Thứ Bảy, ngày 03/02/2024, 23:40

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng tính nhận diện hàng Việt Nam

Nguyễn Công Anh
Cục Xúc tiến Thương mại

(TG) - Trong thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, định hướng xây dựng và triển khai các hoạt động XTTM với nòng cốt là các hoạt động trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM theo hướng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường có FTA nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế và tăng cường phát triển thị trường trong nước.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình xúc tiến thương mại. (ảnh minh họa)

Trong thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước cũng như tăng cường nhận diện hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, định hướng xây dựng và triển khai các hoạt động XTTM với nòng cốt là các hoạt động trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM tập trung vào các nội dung chính sau: Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động XTTM hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khai thác lợi thế của các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam (đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP và các FTA khác) Củng cố và phát triển hài hòa các thị trường xuất khẩu trọng điểm, truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…; Mở rộng ở các thị trường lân cận, thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga, Trung Đông - Châu Phi, Mỹ La-tinh…, ưu tiên một phần nguồn lực cho thực hiện hoạt động XTTM theo đề án phát triển thị trường của Bộ Công Thương đã được phê duyệt hoặc đề án thực hiện cam kết song phương thúc đẩy thương mại; Phát triển thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Quốc (Hải Nam). 

Theo đó, các hoạt động XTTM với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, địa phương trong việc trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài với nhiều hoạt động đa dạng như: Tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ, thúc đẩy, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hợp tác giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế cũng như phát triển thị trường nội địa như Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam, Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Tổ chức tham gia các kỳ hội chợ triển lãm uy tín và có quy mô lớn tại nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế cũng như các nhà nhập khẩu, hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp nước ngoài như: Triển lãm Thế giới World Expo Dubai 2020, Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN, Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ (Hoa Kỳ), Hội chợ hàng dệt may, da giày Magic Show (Hoa Kỳ).

Tổ chức các đoàn giao thương kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tổ chức nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam để giao dịch, mua hàng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu nhiều loại trái cây của Việt Nam. 

Tổ chức các chương trình kết nối giao thương tại Việt Nam giữa nhà cung cấp tại các địa phương, tỉnh/thành phố, khu vực trong nước với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị phân phối và tổ chức, cơ quan XTTM nước ngoài, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Tổ chức các kỳ Hội chợ triển lãm cấp vùng nhằm thúc đẩy, phát triển thương mại, thị trường trong nước như: Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng, Hội chợ Công Thương vùng Đông Bắc, Hội chợ Công Thương vùng Nam Trung Bộ, Hội chợ thương mại Festival Hoa Đà Lạt, Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, nhằm tạo thêm kênh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu mục tiêu quan trọng và một số thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác cho địa phương, hiệp hội và hàng triệu doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động cụ thể như sau:

Tổ chức chương trình giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chuỗi Chương trình Nhịp cầu Thương vụ và phát sóng hàng tuần trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam nhằm tạo thêm kênh cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam về yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, các quy chuẩn tiêu chuẩn tại các thị trường trên thế giới,… để giúp cho các doanh nghiệp nắm rõ hơn về nhu cầu, thị hiếu, điều chỉnh, thay đổi quy trình sản xuất phù hợp và đáp ứng quy định của các thị trường.

Bên cạnh các hoạt động XTTM nêu trên, để tăng cường nhận diện hàng Việt Nam ở thị trường trong nước và nước ngoài, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng Việt Nam trong khung khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Đề án của Bộ Công Thương về phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp số 3926 giữa 3 Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước giai đoạn 2022-2025. Tiêu biểu một số hoạt động như: Tổ chức xét chọn và công bố sản phẩm đạt THQG Việt Nam (bắt đầu từ năm 2008, định kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của Chương trình THQG để không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển doanh nghiệp và vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chí của Chương trình. Theo đó, từ năm 2008 đến nay, trải qua 08 kỳ xét chọn, đã có 671 lượt doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hàng tháng với các chủ đề tổng hợp và chuyên sâu.

