Thứ Hai, ngày 01/07/2024, 04:37

Vấn đề giai cấp trong Tác phẩm “thường thức chính trị” của chủ tịch Hồ Chí Minh với việc củng cố liên minh giai cấp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Cung Thị Ngọc
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Bài viết góp phần làm sáng tỏ vấn đề giai cấp trong tác phẩm “Thường thức chính trị”** của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phương châm củng cố liên minh giai cấp công nhân - nông dân và đội ngũ trí thức của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “70 năm tác phẩm “Thường thức chính trị" của Chủ tịch Hồ Chi Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn" (Ảnh: Văn Điệp, nguồn: vnanet.vn)

 

Đặt vấn đề

Tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X đăng trên báo Cứu quốc năm 1953. Trong đó, vấn đề về giai cấp được xác định là cơ sở nền tảng, là nội dung cốt lõi, chủ đạo để xác lập các vấn đề về Nhà nước; Đảng Cộng sản; tính tất yếu của chế độ xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Các chỉ dẫn của Người về vấn đề giai cấp vẫn nguyên giá trị thời đại và có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam hiện nay, nhất là trong việc xây dựng, phát triển giai cấp công nhân hiện đại cũng như củng cố liên minh giai cấp trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội(CNXH) ở Việt Nam hiện nay.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Thường thức chính trị" về vấn đề giai cấp

1.1. Về nội hàm khái niệm giai cấp

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trung thành với quan điểm của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng thời căn cứ vào bối cảnh của thời đại và của Việt Nam để đưa ra dấu hiệu nội hàm khái niệm giai cấp một cách cô đọng, phù hợp với tình hình của Việt Nam đương thời.

Phát triển quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về giai cấp trong điều kiện mới, năm 1919 trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, V.I.Lênin đã có định nghĩa về giai cấp: “ Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn người này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”[7, tr.17-18].

Trung thành và vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của các nhà sáng lập của chủ nghĩa Mác- Lênin. Trước hết, Hồ Chí Minh nêu lên khái niệm giai cấp bóc lột và bị bóc lột một cách cô đọng, dễ hiểu dựa trên định nghĩa giai cấp của V.I.Lênin. Người viết: “Những người chiếm tư liệu sản xuất không làm mà hưởng, là giai cấp bóc lột. Những người lao động mà không được hưởng là giai cấp bị bóc lột”[8, tr.247].

1.2. Về kết cấu giai cấp của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Căn cứ vào dấu hiệu “chiếm hữu tư liệu sản xuất” và “chiếm đoạt thành quả lao động”, Hồ Chí Minh làm rõ kết cấu giai cấp trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám (1945), bao gồm: giai cấp phong kiến, giai cấp địa chủ, nông dân, tư bản mại bản, tư sản dân tộc, công nhân, tiểu tư sản.

“Giai cấp phong kiến Việt Nam (vua, quan, đại địa chủ) thì hủ bại, đê hèn, chỉ biết bán nước, không dám chống giặc... Giai cấp phong kiến thì dựa vào thế lực đế quốc mà sống còn”[8, tr.250-251]. Giai cấp địa chủ là giai cấp chiếm tư liệu sản xuất (ruộng đất, nông cụ), không lao động, “không làm lụng” nhưng “bao nhiêu của cải do nông nghiệp làm ra, đều lọt vào tay giai cấp địa chủ”[8, tr.251]. Tóm lại, phong kiến, địa chủ là giai cấp chiếm đoạt ruộng đất, áp bức bóc lột dân cày để “ngồi mát ăn bát vàng”.

Giai cấp tư bản mại bản là “tư bản Việt Nam dựa vào đế quốc mà làm giàu... Họ giúp đế quốc bóc lột nhân dân ta, do đó mà phát tài... những doanh nghiệp ấy, tiếng là của người Việt Nam, kỳ thực vẫn là thế lực của đế quốc, nó nhờ vào đế quốc mà sống, nó làm theo mệnh lệnh của đế quốc. Vì vậy, nó cũng là tay sai của đế quốc, chống lại lợi ích của Nhân dân”[8, tr.252].

Giai cấp tư sản dân tộc cũng là giai cấp tư sản, chiếm các tư liệu sản xuất làm của riêng, họ không lao động, mà thuê nhân công sản xuất để bóc lột công nhân. Nhưng “Là giai cấp tư sản không dính líu với đế quốc, hoặc dính líu rất ít. Một mặt thì họ bị đế quốc và phong kiến ngăn trở, cho nên họ cũng muốn chống đế quốc và phong kiến”[8, tr.259].

