ta
hiện nay càng có sức cuốn hút với nhiều tầng lớp nhân dân”(3), khi đánh giá về những ảnh hưởng của Phật giáo đặc biệt là
việc tìm ra những giải pháp để tìm lại sự cân bằng trong đời sống xã hội.
Đối với niềm tin nội tâm: Tín ngưỡng, tôn giáo luôn gắn liền với đức tin, dù đức
tin đó không dựa trên cơ sở của khoa học, thực nghiệm, nhưng tín ngưỡng, tôn
giáo vẫn có những giá trị riêng của nó, mà nếu hiểu rõ về nó, chúng ta có thể
biến đức tin thành niềm tin vào xã hội, khiến con người có thể vượt lên chính
mình, quy tụ họ cùng thực hiện một mục tiêu và lý tưởng nào đó. Mặt khác, cuộc
sống của con người không phải lúc nào cũng chỉ có lý trí và khoa học, bên cạnh
những vấn đề của lý trí, của khoa học con người rất cần đến tình cảm và tâm
linh. Với
những chuẩn mực đạo đức, lối sống: các tôn giáo nhìn chung đều khuyên răn con người làm
điều lành, tránh điều dữ, hướng thiện. Những điều đó được ghi nhận và giảng
giải trong các giới luật, các điều răn, lời khuyên của các tôn giáo, như: Mười điều răn của Đức Chúa trời, Sáu điều răn của Hội Thánh, Tứ đại điều quy của đạo Cao Đài, Tám điều răn của Phật giáo Hòa Hảo,... và
đặc biệt sự hình thành và phát triển đạo đức của quần chúng, tín đồ tôn giáo
chịu ảnh hưởng không ít của giới răn (giới luật) của Phật giáo. Lối sống đó là
sự hòa hợp giữa đời sống tâm linh (hướng tới cái thiêng vô hình) và đời sống
thế tục (hướng đến các thiết yếu hữu hình). Giá trị của lối sống tâm linh là
hướng về nội tâm, hướng về cái thiện, tu nhân tích đức. Nhìn chung, những chuẩn
mực của đạo đức tôn giáo có đặc điểm là dễ hiểu, dễ thực hiện và rèn luyện, dễ
kiểm soát của cộng đồng. Với
văn hóa ẩm thực: Trong
văn hóa ẩm thực của từng tôn giáo có bản sắc riêng, như: Ăn chay (Phật giáo),
kiêng ăn thịt bò (đạo Hinđu), kiêng thịt lợn, cấm rượu bia (đạo Hồi), không
uống rượu bia (đạo Tin lành),... Nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của nhiều
tôn giáo là hướng về nguồn thức ăn thực vật, không sát sinh, ăn thanh đạm, đúng
giờ, đúng liều lượng. Với
trang phục: Có
sự thống nhất theo chức sắc, phẩm chật, dòng tu, theo giới; trang phục kín đáo,
đơn giản,... phải mặc lễ phục khi hành lễ. Phật giáo Bắc tông mặc màu nâu, Phật
giáo Nam tông mặc màu vàng, hàng giáo phẩm Công giáo mặc màu đen, các tu sỹ mặc
màu lam, đạo Cao Đài mặc màu trắng, Phật giáo Hòa Hảo mặc màu đen,...Với giao tiếp ứng xử: Giao tiếp ứng xử của các tôn
giáo có khác nhau tùy theo các đối tượng được giao tiếp, như với thần thánh,
với bề trên, với đồng đạo và với tôn giáo khác,... nhưng đều thể hiện ở thái
độ, cử chỉ, xưng hô, động tác nhẹ nhàng, trân trọng, kín đáo,... có tính giáo
dục cao. Với
lễ hội: Lễ
hội tín ngưỡng, tôn giáo thường có hai yếu tố cấu thành, phần lễ và phần hội.
