Thứ Hai, ngày 17/06/2024, 09:06

Đảng lãnh đạo đẩy mạnh công tác địch vận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

Trần Thị Thúy Hà
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 kết tinh cho sức mạnh, trí tuệ và sự đoàn kết toàn dân tộc, sự đóng góp to lớn của các lĩnh vực, các mặt trận trong đó có công tác địch vận. Bài viết nêu lên những đóng góp quan trọng của công tác địch vận dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó rút ra một số kinh nghiệm về nội dung này, có giá trị khơi dậy niềm tự hào, tiếp tục phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam trong đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Gặp mặt, tri ân chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ  (nguồn: vnanet.vn)

 

Đặt vấn đề

Trong lãnh đạo cách mạng, để huy động tối đa mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi, Đảng luôn coi trọng nội dung công tác địch vận. Từ những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã nhận định: “Địch vận là tìm cách làm sao phá được địch mà không phải đánh” [6, tr.595]. Do đó, Đảng nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyên truyền, vận động binh lính trong đội quân xâm lược Pháp: “Muốn huy động được quần chúng binh lính để kéo họ ra đấu tranh chống đế quốc chủ nghĩa. Đảng cần phải cổ động và tuyên truyền cách mạng trong quân đội cho thiệt hăng hái và chuyên cần” [2, tr.2-6]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác địch vận đã từng bước được tổ chức bài bản, hiệu quả, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những kinh nghiệm rút ra từ công tác địch vận có giá trị khơi dậy lòng tự hào dân tộc, là những chỉ dẫn quan trọng để tiếp tục phát huy nhằm bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

1. Những chuyển biến về tình hình quân Pháp tại chiến trường từ giữa năm 1953 đến tháng 5 năm 1954

Với những thắng lợi liên tiếp của các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, thế tiến công chiến lược của ta đang chuyển mạnh từ cục bộ sang toàn bộ. Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, giữ vững và phát triển thế tiến công chiến lược trên các chiến trường. Bộ đội chủ lực có khả năng cơ động cao, tích lũy được nhiều kinh nghiệm đánh vận động và đánh công kiên; có điều kiện tập trung được ưu thế binh lực, mở những cuộc tiến công lớn. Bộ đội địa phương và dân quân du kích ở vùng sau lưng địch đã trưởng thành, đủ sức chiến đấu thường xuyên, liên tục và rộng khắp, kiềm chế và giam chân những lực lượng tinh nhuệ của địch...

Về phía Pháp, sau gần 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược, các kế hoạch liên tiếp bị thất bại. Mùa hè năm 1953, chính phủ Pháp cử Henri Nava làm tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương với hy vọng trong vòng 18 tháng giành được một phần thắng lợi quyết định về quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho nước Pháp. Pháp ráo riết bắt thanh niên người Việt vào lính, mở hàng chục trận càn lớn nhỏ đánh phá căn cứ kháng chiến. Như vậy, thành phần trong quân đội thực dân Pháp bên cạnh lính Pháp, lính lê dương còn có lính là người Việt (ngụy binh), đây đều là đối tượng của công tác binh vận.

Trong tình hình đó, Đảng nhận định: “... số nguỵ quân càng đông, mối nguy của chúng càng lớn. Trước sự biến chuyển mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, đa số ngụy binh hoang mang, kém tin tưởng, hàng ngũ của chúng có mầm tan rã. Thực tế ở khắp các chiến trường đã chứng tỏ điều đó. Số ngụy binh chạy sang ta ngày càng đông. Nhiều nơi bọn Pháp và ngụy binh không tin nhau nữa. Chúng ta phải kịp thời đẩy mạnh công tác địch vận để lấy người và súng của địch bổ sung cho ta, làm tăng thêm thế yếu của địch, thế mạnh của ta, để đẩy mạnh đà chuẩn bị tổng phản công” [3, tr. 285-286].