Tổ chức Tuần lễ THQG chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4nhằm tăng cường sự nhận biết và quảng bá về THQG Việt Nam, Chương trình THQG Việt Nam cũng như hỗ trợ quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm đạt THQG đã được Chính phủ công nhận tới cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Truyền thông, quảng bá về Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện thông tin, truyền thông như chuyên mục “THQG Việt Nam” phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, trên Tạp chí Tuyên giáo và đăng tải các bài viết trên các phương tiện truyền thông số, báo giấy, báo điện tử như Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương.

Truyền thông quảng bá, truyền thông Chương trình THQG và sản phẩm đạt THQG tại thị trường trong nước và nước ngoài thông qua tổ chức triển lãm, tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài: Singapore, Hà Lan, UAE, Đức, Hung-ga-ri và tại các hội chợ, triển lãm có quy mô lớn như Hội chợ Vietnam Expo, Triển lãm Vietnam Foodexpo, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, Hội chợ Anuga (Đức).

Thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) và 09 phân ngành thực phẩm (gồm lương thực, thủy sản, rau quả, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong, dừa) thông qua các kênh truyền thông và các sự kiện XTTM trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm “lối thoát hiểm” cho doanh nghiệp.

Truyền thông, quảng bá cho 3 ngành hàng (hạt điều, hạt tiêu, dừa) và 5 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở Châu Âu thông qua các video (độ dài 3-4 phút), flip ảnh động được phiên dịch sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc (tiếng Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ảrập) và gửi các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài truyền thông tại các sự kiện xúc tiến thương mại, kinh tế, ngoại giao, văn hóa chính trị phù hợp.

Tổ chức Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam kết hợp chương trình giao dịch thương mại trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) hàng năm.

Phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền và nâng cao nhận thức cộng đồng đối với sản phẩm cá nước lạnh (Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái), mật ong (Lào Cai, Lai Châu, Sơn La), sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đào tạo phát triển thiết kế cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực/ngành hàng: gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ, thủy sản, da giày, dệt may, cà phê - ca cao, chè, hồ tiêu.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam, thực hiện các hoạt động XTTM trên các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động XTTM; đẩy mạnh công tác tổ chức các sự kiện quảng bá, trưng bày, xây dựng hình ảnh thương hiệu hàng Việt Nam tại các nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; triển khai các hoạt động quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng Việt Nam và các hoạt động nâng cao năng lực XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

(theo tuyengiao.vn)

Tin liên quan

Đọc thêm

Quan hệ giữa các tộc người thiểu số cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc hiện nay

Tác giả: VŨ TRƯỜNG GIANG

(GDLL) - Quan hệ giữa các tộc người thiểu số cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc có hình thức và nội dung đa chiều, được biểu hiện trong hầu hết các lĩnh vực như nguồn gốc lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, văn hóa. Bài viết tập trung phân tích thực trạng quan hệ giữa các tộc người thiểu số cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp quản lý nhằm góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới Việt Nam và Trung quốc hiện nay.

Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội (qua thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh)

Tác giả: TS Bùi Phương Đình TS Đỗ Văn Quân

(LLCT) - Trong những năm qua, việc phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh đã góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội trên địa bàn. Mặc dù vậy, việc phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; do đó cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

Cao Bằng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo

Tác giả: Bế Thanh Tịnh

(TG) - Những kết quả đạt được trong công tác tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo của các cơ quan tham mưu trực thuộc Tỉnh ủy Cao Bằng trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Qua đó, quan trọng, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của đông đảo người dân về sự lãnh đạo của Đảng, về sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, của pháp luật; có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa sự tham gia có hiệu quả của nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn mới các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ: thực trạng và giải pháp

Tác giả: Hoàng Thị Lâm Oanh

(GDLL) - Dưới góc độ đánh giá các các nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến 2030.

Bảo đảm quyền con người trong hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính trong quản lý đất đai

Tác giả: ThS Đỗ Phước Trung

(LLCT) - Lý luận, pháp luật và thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong quản lý đất đai là nhằm góp phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Qua phân tích vấn đề lý luận và pháp lý, thực trạng hiện nay, bài viết đề xuất sự cần hoàn thiện thể chế, tổ chức và cán bộ, tăng cường công tác phối hợp cũng như kiến nghị với các cơ quan Trung ương nhằm bảo đảm nhân quyền trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án.