Phần lễ được thể hiện theo quy định ổn định, mang tính trang nghiêm và thành
kính. Còn phần hội thường có các trò chơi dân gian, diễn lại các tích. Lễ hội
có nhiều loại hình khác nhau, có loại hình mang tính quốc tế, như: Lễ Vesak của
Phật giáo; lễ Giáng Sinh, Phục Sinh của Kitô giáo; lễ hội hành hương về Thánh
địa Mecca của Hồi giáo,... Bên cạnh những lễ hội truyền thống mang tính quốc
gia còn có những lễ hội dân gian mang tính địa phương được diễn ra thường xuyên
trong phạm vi ở một tỉnh, huyện, xã, thôn xóm, khu dân cư,... Giáo sư Ngô Đức
Thịnh cho rằng: “Lễ hội là một hình thức diễn xướng tâm linh, nó không còn là
một thế giới hiện thực, “trần tục” nữa mà nó vươn lên thế giới biểu tượng, linh
thiêng. Nó tái hiện lại lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội trong một “thời điểm
mạnh”, thời điểm có giá trị đặc biệt, thời điểm thiêng, khác với thời gian
thường ngày”(4).
Lễ
hội mang lại hiệu ứng tích cực trên nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, là sự
biểu dương của sức mạnh và sự cố kết cộng đồng. Lễ hội giúp cân bằng đời sống
tâm linh, đưa con người hướng về sự cao cả, thánh thiện, hướng đến những giá
trị về chân thiện mỹ. Không dừng lại lễ hội còn đưa con người trở về nguồn gắn
với những hoạt động văn hóa,... Chính vì vậy lễ hội thường gắn với, đúng hơn là
thúc đẩy các hoạt động hành hương, du lịch.
Bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể thì kiến trúc cảnh
quan, thiết chế tôn giáo lại chính là biểu hiện của giá trị văn hóa của tín
ngưỡng, tôn giáo vật thể.
Với kiến trúc và cảnh quan: Các công trình kiến trúc tín
ngưỡng, tôn giáo có mục đích đáp ứng yêu cầu về nơi thờ tự và các hoạt động
khác của tín ngưỡng, tôn giáo. Phong cách kiến trúc của mỗi tôn giáo hay tín
ngưỡng đều có những nét đặc trưng riêng. Đó là những công trình kiến trúc của
Phật giáo theo kiểu phương đình, mái lợp ngói nam, các đầu đốc uốn mái cong, cổ
kính, thâm nghiêm; Kiến trúc của nhà thờ Công giáo theo kiểu Gothic bề thế, với
tháp chuông cao; Kiến trúc nhà thờ Tin lành với quy mô nhỏ, đơn giản; Kiến trúc
của Hồi giáo mái vòm; Kiến trúc của đạo Cao Đài dung hòa giữa phương Đông và
phương Tây với hai lầu chuông trống,... Trong đó, có nhiều công trình kiến trúc
tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành di sản văn hóa của quốc gia và là niềm tự hào
của dân tộc Việt Nam. Các công trình tín ngưỡng, tôn giáo là một tập hợp các
công trình kiến trúc với khuôn viên và môi trường tự nhiên được phối hợp hài
hòa tạo ra những nét khác biệt và độc đáo của từng tín ngưỡng, tôn giáo.
Với đồ dùng việc đạo, bao gồm tượng thờ, bia, kinh sách, tranh ảnh, hoành phi,
câu đối, chuông, khánh,... chứa đựng các giá trị tinh thần và vật chất quý báu
của tổ chức tôn giáo cũng như của cộng đồng dân cư.
Với thiết chế tôn giáo: Bao gồm các quy định phẩm chật, chức sắc tôn giáo, các
ngày lễ và nghi thức hành lễ; các quy định và các điều được phép, các điều cấm
kỵ, các hội - đội, nhóm phục vụ sinh hoạt tôn giáo, như: Hội ca đoàn, hội kèn,
hội trống, hội quy, phường bát âm,... cùng các phương tiện và phương thức cử
hành lễ hội, như: kiệu, rước lễ,...
