Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban
Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị tiếp
xúc cử tri TP. Ninh Bình, tháng 9-2023.
Kết quả quy hoạch cán bộ
Trong công tác cán bộ, quy hoạch là khâu mở đầu, có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động,
có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Triển khai Quy định số
50-QĐ/TW ngày 27-12-2021 của Bộ Chính trị “về công tác quy hoạch cán bộ”, Hướng
dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15-2-2022 của Ban Tổ chức Trung ương “về một số nội
dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”, Đảng đoàn Quốc hội đã khẩn trương,
nghiêm túc thực hiện quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở
các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ 2026-2031. Kết thúc năm 2023, Đảng đoàn Quốc
hội đã tiến hành 2 đợt quy hoạch.
Kết quả quy hoạch nhiệm kỳ 2026-2031 (thực hiện lần
đầu năm 2022): Đảng đoàn Quốc hội đã phê duyệt quy hoạch đối với 30 người được
giới thiệu quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn Quốc hội và gửi
Ban Tổ chức Trung ương xem xét, phê duyệt đối với 79 người được giới thiệu quy
hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý.
Năm 2023, căn cứ Hướng dẫn số 726-HD/ĐĐQH15 ngày
13-6-2022, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch số 1454-KH/ĐĐQH15 ngày 7-3-2023
triển khai công tác rà soát, bổ sung quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động
chuyên trách và các chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội,
cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ
2026-2031 (thực hiện trong năm 2023).
Tiếp tục bám sát Hướng dẫn số 726-HD/ĐĐQH15, các cơ
quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã thực hiện quy trình 4 bước để giới thiệu nhân sự. Trên cơ sở đó, Đảng
đoàn Quốc hội đã tổ chức Hội nghị bước 5 nghe báo cáo kết quả 4 bước ở các cơ
quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, sau đó thảo luận, xem xét và thống nhất giới thiệu.
Hội nghị bước 5 được tiến hành dân chủ, công tâm,
khách quan, với tinh thần xây dựng và thống nhất giới thiệu bổ sung quy hoạch
nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ 2026-2031 đối với 214 người, gồm: 134 người được
giới thiệu bổ sung quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Đảng
đoàn Quốc hội và 101 người được giới thiệu bổ sung quy hoạch các chức danh thuộc
thẩm quyền phê duyệt của Ban Tổ chức Trung ương. Trong đó, có 21 người được giới
thiệu quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng
đoàn Quốc hội. Đồng thời, thống nhất đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch 7 người (6
trường hợp đã giữ chức vụ quy hoạch, chức vụ tương đương chức vụ được quy hoạch
hoặc được giới thiệu vị trí khác và 1 trường hợp bị kỷ luật).
Thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền phân cấp trong
công tác cán bộ, Đảng đoàn Quốc hội đã xem xét, phê duyệt quy hoạch đợt 1 đối với
115 người được giới thiệu các chức danh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Đảng
đoàn Quốc hội và gửi Ban Tổ chức Trung ương xem xét, phê duyệt 95 người được giới
thiệu các chức danh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ban Tổ chức Trung ương,
trong đó có 21 người vừa được giới thiệu các chức danh thuộc thẩm quyền phê duyệt
của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng đoàn Quốc hội. Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội
đang tiếp tục xem xét, phê duyệt bổ sung đối với 19 trường hợp và trình Ban Tổ
chức Trung ương phê duyệt bổ sung đợt 2 đối với 4 trường hợp.
Kết quả quy hoạch đã tạo sự chủ động trong công tác
cán bộ, tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng bị động và
thiếu hụt nhân sự Quốc hội khi chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, đồng thời bảo đảm
sự kế thừa và chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ, chuẩn bị nguồn bổ
sung, kiện toàn cán bộ ở Quốc hội ngay khi có yêu cầu. Đồng thời, góp phần chủ
động chuẩn bị đội ngũ cán bộ nguồn để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách,
làm cơ sở cho công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Những điểm mới về quy hoạch
Bám sát sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công
tác đại biểu đã chủ động rà soát, cung cấp danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV
và cán bộ thuộc diện Đảng đoàn Quốc hội quản lý đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy
hoạch nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ 2026-2031 cho Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng
Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Văn phòng Quốc hội để nghiên cứu và cung cấp nhu cầu và đề xuất nguồn nhân
sự bên ngoài các cơ quan của Quốc hội dự kiến giới thiệu quy hoạch. Đây là điểm
mới nổi bật trong công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ này.
Trước đây, nguồn nhân sự để giới thiệu quy hoạch chủ
yếu chỉ trong khối các cơ quan của Quốc hội và một số địa phương. Với phương
châm chỉ đạo của Bộ Chính trị thực hiện “động” và “mở” trong công tác quy hoạch,
Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo mở rộng phạm vi tìm nguồn nhân sự quy hoạch.
Theo đó, Đảng đoàn đã có văn bản gửi tới 120 cơ quan bên ngoài Quốc hội, gồm
các ban, bộ, ngành ở Trung ương và 63 BTV tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung
ương. Trên cơ sở văn bản đề nghị của Đảng đoàn Quốc hội, bộ, ban, ngành ở Trung
ương và BTV các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã giới thiệu các cán bộ
đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giới thiệu quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động
chuyên trách và các chức danh ở cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ
quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau đề nghị của Đảng đoàn Quốc hội, đã có 104/120
cơ quan gửi văn bản giới thiệu. Trong đó có 48/57 cơ quan ở Trung ương và 56/63
tỉnh ủy, thành ủy giới thiệu 783 người (581 nam, 202 nữ); 119 người dân tộc thiểu
số; 197 tiến sỹ (trong đó có 4 GS, 29 PGS,TS.), 476 thạc sỹ và 110 người có
trình độ đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như luật, tài chính, ngân hàng,
kinh tế. Đó là nguồn nhân sự phong phú, dồi dào để các cơ quan của Quốc hội,
Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc,
lựa chọn nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có sở trường công tác phù hợp với
lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.
