Thứ Tư, ngày 16/10/2024, 10:24

Thực hiện chính sách xã hội đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay

Vũ Trường Giang
Học viện Chính trị khu vực I.

(GDLL) - Bài viết phân tích và làm rõ: i) quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới; ii) chỉ rõ những thành tựu về thực hiện chính sách xã hội đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Từ đó, bài viết cung cấp những luận cứ về chính sách xã hội đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tín dụng chính sách xã hội

(nguồn news.vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Chính sách xã hội là vấn đề quan trọng ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của các dân tộc thiểu số, cũng như sự ổn định, phát triển xã hội trong chiến lược phát triển của đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, đầu tư cho vùng núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS;) thực hiện toàn diện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đối với các DTTS góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các DTTS. Thông qua các chính sách này đã giúp đời sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS.

1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam với vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, việc nhận thức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã có bước đột phá, tạo cơ hội, tiền đề và hiệu quả trong sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo vững chắc về quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số. Với ý nghĩa như vậy ngày 27/11/1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW: “Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”[1]. Ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa IX) ban hành Nghị quyết chuyên đề về Công các dân tộc, xác định 5 quan điểm chỉ đạo về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới[4]. Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW: “Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IXvề công tác dân tộc trong tình hình mới”[2].

Hiện nay, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các văn bản chỉ đạo như Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 7, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Nghị định về công tác dân tộc, quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “1. Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, chia rẽ, phá hoại đoàn kết các dân tộc; 2. Lợi dụng các vấn đề về dân tộc để tuyên truyền xuyên tạc, chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 3. Lợi dụng việc thực hiện chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; 4. Các hành vi khác trái với quy định của Chính phủ”. Nghị định có 13 điều quy định về thực hiện chính sách dân tộc: Điều 8. Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; Điều 9. Chính sách đầu tư phát triển bền vững; Điều 10. Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Điều 11. Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; Điều 12. Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; Điều 13. Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; Điều 14. Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số; Điều 15. Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; Điều 16. Chính sách y tế, dân số; Điều 17. Chính sách thông tin - truyền thông; Điều 18. Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; Điều 19. Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; Điều 20. Chính sách quốc phòng, an ninh[3].

Nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các văn bản chỉ đạo như Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong Hiến pháp năm 2013, tại các Điều có nêu như: Điều 5, Khoản 2 “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”; Khoản 4 “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”; Điều 58, Khoản 1 “...có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn”; Điều 61, Khoản 3 “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và các vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn...”; Điều 70, Khoản 5 “...Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định các nguyên tắc trong chính sách dân tộc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”[5, tr.170].

2. Một số thành tựu về thực hiện các chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Về hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm:

Công tác xóa đói giảm nghèo vùng DTTS được Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm, được thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2018, có 1.052 xã (chiếm 22,9%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106 xã từ diện đặc biệt khó khăn đã trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện (chiếm 6%) vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới[9, tr.137-138].

Về bảo hiểm y tế:

Cùng với việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ðảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) phát miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào được khám, chữa bệnh (KCB) ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, được BHYT chi trả tiền thuốc, vật tư y tế.

Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở KCB, trang thiết bị y tế, nhất là đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã. Theo đó, đã có 87 trạm y tế từ Dự án hỗ trợ ngành y tế của EU giai đoạn 1, 288 trạm y tế từ Dự án hỗ trợ ngành y tế của EU giai đoạn 2,58 trạm y tế từ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2... được xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2018. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao, năm 2016 có 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; năm 2017 đạt 92,05% và năm 2018 là 93,68%. Ðồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào được KCB ở tất cả cơ sở y tế trên địa bàn và được Quỹ BHYT chi trả[8].

Về giáo dục:

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với học sinh vùng DTTS và miền núi như: Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 116/2016/NĐ-TTg, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, ngày 8/12/2020 quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số... Đồng thời, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án, cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS. Nhờ đó, mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS được củng cố phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các DTTS.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 49 tỉnh, thành đã có 325 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 105.818 học sinh, và 1.124 trường PTDTBT với 237.608 học sinh. Trong số đó có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT dần được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt trên 95%. Hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng; 13% vào cử tuyển hoặc vào trường dự bị đại học; khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề...[7].

Về đất ở và nước sinh hoạt:

Trong giai đoạn 2017-2021, nhằm giải quyết bức xúc về tình trạng đất ở, nhà ở cho đồng bào DTTS, hơn 9.500 hộ người DTTS được thực hiện hỗ trợ đất theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Chính phủ cũng đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng DTTS. Giai đoạn 2013 - 2020, thực hiện theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã xây 476 công trình nước sinh hoạt tập trung tại vùng DTTS, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 73.770 hộ người DTTS. Năm 2014, tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 73,3%, năm 2019 đạt 88,6%[9, tr.139].

Về bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021: “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội”; Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, ngày 7/12/2021: “Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng”.