2. Đảng lãnh đạo đẩy mạnh công tác địch vận trong chiến dịch Điện Biên Phủ

2.1. Chủ trương của Đảng về công tác địch vận

Trước những diễn biến mới của tình hình, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận chiến quy mô lớn, có ý nghĩa quyết định tới cục diện chiến trường Đông Dương. Bằng quyết tâm “đánh chắc thắng” ta cũng đã xây dựng trận địa tấn công và bao vây, đối đầu với kế hoạch quân sự của Pháp. Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện để chiến đấu, ta cũng chuẩn bị rất nhiều nội dung truyền đơn, biểu ngữ để làm công tác địch vận.

Đối với lực lượng ngụy binh, Đảng nêu rõ: “Nguỵ binh là những người có tội với Tổ quốc và dân tộc, nhưng xét về căn bản thì đa số ngụy binh, nhất là binh sĩ lớp dưới, đều là những người lao động, phần lớn là nông dân; trừ một số ít cố ý làm tay sai cho giặc, còn đại đa số đều bị bắt buộc, bị lừa phỉnh hay vì sinh kế mà đi làm ngụy binh. Họ có thể giác ngộ quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc và một khi được giác ngộ, họ có thể chống lại đế quốc và phong kiến là những kẻ áp bức và bóc lột họ. Vì vậy ta phải chú trọng vận động ngụy binh, xem đó là một nhiệm vụ chiến lược” [4, tr.217].

Về nhiệm vụ, Đảng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của công tác ngụy vận là phá tan âm mưu của địch "dùng người Việt đánh người Việt", thực hiện phương châm làm suy yếu địch và bồi dưỡng sinh lực ta. Cụ thể là: mở rộng sự tuyên truyền vào hàng ngũ ngụy quân, vạch rõ tội ác của đế quốc Pháp, can thiệp Mỹ và bọn bù nhìn bán nước, khêu gợi ý thức giai cấp của những người bị áp bức, bóc lột và tinh thần dân tộc của đám đông ngụy binh, kết hợp với tấn công quân sự, với cuộc phát động quần chúng nông dân và các cuộc đấu tranh của tầng lớp nhân dân khác, làm cho hàng ngũ ngụy quân bị suy yếu và tan rã, tranh thủ đám đông ngụy binh về với kháng chiến, giáo dục và động viên số đông hàng binh và tù binh ngụy tham gia quân đội ta”[4, tr.217-218].

Đảng có chính sách cụ thể đối với từng hạng đối tượng ngụy binh trong quân đội thực dân Pháp như: ngụy binh phản chiến, ngụy binh đầu hàng, ngụy binh bỏ hàng ngũ địch trở về nhà, tù binh ngụy... bên cạnh chính sách đối với gia đình ngụy binh. Chỉ thị của Trung ương đã nêu rõ những chính sách đối với từng đối tượng binh lính người Việt trong quân đội Pháp với nội dung đối xử nhân đạo đối với những người bị mua chuộc, trót lầm đường lạc lối; đồng thời nghiêm khắc trừng trị những kẻ ngoan cố, gây nhiều tội ác với nhân dân.

2.2. Đẩy mạnh công tác địch vận, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 14/08/1953, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị số 629/H3 Về học tập và phổ biến chính sách của Trung ương Đảng đối với ngụy binh. Cục Địch vận có Công văn số 611/H3 gửi Ban Địch vận các liên khu, khu yêu cầu cụ thể đối với công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, nguyên tắc đối với công tác binh địch vận của Đảng. Tiếp đó, Hội nghị địch vận toàn quốc thông qua nghị quyết xác định: “Năm 1954 là phải đẩy mạnh công tác địch vận lên một bước chủ yếu là ngụy vận phá âm mưu ngụy quân của địch, nhưng đồng thời phải chú trọng Âu - Phi vận” [1, tr.105].

Để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tiến hành công tác, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị số 918/H3 về Nội dung tuyên truyền địch vận trong Đông Xuân 1953-3954 (ngày 16/11/1953), Hướng dẫn bổ sung công tác tuyên truyền địch vận trong Đông Xuân 1953-1954(ngày 18/11/1953). Các văn bản này nhấn mạnh nội dung tuyên truyền:

Đối với binh lính người Việt, tập trung đập tan trò hề “độc lập” giả hiệu, “độc lập” hoàn toàn, “đàm phán, bầu cử”, chỉ rõ đó chỉ là cách che đậy âm mưu dùng người Việt đánh người Việt của thực dân, làm cho họ nhận thất sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng, kết hợp nhiều hình thức như thư tay, truyền miệng, gọi loa. Kết hợp vận động binh lính và cả gia đình binh lính, làm tốt công tác tuyên truyền khi thả tù binh.