Giai cấp công nhân là những người “phải bán sức lao động mới có ăn. Ngoài sức lao động, họ không có máy móc và nguyên liệu gì cả. Cho nên công nhân là giai cấp vô sản”[8, tr.249]. Dựa trên đặc trưng “không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động”, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem cố nông, những người không có ruộng đất, không có công cụ sản xuất, phải đi làm thuê cho địa chủ, cũng thuộc về giai cấp công nhân.

Về giai cấp nông dân, Người quan tâm đặc biệt và phân tích rất thấu đáo mọi khía cạnh của sự áp bức, bóc lột mà họ chịu đựng. “Chế độ phong kiến tức là chế độ địa chủ bóc lột nông dân. Địa chủ chiếm tư liệu sản xuất, tức là ruộng đất, nông cụ, vân vân, làm của riêng, nhưng họ không cày cấy. Nông dân buộc phải mướn ruộng đất của địa chủ, phải nộp tô cho địa chủ, lại còn phải hầu hạ và lễ lạt địa chủ. Nông dân không khác gì nô lệ. Nông dân quanh năm tay lấm chân bùn, đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn nghèo khổ. Địa chủ thì không nhắc chân động tay, mà lại cửa cao nhà rộng, phú quý phong lưu. Đó là một chế độ cực kỳ không công bằng”[8, tr.248]. Giai cấp nông dân, gồm bần nông và trung nông. Bần nông là những người chỉ sở hữu ít ruộng đất, phải thuê mướn trâu bò, nông cụ sản xuất, phải đi canh tác thêm trên ruộng đất của địa chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bần nông là “lớp người đông nhất và nghèo khổ nhất” ở nông thôn Việt Nam, là giai cấp bị địa chủ phong kiến bóc lột tàn tệ. Trung nông là “lớp người mình cày ruộng của mình, không bóc lột ai, cũng không phải làm thuê cho ai”. Dù cuộc sống có khá hơn bần nông, nhưng họ cũng bị “bọn địa chủ, bọn cho vay nặng lãi, và bọn đế quốc áp bức bóc lột”[8, tr.257]. Nước ta có đất đai rất rộng, nông dân ta rất siêng năng chịu khó, nhưng phần lớn đất ruộng đều tập trung trong tay bọn thực dân và địa chủ phong kiến. Nông dân thì thiếu ruộng hoặc không có ruộng, thiếu cả trâu bò. Vì vậy nông thôn ngày càng sa sút. Do đó kinh tế Việt Nam thành lạc hậu và phụ thuộc vào kinh tế của đế quốc Pháp. Tình hình ấy khiến số rất đông Nhân dân, tức là công nhân và nông dân, cực khổ, khó khăn.

Giai cấp tiểu tư sản: bao gồm “phần tử trí thức, các nhà công nghệ và thương nghiệp nhỏ, thủ công nghệ, những người làm nghề tự do (thầy thuốc, luật sư...), công chức”[8, tr.258]. Theo Người, đại đa số trí thức và học sinh cũng thuộc về giai cấp tiểu tư sản. Họ cũng “cũng bị đế quốc và phong kiến áp bức, thường bị thất nghiệp, thất học”[8, tr.258].

So với công nhân, nông dân, thì giai cấp tiểu tư sản sướng hơn nhưng sinh hoạt của họ cũng không chắc chắn: Người có tiệm buôn, người có xưởng thủ công hoặc xưởng công nghệ nhỏ thì bị hàng ngoại hóa đè lên, không phát triển được. Lại bị thuế khóa nặng nề và tiền lãi cắt họng uy hiếp. Người làm thầy giáo, thầy thuốc, văn nghệ, vân vân, cũng không thể sung sướng trong lúc cả nước bần cùng. Những nhà tư sản dân tộc cũng bị đế quốc và phong kiến đè nén ngăn trở, không có đường ra, doanh nghiệp của họ rất bấp bênh và thường dễ phá sản. Vì lẽ đó, muốn giải phóng thì nhân dân, tức là công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, phải đoàn kết để đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến và tư sản mại bản”[8, tr.252-253].

Như vậy, trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, qua sự phân tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới chế độ thực dân phong kiến, thành phần giai cấp bao gồm: giai cấp bóc lột (bọn thực dân đế quốc, giai cấp phong kiến, địa chủ, tư bản mại bản), giai cấp bị bóc lột (nông dân, công nhân), giai cấp bị áp bức (tiểu tư sản) và giai cấp vừa là giai cấp bóc lột, vừa bị ngăn trở (tư sản dân tộc).

