![](/upload/images/nguyen trong nghia 05072004 01.jpg)
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử lao động sáng tạo, đấu
tranh kiên cường để dựng nước và giữ nước, đồng thời tiếp thu thành tựu của văn
hóa nhân loại, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hình thành nên nền văn hóa
Việt Nam với những giá trị độc đáo, phong phú và thống nhất trong đa
dạng.
Trong dòng chảy của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng
94 năm qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được
những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước.
Sau gần 40 năm đổi mới, sự phát triển xã hội, văn hóa,
con người đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ trí thức ngày càng tinh hoa
và đông đảo chưa từng có trong lịch sử. Văn hóa ngày càng phát triển đa dạng về
lĩnh vực, loại hình, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mới và mọi mặt của đời sống xã
hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ,
phát huy văn hóa Việt Nam cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, yếu kém,
tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi
trường văn hóa. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế
toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng, tạo ra nhiều cơ hội và thách
thức đan xen trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền
thống.
![](/upload/images/nguyen trong nghia 05072004 02.jpg)
Ngày 1-3-2019,
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể
chào mừng Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng
hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên
thăm hữu nghị chính thức Việt Nam
(Trong ảnh: Chủ tịch
Triều Tiên Kim Jong-un đánh thử nhạc cụ dân tộc Việt Nam)_Ảnh: TTXVN
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn
quốc ngày 24/11/2021, với quyết tâm lớn, nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính
trị, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những
bước chuyển biến quan trọng, từ nhận thức đến hiệu quả hành động. Những thành
tựu lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
những năm qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó
nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn
diện của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trải qua nhiều cương vị công tác, với những trọng
trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành tâm huyết rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và
phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng chí Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2024), 99 năm ngày Báo chí cách
mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) có ý nghĩa rất quan trọng. Với 92 bài
viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của đồng chí
Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian
60 năm qua được tuyển chọn trong cuốn sách đã hệ thống hoá sự lãnh đạo, chỉ đạo
của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên, Nhân
dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hoá,
để văn hoá thật sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh
cho phát triển đất nước. Các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu
sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền
văn hoá Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập,
tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hoá, con người Việt Nam
trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.
Những điểm nhấn quan trọng trong cuốn sách Xây dựng và
phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thể hiện
cụ thể:
Thứ nhất, đồng chí Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ
những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt lõi trong đường lối của Đảng đối với sự
nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng chí đã phân
tích, kiến giải và chỉ đạo những nội dung quan trọng về đặc trưng, bản chất, vị
trí, vai trò, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để phát huy vai
trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động
lực quan trọng để phát triển đất nước. Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của
đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách được rút ra từ thực tiễn phong phú, khẳng
định tầm nhìn xa, rộng, sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện, đầy sức thuyết phục của
đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về văn
hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực
phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài
hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn
bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta
xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa
dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và
phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước,
tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một
xã hội tiến bộ, văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con
người… Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển
văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi
mới”.
Cuốn sách đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là cuốn cẩm nang
quý báu giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên
nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con
người Việt Nam trong thời gian tới.
![](/upload/images/nguyen trong nghia 05072004 03.jpg)
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc
Thứ hai, đồng chí Tổng Bí thư đã hệ thống một
cách xuyên suốt và biện chứng về quá trình vận động, phát triển và những giá
trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhất
là trong thời đại Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút những vấn
đề có tính quy luật khách quan, có giá trị định hướng rất sâu sắc về đường
hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc; trong đó trọng tâm là xây
dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực
con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời có những gợi ý rất quan trọng
về các thành tố trong từng hệ giá trị. Hệ giá trị quốc gia: Hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,
hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc,
dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình: Ấm
no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chuẩn mực con người Việt Nam
thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung
thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... Đây là những giá trị tốt đẹp, tiêu
biểu, cốt lõi, được kế thừa và phát triển từ truyền thống dân tộc, trên nền
tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như qua các kỳ Đại
hội của Đảng. Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị
gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới chính là cách để chúng ta
củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng để
xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, cuốn sách là một công trình có ý
nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng làm rõ bản sắc, hoạch định đường hướng căn
bản và lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, góp
phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, với kiến thức chuyên sâu và sự am
hiểu về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, từ văn học, sân khấu đến mỹ thuật
nhiếp ảnh, thể dục thể thao, từ ca dao, dân ca đến ca trù, quan họ, từ những
làn điệu chèo đến những câu hò ví dặm, hay đờn ca tài tử,... phản ánh bản sắc
văn hóa của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước như Thăng Long - Hà Nội,
Bắc Ninh - Kinh Bắc đến Phú Thọ, Thái Bình, dân ca Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam
Bộ... Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có những dẫn chứng rất sinh động và lập luận
thuyết phục, định hướng vừa mang tầm chiến lược, bao quát, nhìn xa trông rộng,
lại vừa rất cụ thể, gần gũi. Nói về vai trò của văn học, nghệ thuật - “tiếng
nói của tình cảm” và các nhà văn - “người dự báo”, “thư ký của thời đại”, đồng
chí chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay
động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ
sĩ”; “Sự nghiệp sáng tạo văn học đòi hỏi phải có những người có tài năng, có
tâm hồn, có nhân cách, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn”. Để hoàn
thành nhiệm vụ của mình, nhà văn cần có “khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả,
hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực
tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá
nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng
góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn chương như là thú vui, giải trí hoặc một
cuộc chơi, một đam mê tầm thường”, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều
cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da”.