Đối với binh lính Âu - Phi, tập trung tuyên truyền vào các dịp Noel, Tết Dương lịch với các nội dung về sức mạnh đấu tranh của nhân dân Việt Nam, của nhân dân Pháp, âm mưu của kế hoạch Nava, thả tù binh sau khi tuyên truyền giác ngộ để cho họ thấy tinh thần nhân văn, nhân đạo trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhằm khiến họ nhận thức được giá trị của hòa bình, chán ghét chiến tranh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh triển khai công tác địch vận bên cạnh các mặt hoạt động khác. Chỉ thị ngày 16/01/1954 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Về công tác chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhấn mạnh: “Trong lúc hàng ngũ quân địch đã rối loạn và hoang mang dao động phi hết sức coi trọng công tác gọi loa nhất là trong lúc đánh hầm ngầm, để giảm bớt thương vong và giúp cho việc chiến đấu trong trung tâm được dễ dàng thuận lợi...” [1, tr105].

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra, nhằm đẩy mạnh công tác địch vận ở vùng tạm chiếm, Ban Bí thư ra Chỉ thị Nhân đà thắng lợi của ta, ra sức đẩy mạnh công tác ở vùng tạm chiếm (26/03/1954) xác định mấy công tác chính của ta ở vùng tạm chiếm, trong đó “Công tác trung tâm... là chống địch bắt lính” và “Ra sức đẩy mạnh công tác vận động rộng rãi các loại ngụy binh, làm tan rã hàng ngũ chúng; làm cho phong trào vận động ngụy binh thành một phong trào quần chúng phổ biến, thu hút được các tầng lớp nhân dân đông đảo tham gia, nhất là gia đình ngụy binh”[5, tr.66]. Thực hiện Chỉ thị, Đảng bộ và chính quyền địa phương vùng tạm chiếm đẩy mạnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh, phối hợp với mặt trận quân sự, toàn dân tiến hành công tác địch vận. Thực hiện cuộc vận động “mười lăm ngày đòi chồng con”, “Hai tháng binh địch vận”, trong ba tháng đầu năm 1954, chỉ tính riêng khu Tả ngạn sông Hồng đã có tới 200 cuộc đấu tranh. Có ngày hàng nghìn đồng bào kéo đến đồn bốt, doanh trại quân đội Pháp kêu gọi người thân trở về.

Nhờ tác dụng của công tác địch vận, riêng trong đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ điểm Bản Kéo bị tiêu diệt không cần tới một trận đánh, không tốn một viên đạn. Tại đây, quân đội Pháp bố trí lực lượng là Tiểu đoàn Ngụy Thái số 3 gồm hầu hết là người Thái bản địa bị bắt đi lính. Sau khi hai trung tâm đề kháng Him Lam và Độc Lập bị tiêu diệt, tinh thần binh lính tại đồi Bản Kéo bị tác động mạnh, có biểu hiện suy sụp. Nhận thấy khả năng địch vận dụ hàng binh lính Thái, cơ quan địch vận đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vào cứ điểm Bản Kéo. Kết hợp hoạt động kêu gọi, vận động qua loa, ta thực hiện thả tù binh bị thương trong trận đồi Độc Lập cầm theo thư tay là lời kêu gọi binh lính đồn Bản Kéo ra hàng để tránh thương vong. Kết quả có 241 lính Thái tại Bản Kéo ra hàng...[1, tr.114]