Giai đoạn 2015 - 2020, Trung ương đã hỗ trợ các địa phương (đa số thuộc vùng DTTS) hơn 313.000 tấn gạo, hơn 2.200 tỷ đồng để cứu trợ đột xuất, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai và không thiếu đói trong dịp Tết nguyên đán. Các tỉnh, thành phố cũng huy động ngân sách địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các đối tượng cần trợ giúp. Đặc biệt, trong dịp đại dịch COVID-19, hơn 7 triệu người thuộc hộ nghèo và cận nghèo đã được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5.400 tỷ đồng, hơn 50% số này là hộ đồng bào DTTS[9, tr 139].

Về tiếp cận thông tin:

Tính đến năm 2019, có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương (trong đó có phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS, cùng với gần 100 báo giấy, điện tử và hơn 200 trang thông tin điện tử đã cung cấp thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân vùng DTTS, nhất là tại các địa bàn khó khăn.

Từ năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phát sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Các hộ nghèo, cận nghèo DTTS được Nhà nước hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích[9, tr 139-140].

Về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý:

Từ năm 2017 đến năm 2021, các địa phương trên cả nước đã phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức 348.016 hội nghị, lớp tập huấn PBGDPL cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự; xây dựng, phát sóng 36.487 chương trình truyền hình, 95.679 chương trình phát thanh (trong đó, có các chương trình truyền hình, phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số); biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu, pa nô, băng rôn để PBGDPL, tuyên truyền chính sách dân tộc với số lượng 2.459.866 cuốn sách, sổ tay pháp luật, 1.780.791 tờ rơi, tờ gấp, 47.015 pa nô, băng rôn (bao gồm cả tài liệu song ngữ, tài liệu bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số); PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (chương trình, chuyên trang, chuyên mục trên truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, bao gồm cả các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số)...[10].

Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý cho người yếu thế nói chung và chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số nói riêng, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trên toàn quốc đã có nhiều nỗ lực để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng... qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính - khiếu nại, tố cáo... Trong thời gian từ 01/01/2018 đến 31/10/2022, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 157.504 vụ việc cho 157.504 lượt người, trong đó có 49.569 người dân tộc thiểu số. Thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật[6].

Kết luận

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện, cương lĩnh của Đảng. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính sách dân tộc là một trong những nguyên tắc Hiến định, quy định tại Hiến pháp năm 2013. Những năm qua, cùng với việc nhất quán thực hiện bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Những kết quả trong thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đối với các DTTS của Chính phủ Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là minh chứng thuyết phục phản bác lại các luận điệu xuyên tạc về chính sách xã hội đối với DTTS ở Việt Nam hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Chính trị (1989), Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, số 22/NQ-TW, Hà Nội, ngày 27/11/1989.

[2] Bộ Chính trị (2019), Kết luận của Bộ Chính trị về về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, số 65/KL-TW, Hà Nội, ngày 30/10/2019.

[3] Chính phủ (2011), Nghị định về Công tác dân tộc, số: 05/2011/NĐ-CP, Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2011.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Thu Hiền (2022), Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số - Thực trạng và giải pháp, https://tgpl.moj.gov.vn

[7] Thúy Hồng (2022), Những bước tiến vượt bậc của giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, https://baodantoc.vn

[8] Mạnh Khương (2019), Bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, http://danvan.vn

[9] Hầu A Lềnh (2023), An sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số - Vấn đề và giải pháp, in trong chuyên đề: Chính sách xã hội toàn diện, bao trùm, hiện đại, vì con người gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 7.

[10] Minh Tùy (2022), I, https://pbgdpl.moj.gov.vn

Đọc thêm

Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC HẠNH

(GDLL) - Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là một xu thế tất yếu, hàm chứa cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa. Trên cơ sở khái quát bối cảnh tình hình tác động và những kết quả nổi bật trong tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng những năm qua bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong tình hình mới.

Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam

Tác giả: NGUYỄN ANH CƯỜNG - HOÀNG ANH TÚ - TRIỆU THANH CHÚC

(GDLL) - Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về lợi ích quốc gia - dân tộc, bài viết phân tích sự kiên định về lợi ích quốc gia - dân tộc trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam và khẳng định việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị

Tác giả: PHẠM TÚ TÀI - CHU THỊ LÊ ANH

(GDLL) - Phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng xác định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm cơ sở khẳng định đây là động lực mới, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, bài viết cũng tập trung đánh giá thực trạng, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Nghị quyết 27-NQ/TW

Tác giả: TRẦN THỊ THANH MAI

(GDLL) - Sự ra đời của Nghị quyết số 27- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 09/11/2022 Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ một số quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó thấy được giá trị lý luận và thực tiễn của Nghị quyết.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Tác giả: NGUYỄN VĂN NGHĨA

(GDLL) - An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bài viết khái quát quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, thực tiễn về bảo vệ an ninh quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.