Theo Kế hoạch số 1454-KH/ĐĐQH15, tổ đảng, lãnh đạo
các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ
Quốc hội trực tiếp lựa chọn, trao đổi với nhân sự dự kiến giới thiệu bổ sung
quy hoạch và gửi văn bản đến cơ quan nơi nhân sự công tác để lấy ý kiến và tiếp
nhận hồ sơ quy hoạch. Cách làm này thể hiện sự phân cấp của Đảng đoàn Quốc hội,
tạo điều kiện để các cơ quan chủ động tìm kiếm, lựa chọn nhân sự thật sự có
trình độ, tâm huyết, khả năng, uy tín và triển vọng giới thiệu quy hoạch cho
nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, hướng đến mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội, Văn
phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn
bị nguồn nhân sự
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác đào tạo, bồi dưỡng đại
biểu Quốc hội chuyên trách và chuẩn bị nguồn cho nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội
khóa XVI, nhiệm kỳ 2026-2031 được quan tâm, bảo đảm thực hiện theo hướng tiết
kiệm, hiệu quả. Đảng đoàn Quốc hội đã coi trọng tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ
năng hoạt động, bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc
hội chuyên trách và cán bộ thuộc diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý đã tham
gia Đoàn cán bộ cấp cao đi nghiên cứu tại nhiều nước theo các chương trình đào
tạo, bồi dưỡng.
Sau quy hoạch, việc nâng cao năng lực cho những người
được quy hoạch đại biểu Quốc hội nói chung, người được quy hoạch đại biểu Quốc
hội chuyên trách khóa XVI nói riêng là việc làm hết sức cần thiết, được Ủy ban
Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Triển khai Kế hoạch số
419/KH-UBTVQH15 ngày 24-2-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi dưỡng đại
biểu Quốc hội, đại biểu HĐND năm 2023, Ban Công tác đại biểu đã chủ động tham
mưu, đề xuất và trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành Kế hoạch
bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa
XVI.
Dự thảo Kế hoạch xác định rõ đối tượng của chương
trình bồi dưỡng là người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên
trách khóa XVI ở Trung ương và địa phương, tập trung vào nhóm chưa từng là đại
biểu Quốc hội và đang là đại biểu Quốc hội nhưng không hoạt động chuyên trách.
Kế hoạch bồi dưỡng được phân chia theo nhóm đối tượng quy hoạch trong từng giai
đoạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ ban hành quy hoạch đầu năm 2024.
Theo lộ trình, những người được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trong năm
2022 và 2023 sẽ được bồi dưỡng năm 2024, những người được bổ sung vào quy hoạch
sau năm 2023 sẽ được bồi dưỡng năm 2025.
Đối với đối tượng quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt
động chuyên trách khóa XVI, nội dung các lớp bồi dưỡng được thiết kế dưới dạng
chuyên đề, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cần thiết, không trùng lặp với
các lớp bồi dưỡng dành cho người mới trúng cử đại biểu Quốc hội và các lớp bồi
dưỡng kỹ năng khác đã phê duyệt và tổ chức từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay. Để
bảo đảm việc bồi dưỡng đạt kết quả, giảng viên được mời phải là người có uy
tín, kinh nghiệm công tác trong Quốc hội và các cơ quan dân cử, có kỹ năng
trình bày. Với thời lượng 3 ngày/1 lớp, nội dung bồi dưỡng sẽ tập trung vào kiến
thức pháp luật về bầu cử, vận động bầu cử, tổ chức và hoạt động của Quốc hội;
nhiệm vụ, quyền hạn, kỹ năng của người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhiệm vụ, quyền
hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên
trách, kiến thức và kỹ năng cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc
hội hoạt động chuyên trách. Mỗi chuyên đề sẽ bố trí thời gian phù hợp giữa phần
thuyết trình với thảo luận, trao đổi; có kết hợp với hoạt động trải nghiệm thực
tế tại một địa phương hoặc tham dự một phiên họp Ủy ban của Quốc hội.
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức
cho cán bộ được quy hoạch, theo sự chỉ đạo, phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Ban Công tác đại biểu tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện Kế hoạch bồi
dưỡng cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XVI
nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, thiết thực và sớm triển khai thực hiện
trong thời gian tới.
Đổi mới công tác quy hoạch và chuẩn bị nguồn cán bộ
ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI trên tinh thần luôn giữ đúng kỷ luật, kỷ
cương, bảo đảm chặt chẽ, cẩn trọng, đồng thời luôn sáng tạo, đổi mới trong lãnh
đạo, chỉ đạo, vừa đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy được trách
nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Cùng với
đào tạo, bồi dưỡng cần hướng tới việc bổ sung kiến thức toàn diện và kinh nghiệm
thực tiễn cho cán bộ để khi được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và
các chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ 2026-2031, cán bộ sẽ hội
tụ các yếu tố cần và đủ để đáp ứng yêu cầu về năng lực, đóng góp trực tiếp vào
việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XVI, nhiệm kỳ 2026-2031.
(theo
xaydungdang.org.vn)