Trong đợt hai, công tác tuyên truyền địch vận được triển khai rộng khắp, kết hợp chặt chẽ và thường xuyên với tác chiến, phát huy hiệu quả. Ta triển khai xây dựng một hệ thống loa truyền thanh xung quanh tập đoàn cứ điểm, thường xuyên phát thanh tuyên truyền tác động mạnh vào tinh thần, tâm lý binh sĩ địch. Bên cạnh đó, ta tận dụng tù binh để kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Sử dụng truyền đơn là một cách thức địch vận được sử dụng hiệu quả. Hàng đêm, các đơn vị tổ chức đi rải truyền đơn. Bộ đội có sáng kiến dùng tiêu, cung nỏ để bắn truyền đơn vào gần vị trí địch. Sau đó, Cục địch vận phối hợp nghiên cứu, cải tiến, sử dụng đạn pháo cối bắn truyền đơn, phát tán vào các vị trí địch. Bên cạnh gọi loa, phát tán truyền đơn, tuyên truyền vận động bằng băng rôn, khẩu hiệu, tranh vẽ, biểu ngữ được sử dụng rộng rãi tác động mạnh mẽ vào tinh thần, tâm lý của binh lính địch, nhất là lính Thái và lính Phi. Khi vòng vây ngày càng khép chặt khu trung tâm Mường Thanh, nhiều dù hàng của địch đã rơi vào trận địa của ta, trong đó cả một thùng hàng gồm nhiều sách báo và thư của vợ tướng Đờ-cát... Cơ quan địch vận đề nghị với Bộ Chỉ huy Chiến dịch thông tin cho Đờ-cát biết và đến nhận lại với điều kiện phải cầm cờ trắng. Đây là một sự kiện có tác động mạnh mẽ, gia tăng sự suy sụp về tinh thần và ý chí của binh sĩ trong quân đội Pháp.

Trong đợt ba của chiến dịch, các tổ địch vận tiếp tục xâm nhập các cứ điểm địch, phát tán truyền đơn, dùng loa kêu gọi binh sĩ địch rời bỏ hàng ngũ, đầu hàng, Đồng thời, sức mạnh hỏa lực liên tiếp tiến công, đập tan các cuộc phản kích của chúng, tiến sát sào huyệt, bắt sống tướng Đờ-cát và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Như vậy trong suốt 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng đã lãnh đạo tốt công tác địch vận, càng đánh mạnh càng phải khắc phục mọi khó khăn để phát triển địch vận. Mỗi tờ truyền đơn, biểu ngữ được ví như mỗi viên đạn, làm giảm sút tinh thần chiến đấu của địch [1, tr.117]. Không có giấy thì làm bằng lá, bằng tre, cắt chữ từ báo cũ; không in được thì viết tay, không có mực thì lấy nhọ nồi, phải khiến cho địch không muốn nhìn cũng phải nhìn, không muốn đọc cũng phải đọc... Bên cạnh đó, ta còn chủ trương thả tù binh bị thương sau mỗi trận đánh làm cho đối phương thấy rõ và cảm phục chính sách nhân đạo của ta, từ đó giảm sút và từ bỏ ý chiến đấu.

3. Một số kinh nghiệm lãnh đạo công tác địch vận của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và việc phát huy trong bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay

Một là, luôn xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác địch vận. Tâm công, tiến công làm suy sụp tinh thần và ý chí xâm lược của kẻ địch là nét đặc sắc trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Phát huy truyền thống dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác vận động binh lính đối phương trong chiến tranh cách mạng. Địch vận là nội dung quan trọng, là nhiệm vụ của mọi lực lượng, do vậy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng đã lãnh đạo thực hiện công tác địch vận từng bước hoàn chỉnh từ chủ trương, chính sách đến các hình thức vận động phù hợp, chú trọng công tác tổ chức cán bộ làm công tác địch vận. Địch vận trở thành một mặt trận quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hai là, công tác địch vận được tiến hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng. Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, công tác địch vận là một bộ phận quan trọng trong vận động cách mạng của Đảng. Đảng lãnh đạo toàn diện từ chủ trương, đường lối đến các chính sách phù hợp. Đảng tổ chức lực lượng thực hiện công tác địch vận. Hệ thống tổ chức cơ quan địch vận các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải hoạt động nhịp nhàng, thống nhất theo chủ trương, phương hướng và sự chỉ đạo của Đảng.