Về
phương diện văn hóa vật thể của tín ngưỡng, tôn giáo cũng có những điều còn hạn
chế, không phù hợp với đời sống của xã hội hiện đại, song đã để lại các giá trị
văn hóa lâu đời, có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa của dân tộc, chẳng hạn như
những đóng góp của đạo Công giáo trong việc du nhập văn minh phương Tây vào
nước ta, như: Việc ra đời chữ quốc ngữ, báo chí, văn học, kiến trúc, đội ngũ
trí thức,... và dần dần cho đến cả lối sống.
Rõ
ràng, sự phong phú, đa dạng của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội tạo
nên văn hóa tôn giáo và chứa đựng trong đó những nét văn hóa đặc sắc có sức hấp
dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế đến với nước ta. Các di tích tín
ngưỡng, tôn giáo và lễ hội truyền thống ở nước ta là tài nguyên vô giá đối với
sự phát triển của ngành kinh tế du lịch. Suốt chiều dài đất nước có nhiều cơ sở
tín ngưỡng, tôn giáo với đa dạng, phong phú các loại hình lễ hội. Giá trị tín
ngưỡng, tôn giáo không chỉ ở phương diện văn hóa mà còn ở phương diện kinh tế,
ở góc độ nào đó tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
thông qua hoạt động du lịch. Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận việc sử dụng, khai
thác và phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du
lịch ở nước ta còn chưa xứng tầm với tiềm năng. Điều này, bước đầu có thể luận
giải bằng một số tồn tại dưới đây:
Một là, vấn đề nhận thức, chủ trương chính sách chưa có sự
thống nhất
Trên
thế giới loại hình du lịch tâm linh đã ra đời từ rất lâu và ngày càng có xu
hướng phát triển mạnh mẽ. Hiện tại có khoảng hơn 10.000 tôn giáo khác nhau trên
thế giới, vấn đề tâm linh bao phủ toàn bộ cuộc sống của con người, luôn luôn
phát sinh những nhu cầu từ tìm hiểu, khám phá tới thỏa mãn những đức tin của
con người(5).
Ở nước ta, những nhận thức đổi mới về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước
ta đã có tác động tích cực, mạnh mẽ đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khắp cả
nước. Đây chính là chỗ dựa vững chắc để lãnh đạo các cấp chính quyền, các đoàn
thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tầng lớp nhân dân tiến hành xây dựng, phát
triển các giá trị văn hóa tín ngưỡng tôn giáo đối với du lịch một cách hiệu quả
và bền vững. Cùng với đó, việc nắm bắt được nhu cầu của người dân cũng như việc
du lịch tâm linh ngày càng trở thành xu hướng phổ biến ở khắp cả nước. Thời
gian qua, ngành du lịch nhiều địa phương đã có những giải pháp tích cực để thu
hút du khách mà trọng tâm là tạo ra những tour, tuyến du lịch tâm linh và đã
đạt được nhiều kết quả tích cực đang trở thành động lực thúc đẩy ngành kinh tế
du lịch phát triển. Mặc dù vậy, việc triển khai chủ trương, chính sách về khai
thác các giá trị văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng còn thiếu tính thống nhất trên
toàn quốc. Trong khi có nhiều người nhận thức được giá trị tích cực của tín
ngưỡng, tôn giáo và thấy cần thiết phải khai thác, phát huy thì cũng có không
ít người còn dè dặt về tính phức tạp, nhạy cảm của nó. Nhiều địa phương có lợi
thế về tôn giáo, tín ngưỡng thiếu tính chủ động trong tham mưu đề xuất việc
phát triển du lịch và chưa bám sát vào điều kiện thực tế, cũng như sự chỉ đạo
của địa phương về phát triển du lịch.. Chưa xây dựng một chiến lược phát triển
lâu dài du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng thậm chí còn mang tính
thời vụ. Vì vậy, hiệu quả thu được từ du lịch tâm linh trong thời gian qua chưa
phản ánh đúng giá trị của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.