Với nghệ thuật sân khấu, đồng chí đề nghị cần “sáng
tạo được nhiều vở diễn có giá trị về dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam
đang dũng cảm vượt qua thử thách, đẩy nhanh tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước”, đồng thời sáng tạo, dàn dựng nhiều vở diễn về lịch sử,
cách mạng, kháng chiến ở tầm cao mới, xứng đáng với sự tích hào hùng của dân
tộc ta, nhân dân ta; bởi “cuộc sống đang rất cần những vở diễn mang hơi thở
cuộc sống, mang tầm vóc của dân tộc và thời đại, thu hút và hấp dẫn được đông
đảo người xem”. Người nghệ sĩ sân khấu phải tự nguyện tham gia sự nghiệp cách
mạng, thường xuyên bồi dưỡng cả về phẩm chất và tài năng - những nhân tố quyết
định sự thành công trong hoạt động sáng tạo để đóng góp cho nhân dân, cho đất
nước những tác phẩm hay.
![](/upload/images/nguyen trong nghia 05072004 04.jpg)
Du khách giao
lưu, tìm hiểu về nghệ thuật Chèo với các diễn viên.
Ảnh:
Thanh Giang/VNP
Về vai trò của văn hóa, văn nghệ trong giáo dục, bồi
dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách con người, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng
định: “Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm
chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ
gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại
giá trị đạo đức xã hội, “hội nhập mà không hòa tan”. Để tạo điều kiện cho văn
hóa phát triển, đồng chí khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, tạo
điều kiện, có cơ chế đặc thù và tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ,
song mỗi người nghệ sĩ cũng phải “vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có trình
độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật,
phù hợp với yêu cầu thực tiễn”. Chỉ khi có khát vọng và hoài bão lớn lao, tầm
nhìn xa rộng và tư duy sâu sắc thì người nghệ sĩ mới có tác phẩm hay, có giá
trị tư tưởng và nghệ thuật cao, những tác phẩm “phản ánh tâm hồn và tính cách
dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương
lai”.
Với quan điểm: con người Việt Nam là sự kết tinh của
văn hóa Việt Nam; xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng chính là quá
trình thực hiện chiến lược con người, trong đó giáo dục và đào tạo được coi là
quốc sách hàng đầu, do vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc
biệt tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong các chuyến thăm, làm việc với các
cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, các học viện, trường đại học, cao
đẳng, trường phổ thông,... đồng chí nhiều lần nhắc nhở: “Nâng cao dân trí, đào
tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là công việc vừa có tính chiến lược, vừa mang
tính cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là trách nhiệm của các nhà
trường, của ngành giáo dục - đào tạo”. Nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo là “xây
dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng
lực sáng tạo, ý thức công dân,... làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy
con người tự hoàn thiện nhân cách”. Đó chính là việc đào tạo “người có văn
hóa”, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, có nhân cách, có bản lĩnh, có
lòng yêu nước, thiết tha gắn bó với nhân dân, sẵn sàng đóng góp công sức, trí
tuệ để xây dựng và bảo vệ đất nước. Luôn hy vọng vào tương lai thế hệ trẻ, đồng
chí Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước
Việt Nam giang sơn vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai
sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường”.