Ba là, nghiên cứu, nắm vững đặc điểm đối tượng, có chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp, huy động mọi lực lượng thực hiện công tác địch vận. Lực lượng quân đội Pháp đã được Đảng nghiên cứu, tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm. Bên cạnh lính người Pháp còn có binh lính Âu - Phi, binh lính người Việt Nam. Trong đó, phân loại đối tượng cụ thể từ sĩ quan các cấp, cho tới binh lính. Trên cơ sở đó, đơn vị địch vận xây dựng nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền phù hợp. Ngành địch vận đã huy động và tổ chức cho nhiều lực lượng tham gia công tác địch vận, với lực lượng nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; bên cạnh đó là đông đảo quần chúng cách mạng, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ... Sau khi tù binh được giác ngộ, đã được trả về quân đội Pháp, họ tiếp tục trở thành một kênh tuyên truyền sống, kênh tuyên truyền về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Họ tiếp tục vận động binh lính trong hàng ngũ quân đội Pháp ra hàng, trở về với chính nghĩa.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ công tác địch vận với đấu tranh quân sự và các mặt đấu tranh khác. Từ chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy sự kết hợp hiệu quả giữa mặt trận địch vận với mặt trận quân sự. Kết hợp quân sự, địch vận là một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi quân sự tạo thời cơ thuận lợi cho công tác địch vận. Công tác binh vận, công tác chính trị lại là một trong những yếu tố giúp thắng lợi quân sự đạt được nhanh hơn. Mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh quân sự và địch vận yêu cầu khắc phục quan điểm chỉ chú trọng tiến công quân sự đơn thuần, mà bỏ qua các hoạt động đấu tranh khác.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình an ninh chính trị trên thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi là cơ bản, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để xuyên tạc, kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân nhằm xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tình hình đó đặt ra và đòi hỏi phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tăng cường hơn nữa mối đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Những kinh nghiệm từ bài học về công tác địch vận trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn những giá trị quan trọng tiếp tục được vận dụng. Kẻ địch hiện nay cần được chống trên nhiều mặt trận: quân sự, kinh tế, văn hóa… và cần được nhận diện kịp thời khi chúng được ngụy trang với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Do đó, công tác địch vận trong thời bình cần được hiểu là những yếu tố tích cực trong đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác vận động, sát thực tiễn, địa bàn, sát đối tượng. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đổi mới hình thức vận động nhân dân, làm tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiến hành công tác tuyên truyền, vận động. Kịp thời, nhạy bén đấu tranh, vạch trần những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động; Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, không để trở thành “điểm nóng”, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. 

Kết luận

Đảng đã lãnh đạo đẩy mạnh công tác địch vận trong chiến dịch Điện Biên Phủ đạt hiệu quả cao, góp phần mang lại thắng lợi sau 56 ngày đêm tập trung tổng lực phá tan tập đoàn cứ điểm - cố gắng cuối cùng của quân đội thực dân. Những kinh nghiệm của Đảng trong lãnh đạo công tác địch vận trong chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam trong đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ sự nghiệp Đổi mới, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] Lê Văn Cử (2019), Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2 (1930), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 14 (1953), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC HẠNH

(GDLL) - Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là một xu thế tất yếu, hàm chứa cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa. Trên cơ sở khái quát bối cảnh tình hình tác động và những kết quả nổi bật trong tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng những năm qua bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong tình hình mới.

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam

Tác giả: NGUYỄN ANH CƯỜNG - HOÀNG ANH TÚ - TRIỆU THANH CHÚC

(GDLL) - Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về lợi ích quốc gia - dân tộc, bài viết phân tích sự kiên định về lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam và khẳng định việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị

Tác giả: PHẠM TÚ TÀI - CHU THỊ LÊ ANH

(GDLL) - Phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm cơ sở khẳng định đây là động lực mới, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, bài viết cũng tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Nghị quyết 27-NQ/TW

Tác giả: TRẦN THỊ THANH MAI

(GDLL) - Sự ra đời của Nghị quyết số 27- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 09/11/2022 Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ một số quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó thấy được giá trị lý luận và thực tiễn của Nghị quyết.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Tác giả: NGUYỄN VĂN NGHĨA

(GDLL) - An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bài viết khái quát quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, thực tiễn về bảo vệ an ninh quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.