Hai là, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực làm công tác du
lịch đặc biệt phục vụ hoạt động khai thác giá trị văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng
còn nhiều hạn chế.
Đội
ngũ làm công tác phục vụ cho hoạt động du lịch trình độ chuyên môn nghiệp vụ
chưa cao, thiếu kinh nghiệm. Việc đào tạo còn phân tán, manh mún thiếu sự
chuyên nghiệp. Đặc biệt là những người trực tiếp tham gia, phần lớn là những
người dân đang sinh sống ở địa phương, trình độ hiểu biết và văn hóa giao tiếp
còn nhiều hạn chế, chưa tạo được thiện cảm của khách hàng. Điều đó làm ảnh
hưởng không nhỏ tới chất lượng, cũng như thu hút du khách đến với du lịch tôn
giáo, tín ngưỡng ở một số địa phương. Từ hạn chế từ nguồn nhân lực đặc biệt là
nhân lực am hiểu về lĩnh vực đặc thù này nên chưa thực sự có nhiều ý tưởng đột
phá để phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc biệt là các sản phẩm
truyền thống gắn với từng địa phương. Điều này giảm sự hấp dẫn đối với du khách
tới tham quan, chiêm bái, lưu trú và sử dụng dịch vụ.
Ba là, vấn đề đất đai phục vụ cho các hoạt động khai thác
các giá trị tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập.
Sự
đồng thuận giữa người dân địa phương với chính quyền, cơ quan quản lý du lịch
và các tổ chức, cá nhân làm du lịch chưa cao, còn có những hiện tượng khiếu
kiện, tranh chấp quyền sở hữu đất đai với số lượng đông người diễn ra hết sức
phức tạp gây mất trật tự xã hội.
Thứ tư, về công tác quản lý nhà nước về du lịch còn bộc lộ
những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
Những
yếu kém trong quản lý du lịch lữ hành, quản lý chất lượng các dịch vụ du lịch
còn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác tuyên truyền, quảng bá còn
thiếu tính chuyên nghiệp. Vấn đề bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch
vẫn còn thờ ơ. vấn đề ổn định an ninh trật tự ở các khu, điểm du lịch tâm linh
cũng đang được dư luận xã hội quan tâm. Công tác tổ chức, quản lý các hoạt động
du lịch tâm linh chưa thực sự khoa học còn nhiều bất cập. Tình trạng mất ổn
định an ninh trật tự ở các địa điểm du lịch tâm linh cũng đang được dư luận xã
hội quan tâm. Điều này xuất phát từ sự chồng chéo của nhiều đơn vị quản lý
trong khẩu tổ chức dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực lễ hội,
khu du lịch.
Tóm
lại, những giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo vừa mang tính nhân văn, vừa
mang tính phổ biến, tạo nên sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam.
Trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay đặt ra là làm thế nào để phát
huy, kế thừa, chọn lọc cho được những giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo
trong phát triển kinh tế du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng ở nước
ta. Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua và có kế
hoạch giải quyết tốt, triệt để những vấn đề tồn tại, yếu kém mà thực tế đang
đặt ra. Đây là một bài toán không đơn giản, cần phải có sự chung tay của cả hệ
thống chính trị, của người dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách hữu
hiệu.
(Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông điện tử
lyluanchinhtrivatruyenthong.vn)
(1) Bộ Chính trị (1990), Nghị quyết số
24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo
trong tình hình mới,
Hà Nội, tr2.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam
(2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H., tr.171.
(3) Ngô Đức Thịnh và các cộng sự
(2014), Giá
trị văn hóa Việt Nam truyền thống và biến đổi, Nxb. Chính trị quốc gia, H.,
tr.277.
(4) Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H.,
tr.342.
(5)
https://dulichvanhoa.vn/du-lich-van-hoa-tam-linh/