1.3. Vai trò của các giai cấp trong tiến trình Cách mạng Việt Nam

Thứ nhất, Hồ Chí Minh khẳng định, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng; đồng thời giải thích một cách thuyết phục về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và phản bác những ý kiến không đồng tình với vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Theo Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân xứng đáng là giai cấp lãnh đạo, chèo lái “con thuyền cách mạng”, tập hợp các giai cấp có chung lợi ích là do địa vị kinh tế - xã hội và đặc tính cách mạng của giai cấp này quy định. Người chỉ ra, giai cấp công nhân có phẩm chất: “kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật”, “thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác-Lênin”, có “Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin là Đảng Lao động Việt Nam”[8, tr.256-257] có đường lối đúng đắn để tập hợp mọi lực lượng và có phương pháp lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi. Người chỉ rõ: “vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo... Lãnh đạo được hay không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp. Giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến. Lại có những phần tử trí thức tham gia cách mạng và vô sản hóa. Thành thử đội ngũ chính trị của giai cấp công nhân ngày càng phát triển”[8, tr.256-257].

Thứ hai, với tính chất của cách mạng Việt Nam, theo Người, động lực cách mạng là những giai cấp ủng hộ và tham gia cách mạng. Những giai cấp ấy gồm: công nhân, nông dân, tiểu tư sản và thậm chí tùy từng thời kỳ thì giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng. “Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước, để thực hành dân chủ chuyên chính”[8, tr.262]. Hồ Chí Minh sớm nhận rõ mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam thuộc địa, nửa phong kiến là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam bị áp bức, bóc lột với thực dân Pháp và bọn bán nước, phản bội quyền lợi dân tộc. Người viết: “Tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới. Trong giai đoạn này, phải bảo vệ tư sản dân tộc, vì họ cũng chống đế quốc, chống phong kiến và họ là một lực lượng để phát triển công nghệ, nông nghiệp và thương nghiệp. Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”[8, tr.254]. Từ đó, Người kiên định với mục tiêu đã xác định để tập trung lực lượng giải quyết vấn đề dân tộc.

Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra: “địa vị của mỗi giai cấp khác nhau, cho nên đặc tính của mỗi giai cấp cũng khác nhau. Đặc tính khác nhau cho nên vai trò cách mạng cũng khác nhau”[8, tr.255]. Để cách mạng đi tới thắng lợi, Người cũng chỉ ra nhược điểm cần khắc phục, cải tạo của từng giai cấp trong tiến trình cách mạng: “vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ và lãnh đạo họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh”[8, tr.258]. Giai cấp tiểu tư sản thường mắc những nhược điểm rất lớn như: lý luận không đi đôi với thực hành, xem khinh lao động, tư tưởng mơ hồ, lập trường không vững vàng, khi hành động thường hay lung lay, tự tư, tự lợi, dời dạc, kém kiên quyết. Vì vậy, giai cấp công nhân cần phải tuyên truyền tổ chức giúp đỡ họ để phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm. Cần phải khôn khéo lãnh đạo họ để làm cho họ quyết tâm phụng sự nhân dân, cải tạo tư tưởng, cùng với công nông kết thành một khối, thì họ mới trở nên có tác dụng to lớn trong công cuộc kháng chiến, cách mạng[Xem:8, tr.258-259]. Giai cấp tư sản dân tộc họ sợ giai cấp bóc lột nổi lên đấu tranh lật đổ họ, cho nên trong cách mạng họ còn do dự, có tư tưởng thỏa hiệp. Vì vậy, giai cấp công nhân phải vừa đoàn kết họ, phải vừa đấu tranh với họ để bảo vệ quyền lợi của công nhân, góp sức cho cách mạng[Xem:8, tr.258-259].

2. Vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc củng cố liên minh giai cấp công nhân - nông dân và đội ngũ trí thức trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, liên minh giai cấp có tầm quan trọng đặc biệt trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân trong giành và giữ chính quyền; trong cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội mới, liên minh là điều kiện căn bản để giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với toàn xã hội; là cơ sở chính trị xã hội vững chắc của nhà nước xã hội chủ nghĩa; là lực lượng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm, đường lối của Đảng ta về tính tất yếu của liên minh công – nông – trí thức đã được thể hiện từ văn kiện Đại hội II của Đảng Lao động Việt Nam (1951): “Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính quyền dân chủ của Nhân dân... Lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng do giai cấp công nhân lãnh đạo”[2, tr.437]. Đến Đại hội X (2006) Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3, tr.116].