![](/upload/images/nguyen trong nghia 05072004 05.jpg)
Ý thức quốc gia
- dân tộc Việt Nam được hình thành, vun đắp và phát triển bởi các thế hệ người
dân Việt Nam và là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài
lịch sử
(Trong ảnh: Mùa xuân
biên cương)
Kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt
Nam, mặc dù làm công việc gì, ở cương vị nào, cả khi đã là lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn thường xuyên viết thư hỏi thăm sức khoẻ các
thầy, cô giáo cũ. Trong các bài phát biểu, bài viết, đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với các cơ
quan, đơn vị, tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, cán bộ làm
công tác văn hóa. Đồng chí luôn luôn nhấn mạnh phải chú ý phát huy tài năng,
tâm huyết, động viên sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc
tham gia phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước; khuyến khích các tài năng
trẻ và có hình thức tôn vinh xứng đáng các văn nghệ sĩ có công lao đối với sự
nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa. Văn hóa là sự nghiệp của Nhân dân,
do vậy mỗi người dân phải tích cực tham gia, đóng góp vào việc sáng tạo nên
những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, vun đắp cho nền văn hóa dân tộc ngày
một hoàn thiện, cao đẹp hơn.
Đồng chí Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò, trách nhiệm
và những đóng góp nổi bật của các địa phương, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng
viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc giữ gìn, xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam thông qua các hoạt động thiết thực như đẩy mạnh phong
trào thi đua yêu nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn
hóa cơ sở; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; biểu dương những tấm gương điển
hình trong việc thực hiện hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con
người Việt Nam trong giai đoạn mới; kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân
tộc,...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất chú trọng tới
việc giữ vững và phát huy vai trò tiên phong của báo chí, xuất bản trên mặt
trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất
nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có quá trình công tác ở Tạp chí Cộng sản gần 30
năm, rèn luyện, trưởng thành từ một biên tập viên của Tạp chí, nên đồng chí
hiểu rất rõ vai trò, nhiệm vụ của nghề báo và nhà báo: “Nghề báo thật sự là một
nghề cao quý, một nghề có ích cho xã hội”; “Nhà báo trước hết phải hiểu đúng và
nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Trực
tiếp làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận của Đảng, tiếp đó là
Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của
Đảng, là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công
tác lý luận của Đảng, Đồng chí đã nhiều lần làm việc, nói chuyện, chia sẻ kinh
nghiệm với cán bộ, biên tập viên các cơ quan báo chí chủ lực và các báo, tạp
chí chuyên ngành. Đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí cần thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ là đội quân chủ lực, tiên phong trên mặt trận tư tưởng, “góp
phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh,
trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ
vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc”. Với vốn
kiến thức phong phú, sự am hiểu sâu sắc của một cử nhân Khoa Văn, Trường Đại
học Tổng hợp Hà Nội năm xưa, nay là Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư của Đảng, có
kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo, cùng với quá trình không ngừng
tự học tập, tự rèn luyện, đồng chí chia sẻ: Mỗi phóng viên, biên tập viên, nhà
báo phải có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, chịu khó học tập, kiên trì
rèn luyện “để vừa có phẩm chất chính trị vững, có đạo đức nghề nghiệp tốt, vừa
có đủ trình độ, năng lực nghiên cứu và biên tập được, viết bài được”, cần “cẩn
trọng trong từng câu, từng chữ”, luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút để “văn
phong đĩnh đạc, trong sáng; lập luận chặt chẽ, rõ ràng, dẫn chứng sắc sảo,
chính xác, có sức thuyết phục cao” thì mới có được bài báo hiệu quả nhất.
Đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam - một
binh chủng quan trọng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, Tổng Bí thư yêu
cầu phải “luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa
giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ
văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành
sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ
giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và
hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong
những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”. Những bài
viết, bài nói, bài phát biểu, thư... của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong cuốn
sách cho thấy sự am hiểu sâu sắc, toàn diện về bản chất và đặc trưng văn hóa
Việt Nam của người đứng đầu Đảng ta.
![](/upload/images/nguyen trong nghia 05072004 06.jpg)
Đồng chí Nguyễn
Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan các gian trưng bày sách tại khu vực Hồ
Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sự đồng
tình hưởng ứng, tinh thần quyết tâm và sự vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ, sáng
tạo của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ trí thức,
nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân là minh chứng rất thuyết
phục về vai trò, những đóng góp quan trọng và rất đặc biệt của đồng chí Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra
mắt trong thời điểm hết sức quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã
và đang nỗ lực, đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách
thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng
ta đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy trí tuệ
của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp
Nhân dân tham gia tổng kết lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới đất nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; tổng kết 10 năm
thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa,
con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẩn trương
chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIV của Đảng…
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một đóng góp quan trọng của đồng chí
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở
thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của
nước ta. Cuốn sách là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về tư
duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Đảng ta đối với sự nghiệp xây
dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc, việc ra mắt cuốn sách, cùng với sự lãnh đạo sáng
suốt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính
trị, sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ trí thức, của văn nghệ sĩ, các tầng lớp
Nhân dân, sự nghiệp chấn hưng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn
nữa trong thời gian tới; trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước ta
phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.
(theo tuyengiao.vn)