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện nhất quán, kiên trì đường lối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng của toàn dân tộc thành một khối thống nhất, đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nền tảng, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Liên minh công - nông - trí thức là thành tố cơ bản, chủ yếu nhất để tạo thành cốt lõi, linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở khối liên minh, các giai cấp, tầng lớp được phát triển và củng cố, góp phần làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng mở rộng và phát triển vững chắc. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”[5, tr.110].

Trong những năm qua, liên minh giai cấp ở Việt Nam được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sổng xã hộỉ, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, tư tưởng và đang tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một là, sự liên minh trên lĩnh vực chính trị giữa các giai cấp, tầng lớp thể hiện trước hết ở việc thiết lập Nhà nước dân chủ kiểu mới, đó là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện chúc năng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Sự liên minh chặt chẽ giữa công - nông - trí thức góp phần thay đổi bộ mặt chính trị - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực, trình độ tồ chức, quản lý; xây dựng hệ thống pháp luật phát triển đồng bộ, sát với thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Hai là, sự liên minh trên lĩnh vực kinh tế giữa các giai cấp, tầng lớp được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nội dung nổi bật trong thời kỳ hiện nay, là nền tảng vật chất của liên minh, tạo dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Nội dung kinh tế của liên minh công - nông - trí thức thực chất là sự liên kết, hợp tác của công nhân, nông dân, trí thức để xây dựng nền kinh tế mới xã hội chủ nghĩa, mà ở thời kỳ quá độ là nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hộỉ chủ nghĩa. Thực chất của liên minh giai cấp về kinh tế là sự kết hợp các lợi ích kinh tế nhằm thỏa mãn các nhu cầu kinh tế của các giai cấp, tầng lớp xã hội. Do đó, liên minh giai cấp về mặt kinh tế là phát hiện và giải quyết các nhu cầu kinh tế nảy sinh của các giai cấp và của toàn xã hội trong tùng bước đi của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là, nội dung văn hóa - xã hội của liên minh công - nông - trí thức, trong thực tế là sự đoàn kết, hợp lực,.. của công nhân, nông dân, trí thức để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới và xã hội văn minh. Nội dung văn hóa - xã hội này của liên minh thực chất là giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đảm bảo sự sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần của toàn thể nhân dân.

Kết luận

Như vậy, vấn đề giai cấp được Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm “Thường thức chính trị”vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, giá trị soi đường của những quan điểm trên của Người vẫn hiện diện đậm nét, ngày càng đầy đủ, sống động trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về giai cấp, dân tộc về củng cố liên minh giai cấp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] C.Mác, Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, tập 28, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 33, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[7] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, tập 39, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (Xuất bản lần thứ ba), tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội.

** Hiện nay, 50 bài viết này được in trong tập 8, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.245- 296.

Đọc thêm

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" đối với rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Tác giả: TRẦN THỊ THIỀU HOA - ĐẶNG MINH PHỤNG

(GDLL) - Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trau dồi, giữ vững đạo đức cách mạng. Trên cơ sở truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức nhân loại, Người phát triển và sáng tạo những giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bài viết tìm hiểu việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Ngô Quang Trung

(GDLL) - Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của cán bộ tuyên giáo, nhà báo trong bồi dưỡng nâng cao, quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhà báo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.

Vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: BIỆN THỊ HOÀNG NGỌC

(GDLL) - Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam bằng nhiều phương thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả. Bài viết trình bày sự sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 1930-1945 và một số vấn đề cần vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Tác giả: NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

(GDLL) - Trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao dân trí cho Nhân dân không chỉ là điều kiện để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người dân và xã hội mà hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích một số quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân, từ đó chỉ ra sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề "tự do tôn giáo"

Tác giả: NGUYỄN GIA HÙNG - KIM THỊ MỘNG NHI

(GDLL) - Không gian mạng có thể được hiểu là một không gian ảo, nơi con người có thể thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là nơi dễ bị kẻ xấu, các thế lực thù địch sử dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là lợi dụng về vấn đề “tự do tôn giáo”. Bài viết bước đầu nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” trên không gian mạng. Trên có sở đó, bài viết đưa ra các luận cứ nhằm đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề “tự do tôn giáo”.